Rằm tháng Giêng là một trong những lễ lớn của Phật giáo. BBT trang nhà xin giới thiệu bài viết tìm hiểu về Ý nghĩa của ngày này theo quan niệm của Phật giáo Nguyên Thủy.

Ngày rằm tháng Giêng có hai ý nghĩa chính: một là ngày Ðại hội thánh tăng tại Trúc Lâm tịnh Xá, hai là đức Phật tuyên hứa và khẳng định với Ma vương ba tháng nữa ngài sẽ nhập Niết Bàn.

Lễ hội rằm tháng giêng là ngày đại hội thường lệ của chư Phật tổ được gọi là Caturangasannipāta. Tuy nhiên theo lịch sử những vị Phật Toàn Giác trong quá khứ thì số tăng hội, thời kỳ đại hội, địa điểm có phần khác với đức Phật Thích Ca. Còn những yếu tố căn bản cho kỳ đại hội thì hoàn toàn giống nhau. Dường như đây là truyền thống của Chư Phật tổ. Ðại hội thánh tăng thời kỳ Phật Thích Ca hội đủ bốn chi:

– Ðúng vào ngày trăng tròn tháng giêng

– Ðại hội có 1250 vị tỷ kheo, tự động đến bái kiến Ðức Phật, không mời thỉnh hay hẹn trước

– Số tăng hội 1250 vị đều xuất gia Thiện Lai Tỳ khưu (Ehibhikhu), và các ngài đều là Thánh tăng.

 Ðại hội thánh tăng này khai mạc đúng vào ngày trăng tròn tháng giêng âm lịch tại Veluvana. Trong đại hội, đức Phật thuyết cho 1250 vị tỷ kheo về Pātimokkha, được phân chia làm hai phần:

– Phần một: Giáo giới Ovadapātimokkha, nghĩa là Ngài tóm lược Giáo pháp của ngài thành ba câu kệ ngôn:

Không làm điều ác (Sabbabābassa akaranam),
Làm các hạnh lành (Kusalassu upasampadā),
Giữ tâm ý trong sạch (Sacittapariyotapanam).

Ðó là giáo giới của chư Phật trong quá khứ và của Như Lai vậy.

– Phần hai: Ngài giảng về Anāpātimokkha, có nghĩa là ngài chuẩn y giới luật cho Chư tỳ khưu phải hành lễ Bố tát (Uposatha) mỗi tháng hai kỳ nhằm ngày 15 và 30 (hoặc 29). Lễ Bố tát là một hình thức giúp các vị xuất gia quán chiếu lại giới hạnh của mình cho được tinh nghiêm, nếu có sơ sót trong tiểu giới thì ngày hôm đó các vị sám hối với nhau.

Ý nghĩa lễ hội rằm tháng Giêng theo Phật giáo Nguyên Thủy

Ngày nay chư Tăng Phật giáo Nguyên thủy Theravāda vẫn còn gìn giữ truyền thống này vì Giới luật là nền tảng của Phật giáo, Giới luật còn thì Giáo pháp còn. Trong ba tạng kinh điển, đức Phật tuyên bố rằng theo thời gian, Luật tạng sẽ hoại diệt sau cùng. Khi nào Luật tạng hoại diệt thì lúc đó là thời mạt pháp, là khởi điểm hết nhiệm kỳ Giáo pháp của một vị Phật Chánh Đẳng Giác.

Ðồng thời với ý nghĩa trên, ngày rằm tháng giêng còn được Kinh Ðại Bát Niết Bàn ghi:

Đức Thế Tôn cùng chư Tỳ khưu Tăng từ kinh thành Rājagaha du hành đến kinh thành Vesāli. Một hôm, Đức Thế Tôn ngự vào thành Vesāli khất thực, sau khi thọ thực xong Đức Phật dạy bảo Đại đức Ānanda cùng ngự đến ngôi tháp Cāpālacetiya. Sau khi Đức Thế Tôn ngự trên chỗ ngồi đã trải sẵn, Đại đức Ānanda đảnh lễ Đức Thế Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ. Khi ấy, Đức Thế Tôn dạy rằng: – Này Ānanda, bậc nào đã thường tiến hành 4 pháp thành tựu (idhipāda), đã tiến hành trở thành thuần thục, đã tiến hành trở thành nền tảng vững chắc, có căn bản, đã luyện tập thành thói quen hằng ngày, thường tinh tấn không ngừng tiến hành 4 pháp thành tựu này.

Này Ānanda, bậc ấy có khả năng duy trì trọn kiếp tuổi thọ hoặc hơn kiếp tuổi thọ như ý.

Này Ānanda, Như Lai đã thường tiến hành 4 pháp thành tựu, đã tiến hành trở thành thuần thục, đã tiến hành trở thành nền tảng vững chắc, có căn bản, đã luyện tập thành thói quen hằng ngày, thường tinh tấn không ngừng tiến hành 4 pháp thành tựu này.

Này Ānanda, Như Lai cũng có khả năng duy trì trọn kiếp tuổi thọ (100 năm) hoặc hơn kiếp tuổi thọ (hơn 100 năm) vậy.

Đức Thế Tôn đã dạy gián tiếp như vậy, mà Đại đức Ānanda không hiểu, nên không thỉnh mời Đức Thế Tôn rằng:

– Kính bạch Đức Thế Tôn, kính xin Ngài duy trì suốt kiếp tuổi thọ (100 năm).
Kính xin Ngài duy trì trọn kiếp tuổi thọ, để tế độ cho phần đông chúng sinh, để đem lại sự lợi ích, sự an lạc phần đông chúng sinh, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc cho chư thiên và nhân loại.

Bởi vì, khi ấy Đại đức Ānanda bị Ma vương quấy nhiễu, nên không hiểu ý của Đức Thế Tôn. Dù Đức Thế Tôn dạy như vậy lần thứ hai, lần thứ ba, Đại đức Ānanda vẫn không hiểu được; Ngài đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi xin phép đi ra ngoài ngồi dưới gốc cây không xa nơi Đức Thế Tôn.

Khi Đại đức Ānanda vừa mới ra ngoài, Ác Ma Thiên liền đến hầu Đức Thế Tôn, rồi đứng một nơi hợp lẽ và bạch rằng:

– Kính bạch Đức Thế Tôn, kính xin Ngài tịch diệt Niết Bàn, kính xin Ngài tịch diệt Niết Bàn ngay bây giờ! Bây giờ là lúc tịch diệt Niết Bàn của Ngài.

Thật ra, Ác Ma Thiên đã nhiều lần đến thỉnh Đức Thế Tôn tịch diệt Niết Bàn, những lần trước Đức Thế Tôn đều khước từ. Nhưng lần này, Đức Thế Tôn hứa với Ác Ma Thiên rằng:

– Này Ác Ma Thiên, ngươi hãy yên tâm, không lâu nữa, Như Lai sẽ tịch diệt Niết Bàn. Kể từ nay chỉ còn ba tháng nữa, Như Lai sẽ tịch diệt Niết Bàn.

Như vậy, Đức Thế Tôn có trí tuệ sáng suốt, xác định thời gian ba tháng nữa sẽ xả tuổi thọ, sinh mạng của Ngài, tại ngôi Tháp Cāpālacetiya, đó là vào ngày rằm tháng giêng (âm lịch). Ngay khi ấy, trái đất rùng mình chuyển động.

Đại đức Ānanda thấy điều lạ thường, trái đất rung chuyển nên vào hầu Đức Thế Tôn, bạch rằng:

– Kính bạch Đức Thế Tôn, do nguyên nhân nào làm trái đất rung chuyển, bạch Ngài.
Đức Thế Tôn dạy rằng:

– Này Ānanda, ngay hôm nay, vừa rồi, Như Lai có trí tuệ sáng suốt hứa với Ác Ma Thiên rằng: “Chỉ còn ba tháng nữa, Như Lai sẽ tịch diệt Niết Bàn”.
Nghe như vậy, Đại đức Ānanda kính thỉnh rằng:

– Kính bạch Đức Thế Tôn, con xin kính thỉnh Ngài duy trì tuổi thọ trọn kiếp tuổi thọ (100 năm). Con xin kính thỉnh Ngài duy trì tuổi thọ trọn kiếp tuổi thọ, để tế độ cho phần đông chúng sinh, để đem lại sự lợi ích, sự an lạc phần đông chúng sinh, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc cho chư thiên và nhân loại.
Đức Thế Tôn dạy rằng:

– Này Ānanda, con chớ nên thỉnh Như Lai nữa; bây giờ không phải lúc thỉnh cầu Như Lai nữa. Như Lai đã gián tiếp dạy con nhiều lần mà con vẫn không hiểu, con không có lời thỉnh cầu Như Lai. Nay Như Lai đã hứa với Ác Ma Thiên rồi, không thể nào khác được.

Đại đức Ānanda cảm thấy buồn vô hạn, hối hận về điều sơ suất của mình, nên Đức Thế Tôn an ủi Đại đức Ānanda rằng:

– Này Ānanda, Như Lai đã từng dạy rằng: “Sống xa lìa nhau, chết biệt ly với những người thân yêu, các bậc kính mến ấy, đó là điều hiển nhiên. Do đó, làm sao lại có thể, có những người thân yêu, các bậc kính mến ấy theo ý muốn của mình được!”.

Những pháp nào đã sinh rồi, hiện hữu rồi, do nhân duyên cấu tạo rồi, chắc chắn có sự hủy hoại là thường, dù có mong muốn rằng: “xin pháp ấy đừng hủy hoại”, đó là điều không thể nào có được.

 Ðể kỷ niệm ngày lịch sử trọng đại đó, giới Phật giáo Nguyên thủy Theravāda tổ chức lễ rằm tháng giêng bằng nhiều hình thức nghi lễ khác nhau: như lễ hội đặt bát đến chư Tăng, lễ thọ giới, lễ quy y, lễ thuyết pháp, lễ thọ đầu đà… nhằm giúp người Phật tử có cơ hội gieo duyên lành trong chánh pháp.

Ðặc biệt là lễ Ðầu đà (Dhutanga): thức một đêm không ngủ để tưởng nhớ đức Phật – một con người vĩ đại, với một lý tưởng phi thường, suốt cuộc đời tận tụy hy sinh vì quyền lợi của tha nhân. Thông thường trong đêm đầu đà có nhiều tiết mục để người Phật tử tham gia học và thực hành thêm về giáo lý. Những tiết mục đó thường là Thuyết pháp, Chiêm bái Xá lợi, Hành thiền, Vấn đáp Phật pháp, Hái hoa chánh pháp, Luận đạo v.v. Người tham dự một đêm đầu đà, qua những mục đó, chắc chắn sẽ được hiểu biết giáo lý căn của đức Phật và sẽ có thêm niềm tin vững chắc ở Tam bảo. 

Nguồn: Pháp Quang Tự