Sợ hãi là một cảm xúc tiêu cực xuất hiện từ việc nhận thức các mối đe dọa có thể tác động đến bản thân. Người sống trong sợ hãi luôn thấp thỏm lo âu và không được an vui, hạnh phúc. Chúng ta có những nỗi sợ hữu hình như sợ rắn, sợ nhện, sợ chuột, sợ xe tải…và những nỗi sợ vô hình như sợ ma, sợ bóng tối, sợ thất nghiệp, sợ cô đơn…
Khi nhận ra tình huống hay đối tượng gây nên sợ hãi, ta thường tìm cách chạy trốn, đè nén cảm xúc hoặc chiến đấu chống lại tình huống hay đối tượng đó. Dân gian thường nói người hay sợ là người yếu bóng vía, gặp gì cũng sợ, đụng gì cũng sợ. Chúng ta hay sợ những gì mà chúng ta không biết rõ hoặc chưa từng biết. Vì nhu cầu cần an toàn nên chúng ta ra sức bảo vệ cho bản thân và tình trạng của mình được ổn định và thoải mái nhất. Ta sợ ma vì không biết rõ ma là gì. Qua lời đồn thổi của người này người kia, ta suy tưởng ma là một thế lực vô hình, có thể làm hại con người và trở nên sợ hãi. Một đứa bé khi vừa biết nhận thức đã được người lớn dạy rằng ma rất đáng sợ, hay bị nhát ma thì khi lớn lên, tâm thức của đứa bé sẽ bị tư tưởng ấy ăn sâu vào đầu. Đứa bé ôm trong lòng một nỗi sợ mơ hồ trong khi nó chưa bao giờ chạm vào ma hay thấy bất cứ một con ma nào. Sự tưởng tượng của con người là vô cùng tận. Sợ hãi là một ý niệm, mà ý niệm là vô thường, không có thật. Con rắn, con chuột chỉ là những con vật rất bình thường. Thực tế, các con vật thường né tránh con người và có khuynh hướng chui rúc vào nơi trú ẩn của chúng. Khi vô tình chạm mặt con người, chúng thường cảm giác sợ hãi, tìm cách bỏ trốn hoặc trở nên hung dữ để bảo vệ mạng sống của chúng.
Bản chất của muôn loài vốn lương thiện. Tất cả các chúng sinh đều đáng được thương yêu hơn là đáng sợ. Ta hay sợ những điều mà ta cho rằng có năng lực lớn hơn năng lực của bản thân. Như con cá bé sợ con cá lớn. Khi còn nhỏ, chúng ta sợ ba mẹ la rầy, đi học thì sợ bạn lớn hơn bắt nạt. Khi đi làm, ta sợ người quản lý vì ta nghĩ rằng họ có khả năng chi phối mình. Do đó, ta thường có khuynh hướng nghe theo và phục tùng yêu cầu của người ấy. Một bạn học sinh học giỏi, con nhà khá giả vào siêu thị trộm vặt, khi bị bắt, bạn ấy nói rằng bị ép làm như thế bởi một nhóm bạn khác trong trường, nếu không sẽ bị bắt nạt. Qua đó, ta có thể thấy rằng sợ hãi là ý niệm, nhưng sự chi phối của nó vào đời sống con người là có thật.
Chúng ta tìm đủ lý do, tình huống để đưa mình vào trạng thái sợ hãi. Khi phát biểu trước đông người, ta sợ nói sai, sợ bị cười hoặc chỉ đơn giản là thấy đông người quá nên sợ vậy thôi. Chạy trốn khỏi nỗi sợ hay đè nén nỗi sợ hay không làm gì để không phải thay đổi tình trạng yên ổn của bản thân là tâm lý chung của nhiều người. Tuy nhiên, cách nghĩ này chỉ giúp ta tạm thời quên đi tình trạng hiện tại và không giải quyết được vấn đề một cách rốt ráo. Một khi vấn đề chưa được giải quyết thì nó sẽ vẫn còn đó và tiếp tục biến chuyển thành những hoàn cảnh khác với những người liên đới khác, dẫn đến hậu quả khác lớn hơn. Một nhân viên tổ chức sự kiện chuẩn bị sai nhạc cho buổi hòa tấu. Còn ba mươi phút sẽ đến giờ khai mạc, anh ấy mới phát hiện ra. Do sợ bị cấp trên la, anh đã im lặng và giấu cho đến khi mở màn. Việc làm này của anh đã làm chệch kịch bản, ảnh hưởng đến toàn ekip làm việc. Và kết quả là chương trình biểu diễn bị bể, tập thể bị kiểm điểm và trừ lương, công ty phải bồi thường cho khách hàng một số tiền lớn và bị ảnh hưởng uy tín nghiêm trọng.
Nỗi sợ nếu không được nhận diện đúng và có cách giải quyết dứt điểm, qua sự vọng tưởng của người, nó sẽ trở nên ghê gớm, phát tác, chi phối những hành động, suy nghĩ sau đó, dẫn đến sai lầm và hậu quả khôn lường. Người mang trong người căn bệnh ung thư giai đoạn một, bác sĩ cùng người nhà cố gắng chữa trị, động viên. Người đau đớn, vật vã khi hay tin và tưởng tượng những chuyện đau thương sắp đến như mất việc làm, mất gia đình, mất thân thể này… Người sợ chết trong khi cái chết vẫn chưa đến. Nỗi sợ khiến người sống mà như đang chết, chết dần chết mòn trong tâm tưởng. Thân xác vẫn còn đây, người vẫn còn sức khỏe để lao động và học tập nhưng người lại dành hết thời gian để sầu muộn, than khóc, mất ăn mất ngủ và đôi khi rơi vào trạng thái bất tỉnh, không biết mình là ai, mình đang làm gì… Bệnh ung thư nặng một ký, tâm bệnh nặng mười ký. Có những người bệnh rất lạc quan, khi lìa đời, họ mang theo một cái tâm trong sáng nên cơ hội tái sinh vào cõi trời và cõi người là rất lớn vì họ coi ốm đau là cơ hội trả nghiệp cho tấm thân ô trược này. Có những người bệnh chưa đến nỗi nhưng đã tự sát chết vì họ không thể chịu nổi sự tra tấn tinh thần khi nghĩ rằng thần chết đang chờ gõ cửa họ từng ngày. Tâm người nào luôn hướng về địa ngục thì cổng địa ngục đang chờ người ấy.
Nói cách khác, sợ hãi là một dạng bạo động của tâm. Ôm sợ hãi trong lòng như ôm lửa thiêu đốt thân tâm mình. Sợ hãi là sự biểu hiện của một cái tâm không vững, dễ bị kích thích, xao động bởi ngoại cảnh. Khi nỗi sợ xuất hiện, thường khiến phản xạ của ta chậm hẳn lại và bản lĩnh vốn có lúc ấy dường như cũng tan biến đi đâu cả. Tôi đã từng rất sợ hãi. Từ thưở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, những nỗi sợ hữu hình và vô hình. Tôi sợ hầu như tất cả những gì không thân thuộc và có thể làm hại bản thân, từ con dao, độ cao cho đến trời mưa, sợ bóng tối, sợ ánh sáng, sợ mất niềm tin, sợ người khác biết khuyết điểm của mình… Và cách mà tôi đối trị nỗi sợ đó chính là đè nén nó, làm theo ý những người xung quanh và hạn chế không làm bất cứ việc gì trái với thói quen để không tạo ra nguy cơ. Điều này vô tình tạo ra vòng kim cô kìm kẹp tôi suốt một thời gian dài. Vì ngại thử sức nên tôi không dám làm những công việc mới, bỏ qua nhiều cơ hội học hỏi và phát triển trong sự nghiệp. Vì ngại người chê cười nên tôi thường nói dối để che đậy. Vì sợ mất người thương nên tôi ra sức níu kéo dù biết là đau khổ…
Chúng ta vì ngại mất mà muốn ôm giữ lại tất cả và đôi khi đẩy mình vào tình trạng sống trong sợ hãi. Tôi cảm thấy không an toàn dù đang ở trong nhà, đóng kín cửa và ngồi trên giường. Tôi không biết là bình an không đến từ quá khứ hay hiện tại, trong nhà hay ngoài ngõ mà bình an đến tự trong tâm. Một cái tâm an hòa chính là một cái an thanh thản trước vật đổi sao dời. Vì thế, Hòa thượng Thích Hạnh Hải đã nói: “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Sai lầm của người dễ mắc phải chính là tâm lý quá lo sợ việc phạm sai lầm, bởi thất bại chính là cơ hội để bắt đầu lại mọi việc một cách khôn ngoan hơn. Bởi sự né tránh, trốn tránh một việc mà ta lo sợ để tìm sự thoải mái tạm thời trong tâm trí chỉ là cách tự lừa dối bản thân.
Người ta nói : “Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Chúng ta hay sợ những cái hiện tiền, những cái mà có thể tác động, ảnh hưởng đến lợi ích hay cuộc sống thoải mái hiện tại của mình mà không sợ tạo nghiệp. Ở cõi ta bà, người đời hay sợ những điều mà họ hình dung được mà không biết đó chỉ là danh sắc. Ta không phải là ta. Ta không sợ mà là sắc sợ. Ta không nhận biết mà là danh nhận biết.Khi thực tập thiền định và quán chiếu, khi hướng về những người hay vật làm mình sợ xung quanh, ta không còn thấy đâu là bạn, đâu là thù mà chỉ thấy danh và sắc. Người tu là người biết điều tâm mình luôn an tịnh trước mọi hoàn cảnh của cuộc sống, không tham đắm vào lạc thọ hay khổ thọ và không để chúng xâm chiến tâm trí.
Như trong kinh Thân Tâm Tu Tập, Đức Phật đã dạy:
“Kẻ vô văn phàm phu, khởi lên lạc thọ, liền tham đắm lạc thọ. Nếu lạc thọ bị diệt, khởi lên khổ thọ. Do cảm giác khổ thọ nên sầu muộn than khóc, đi đến bất tỉnh. Lạc thọ ấy khởi lên cho người ấy, xâm chiếm tâm và an trú, do thân không tu tập. Khổ thọ ấy khởi lên, xâm chiếm tâm và an trú, do tâm không tu tập.
Bậc đa văn Thánh đệ tử cảm giác lạc thọ, không tham đắm lạc thọ. Khi lạc thọ diệt mất, khởi lên khổ thọ, cảm giác khổ thọ nhưng không có sầu muộn than khóc, không rơi vào bất tỉnh. Lạc thọ khởi lên, không xâm chiếm tâm và an trú, vì thân có tu tập. Khổ thọ khởi lên, không xâm chiếm tâm và an trú, vì tâm có tu tập. Người nào hai phương diện có đầy đủ, được gọi là người có thân tu tập, có tâm tu tập.”(1)
Tự tu thì tự ngộ, không ai tu dùm mình. Cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ hãi là đi xuyên qua nó. Ta không thể vượt qua khó khăn để đạt được ước mơ, hoài bão, mục tiêu của cuộc đời nếu không có bản lĩnh đối mặt và chấp nhận khó khăn, thử thách. Không ai có thể xua tan nỗi sợ trong tâm trí ta trừ chính bản thân chúng ta. Sợ hãi là do tâm sinh ra nên ta phải biết dùng tâm quán chiếu ý niệm không thực ấy, từ đó nhìn sâu vào nguyên nhân dẫn đến nỗi sợ và đưa ra cách giải quyết tình huống thực tại một cách hợp tình hợp lý. Hành giả khi thực tập thiền còn phải biết nhận diện điểm bắt đầu và kết thúc của nỗi sợ. Khi đang từ cảm giác bình thường, phát hiện cảm giác sợ hãi, chúng ta phải biết nhận diện và niệm “phóng tâm à” rồi sau đó là “sợ à” và “cảm giác khó chịu à”. Khi cơn sợ đi qua, ta cũng phải nhận diện và niệm “hết sợ à” và “cảm giác bình thường à”. Tất cả các hoạt động của ta lúc nào cũng phải có ý thức và chánh niệm. Đừng để sự sợ hãi xâm chiếm cả tâm trí, điều khiển và chi phối hoạt động của bản thân ta.
“Tâm an cảnh sẽ an
Tâm bình thế giới bình” (2)
(1) Đại Kinh Saccaka, HT Thích Minh Châu dịch, Mahàsaccaka sutta, Trung Bộ Kinh
(2) Tiêu đề sách “Tâm An Cảnh Sẽ An – Tâm Bình Thế Giới Bình” – T G Minh Thạnh
Tường Lam