Chuông trống là một trong các loại pháp khí của Phật giáo. Sở dĩ gọi là Bát-nhã (phiên âm của chữ “prajnaa” (S) có nghĩa là “trí tuệ”) vì công năng của chúng là để thức tỉnh lòng người, có khả năng đánh động tâm linh của người nghe.

Chuông

Về thỉnh chuông, xưa ở Trung Quốc tuỳ mỗi Tông phái, từng địa phương mà quy định có khác nhau, nhưng tổng quát là khi bắt đầu thỉnh 3 tiếng và khi kết thúc đánh nhanh 2 tiếng hoặc 3 hồi chín tiếng cho các loại chuông nhỏ khi tụng kinh. Số lượng tiếng thường là 18, cũng có khi thỉnh 36 tiếng, 108 tiếng. Thỉnh 108 tiếng biểu thị hành giả nỗ lực làm vơi cạn đi 108 loại phiền não nơi nội tâm. Mười tám tiếng là biểu thị sự thanh lọc 6 căn, 6 trần và 6 thức.

Ngoài ra, trong thời cực thịnh của Thiền Tông, chuông an trí tại thiền đường, trai đường gọi là “chuông tăng đường”, “chuông trai”; chuông để tại chánh điện gọi là “chuông điện”… Những vị lo việc chuông này gọi là “chung đầu”.

Theo niềm tin cho rằng tiếng vang của chuông có thể thấu đến cõi địa ngục u ám, chúng sanh nào bị đọa nơi địa ngục nhờ nghe tiếng chuông này liền được giải thoát. Lại nữa, tiếng chuông thanh thoát của chùa có thể giúp cho loài quỷ đói được nhẹ bớt lòng tham lam, sân hận mà giải thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Ở các ngôi chùa Việt Nam hiện nay cũng như các chùa Trung Quốc thời xưa hoặc các chùa thuộc các nước theo Phật giáo Đại Thừa như Nhật Bản, Triều Tiên…thường có quả chuông lớn để thỉnh vào hai buổi sáng tối trong ngày khi cầu nguyện. Giờ thỉnh chuông buổi sáng lúc 4 giờ hoặc trước thời công phu buổi sang, tuỳ theo quy định của mỗi chùa. 

Trống

Ý nghĩa của chuông trống Bát Nhã

Trống là một trong những loại nhạc khí, thường làm bằng đá, cây, đồng, v.v…Xưa tại Ấn Ðộ dùng để báo thời gian, cảnh báo. Khi Ðức Phật còn tại thế, dùng nó để tập họp chúng Tăng Bố-tát, nghe pháp…Ngũ Phần Luật có ghi: “chư Tỳ-kheo bố – tát, chúng bất thời tập. Phật ngôn: nhược đả kiền chuỳ, nhược đả cổ…”. Trung Quốc thời xưa dùng nó trong các dịp lễ lộc, vũ hội…Loại hình có to, nhỏ, treo hoặc để trên giá…Trống to gọi là trống tẩu, nhỏ gọi là trống ứng, treo để đánh gọi là trống treo…

Từ đời Ðường về sau, theo thanh quy của thiền môn, trống là một trong những loại pháp khí dùng làm hiệu lệnh báo thời sớm tối. Sau này Phật giáo Trung Quốc tiến thêm bước nữa là phối hợp nhịp điệu, âm thanh của tiếng trống hòa cùng những lời tán tụng, phổ thành nhạc điệu, gọi là “kỹ nhạc cúng dường, trang nghiêm đạo tràng”, dùng âm thanh làm Phật sự, trợ giúp đại chúng phát tâm thành kính với Tam Bảo.

Dựa vào bản dịch bài Thiền Sư Đại Điên và Hàn Dũ thời Đường Hiến Tông năm 820, chúng ta thấy chuông và trống đã được sử dụng rộng rãi trong các nghi lễ Phật giáo. Do đó, ít nhất chúng ta đoán được là trước năm 820, trống đã được đưa vào chùa để làm pháp khí.
Trong nhà Phật, mỗi một phật cụ đều có một ý nghĩa đặc biệt. Tiếng trống hay tiếng chuông trong thiền môn khi đánh lên đều ngầm có ý là cảnh tỉnh mọi người nên thức tỉnh tu hành. Mỗi thứ khi sử dụng, đều có pháp thức riêng.

Ý nghĩa

Chuông trống bát nhã rất quan trọng trong thiền môn. Chuông trống bát nhã thường đánh lên vào những buổi lễ pháp sự đặc biệt, như thuyết pháp, truyền giới, Sám hối v.v…Và mỗi khi đánh lên ngầm ý thỉnh Phật thượng đường chứng minh. Đồng thời cung nghinh chư Tôn Đức và cũng để cho mọi người chú ý nhiếp tâm trở về với chánh niệm. Cụ thể là giờ hành lễ quan trọng.

Về ý nghĩa, ngoài âm vang của tiếng trống cảnh tỉnh khách trần ra, nó còn nói lên một ý nghĩa đặc thù siêu việt. Mục đích là nhằm nhắc nhở mọi người cần phải trang bị cho mình có đầy đủ trí huệ sáng suốt. Vì trí huệ rất là quan trọng. Dù hành giả tu bất cứ pháp môn nào, mà thiếu trí huệ chỉ đạo, thì coi như sự tu hành không có kết quả tốt đẹp. Nếu không có trí huệ sáng suốt để biện biệt chánh tà, chân ngụy, thì trong khi ứng dụng tu hành, chúng ta dễ bị sai lệch và đi vào con đường tà ngoại.

Vì Bát nhã quan trọng như thế, nên chư Tổ mượn hình thức cái trống, để khi đánh lên nhằm thức nhắc mọi người tăng cũng như tục phải luôn nhớ đến cái trí Bát nhã sẵn có ở nơi chính mình. Trí Bát nhã nầy, còn gọi là Vô sư trí. Nhưng muốn nhận ra cái Vô sư trí nầy, hành giả cần phải nương cái trí hữu sư, tức cái trí do học hỏi ở nơi thầy bạn mà có được.

Ở mức độ thấp hơn, khi nghe âm thanh của những pháp khí đó, như trống, chuông, mõ v.v… thì người nghe chóng hồi tâm thức tỉnh để gắng lo tu niệm. Phải hết lòng siêng năng làm lành lánh dữ, không nên gây tạo những nghiệp ác mà phải chuốc lấy quả khổ đau. Cho nên, khi chúng ta đến chùa mỗi khi nghe những âm thanh của những thứ nói trên, thì lập tức chúng ta hãy trở về với chánh niệm. Hay nói rõ hơn là phải luôn thắp sáng ngọn đuốc chánh niệm.

Sen Sen tổng hợp