Trong cuộc sống ngày nay, con người phải đối mặt với biết bao nhiêu vấn đề phức tạp và thật khó để có thể điều khiển mọi thứ theo ý muốn của mình. Vì vậy, căng thẳng là điều mà ai cũng có dễ dàng mắc phải.

Những lúc như thế, chúng ta thường cảm thấy muốn la hét, quậy phá hay đập vỡ một cái gì đó để giải tỏa. Nhưng càng cố gắng, con người càng cảm thấy mệt mỏi và bức bối hơn. Thế nên, tìm hiểu và thực hành những biện pháp xả stress là điều vô cùng quan trọng. Bài viết vừa nêu lên những phương pháp khoa học vừa là những phương pháp tu tập, hành trì để giảm bớt những lo âu, muộn phiền mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống.

Xả bỏ stress

1.    Thực tập bằng phương pháp khoa học

–    Hít thở thật sâu: Khi đang nóng giận hoặc cảm thấy không thể kiềm chế được bản thân trước một vấn đề nào đó, bạn nên hít thở thật sâu và thở ra từ từ. Việc này sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn để xử lý công việc của mình.

–    Cố gắng tự mình nở một nụ cười sáng khoái nếu cảm thấy căng thẳng quá.

–    Nên cởi bỏ giày của bạn ra. Tại văn phòng, nam giới nên bỏ giày và nữ giới nên tạm rời ra những đôi giày cao gót chật chội, lênh khênh. Bạn sẽ thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Thêm vào đó, nếu bạn đang thắt một chiếc cà vạt quá chật, hãy nghĩ đến việc nới lỏng nó ra sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều.

–    Hãy ăn hoặc uống một thứ gì đó mà bạn yêu thích. Niềm vui của khẩu vị cũng giúp chúng ta cảm thấy dễ chịu đi rất nhiều nhiều.

–    Xem những clip, video hài: Bạn có thể xem những đoạn clip vui nhộn hoặc những CD hài hước của các diễn viên hài mà bạn yêu thích. Khi cười và theo dõi nội dung của các chương trình đó, bạn sẽ cảm thấy sự mệt mỏi cũng vơi đi phần nào.

–    Trong khi đang làm việc, nếu thấy bế tắc trong vấn đề xử lý, bạn đừng nên cố gắng ép mình phải ngồi tại bàn thêm nữa để tìm ra nguyên nhân hay hứng thú để tìm tục giải quyết vấn đề trên mà nên đứng dậy khỏi ghế làm việc, vươn vai và ra khỏi phòng, bạn có thể đi toilet hoặc ra ngoài phòng khoảng 2 – 3 phút để thấy bớt căng thẳng hơn.

–    Làm việc có khoa học: Chúng ta không nên làm việc ôm đồm, một lúc quá nhiều việc và còn vì nể mà nhận luôn cả phần việc người khác. Như vậy, chúng ta sẽ càng trở nên căng thắng và bức bối hơn mà thôi. Hãy sắp xép công việc thật hợp lý bằng nhật ký công việc, những việc làm tuần tự theo thời gian, mức dộ ưu tiên.

Xả bỏ stress
Không nên ôm đồm quá nhiều việc

–    Không nên viết nhật ký về những nỗi buồn, u sầu và những thất vọng vào nhật ký vì sẽ làm chúng ta luôn sống trong đau khổ mỗi khi đọc lại những gì mình đã viết.

–    Thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội có ích hoặc các hoạt động cộng đồng, là nơi chúng ta có thể vui chơi, chia sẻ các cảm xúc và xua tan đi những âu lo trong cuộc sống.

–    Tập dịch chân kinh: Đây là phương pháp giúp xả bỏ stress hiệu quả, bạn có thể thực hiện tại nơi làm việc trong vài phút và tập lâu hơn vào buổi sáng hoặc buổi chiều. Cách tập như sau:

a) Đứng hai bàn chân bằng khoảng cách hai vai.

b) Hai cánh tay duỗi thẳng theo vai, các ngón tay xoè thẳng, lòng bàn tay quay ra sau.

c) Bụng dưới thót lại, lưng thẳng. Bụng trên co lại, cố để lưng, đầu và miệng bình thường.

d) Các đầu ngón chân bám trên mặt đất, gót sát đất, bắp chân và đùi chân căng thẳng.

e) Hai mắt chọn một điểm đằng xa làm mục tiêu để nhìn, không nghĩ ngợi lung tung, luôn chú ý vào các ngón chân đang bám đất. Đùi vế bắp chân cứng. Thót hậu môn thật chặt và nhẩm đếm.

f) Dùng sức vẫy hai tay về phía sau, khi trả hai bàn tay lại phía trước, chú ý để nó buông theo quán tính, tuyệt đối không dùng sức. Tuy nhiên chân vẫn lấy gân cứng lên, hậu môn vẫn thót và co lại không lơi lả.

g) Vẫy tay từ 200, 300, 400, 500, 600, 700 lần, dần dần tăng lên tới 1,800 lần vẫy, (1,800 ước chừng 30 phút).

h) Phải có quyết tâm đều đặn tập trung vào sự luyện tập, không nôn nóng tập nhanh, tập nhiều vì dục tốc bất đạt. Nhưng cũng không tùy tiện bửa tập nhiều, bửa ít hoặc nghỉ tập, vì như vậy sẽ làm mất lòng tin trong luyện tập, khó có hiệu quả.

2.    Xả stress theo phương pháp Phật giáo.

Để giảm bớt những muộn phiền, đau khổ hoặc bức bối trong cuộc sống, chúng ta có thể thực tập theo những phương pháp của nhà Phật như sau:

–    Con người đang tự hành hạ mình mà không hề hay biết, chẳng hạn chúng ta cứ vừa làm việc vừa ăn cơm hoặc nghe điện thoải để giải quyết công việc. Điều đó chẳng có lợi gì có sức khỏe bản thân. Hãy tự sắp xếp cuộc sống của mình đầu tiên bằng phương pháp chánh niệm trong Phật giáo. Vào giờ ăn, bạn chỉ nên tập trung ăn uống, sau đó đi kinh hành nhẹ nhàng, vừa đi bạn có thể vừa niệm Phật để tâm được an tĩnh trở lại.

–    Tụng kinh hoặc đọc kinh, chúng ta có thể mở một bài kinh ra đọc với lòng tôn kính, tập trung vào bài kinh thấy chúng ta bớt căng thẳng liền. Khi chúng ta nghĩ rằng tụng kinh sẽ được phước nên mức độ tập trung cao hơn. Khi tập trung đọc kinh sẽ giúp ta rũ bỏ hết muộn phiền. Khi tụng kinh, chúng ta cũng không nên tụng nhanh để được nhiều mà quan trọng là khi đọc tụng kinh, ta có hiểu những nội dung mà bài kinh đó nói hay không. Tụng kinh không chỉ gia tăng phước mà còn giúp trí tuệ được mở mang.

–    Không nên kỳ vọng quá nhiều vào người khác: Chúng ta không nên kỳ vọng quá nhiều vào cha mẹ, vợ/ chồng, bạn bè. Bởi nếu đặt quá nhiều niềm tin vào họ, một khi họ không thể đúng như ta mong muốn, ta sẽ cảm thấy thất vọng và rơi vào cảm giác khổ đau.

–    Phương pháp hít thở thiền: Chúng ta nên thực tập phương pháp thực tập thiền định, quán niệm hơi thở để có tâm an định, giúp giảm đi stress trong cuộc sống. Cách thực tập có thể kể đến như sau:

Xả bỏ stress
Thực tập thiền định trong làm việc giúp giải tỏa stress

“I. Chuẩn Bị Tư Thế Ngồi Thiền

1. Thân: Bạn có thể ngồi xếp bằng, kiết già, bán già, hoặc ngồi trên ghế thả hai chân xuống đất nhưng phải ngồi thẳng lưng để cho cột sống thẳng hàng. Hai bàn tay xếp bằng, gác trên chân ngay dưới bụng hoặc để trên hai đầu gối. Tư thế ngồi phải vững chãi, thảnh thơi, và an lạc.

2. Tâm: Tập trung sự chú ý (chú tâm) của bạn vào điểm xúc chạm của hơi thở tại vùng cửa mũi hay môi trên. Nếu cảm thấy khó chịu hay căng thẳng, có thể chuyển sự chú tâm vào vùng dưới rốn hoặc để tâm ngay trước mặt. Sự chú tâm trong lúc ngồi thiền phải đầy đủ ba yếu tố của chánh niệm (mindfulness) đó là: tỉnh thức (awareness), chú ý (attention), và tỉnh giác (alertness).

3. Hơi thở: Để hơi thở vô / ra tự nhiên; không cố làm cho hơi thở dài thêm hai ngắn lại. Thở đều đặn, nhẹ nhàng một cách tự nhiên.Ghi nhớ hơi thở là đối tượng duy nhất trong suốt thời gian hành thiền. Thỉnh thoảng nếu bị phóng tâm (nghĩ đến chuyện khác), bạn phải cố gắng tỉnh thức và đem tâm trở về an trú trên đối tượng thiền bằng cách theo dõi luồng hơi thở vô ra và dán chặt tâm nơi điểm xúc chạm ở cửa mũi hay phồng xẹp ở bụng. Hãy hình dung rằng hơi thở vô-ra là cái cộc; niệm (sự chú tâm) là sợi dây vô hình dùng để buộc tâm vào đối tượng thiền quán, không cho nó phóng túng.

II. Ba Bước Thực Tập Thiền Căn Bản

1. Bước một:

Biết rõ: Hơi thở vô, ra, dài, ngắn.

Bạn chỉ đơn thuần theo dõi và nhận biết rõ ràng hơi thở vô dài / hơi thở ra dài, hoặc hơi thở vô ngắn / hơi thở ra ngắn. Ở đây, bạn chỉ cố gắng biết rõ bốn biểu hiện của hơi thở: vô / ra; dài / ngắn. Phải biết rõ các biểu hiện của từng hơi thở một cách cụ thể để giữ tâm tỉnh thức, không tán loạn (suy nghĩ lung tung) và đạt đến sự định tâm. Khi tâm trở nên yên tịnh (không còn phóng tâm) và hơi thở trở nên nhẹ nhàng, bạn có thể chuyển qua bước hai kế tiếp.

2. Bước hai:

“Cảm giác toàn thân hơi thở vô”—“Cảm giác toàn thân hơi thở ra”
Cố gắng nhận biết rõ toàn thể hơi thở, bao gồm: điểm đầu-giữa-cuối của hơi thở vô, và điểm đầu-giữa-cuối của hơi thở ra. Đây là sự nỗ lực ghi nhận toàn thể luồng hơi thở một cách rõ ràng. Điểm quan trọng của bước thực tập này là bạn nên để sự chú ý (niệm) ngay tại điểm xúc chạm và nhận biết luồng hơi thở vô ra một cách trọn vẹn. Không nên đem tâm đi theo luồng hơi thở vào bên trong cơ thể hay đi ra khỏi điểm xúc chạm; vì làm như thế tâm bạn sẽ trở nên tán loạn.

3. Bước Ba:

“An tịnh thân hành, tôi thở vô”—An tịnh thân hành, tôi thở ra”
Cố gắng duy trì chánh niệm và tỉnh giác về hơi thở một cách liên tục với quyết tâm làm cho hơi thở, thân, và tâm trở nên an tịnh. Nếu hơi thở vẫn chưa dịu dàng, an tịnh, bạn nên thầm khởi niệm rằng “Nguyện cho hơi thở của tôi được an tịnh.” Khi phát khởi quyết tâm như thế, hơi thở sẽ dần trở nên an tịnh. Hơi thở an tịnh thì thân và tâm sẽ an tịnh. Ở bước này, hơi thở thường trở nên rất vi tế khó nhận diện; có lúc nó dường như không hiện hữu, nhưng đấy chỉ là cảm giác an tịnh của hơi thở. Bạn cứ giữ tâm tại điểm xúc chạm, hơi thở sẽ xuất hiện rõ ràng trở lại.” (Hướng dẫn thực tập Thiền căn bản: Quán niệm hơi thở. http://www.cattrang.org/).

Đối mặt với những vấn đề trong cuộc sống từ công việc, gia đình, các mối quan hệ khác trong xã hội, con người chúng ta không tránh khỏi những lúc mệt mỏi, chán chường. Những stress như là liều thuốc độc bào mòn dần cơ thể và kiệt quệ về tinh thần con người. Vì vậy, việc tìm những phương pháp giúp cân bằng cảm xúc là điều vô cùng quan trọng. Bài viết nêu lên phương pháp loại bỏ căng thẳng theo khoa học và theo tinh thần Phật giáo với mong muốn những người yêu mến Phật pháp vừa có những cách loại trừ phiền não vừa gia tăng phước báu và mở mang trí tuệ, mỗi giây mỗi phút trong cuộc đời đều có được an lạc tự thân.

Ngọc Linh

Theo Phật Pháp Ứng Dụng