Trong cuộc sống, lời nói là phương tiện giao tiếp giữa người với người. Thông qua lời nói, người gửi gắm vào đó những tâm tư, nguyện vọng mà mình mong muốn truyền đạt đến đối tượng để người ấy lắng nghe, thấu hiểu, cùng phối hợp làm việc, học tập, sinh hoạt… trong gia đình và cộng đồng. Qua lời nói, phẩm chất và trình độ của người nói phần nào được thể hiện. Lời nói vốn “chẳng mất tiền mua”, vì thế ông bà ta thường khuyên “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Biết rằng lời nói là một phần quan trọng trong đời sống của con người, lời nói có thể mang lại hạnh phúc hoặc khổ đau cho người, vì thế, Đức Phật đã dạy trong Năm giới Cư sĩ: “Con nguyện thực tập nói lời sự thật để dâng tặng niềm vui và hạnh phúc đến cho người bằng cách không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói lời hai chiều và không nói lời ác ngữ. Tôn trọng sự thật là nuôi dưỡng tình thương, bảo tồn sự trung tín trong xã hội và xây dựng niềm tin giữa người với người. Con nguyện không tham gia chỉ trích, lên án hay phê bình những điều mà con không biết rõ, những điều có thể gây chia rẽ hay căm thù, và những điều tạo nên sự bất hoà của đoàn thể tu học, cộng đồng dân chúng, hòa giải dân tộc, an ninh khu vực và hoà bình thế giới.”(1)

“Con nguyện thực tập nói lời sự thật để dâng tặng niềm vui và hạnh phúc đến cho người bằng cách không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói lời hai chiều và không nói lời ác ngữ.” Sự thật là điều hiển nhiên mà không ai có thể chối cãi, dù người muốn hay không muốn chấp nhận. Sự thật có tính vĩnh cửu, dù qua bao thăng trầm của cuộc sống, của lịch sử, sự thật vẫn mãi là sự thật. Hằng ngày, ta hay nghe trên tivi câu nói “Sữa mẹ là tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ” trước mỗi mẫu quảng cáo sữa, theo quy định bắt buộc của Nhà nước. Dù là sữa nhập hay sữa Việt Nam chất lượng cao có bổ sung nhiều vi chất bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng không thể thay thế sữa mẹ. Sữa mẹ mới chính là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho con mình. Đó là một sự thật hiển nhiên không thể chối cãi. Cũng như thế, lời nói dù có hoa mỹ, bay bổng cách mấy vẫn không thể thay đổi hay che đậy sự thật vốn có.

“Tôn trọng sự thật là nuôi dưỡng tình thương, bảo tồn sự trung tín trong xã hội và xây dựng niềm tin giữa người với người.” Không phải tự nhiên mà thầy cô và ông bà cha mẹ đều dạy trẻ nhỏ phải nói thật, không được nói dối ngay từ khi trẻ biết nhận thức. Nói thật là tôn trọng bản thân mình và đối tượng lắng nghe. Dù sự thật có khó chịu và đau lòng cách mấy ta vẫn nên nói thật để cùng gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hay người mình yêu thương thấu hiểu để cùng giải quyết vấn đề một cách ôn hòa và hợp lý. Người ta hay nói “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”(2). Có thể vì muốn giải quyết nhanh một vấn đề nào đó hay sợ hãi một điều gì đó hay vì một lý do riêng nào đó, ta nói dối cho qua chuyện. Nhưng “cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”(3). Nuôi sự dối trá cũng như nuôi lửa trong lòng. Người nói dối luôn sống trong tình trạng thấp thỏm, lo âu vì sợ bị phát hiện. Thân tâm không lúc nào được thanh thản. Thời gian càng lâu, các sự việc và đối tượng liên đới càng nhiều thì hậu quả càng lớn khi bị phát hiện. Tình thương và lòng tin cũng bị giảm sút đáng kể.

Lời nói chẳng mất tiền mua

Nói lời sự thật là cách thể hiện tình thương giữa người với người. Khi yêu thương nhau, ta chỉ muốn dâng tặng những gì tốt đẹp nhất cho nhau. Ta cố gắng làm tất cả hành động dễ thương để có được những lời sự thật dễ thương nói với nhau. Lời ái ngữ không chỉ cần thiết trong tình yêu nam nữ mà còn trong cả tình cha mẹ ông bà với con cháu, tình thầy trò, tình đồng nghiệp, tình đồng chí, tình bạn… Một xã hội mà toàn người nói những lời ái ngữ chân chính với người thì xã hội tốt đẹp lắm. Sống trong gia đình hay cộng đồng, ta luôn ghi nhớ nên đặt chữ “Tín” lên hàng đầu vì đó là nền tảng xây dựng niềm tin. Mất đi niềm tin như mất đi sợi dây gắn kết, người sẽ lạc lõng bơ vơ và rơi vào trạng thái cô đơn.

Hẳn ai cũng biết truyện ngụ ngôn “Chú bé chăn cừu”. Vì chán cuộc đời chăn cừu của mình nên chú bày ra trò chơi lừa gạt dân làng bằng cách chạy về làng và la to: “Cáo! Cáo!” để dân làng chạy ra giúp. Một lần, hai lần, dân làng chạy ra thì không thấy con cáo nào xuất hiện. Đến lần thứ ba thì cáo xuất hiện thật. Lúc này, dù chú bé có la to cách mấy, dân làng cũng không ai đến giúp. Và đàn cừu của chú bé bị giết rất nhiều con. Như vậy, ta có thể thấy, vì thỏa mãn sự vui đùa của mình mà vô tình chú bé đã gây tổn thương cho dân làng vì khi bị lừa như thế, họ vô cùng tức tối. Cũng như đối tượng mà chúng ta lừa dối khi phát hiện ra sẽ khó chịu thế nào. Thương càng nhiều, thất vọng càng cao.

Đặc biệt, chữ tín trong kinh doanh có vai trò cực kỳ quan trọng và luôn được các doanh nhân đặt lên hàng đầu. Người làm ăn đáng tin cậy luôn được đối tác tin tưởng và giữ mối quan hệ lâu dài, thậm chí hợp tác đến đời con cháu, sự nghiệp ngày càng phát triển. “Hữu xạ tự nhiên hương”(4), sản phẩm tốt và sự uy tín trong kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp có được nhiều khách hàng bền vững mà không cần tốn bất cứ chi phí truyền thông nào.

Lúc nhỏ, một lần vô tình làm bể chậu hoa của mẹ, tôi đã nói dối đổ thừa cho con mèo vì sợ bị la. Lớn hơn một chút, khi đi học, cũng vì sợ phiền lòng ba mẹ, tôi đã giấu bảng điểm kém và chỉ mang bảng điểm tốt về nhà. Và tôi đã thành công khi xây dựng được một hình mẫu con ngoan trò giỏi trong mắt phụ huynh. Vì vô minh, tôi không biết mình đã tạo khẩu nghiệp sâu dày ngay khi nhỏ. Trưởng thành, khi gặp va vấp trong kinh doanh và các vấn đề quan trọng khác của cuộc sống, tôi vẫn tiếp tục nói dối che đậy sự thật cho đến lúc bị phát hiện, ba mẹ tôi đã vô cùng bị sốc và thất vọng vì từ trước đến nay tôi luôn đáp ứng tốt các nguyện vọng của gia đình. Hình tượng sụp đổ, kinh tế sụp đổ. Niềm tin bong bóng suốt hơn hai mươi năm qua vỡ tan tành. Qua đó, ta có thể thấy từ một lời nói dối nhỏ cho một việc nhỏ khi còn nhỏ, nếu không ý thức và từ bỏ, ta bắt đầu phát triển lời nói dối lớn hơn cho một việc lớn hơn khi tuổi lớn hơn và gieo trồng thói quen nói dối thành nghiệp tạo tác. Vì thế, trong bộ truyện “Đường Xưa Mây Trắng” của Sư Ông Làng Mai, khi dạy con trai La Hầu La, Đức Phật đã nói: “Người nói dối cũng như nước rửa chân không thể dùng uống được.”

Nói dối là sai. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vì cứu người bằng tâm từ thì lời nói ấy có thể chấp nhận được. Như một người bác sĩ dẫu biết rằng cô bệnh nhân của mình chắc chắn không qua khỏi nhưng mỗi ngày vẫn đến động viên cô hãy cố gắng chống chọi, trông cô khá hơn mỗi ngày, để cô sống những ngày cuối đời thanh thản và không sợ hãi. Hay một vị sư vì bảo vệ mạng sống cho một anh chiến sĩ đang ẩn mình trong chùa mà nói dối quân giặc rằng không thấy có anh bộ đội nào chạy ngang đây cả…

Lời nói có thể có giá trị xây dựng nhưng cũng có thể phá hoại. Khi nghe một lời không hay từ người khác, ta hay có cảm giác khó chịu và muốn phản kháng lại. Một nhóm người vào quán uống rượu. Đang trò chuyện thì một người vô tình nói một câu làm phật ý người ngồi cùng. Hai người lao vào đánh nhau, sát thương nhau, thậm chí có thể mất mạng chỉ vì một câu nói. Hay hai người yêu nhau, chỉ vì một câu nói vu vơ của chàng trai về người yêu cũ mà cô gái sinh lòng ghen tuông đề nghị chia tay. Chàng trai chấp nhận vì nghĩ cô gái xem nhẹ tình cảm của mình vì một lời nói không đáng. Chấp vào ngôn từ, để bản ngã chi phối khiến người đánh mất tình thương và bản thân lúc nào không biết. Giận quá mất khôn. Thầy tôi dạy: “Khi nghe một lời nói chói tay, mình hãy niệm “nghe à”. Lúc niệm xong cũng là lúc lời nói ấy qua đi và hãy giải quyết mọi việc dựa trên tình thương.”

Trong cuộc sống, ít ai hối hận vì ít nói nhưng nhiều người hối hận vì nói quá nhiều và quá lời (nói dài, nói dai, nói dại). Một cuộc đối thoại cần một người nói và một người nghe. Khi cả hai người cùng nói thì không có ai là người nghe, dẫn đến không có ai là người hiểu. Nói là một nghệ thuật và nghe cũng cần có nghệ thuật. Vì ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm và sự không biết lắng nghe gây ra, Bồ Tát Quan Thế Âm luôn thực tập theo hạnh ái ngữ và lắng nghe để dâng tặng niệm vui cho người và làm vơi bớt khổ đau của người. Ai cũng thích nghe lời tốt đẹp nhưng không phải ai cũng nói được lời ái ngữ. Thực tập lắng nghe sâu là một quá trình. Nếu trong ta có quá nhiều khổ đau thì ta khó có thể lắng nghe hay nói những lời dễ thương với người khác. Chỉ khi ta tự tháo gỡ được nội kết, vướng mắc trong mình thì ta mới có thể lắng lại, tiếp nhận thông tin từ người khác. Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy: “Dù nói hàng ngàn lời vô ích, không bằng chỉ nói một lời đúng Chánh Pháp, có ích lợi làm cho tâm người nghe được an tịnh.(5)” Vì thế, “Con nguyện không tham gia chỉ trích, lên án hay phê bình những điều mà con không biết rõ, những điều có thể gây chia rẽ hay căm thù, và những điều tạo nên sự bất hoà của đoàn thể tu học, cộng đồng dân chúng, hòa giải dân tộc, an ninh khu vực và hoà bình thế giới.”

Qua đó, có thể thấy lời nói đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống của con người. Là người học Phật, lĩnh hội trí tuệ của đạo Phật, ta phải luôn ghi nhớ và thực tập theo bốn hạnh lành về khẩu ngữ sau:

“Đệ tử nguyện thực tập
Bốn hạnh thuộc về khẩu
Không nói dối mà nói thật
Không nói lời chia rẽ mà nói lời hòa giải
Không nói lời thô ác mà nói lời ôn hòa nhã nhặn
Không nói lời thêu dệt mà nói lời chắc đúng.(6)”

Nói thật, nói lời hòa giải, lời ôn hòa nhã nhặn, lời chắc đúng sẽ mang lại cho ta trí tuệ, uy tín, tránh tạo nghiệp trong kiếp này và những kiếp sau, đời sống hiện tiền luôn được tin cậy, được an lạc và được thảnh thơi 

Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Tâm buồn chẳng nói lời nào,
Tâm vui lời nói ngọt ngào dễ thương.
Có thương yêu, bao nhiêu cũng được,
Hết thương rồi, nói ngược nói xuôi.
Lời nói dễ mích lòng nhau.
Lời nói chân thật ngọt ngào tình thương.
Có tình thương nói gì cũng dễ.
Hết thương rồi bất kể nói chi.
Nói nhiều tâm khởi sân si.
Bằng như không nói từ bi ai tường. (7)

————————————————-
(1): Giới thứ tư – Năm giới Cư sĩ
(2), (3), (4): Tục ngữ
(5): Kinh Pháp Cú
(6): Kệ Mười Hạnh Lành
(7): Ca dao

Tường Lam