Có vô vàn những khó khăn, những thử thách nguy hiểm do ngũ dục và ngoại cảnh luôn rình rập, chực chờ người xuất gia chúng ta. Nếu như một phút giây lơ là, thiếu sự tu tập thì chúng sẽ tấn công và làm nguy hại đến chúng ta.
Nhưng cũng có một điều an ủi là nếu như chúng ta có những tâm nguyện tốt lành khi phát tâm xuất gia, thì đây chính là động lực để chúng ta có thể vượt qua tất cả.
Sống trong một thế giới đầy nhiễm ô, chúng ta mãi bận rộn chạy theo những khát vọng, ham muốn lợi danh, mãi đắm chìm trong cái vòng lẩn quẩn của khổ đau, buồn vui rồi sợ hãi,… Để rồi có một ngày, trong phút tĩnh lặng hiếm hoi của nội tâm – phút giây chánh niệm tỉnh giác, chúng ta mới chợt nhận ra rằng:
Vậy mỹ nữ là hòm chôn tuấn kiệt
Dĩa dầu hôi là mả chúng thiêu than
Bã vinh hoa là ngục nhốt tinh thần
Mồi phú quý là mồ trang sĩ hoạn.
Trong Kinh Pháp Hoa, Phật đã nói: “Tam giới vô an, du như hỏa trạch”, nghĩa là ba cõi đều không an ổn, giống như ngôi nhà lửa thôi. Khi nhận định sâu sắc lời dạy này, chúng ta cảm thấy nhàm chán, muốn xuất ly ra khỏi những khổ đau đó. Như một người lữ khách quay về với cố hương, về bên chân Phật, chúng ta xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Phát nguyện đem hết tâm trí của mình cống hiến cho chúng sanh để bù đắp những lỗi lầm, những tháng ngày vô ích; trả hết những món nợ ân tình mà ta đã vay mượn của cuộc đời. Tưởng rằng chúng ta sẽ thực hiện cái tâm nguyện đó một cách trọn vẹn và đầy đủ, nhưng thực tế đường tu học Phật pháp cũng lắm gian nan. Chính đức Phật cũng từng nói: “Vui hạnh xuất gia khó ”.
Đầu tiên, việc khó nhất của chúng ta là chọn được cho mình một môi trường, một vị thầy sáng và một Tăng thân có chung lý tưởng, đồng hướng đến đời sống phạm hạnh. Môi trường thích hợp cho người xuất gia không phải là rừng núi thiên nhiên đẹp đẽ, hay đầy đủ tiện nghi vật chất mà là một môi trường giống như được miêu tả trong bài kinh Khu Rừng Sừng Bò (Trung Bộ Kinh), tương đối hội đủ các điều kiện thuận lợi đưa đến sự thăng tiến, thành công về phương diện tu tập tâm linh. Và một hội chúng mà chúng ta có thể tin tưởng không một chút nghi ngờ, đó là một hội chúng gồm đủ 6 yếu tố hay còn gọi là lục hòa, đó là: Sự hòa hợp về chỗ ở (thân hòa đồng trú), sự hòa hợp về lời nói (khẩu hòa vô tránh), sự hòa hợp về suy nghĩ (ý hòa đồng duyệt), sự hòa hợp về giới (giới hòa đồng tu), sự hòa hợp về tri thức (kiến hòa đồng giải), sự hòa hợp về tứ sự (lợi hòa đồng quân).
Để tìm được môi trường lý tưởng, biết bao người đã luống công vô ích. Vì vậy chúng ta cần phải biết sống tùy duyên với thực tại, cố gắng đem hết tâm huyết để xây dựng hội chúng hiện hữu, giữ tâm luôn thư thái để vững bước trên đạo lộ tối thắng an tịnh mà chúng ta đã chọn.
Nhiều vị tôn túc đã cho rằng: so với các Ngài ngày xưa thì người xuất gia thời nay gặp thuận duyên hơn nhiều, nhưng nếu không khéo tu thì cũng khó khăn và gặp chướng duyên cũng không kém. Thuận duyên ở nhiều phương diện, thứ nhất là được sống trong sự an bình, đất nước không còn phải chiến tranh, giặc giã. Thứ hai là được cư gia bá tánh cúng dường và chu cấp đầy đủ về những nhu cầu (ăn, mặc, ở, bịnh), chùa chiền ngày một khang trang hơn. Thứ ba là trường lớp Phật học được mở ra rất nhiều, pháp môn tu hành cũng như phương tiện nghe nhìn và nghiên cứu Phật pháp đa dạng và phong phú. Các Ngài xưa học ít mà hành nhiều: Đời sống giản đơn, bữa cháo bữa rau, an phận tu tập, không chút lợi danh, tâm luôn được an vui. Chúng ta ngày nay thế nào?
Với một rừng kinh sách, pháp môn, biết đâu là những điều căn bản để tưới tẩm, dưỡng nuôi tâm bồ đề của người sơ tâm học đạo? Có bậc tôn túc trong những thập kỷ trước đã thấy khó và từng thốt lên rằng:
Kinh văn rối rắm lạ thường
Như là đêm tối không tường nông sâu.
Chính vì thế, người thầy đóng vai trò rất quan trọng. Đức Tổ sư từng dạy: “Làm người xuất gia trước phải lựa thầy cho chơn chánh đặng ở cho lâu, không đặng thay đổi hay lìa thầy sớm…”. Nhưng khổ thay, chúng ta chưa đủ trí để nhận biết đâu là minh sư để chúng ta chọn. Theo người viết, trước tiên chúng ta phải có sự tìm hiểu về giáo lý của nhà Phật, nhận thấy vị thầy nào sống và hành theo lời Phật dạy một cách tương đối và có nhân duyên để tiếp nhận mình, thì nên theo vị ấy.
Cái khó khăn nữa của người xuất gia chúng ta là đối duyên xúc cảnh, những thói quen, những cảm xúc hay những trạng thái tình cảm khi còn tại gia lại nổi dậy. Điều đó được đức Phật nói rõ trong kinh Catuma (Trung Bộ kinh): Người đi ra biển có bốn sự sợ hãi, đó là sợ sóng, cá sấu, nước xoáy, và cá dữ. Cũng vậy, người xuất gia có 4 điều phải đối mặt đó là phẫn nộ, tham ăn, năm dục, sắc đẹp của người khác giới.
Phẫn nộ là sự phản ứng thô thiển của tâm thức bị dồn nén trong trạng thái giận dữ với tác động của các hành vi không thích ý hay cảnh ngộ không hoàn thiện. Điển hình là trong sinh hoạt hàng ngày, nếu như chúng ta bị người đồng phạm hạnh chỉ dạy hay góp ý, dù đúng hay sai thì cũng khiến ta bực bội vì bị chạm tự ái (bản ngã); hoặc khi gặp những thức ăn không hợp khẩu vị, gặp những hoàn cảnh trái ý thì ta cũng có thể nổi giận. Phẫn nộ độc hại vô cùng. Nếu như chúng ta không kiểm soát được, nó thì sẽ nguy hại đến ta vì: “Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai”, hay ngạn ngữ Hungary có câu: “một cơn nóng giận tương đương với 100 con quỷ dữ”. Thế mới hay tác hại của phẫn nộ to lớn biết dường nào. Chúng ta phải dè chừng và cẩn thận với nó.
Nhiều người đã xuất gia nhưng không lo tu học mà chỉ biết lo ăn uống, lo bảo trì cái huyễn thân giả tạm này của mình, ít nghĩ đến người khác. Vì thế khi có ai cản trở hay góp ý về việc ăn uống, thì người này liền phẫn nộ và bất mãn, đường tu tập luôn bị đình trệ, khó phát triển về mặt tâm linh và dễ dàng rơi vào những lỗi lầm khi phải sống chung với hội chúng. Cho nên trong kinh đức Phật thường dạy các đệ tử của Ngài: “phải biết tiết độ trong ăn uống” là vậy. Một con chim bị nhốt lâu ngày trong lồng, sống quá phụ thuộc vào thức ăn, nước uống do người nuôi đem lại, khi được thả ra thì không bao giờ bay đi đến phương trời cao rộng, sống một cuộc sống hạc nội mây ngàn mà chỉ quanh quẩn bên chiếc lồng, không từ bỏ được. Cũng như thế, một người đã xuất gia từ bỏ gia đình sống không gia đình, là những người tự nguyện, là những kẻ luôn đề cao đời sống giải thoát trong thanh bần hơn sự trói buộc trong phú quý, suốt đời mơ những giấc mộng tuyệt vời, luôn khinh bỉ tất cả những cái gì mà thế tục đề cao, thế mà lại dính mắc vào việc ăn uống thì thật là hổ thẹn vô cùng, rốt cuộc thì cũng giống như con chim kia cả đời không bao giờ tận hưởng được hương vị của tự do bay lượn trong bầu trời bao la.
Và một trong những khó khăn tiếp theo mà người xuất gia đối mặt đó là năm dục. Năm dục ở đây là tài, sắc, danh, thực, thùy. Nó luôn chi phối đời sống của chúng ta. Người đời luôn chạy theo và chìm đắm trong nó, và lấy nó làm nhu cầu, niềm vui chính yếu để vun bồi cho cuộc sống của họ. Nhưng họ đâu có ngờ rằng, đó chỉ là yếu tố giả tạm:
Mùi phú quý nhử làng xa mã
Bã vinh hoa lừa gã công khanh.
(Nguyễn Gia Thiều – Cung Oán Ngâm Khúc, câu 81-82)
Cho nên không biết bao nhiêu người bị chôn vùi dưới hố thẳm của dục tình mà không tìm được lối thoát. Như những con thiêu thân lao vào những trò vui của thế gian, để rồi kết quả là đón nhận một cái chết lãng nhách và vô vị. Người xuất gia phải khác hơn người thế gian, “tâm hình dị tục”, tức là phải giác ngộ về lẽ thật của cuộc đời và phải luôn thấy rằng: tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn, bọt bóng, như sương cũng như ánh chớp… Nếu thường xuyên quán chiếu như thế, thì dễ dàng xa lìa ngũ dục. Điều này cũng được Đức Phật xác chứng trong bài kinh Khúc Gỗ. Khi một khúc gỗ hướng về biển, xuôi theo biển, muốn thể nhập vào biển thì phải vượt qua được xoáy nước. Cũng như thế, một người xuất gia muốn thể nhập Niết-bàn thì phải tránh xa năm dục. Vì vậy để tiến tu trên con đường đạo nghiệp, đạt đến sự giải thoát hoàn toàn, chúng ta phải dè chừng với năm dục.
Khó khăn cuối cùng và cũng là khó khăn lớn nhất mà người xuất gia phải đối mặt đó là người khác giới (sắc nam, sắc nữ). Như chúng ta đã biết nguyên nhân để thọ lãnh cái thân năm uẩn này là bắt nguồn từ dục, nghĩa là có thích người nữ thì ta mới sinh làm thân người nam. Từ nhỏ cho đến khi ta hiểu ra được chữ “yêu” thì cái bản ngã của chúng ta được trau chuốt, nâng niu, bảo vệ một cách kĩ lưỡng, tưởng rằng không hề có sự chẻ đôi ở trong ta, thế mà khi gặp người con gái:
Hương trời đắm nguyệt say hoa
Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình.
(Nguyễn Gia Thiều – Cung Oán Ngâm Khúc, câu 19-20)
Thì cái bản ngã đó lại bị chẻ đôi một cách hết sức nhanh gọn và nhẹ nhàng. Đối với người tu như chúng ta thì sức mạnh của đôi mắt, khóe môi, hay cái cười duyên dáng của người phụ nữ mới đáng sợ làm sao. Thành lũy kiên cố của giới luật, một trong những vỏ bọc che chở, bảo hộ cho người tu, nếu không nghiêm giữ thì vẫn bị nó phá tan tành. Thế mới có người nói: “Nếu như trên đời này không có tiền bạc và người phụ nữ thì không có ai xuống địa ngục cả”. Nói như thế không phải hạ thấp người phụ nữ, mà chỉ để nhấn mạnh sự nguy hiểm của sắc dục đem lại cho người nam xuất gia, vì sắc dục là một trong những đối tượng được để ý nhiều nhất. Đối với người nữ tu thì ngược lại. Tương tư, đau khổ, vui mừng, xúc động, bồi hồi… những chuỗi cảm xúc ấy dồn dập kéo đến giày vò, hành hạ tâm can chúng ta. Trong phẩm Sắc (kinh Tăng Chi), đức Phật có dạy: “Này các Tỷ-kheo, ta không thấy một sắc nào khác, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc người đàn bà. Này các Tỷ-kheo sắc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông…”
Nói tóm lại, có vô vàn những khó khăn, những thử thách nguy hiểm do ngũ dục và ngoại cảnh luôn rình rập, chực chờ người xuất gia chúng ta. Nếu như một phút giây lơ là, thiếu sự tu tập thì chúng sẽ tấn công và làm nguy hại đến chúng ta. Nhưng cũng có một điều an ủi là nếu như chúng ta có một cái tâm nguyện tốt lành khi phát tâm xuất gia, thì đây chính là động lực để chúng ta có thể vượt qua tất cả. Chúng ta xuất gia không phải vì thiếu nợ, không vì thiếu ăn, không vì thất tình,… vì vậy mỗi chúng ta phải luôn tự mình nhắc nhở, hun đúc cái tâm nguyện ban đầu đó thì mới mong tránh khỏi những khó khăn đó được. Mỗi chúng ta phải cố gắng tâm niệm rằng:
Sự đời đã tắt lửa lòng
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi
Dở dang nào có hay gì
Đã tu tu trót qua thì thì thôi.
(Nguyễn Du – Truyện Kiều)
Mong rằng, tất cả ai ai cũng sẽ vượt qua mọi thử thách để cùng đến bến bờ giác ngộ.
Ngọc Linh sưu tầm