Và con đã đi như chưa từng đến

Nhà triết học Heraclitus đã từng nói: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống luôn biến chuyển không ngừng theo nghiệp duyên của chúng. Chúng ta có mặt ở đây, trên trái đất này, là con của ba mẹ, sống trong ngôi nhà này… là sự biểu hiện của các điều kiện nhân duyên khi hội tụ đầy đủ. Vì là hình thái biểu hiện của nhân duyên nên khi duyên hết thì sắc cũng tan. Vô thường chạm ngõ không chừa một ai hay một cá thể nào. Một công trình xây dựng hùng vĩ, chỉ một cơn động đất cũng làm tan nát. Ngôi chùa uy nghi, to lớn, chỉ cần một ngọn lửa nhỏ cũng cháy thành tro bụi. Người lực sĩ vạm vỡ khỏe mạnh cũng có thể qua đời vì một căn bệnh do những con vi-rút siêu nhỏ gây ra… Thầy tôi thường dạy: “Ngàn năm có chi trong tích tắc vô thường.” Người vô thường, vật vô thường và nắng mưa cũng vô thường.

Dù là vua, thủ tướng hay chúa tể sơn lâm cũng không tránh khỏi quy trình sinh lão bệnh tử vì đó là quy luật của cuộc đời. Khi Đức Phật còn là thái tử Sĩ Đạt Ta, trong lúc dạo chơi bốn cửa thành, người đã chứng kiến chúng sinh ở các trạng thái sinh, già, bệnh, chết buồn vui như thế nào. Đã là chúng sinh biểu hiện trên cuộc đời thì chắc chắn chúng sinh đó vẫn còn vương trong vòng luân hồi và chịu sự chi phối của luật nhân quả. Chúng ta liên tục xoay vần tạo nghiệp và trả nghiệp trong vòng sinh tử. Kiếp này không trả hết thì kiếp sau trả. Nếu không dừng lại, chúng ta sẽ sống đời vay trả mãi mãi trong vô lượng kiếp. Cuộc đời là một chuỗi những trả vay, hẹn ước không biết đâu là điểm dừng. Người chìm đắm trong vô minh, cho rằng ta là ta, thân này là của ta, tài sản là của ta, ba mẹ là của ta, người thương là của ta… Kiếp này tạo nghiệp cùng người thân chưa đủ nên người hẹn kiếp sau sẽ gặp nhau để tiếp tục vay trả. Ta hay nghe người đời khấn: “Con nguyện kiếp sau sẽ tiếp tục được làm con của ba mẹ” hay “Em nguyện kiếp sau sẽ tiếp tục được làm vợ anh”… mà ít khi nghe “Con nguyện giải thoát ngay kiếp hiện tại cùng ba mẹ” hay “Vợ chồng mình cùng tu tập giải thoát trong kiếp này nha anh”. Tâm luyến ái là một trong những điều kiện dẫn người tái sinh trở lại vào bào thai và tiếp tục hành trình sinh diệt, trong khi chỉ có tâm đại bi, tâm không còn phân biệt, không còn dính mắc mới đưa người đến cứu cánh Niết bàn.

Niết bàn không phải một cõi. Niết bàn là một tự tính trong sạch, an tịnh, không ràng buộc, không đắm nhiễm hay vương vấn vào bất cứ điều gì. Phật, Pháp, Tăng ở ngay trong tâm ta, không đâu xa. Mục đích tối thượng của việc tu học là được giải thoát, được nhập Niết bàn ngay trong giây phút hiện tại. Vạn pháp đều có tánh không, thân này chỉ là sắc pháp, ý nghĩ này chỉ là danh pháp. Ta không từ đâu sinh ra và ta cũng không đi về đâu. Vì nghiệp duyên, ta rơi vào vòng luân hồi sinh tử nhưng ta có thể làm chủ được hoàn cảnh của mình. Ta không phải là nạn nhân bị hoàn cảnh dẫn đi vòng quanh. Bằng cách quán chiếu và tu tập, ta có thể chấm dứt việc đi quanh của mình. Thoát khỏi luân hồi có nghĩa là chấm dứt tái sinh, chấm dứt hình sắc và chấm dứt nghiệp. Vì ngại chết nên người muốn sống. Người sợ chấm dứt mình, sợ mình tan biến vào cõi không như vi trần. Người muốn kéo dài tuổi thọ dù biết rằng đời là bể khổ mênh mông. Ngày nào còn sống, còn già cỗi, còn đau đớn, còn bệnh tật, còn nhận thức được, nhìn từng người thương lìa xa và trông chờ cái chết gõ cửa… là ngày đó người còn phải chịu đựng sự dày vò, sự đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Duy trì kiếp hiện tại hay bắt đầu một kiếp mới cũng là sự tiếp nối khổ đau trong luân hồi.

Chúng ta không có bắt đầu và cũng không có kết thúc. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi.” Cát bụi rồi cũng trở về với cát bụi. Khi hội đủ nhân duyên, chúng ta vay mượn tứ đại: đất, nước, lửa, gió để biểu hiện trên cuộc đời này. Khi duyên cạn, tứ đại tan rã thì chúng ta lại trở về với những gì làm nên mình. Có vay có trả là quy luật của cuộc đời. Nếu không muốn trả nữa thì hãy chấm dứt việc vay mượn. Ta hay có khuynh hướng đi theo dòng lưu chuyển của người đời: đi học, đi làm, lập gia đình, sinh con, nuôi cháu, an dưỡng tuổi già… Người người nhà nhà noi theo nhau mà đi. Người đời sợ chết, ta cũng sợ chết. Người đời sợ cô đơn, ta cũng sợ cô đơn. Người đời có gia đình, sự nghiệp, ta cũng muốn có như thế. Người đời trôi lăn trong vòng sinh tử, ta cũng ngụp lặn trong luân hồi. Người đời trầm luân trong bể khổ, ta cũng không đủ dũng cảm rút chân ra. Ta chấp nhận đi theo guồng quay thế gian ấy như một lẽ sống mà không biết rằng mình có thể dừng lại. Người làm chủ hoàn cảnh, không phải là nạn nhân của hoàn cảnh. Đức năng thắng số. Đã là người thì ắt hẳn phải mang nghiệp vào thân. Hóa giải hay chịu đựng hay tạo thêm nghiệp là do tâm điều khiển danh sắc. Thiền sinh thực tập nhận diện danh sắc biết cách quán chiếu thuận duyên và nghịch duyên của mình, sử dụng thân xác hiện có như một phương tiện giúp mình tu tập, tạo nhiều phước lành để chuyển hóa thân tâm, dung hòa ác nghiệp, thanh lọc những dính mắc trần lao, đưa tâm đạt đến trạng thái Niết bàn ngay trong giây phút hiện tại.

Ta có thể từng là cá bơi tung tăng dưới hồ nước hay là nai vàng ngơ ngác trong rừng sâu hay chiếc lá xanh trên cành hoặc cũng có thể là Chư Thiên trên trời, hay một chúng sinh bị giam cầm nơi địa ngục. Thời gian và hình thái biểu hiện của mỗi chúng sinh đều do nghiệp của chúng sinh ấy chi phối. Chấm dứt tạo nghiệp thì giúp cho chấm dứt luân hồi khổ đau, kết thúc sanh già bệnh chết để đưa ta đến vô sinh, vô ưu, vô nghiệp.

Cho nên, khi thể nhập sâu xa trí Bát Nhã Ba La Mật Đa, Bồ tát Quán Tự Tại soi thấy năm uẩn đều không liền vượt qua hết thảy khổ ách: “Này ông Xá Lợi Tử! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc; sắc tức là không, không tức là sắc; thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Tướng không của mọi pháp, chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng dơ, chẳng sạch, chẳng thêm, chẳng bớt. Cho nên, trong [chân] không, không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn giới cho đến không ý thức giới; không có vô minh cũng không có cái chấm dứt vô minh; cho đến không có già chết, cũng không có cái chấm dứt già chết; cũng không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí tuệ cũng không có chứng đắc. Vì không có chỗ chứng đắc, Bồ tát y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa, nên tâm không ngăn ngại; vì không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo, đạt tới cứu cánh Niết Bàn”(1).

Tất cả các pháp bao gồm năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức, và sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều mang tính không. Sắc tức là không, không tức là sắc. Sắc chẳng khác không và không cũng không khác sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều là không. Sáu căn đã không có thì sáu trần cũng không thật. Quán chiếu được tánh không của vạn pháp, người chợt bừng tỉnh, thì ra đời chỉ là giấc mộng, mọi thứ như phù du, có rồi mất, đến rồi đi, ngay cả thân xác cũng là vô thường thì không gì là có thật. Bấy lâu nay người đang say mà cứ ngỡ mình tỉnh, cho rằng tất cả đang hiện hữu nên người muốn được sở hữu, bất chấp khổ đau. Dù cho có là sắc pháp hữu hình hay danh pháp vô hình thì không có gì mà cơn lũ của cái chết không cuốn theo nó.

Có những điều mình đang dính mắc như tuân theo một Pháp môn nào đó một cách máy móc, phụ thuộc vào thân kiến, tà kiến và giới cấm thủ mà cứ nghĩ là mình đang thực tập đúng, nếu không có người chỉ bảo thì rất khó nhận ra. Bản chất Pháp môn chỉ là chiếc bè qua sông. “Không có trí tuệ cũng không có chứng đắc”. Trí tuệ là danh từ và chứng đắc là ý niệm.  Chúng ta tu học là tầm cầu giải thoát, là tiếp xúc được với bản chất của an lạc giải thoát, không phải sống bằng danh từ và ý niệm. Chiếc bè là công cụ giúp người qua sông, khi qua được sông rồi thì phải thả bè xuống mà đi. Không ai ôm theo bè khi đã chạm đến bờ. Thân kiến, tà kiến và giới cấm thủ là biểu hiện của vô minh, là ý niệm, mà ý niệm thì vô thường. Ngay cả Pháp môn cũng vô thường. Phật dạy chúng sinh con đường giải thoát, Phật không ban tặng sự giải thoát cho chúng sinh. Tất cả chúng sinh muốn nhập Niết bàn đều phải tự đi trên đôi chân của mình và tháo gỡ tất cả nội kết. Tự tu thì tự ngộ, không ai tu dùm mình.

Thân người chỉ là cái xác di động, là nhà để tâm trú ẩn. Do đó, để tâm được an toàn thì thân ở đâu, tâm phải ở đó. Người vướng vào mộng tưởng điên đảo vì thân tại mà tâm ngoại. Người thả tâm trôi theo vọng tưởng, hoài nghi, ngã mạn, ác kiến… xa lìa khỏi thân. Vì tâm người cứ mãi rong ruổi, không an trú vào thân nên tâm lăng xăng, tán loạn và khiến người điên đảo. Như người đi lang thang vô định không biết đâu là nhà. “Tâm vẽ ra tất cả, tâm vẽ ra Phật, vẽ ra Pháp, vẽ ra Tăng. Nếu tìm Phật, Pháp, Tăng như những thực tại độc lập ngoài tâm thì sẽ không tránh khỏi ràng buộc. Phật, Pháp, Tăng phải tìm ngay trong tâm mình. Pháp đây là tâm pháp, pháp của tâm, hay vạn pháp duy tâm.”(2)

Ta là ai? Ta từ đâu đến và ta sẽ đi về đâu ? Ta phải đi đâu để tìm thấy ta? Ta có nhất thiết phải đi vòng quanh? “Này người đang đi vòng quanh hãy dừng lại, anh đi như thế để làm gì? Trả lời, Tôi không thể không đi, và vì tôi không biết tôi đi đâu nên tôi đi vòng quanh. Yêu cầu, Này người đang đi vòng quanh, anh hãy chấm dứt việc đi quanh. Trả lời, Nhưng nếu tôi chấm dứt việc đi, thì tôi cũng chấm dứt tôi. Yêu cầu, Này người đang đi vòng quanh, anh không phải là sự đi quanh, anh có thể đi nhưng không cần đi quanh. Hỏi, Tôi có thể đi đâu? Trả lời, Anh hãy đi tìm người anh thương, anh hãy đi tìm anh.”(3)

Như vậy, muốn không phải đi quanh theo vòng quay của bánh xe luân hồi, trước tiên ta phải chấm dứt tạo nghiệp mới, hóa giải nghiệp đang có và thực tập thiền khai thông trí tuệ. Để xa lìa các tác nhân gây nghiệp, chúng ta phải trừ bỏ được năm dục: tài, sắc, danh, thực, thùy; thu thúc sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và xa lìa sáu tâm độc: tham, sân, si, mạn, nghi, kiến. Người tu là người sống tùy duyên, giản dị. “Nguyên tắc của đạo là sống một cách bình thường: ăn cơm thì chỉ biết có ăn cơm.”(4) Ta sống giữa đời thường nhưng biết giữ tâm được an bình, không để ngoại cảnh chi phối, cũng không cần đè nén hay trốn chạy cảm thọ vì tất cả chỉ là danh sắc vô thường. Mưa hay nắng là những hiện tượng bình thường của tự nhiên. Hết mưa lại nắng, hết nắng lại mưa. Vì người gán ý niệm buồn vui cho mưa nắng nên đôi khi người thương nắng ghét mưa hay thương mưa ghét nắng. Còn thương còn ghét là còn tâm phân biệt, còn dính mắc, còn quay lại luân hồi. Sắc là không, danh cũng là không. Mọi pháp đều bình đẳng và không thực. Người sợ cô đơn nhưng không nhớ rằng từ khi sinh ra đến lúc mất đi cũng chỉ một mình. Ta từ hư không bước vào cõi đời một mình thì cũng một mình về lại hư không. “Trần gian vốn là mộng – Thực hư cũng là mộng – Say mộng hay tỉnh mộng – Đều là mộng mà thôi”(5). Người muốn dứt mộng thì phải sống tỉnh thức, có chánh niệm, biết quán thân bất tịnh, không đắm nhiễm vào danh sắc, nghiêm túc giữ giới, dừng tạo nghiệp và kiên trì thực tập thiền tuệ thì giải thoát biểu hiện ngay tức thì.


(1) Trích Bát Nhã Tâm Kinh – Bộ Đại Bát Nhã

(2), (4) Trích sách Người Vô Sự – HT. Thích Nhất Hạnh, NXB Tri Thức

(3) Bài thơ “Đi vòng quanh” – HT. Thích Nhất Hạnh

(5) Bài thơ “Mộng” – HT Thích Thanh Từ

Tường Lam