Chuyện Tây du của Ngài Pháp sư Đường Tam Tạng (hay Đường Huyền Trang) là một sự kiện có thật trong lịch sử Trung Quốc;

Song ngày nay, nhiều nguồn tài liệu vẫn viết không khớp, thậm chí lệch lạc về câu chuyện lịch sử thiêng liêng và ly kỳ này. Tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân là một ví dụ điển hình. Vì vậy, việc tìm lại một Đường Huyền Trang trong hiện thực là một việc làm cần thiết hơn bao giờ hết của lớp hậu thế.

Xuất thân của nhà sư Đường Huyền Trang trong hiện thực lịch sử Trung Quốc

Phật giáo du nhập vào Trung Quốc vào  những năm đầu Công nguyên từ Trung Á, nhưng thật sự manh nha nhất là vào thế kỉ II (đời vua Minh Đế, nhà Hậu Hán)[1]. Kể từ đó, trải qua các triều đại phong kiến Trung Quốc, tư tưởng Phật giáo luôn giữ một vị trí độc tôn trong xã hội và được các đời đế vương lấy làm thước đo để quản lý xã hội. Lịch sử Trung Quốc cũng đã từng có những tên tuổi gắn liền với những bước chuyển mình của Nho Giáo hay Phật Giáo, trong đó có tên tuổi của Đường Huyền Trang. Câu chuyện đi Tây Thiên (Ấn Độ) thỉnh kinh của Đường Huyền Trang là một sự thật lịch sử. Trong thực tế, nhiều giai thoại về Đường Huyền Trang xuất hiện rất nhiều trong dân gian. Vì vậy, đôi lúc người đời hiểu chưa đúng, có khi còn sai lệch về con người này nếu thiếu trung lập mà tin ở một tài liệu nào đó có tính phiến diện.

10 tuổi vào nương nhờ cửa Thiền…

Đường Huyền Trang tên thật là Trần Huy (có tài liệu ghi là Trần Vĩ), sinh vào khoảng năm 603 trong một gia đình gia giáo tại Lạc Dương, nằm ở phía Bắc Trung Quốc, nay thuộc tỉnh Hà Nam. Cha Ngài vốn là bậc quan lại triều đình, nhưng vì thấy thời thế loạn li nên đã cáo lão về quê từ rất sớm [2]. Năm lên 5 tuổi, Huyền Trang bị mồ côi mẹ. Tiếp đó, năm lên 10 tuổi, cha Ngài cũng qua đời sau một cơn bạo bệnh. Từ đó, Huyền Trang phải sống với những tháng ngày vất vả, cực khổ và tủi nhục. Ông từng ngày, từng giờ phải sống chật vật với cuộc sống mưu sinh, bị xã hội coi khinh. Thời gian trôi qua, cuối cùng ông cũng tìm được đến với cửa Phật để tiếp tục cuộc sống [3].

Ngay từ khi sinh ra, Đường Huyền Trang đã có một diện mạo khôi ngô, tuấn tú và dáng vẻ oai nghiêm, uy nghi khác người. “Pháp sư cao hơn bảy thước xưa, da hồng hào, với lông mày rộng và cặp mắt tươi sáng … Ngài đi đứng ung dung, khoan thai, luôm luôn ngó thẳng, không nhìn qua một bên. Cử chỉ của Ngài như dòng sông lớn chảy; và sáng sủa như đoá hoa sen nở trên mặt nước”[4].

Khi còn nhỏ, Đường Huyền Trang vốn đã có tính tình cao thượng. Ngài sẵn sàng rộng mở tấm lòng mình, ưa mộ cổ học, chán ghét sự bất công và cám dỗ đời thường. Không những thế, ở Đường Huyền Trang, chúng ta còn tìm thấy lòng “từ bi”, đức “độ lượng bao dung” của một vị “Phật sống”. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, trong con người ấy, ta luôn tìm thấy một tấm lòng trong sáng, thánh thiện, sự trong sạch và thanh cao. Ngài luôn đồng cảm và giành một tình cảm ưu ái nhất cho mọi kiếp người, bất kể là kẻ xấu hay người tốt, nghèo hèn hay giàu sang, quyền cao hay chức trọng. Tình cảm của Ngài là tình yêu nhân loại, tình yêu cho mọi “chúng sinh”. Ngài sẵn sàng đem tấm lòng lương thiện và lòng nhiệt thành vốn có để “cứu nhân độ thế”.

Vào đầu những năm đầu thập niên 10 của thế kỉ VII, xã hội Trung Quốc có nhiều biến động lớn: thời thế loạn lạc, chiến tranh liên miên. Do đó, Huyền Trang chỉ biết sống trong cửa chùa với mục đích duy nhất là nghiên cứu Phật pháp.

Vốn nổi tiếng là thông minh từ nhỏ, thông hiểu văn chương khá nhiều nên chỉ trong một thời gian ngắn nương nhờ nơi Phật, Huyền Trang về cơ bản đã thông thạo mọi triết lí của Phật giáo. Càng về sau, tên tuổi của Đường Huyền Trang ngày càng lưu danh nơi nơi. Và cũng kể từ đó, vị sư trẻ này đi rất nhiều nơi ở đất nước Trung Quốc vừa một phần để chiêm bái vừa để thuyết giáo.

Năm 618, Nhà Đường thành lập, Đường Huyền Trang rời quê hương Lạc Dương đến với kinh đô văn minh Trường An. Tại đây, Huyền Trang có cơ hội được gặp gỡ, tiếp xúc và thỉnh giáo nhiều bậc thánh tăng. Tuy nhiên, càng thỉnh giáo bao nhiêu thì Huyền Trang càng thấy mình có nhiều thiếu sót và đem lòng hoài nghi mọi điều.

Với học vấn uyên thâm và khí chất khác người, Đường Huyền Trang đã có một quyết định liều lĩnh và táo bạo là làm cuộc Tây du sang Ấn Độ chiêm bái kinh Phật. Con đường từ Trường An (Trung Quốc) sang Tây Phương (Ấn Độ) thỉnh kinh là một chặng đường đầy gian truân và hiểm nguy, song Đường Huyền Trang một mình đối diện với bao thử thách rồi cuối cùng cũng hoàn thành được ước mơ và hoài bão lớn của bản thân mà không cần một sự trợ giúp của một ai. Điều này càng khẳng định tài năng và ý chí kiên cường của Đường Huyền Trang.

Tuy Đường Huyền Trang chỉ là một vị tăng trẻ nhưng ông được đánh giá rất cao cả về tâm hồn và nhân cách sống. Vị chân tu này đã đi vào lịch sử Phật giáo nói chung và đời sống của nhân dân Trung Hoa nói riêng.

Điều đặc biệt hơn cả là ở Đường Huyền Trang có một lòng khát khao chánh pháp cháy bỏng, chí học hỏi vô bờ và một ý chí và nghị lực sắt đá hay tính ôn hoà và trầm tĩnh. 17 năm xa xứ đi thỉnh kinh càng tôi luyện thêm cho Đường Huyền Trang chí kiên nhẫn và nghị lực sắt đá phi thường. Chính nó đã tiếp thêm sức mạnh cho Đường Huyền Trang tự mình vượt qua mọi khó khăn, thử thách ở đời. Tuy nhiên, với vai trò của một nhà thuyết giáo Phật giáo song trong còn người của Đường Huyền Trang vẫn còn phảng phất đâu đấy tinh thần của đức Khổng-Mạnh. Có phải chăng chính xuất thân từ tuổi thơ và thời cuộc mà tư tưởng Nho giáo đã ăn sâu vào tâm trí của con người này, giúp con người này mau chóng trở thành một nhà chiêm bái, một học giả, một nhà thuyết giáo, một nhà văn hoá lỗi lạc của nền văn hoá Trung Quốc suốt hơn 5000 năm lịch sử?

17 năm tha phương cầu Phật

Bước vào những năm đầu của thế kỉ VII, tình hình Trung Quốc rơi vào cảnh bạo loạn, xã hội phân tán, trong nội bộ triều đình thì chia bè chia cánh để thanh trừ lẫn nhau, nhằm tranh giành quyền lực. Do vậy, chiến tranh thường nổ ra liên miên. Trước thời cuộc, những người tu học cũng khó lòng mà chuyên tâm đào sâu nghiên cứu. Do đó, nhiều bậc cao tăng trong đó có Đường Huyền Trang tự đóng mình trong bốn bức tường để ngẫm nghĩ sự đời.

Năm 618, tình hình Trung Quốc có nhiều biến động lớn, nhà Tuỳ tiêu vong và Nhà Đường được lập nên. Điều đặc biệt là, nhà Đường rất coi trọng Phật giáo và xem Phật giáo là quốc giáo để thay thế dần Nho giáo. Những điều kiện như vậy đã tạo nhiều thuận lợi cho Đường Huyền Trang tiếp tục cuộc hành trình tìm đến với chánh pháp. Ông được đi nhiều nơi khắp đất nước Trung Hoa. Điểm dừng chân cuối cùng của ông là kinh đô văn hiến Trường An. Tại đây, Huyền Trang được có cơ hội gặp gỡ và tiếp cận với nhiều bậc cao tăng và nhanh chóng lấy được cảm tình của nhân dân Trường An. Tuy nhiên, người đời thường dạy: “học vấn càng cao thì sự nghi ngờ càng lớn”. Bên cạnh đó, lúc bấy giờ Phật giáo lại rất thịnh hành ở Trung Quốc. Nhiều tông phái ra đời, khiến cho người tu đạo không biết lấy đâu làm nền tảng. Đối với một con người tài cao, đức trọng như Đường Huyền Trang thì sự nghi vực ấy càng lớn. Huyền Trang thầm nghĩ chỉ có một cách duy nhất mà thôi, đó là tìm về với nguyên gốc của nó. Càng ngẫm nghĩ và suy tư, Đường Huyền Trang càng nung nấu nhiều ước mơ và hoà bão. Sau đó không lâu, Đường Huyền Trang đã có một quyết định táo bạo và liều lĩnh là làm một cuộc xuất dương sang đất Phật (Ấn Độ) để “chiêm bái Phật địa, nghiên cứu Phật  lí và sưu tầm Kinh điển”[5].

Năm 627, Đường Huyền Trang gửi thư lên vua Thế Dân (tức vua Đường Thái Tông) để thỉnh cầu được sang Ấn Độ lấy kinh. Vua Thế Dân lấy làm tự hào vì đất nước mình lại có những bậc cao tăng thành kính với cửa Phật như vậy. Tuy nhiên, do hoàn cảnh đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, nhà Đường còn quá non trẻ nên vua Thế Dân không đồng ý cho lời thỉnh cầu của Đường Huyền Trang. Song với lòng kiên định và ý chí sắt đá, Đường Huyền Trang vẫn ầm thầm chuẩn bị tư trang và lặng lẽ rời Trường An mà không hề có một chỉ dụ nào của nhà vua.

Lịch sử Trung Quốc có rất nhiều bậc cao tăng hành hương sang đất Phật (Ấn Độ) để thỉnh kinh, song chỉ có chuyến đi của Đường Huyền Trang là li kì và ấn tượng nhất. Hành trình kéo dài đến hơn 17 năm trời với biết bao khó khăn và trở ngại ở đời. 17 năm xa xứ cũng đồng nghĩa với 17 tuổi xuân của con người bị héo mòn, già nua và qua đi. Trong 17 năm ấy, Đường Huyền Trang phải một mình đối diện với bao nỗi khó nhọc, gian truân nguy hiểm và cả những thử thách, cám dỗ của con người như ham muốn, sự đố kị, ganh ghét, nào là lòng lam, nào là dục vọng.v.v. 17 năm lăn lội với đời, Đường Huyền Trang dường như càng thấy mình lớn thêm ra, đàng hoàng và chững chạc hơn.

Các tài liệu đều ghi nhận rằng, vào năm 627, bên nhà Đường Trung Quốc có một vị sư rất trẻ, trạc 25 – 26 tuổi, với diện mạo “khôi ngô, tuấn tú, cao lớn tráng kiệt. Gương mặt trắng, đôi mắt sáng … cốt cách dịu dàng, nhanh nhẹn … Giọng cười tiếng nói đều thanh nhã, khoan thai” [6]  và tác phong oai nghiêm đã thực hiện cuộc hành trình sang Thiên Trúc thỉnh kinh bất chấp sự chống đối, phản kháng mạnh mẽ của triều đình

Trên hành trình đi đến với đất Phật, Đường Huyền Trang đi qua rất nhiều lãnh thổ, quốc gia, chứng kiến các tộc người kì lạ và cũng từ ấy học được rất nhiều điều bổ ích. Đặc biệt, Ngài được mắt thấy tai nghe những hiện thực cuộc sống diễn ra xung quanh, rồi cũng tự mình đối diện với biết bao cám dỗ ở đời và đôi lúc tưởng chừng sẽ chán nãn, gục quỵ, không đi tiếp. Nhưng với cốt cách vốn có được tích luỹ và chiêm nghiệm trong kinh Phật, Đường Huyền Trang vẫn vững chí, tự mình “phá băng” mọi rào cản, tiếp tục chinh phục lí tưởng sống. Huyền Trang cứ đi, đi mãi, băng qua những cánh rừng âm u, những sa mạc nóng bức, những vùng đất hoang vu và cuối cùng cũng đến được nơi đất Phật. Huyền Trang lấy làm sung sướng và tự hào. Đường Huyền Trang được chiêm mộ giáo lí chính thống của Phật giáo, thoả nguyện mong ước bấy lâu mong chờ.

Sau hơn 17 năm bôn ba, nhờ triết lí đạo Phật đem từ Ấn Độ về, Huyền Trang ngày đêm nghiên cứu, sau đó ông nhanh chóng trở thành một nhà văn hoá thông thái của Trung Quốc.

20 năm dịch 600 quyển kinh Phật, 60 tuổi viên tịch

Đường Huyền Trang kết thúc chuyến hành hương sang đất Phật, trở về quê hương trong nỗi niềm hân hoan, phấn khởi, trong sự đón chào nồng nhiệt của nhân dân Trung Quốc. “Dân chúng đứng rất đông ở các phố, làm nghẽn tất cả lối đi, đến nổi sau khi xuống thuyền sang sông, Huyền Trang không có cách nào đổ vào bờ đổ vào thành được” [7]

Chuyến Tây du của Đường Huyền Trang đã để lại tiếng thơm lưu danh muôn thuở. Sau hành trình thỉnh kinh, Đường Huyền Trang trở về quê nhà với vai trò là một nhà thuyết giáo, nhà chiêm bái và nhà học giả uyên thâm. Ông giành cả một đời còn lại để nghiên cứu đạo Phật. Ông đã dịch rất nhiều cuốn kinh Phật. Ông để lại cho đời một sự nghiệp đồ sộ về Phật giáo, các “luân thường đạo lí” và nguyên tắc sống ở đời.

Sau gần 20 năm nghiên cứu và dịch thuật kinh Phật, Đường Huyền Trang đã dịch xong khoảng 600 quyển. Khi đến độ tuổi ngoài 60 mươi, biết rõ sức khỏe của mình,  Pháp sư dặn dò các đồ đệ của mình sau khi ông mất hãy tiến hành tang lễ đơn giản như mọi người dân bình thường, không nên xa hoa, lãng phí, hãy lấy số tiền bạc ấy đem đi cứu giúp “chúng sinh”. Sau đó, Ngài còn dặn các môn đệ không được làm phiền Ngài trong những ngày ngài chuyên tâm ngồi thiền [8].

Cao Tăng Đường Huyền Trang viên tịch đã để lại trong lòng dân chúng Trung Quốc lúc bấy giờ một niềm tiếc thương vô hạn. Cuộc đời và quá trình hành đạo của Đường Tam Tạng vẫn luôn sáng ngời với tâm hồn và nhân cách cao thượng.

Thực tế cho thấy, chuyến đi của Đường Huyền Trang không dừng lại với vai trò một vị sư đi thực hiện sứ mệnh thỉnh cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sinh mà còn có ý nghĩa cao hơn khi ông vượt qua hành trình gian khổ đến Ấn Độ cầu chân kinh và tu học. Chuyến đi của ông một lần nữa đã chứng thực cho sự tồn tại của con đường tơ lụa và vai trò của con đường này trong giao lưu văn hoá Ấn Độ-Trung Quốc với chuyến đi của mình. Huyền Trang đã đi qua hai ngả Bắc-Nam của con đường, những ghi chép về tình hình các quốc gia ở Tây vực trong tác phẩm “Đại Đường Tây Vực kí” được xem như “kim chỉ nam” cho các thương nhân, những nhà lữ hành và các sứ đoàn thời sau. Chuyến đi của Pháp sư Huyền Trang thành công ở hai măt: đạo và đời [9].

Tuy nhiên, cuộc hành trình sang Ấn Độ của Đường Huyền Trang không chỉ đơn thuần là đi thỉnh kinh mà trên hết đã mở đường cho quan hệ thông thương buôn bán và bang giao hoà hiếu giữa nhà Đường với các quốc gia lân cận.

Kể từ khi Đường Huyền Trang hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình thì Phật giáo ở Trung Quốc bước vào giai đoạn cường thịnh và tiếp tục chi phối đến mọi đời sống của người dân Trung Quốc. Chuyến đi thỉnh kinh của Đường Huyền Trang đã mở đầu cho thời kì thịnh hành ở Trung Quốc.

Đường Huyền Trang là một con người như thế, suốt cả một đời phụng sự vì Phật pháp, chưa bao giờ có những ý nghĩ gì giành cho riêng mình, dù chỉ một lần. Con người ấy cùng với nhân cách ấy sẽ mãi mãi là cây đời xanh tươi. Người sẽ mãi mãi là bông sen đời đời ngát hương.  Đường Huyền Trang thị tịch là một mất mát to lớn không chỉ cho Đại Đường mà còn cho cả giới Phật, chúng ta “thương khóc vì con thuyền từ nay đã chìm trong bể dục vọng, vẫn tràn ngập ánh sáng trí tuệ đã tắt trong khi khi đêm vô tận chìm trong bóng tối” [10].


[1] Dẫn theo Đoàn Trung Còn, Lịch sử nhà Phật, NXB Tôn Giáo, 2005

[2] Đoàn Trung Còn, Văn minh nhà Phật hay đường qua xứ Phật, NXB Tôn Giáo, 2003, tr.20

[3] Nguyễn Minh Mẫn-Hoàng Văn Việt, Con đường tơ lục- quá khứ và tương lai, NXB GD, 2006, tr.35.

[4] Trường cao cấp Phật học Việt Nam, nguyên tác Anh ngữ: Hoà thượng Thích Minh Châu, bài giảng Huyền Trang-nhà chiêm bái và học giả, (bản dịch Ni sư Thích Nữ Trí Hải), 1989, tr.02.

[5] Trường cao cấp Phật học Việt Nam, Sđd, tr.11.

[6] Đoàn Trung Còn, Sđd, tr.26.

[7] Nguyễn Minh Mẫn-Hoàng Văn Việt, Sđd, tr.50.

[8] Trường cao cấp Phật học Việt Nam, Sđd, tr.65.

[9] Nguyễn Minh Mẫn-Hoàng Văn Việt, Sđd, tr.53.

[10] Lưu Đức Trung, Sđd, tr.309.

Dương Văn Út
GV trường THPT Phạm Văn Đồng
Tổ 8, Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam
(Theo Phật Pháp Ứng Dụng)