Trong tất cả các nhân tố dẫn đến tái sinh thì ái dục là nhân tố mạnh nhất. Ái dục thể hiện qua sự ham muốn nhau giữa người nam và người nữ, là thứ tình cảm còn phân biệt và dính mắc. Người ta hay nói: “Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn (1).” Hạnh phúc trong tình yêu thường đi đôi với khổ đau. Vì còn kẹt vào thất tình lục dục nên ta vui khi được sở hữu và thỏa mãn người mình-cho-là-yêu, và ta buồn khi không còn được tiếp nối mối lương duyên ấy. Thời còn tại thế, Đức Phật dạy trong kinh A Hàm: “Dục sanh chi phiền não. Dục sanh vi khổ uẩn (2)”. Nghĩa là “tánh dục, nghiệp tham muốn” là cội gốc phiền não. “Cho nên, chúng sanh muốn giải thoát sanh tử luân hồi, trước tiên phải đoạn dứt tham dục và trừ bỏ ân ái (3)”. Chư tăng ni hay người tu học nguyện giải thoát đều phải thực tập đoạn trừ ái dục triệt để thì mới mong được thành tựu.
Tuy nhiên, không vì thế mà Đức Phật ngăn cấm đời sống hôn nhân của cư sĩ. Đức Phật tôn trọng đời sống hôn nhân của người Phật tử tại gia và dạy trong Năm giới cư sĩ: “Con nguyện thực tập bảo vệ tiết hạnh cho bản thân con và cho những người khác bằng cách không sống thử, không quan hệ trước hôn nhân, không quan hệ bất chính với người không phải là chồng hay vợ của mình. Dù là nam, nữ, hay người đồng tính, con quý trọng sự đoan chánh, hạnh phúc gia đình và bảo vệ từng tế bào của tổ tiên trong cơ thể. Con biết thực tập cho thân tâm khỏe mạnh thì gia đình và xã hội khỏe mạnh, cho nên con luôn điều phục con được trong sạch, lựa chọn sống trong môi trường trong sạch và tiếp xúc với các phương tiện trong sạch. (4)”
Chấp nhận đời sống vợ chồng đồng nghĩa với việc chấp nhận quay trở lại tái sinh trong vòng luân hồi. Có thể đời sống hôn nhân trần tục không mang ý nghĩa cao thượng như giải thoát vào Niết Bàn, nhưng với người cư sĩ, sống đúng với đạo đức của người vợ hoặc người chồng có hạnh thủy chung, không bội bạc, không ngoại tình thì chúng ta đã sống trọn vẹn với kiếp sống hiện tại, không tạo nghiệp xấu cho những kiếp sau và phần nào có được hạnh phúc tạm bợ ở thế gian này. Người ta nói tu ba kiếp mới gặp được nhau, bảy kiếp mới là bạn bè, chín kiếp mới thành vợ chồng. Tại sao trong hàng tỷ người trên thế giới này, ta và người lại gặp nhau, yêu nhau rồi lấy nhau? Chính là do nghiệp tiền kiếp khi hội đủ nhân duyên đã đưa chúng ta gặp lại để trả nợ nhau. Nợ càng nhiều, luyến ái càng sâu dày, tâm càng dính mắc vào hình sắc người thương thì khổ đau càng chồng chất, thậm chí đôi khi trở nên cùng quẫn và tự làm tổn thương bản thân khi không còn được sở hữu người ấy nữa.
Hầu hết nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn tại Việt Nam hiện nay là do vợ chồng thiếu kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình; thiếu ý thức quan tâm, xây dựng; thiếu trách nhiệm với nhau; bạo lực gia đình và đặc biệt là ngoại tình: “Theo báo cáo tổng kết của TAND TP.HCM, năm 2013, toàn ngành đã thụ lý 21.453 vụ án ly hôn, giải quyết đạt 92,52%. Như vậy, lượng ly hôn năm nay tăng 6,6% so với cùng kỳ (5)”. Người Việt Nam nói riêng hay người Á Đông nói chung đã từng có truyền thống đạo đức rất tốt trong việc giữ nghĩa tào khang. Vợ chồng lúc nghèo hay vợ chồng lúc giàu cũng một dạ sắc son. Tuy nhiên, trong thời gian qua đã xảy ra khá nhiều chuyện trái luân thường đạo lý dẫn đến hậu quả vô cùng đau lòng không chỉ cho bản thân người trong cuộc, mà còn ảnh hưởng đến người thân, gia đình tan nát, trẻ thơ bơ vơ, ông bà không ai chăm sóc. Tình trạng ngoại tình nhan nhản trong nhà, ngoài phố, ở công sở… đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo.
Ngày người xa người hôn phối theo người khác, người ở lại bao giờ cũng hụt hẫng và ngơ ngác, như chiếc xe đang chạy bon bon trên đường, rớt xuống hố mà không có một biển báo hiệu nào trước. “Người đi một nửa hồn tôi mất, một nửa hồn tôi bỗng dại khờ (6)”. Tình yêu thế gian có sâu đậm cách mấy cũng đến lúc nhạt phai. Người ta yêu, kỷ vật ta lưu giữ và kỷ niệm ta khắc ghi trong tim đều vô thường. Những lời hẹn ước, thời gian bên nhau, cảm xúc được cho là tình yêu của người với người bỗng chốc hóa vi trần, tan biến như chưa bao giờ hiện hữu. Khi tỏ tình, chàng trai nói với cô gái: “Anh yêu em”. Quán chiếu lại, ta tự hỏi:“Anh yêu em hay anh yêu người đáp ứng được các tiêu chuẩn của anh?”. Ta hay đặt ra thước đo cho người bạn đời của mình như tính tình, chiều cao, cân nặng, kiểu tóc, công việc, thu nhập, gia cảnh… rồi cân đong đo đếm một thời gian xem có nên nhận lời sống chung với nhau hay không. Ta ủy thác cả cuộc đời mình cho bảng đo lường ấy. Vì dính mắc vào các tiêu chí trên nên đến một lúc nào đó, khi người bạn đời không còn đạt được điểm số như mong muốn, người còn lại có xu hướng tìm một “ứng viên” khác thỏa mãn những yêu cầu ấy tốt hơn. Người bắt đầu ngoại tình trong tư tưởng và dẫn đến hành động phạm giới ngoài thực tế.
Ở Việt Nam hay có xu hướng đám đông. Sống trong một cộng đồng mà người người ngoại tình, nhà nhà ngoại tình, báo chí phim ảnh ngày ngày nhan nhản những câu chuyện ngoại tình, người có khuynh hướng chấp nhận việc trái đạo đức ấy một cách thản nhiên, như nêm thêm gia vị vào đời sống vốn bình yên mà người đang cho là buồn chán.
Không phải tự nhiên mà tỉ lệ ly hôn hay ly thân ở Việt Nam và trên thế giới ngày càng gia tăng. Ngày xưa kinh tế khó khăn, ông bà một tiếng hai tiếng “mình ơi” tới lúc răng long đầu bạc. Chồng hay vợ nếu có qua đời cũng giữ một lòng thủy chung, nuôi con cháu đến lúc mãn phần. Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển, trào lưu kết bạn và đăng ảnh đẹp trên mạng xã hội bùng nổ, không có dấu hiệu yếu đi. Người sống trong thế giới ảo, trang điểm cho trang cá nhân của mình thật lộng lẫy và tìm những đối tượng có hình sắc như mình đang vẽ mộng. Người thích sự mới lạ, dù đang tốt đẹp với vợ hay chồng nhưng lúc nào cũng tỏ ra suy tư về hạnh phúc đích thực. Vì là mạng ảo nên người đón nhận và ban phát tình cảm một cách tự do và trôi lăn theo những hẹn ước hão huyền. Sự tô vẽ về nhau thôi thúc người nhanh chóng bước ra đời thật gặp nhau. Dân gian thường nói: “Ăn vụng thường hay ngon.” Vì vô minh, hai người lao vào nhau trong mối quan hệ ngoài luồng ấy như cục nam châm gặp sắt, liên tục tạo nghiệp và phạm giới “Quan hệ bất chính với người không phải là vợ hay chồng mình”. Với người bây giờ, tào khang mong manh như sợi chỉ, không thể trói buộc người. Còn bóng hình hoàn mỹ ấy mới chính là kho báu của thế gian. Người ngây ngất chìm đắm trong vị ngọt của dục lạc mà quên đi người mà mình đầu ấp tay gối, người mà dành hết tuổi xuân chăm lo cho gia đình mình bấy lâu, người đã từng có thời gian hoàn mỹ trong mắt người, người mà người đã từng dày công theo đuổi, tranh đấu với nhiều người khác để giành lấy, người mà khó khăn cũng như hoạn nạn luôn kề bên sát cánh, người đã hy sinh thân hình xinh đẹp để sinh cho người những thiên thần đáng yêu… Người muốn quay trở lại thuở đầu biết yêu với thăng trầm trong cung bậc cảm xúc, muốn được chinh phục đối tượng để thêm vào danh sách sở hữu mà quên rằng đang tạo nghiệp cho chính mình ở đời này và những đời sau bởi lòng tham ấy.
Phản bội ở đây thậm chí còn mang luôn cả “tội trộm cắp”. Vì thân thể của người là do cha mẹ ban tặng. Khi kết hôn, người phải hỏi xin ông bà, cha mẹ và thắp đèn trước bàn thờ tổ tiên. Người quan hệ bất chính với người khác khi chưa xin phép đồng nghĩa với việc phạm giới thứ hai trong Năm giới Cư sĩ là “Bảo vệ quyền tư hữu”. Nợ này chất chồng nợ kia. Đôi khi cái quả phải trả bao gồm luôn cả lãi vì phản bội là một tội ác không chỉ với người hôn phối mà còn với cả gia đình, đặc biệt là con cái. Những đứa trẻ sống trong gia đình mà cha mẹ “ăn chả ăn nem” sẽ không được chăm sóc tốt và lớn lên với sự khiếm khuyết trong tâm hồn. Tệ hơn nữa là chúng sẽ có khuynh hướng sống như cha hoặc mẹ chúng, tái diễn lại cuộc đời mà chúng từng chứng kiến khi còn nhỏ. Do đó, ta có thể thấy cái nhân phản bội dẫn đến cái quả đau thương biết chừng nào.
“Mưa rơi lâu cách mấy cũng thôi rơi. Mưa đến rồi đi. Mưa cũng vô thường như ánh nắng. Dù cái gì được cho là vững bền như trời đất cũng chịu sự chi phối của vô thường.(7)” Tình yêu không có thật nhưng người đau khổ vì tình yêu thì muôn vàn. Dù là chính trị gia hay bác sĩ hay quân nhân…, đã rơi vào lưới ái tình thì nỗi đau bị người thương xa lìa và phản bội là như nhau. Quán chiếu được bản chất vô thường của tình yêu, của Luật Nhân Quả, ta sẽ hiểu được nợ mình với người thương đã chấm dứt và đã đến lúc người ấy phải trả nợ cho một người khác. “Thương anh đâu chỉ có mình em và thương em đâu chỉ có mình anh”.Cuộc đời là một chuỗi những trả vay với vô vàn người khác nhau từ hằng hà sa số kiếp trước.“Mỗi một con người vì ngại chết mà muốn sống. Mỗi một con người vì sợ mất tình mà giữ mãi một lòng nhớ nhung (8).” Đau vì mất người mình thương hay đau vì bị phản bội cũng là đau trong bong bóng ảo tưởng của thất tình lục dục. Chỉ có thực tập chuyển hóa tình yêu nhỏ bé còn phân biệt thành tình đại bi với muôn loài thì mới xóa bỏ được hận thù, đau khổ mà luyến ái mang lại.
Biết là em yêu chồng tôi
Trầu cay, cau chát và vôi thì nồng
Biết là em cũng có chồng
Cơm canh không ngọt nên lòng vẩn vơ.
Biết là tôi vốn dại khờ
Nhìn đời như thể bài thơ không vần
Tôi không yêu được hai lần
Nên thương em lỡ bước chân khó về.
Biết là sau phút đam mê
Mộng mơ tan để não nề xót xa!
Em thất vọng với người ta
Tôi thất vọng với cỏ hoa… một thời.
Biết chồng vẫn chồng của tôi
Chiều ngâu nhặt lá trầu rơi se lòng.(9)
(1) Bài hát “Buồn trong kỷ niệm” – NS Trúc Phương
(2) Kinh A Hàm
(3) Kinh Viên Giác
(4) Giới thứ ba – Năm giới Cư sĩ
(5) Báo VietnamNet.vn, ngày 11/01/2014
(6) Bài thơ “Những Giọt Lệ” – Hàn Mặc Tử
(7) Chương 2: Vì sao chúng ta không tìm kiếm nhau nữa?
Sách Quản Trị Nhân Duyên – TG Minh Thạnh
(8) Bài viết “Tôi đã mơ thấy chuyến đi của mình” – Trịnh Công Sơn
(9) Bài thơ “Biết” -Võ Thị Kim Liên
Tường Lam