Chúng ta thường hay nói đến từ “Phật giáo”. Giáo là giáo dục, là dạy dỗ. Đức Phật là thân giáo sư, hay còn gọi là thầy giáo. Nơi Ngài dạy học không phải ở một chỗ, mà là ngoài xã hội, lấy đối tượng chính là con người để truyền đạt.

Lâu nay các bạn vẫn cứ nghĩ đi chùa chỉ dành cho những người chán đời, bị gặp tuyệt vọng trong cuộc sống, đau khổ không còn lối thoát, bế tắc vô cùng…nên mới mượn mái già lam để trốn tránh, để tìm chút an lạc, để mượn vài giây phút cho tinh thần nguôi ngoai…

Có nhiều người chưa hiểu chút gì về Phật giáo nhưng lúc hý luận thì nói những lời cao siêu như bậc hiểu biết, thú thực đến những từ ngữ phổ thông trong Phật môn cũng chưa cắt nghĩa và hiểu đúng. Các bạn bảo là Phật tổ Như Lai lớn nhất, đến Tôn Ngộ Không có 72 phép màu cũng chưa bay ra khỏi bàn tay của Ngài…Mặc áo nâu, ăn cơm rau cả đời thì khổ quá!

Nếu hiểu như thế, Phật giáo cũng …bình thường thôi nhỉ! Tại sao lại có nhiều người tin theo, chả lẽ ai cũng “mù quáng” hết ư?

Để tôi kể cho các bạn nghe rằng, tôi đến chùa không vì tôi chán đời, mà để tôi có nhiều tình thương mến thương với cuộc đời này hơn.

Đức Phật là một nhà giáo dục

Chúng ta thường hay nói đến từ “Phật giáo”. Giáo là giáo dục, là dạy dỗ. Đức Phật là thân giáo sư, hay còn gọi là thầy giáo. Nơi Ngài dạy học không phải ở một chỗ, mà là ngoài xã hội, lấy đối tượng chính là con người để truyền đạt. Nếu các bạn được tiếp xúc với những câu chuyện kể về cuộc đời đức Phật như tậpThích Ca Phổ, như Lịch sử đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hãy nhìn xem Ngài có giống như một nhà giáo dục không? Ngài là một nhà giáo dục tài ba là đằng khác. Ngài đi khắp các nơi, dạy cho con người về hiếu hạnh, về tín nghĩa, về lòng yêu thương, về từ bi, hỷ xả, sống chân thành,…Ngài dạy tất cả mọi điều tốt để giáo dưỡng cho con người bình thường thành con người viết hoa, giúp xã hội an hòa. Cho nên Phật giáo đích thực là giáo dục, chẳng phải là tôn giáo thông thường như nhiều người hằng suy nghĩ.

Học Phật là học làm người thiện

Chúng ta hãy khoan bàn tới những vấn đề cao siêu của Phật giáo như học Phật là để thành Phật. Trước khi muốn thành Phật, điều đầu tiên là phải là thiện nam tử, thiện nữ nhân trước.

Trong các kinh văn, đức Phật thường nói “Này thiện nam tử, thiện nữ nhân”. Chúng ta học Phật, trước hết phải học làm người thiện.

Học làm người hạnh phúc

Quan tâm, yêu thương và biết chia sẻ với người khác là nét đẹp của mỗi người con Phật

Vì chúng ta chưa làm người thiện, đức Phật gọi như vậy như để nhắc nhở chúng ta cái mục tiêu phải cố gắng ở đời này. Muốn thành thiện nam, thiện nữ như vậy, trong kinh Thập Thiện Nghiệp, kinh Thiện Sanh, đức Phật chỉ bày cho chúng ta cách làm sao để tu tập thành những người lương thiện.

Hoàn cảnh xã hội chúng ta đang sống ngày càng loạn động. Tâm con người bất an, luôn khởi lên những toan tính tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng…nhờ có đức Phật dạy chúng ta mới biết “tránh làm việc ác, siêng làm việc lành”. Từ đó vững chãi đi giữa cuộc đời, chúng ta sẽ là người hạnh phúc.

Giàu sang phú quý

Đức Phật dạy chúng ta về niềm tin vào luật nhân quả. Tất cả vạn vật đều do duyên mà sanh ra. Ngài dạy cho người thế gian nếu muốn cầu phước báu giàu sang thì nên tu tài thí, muốn cầu tuổi thọ sức khỏe thì nên tu vô úy thí pháp, muốn có sự thông minh trí tuệ thì nên tu pháp bố thí. Cách Phật chỉ dạy, hoàn toàn khác với người đời. Không cần lừa gạt, không cần thủ đoạn, không cần toan tính…chúng ta vẫn có được tất cả những gì chúng ta muốn nếu biết làm đúng cách. Con người chúng ta ai cũng thích vừa xinh đẹp, giàu sang lại học thức. Chuyện siêu phàm nhập thánh, Phật giáo còn làm được. Cho nên mấy việc cỏn con bé xíu này không thấm vào đâu. Nếu chúng ta chịu chân thật làm, chúng ta sẽ có đủ ba thứ trên. Vậy chẳng phải là người hạnh phúc nhất cuộc đời này ư?

Thân thể khỏe mạnh

Khi người giàu đến ngày ba bữa cơm cũng không kịp ăn, đêm nằm thì lại suy nghĩ tính toán, ngủ chẳng ngon…Còn các bạn nhìn xem, những người học Phật, họ vẫn đi làm như bao người khác, nhưng họ chẳng đến nỗi bận rộn tâm như số đông. Những người xuất gia, tuy ăn cơm chay đạm bạc, nhưng cuộc sống rất vui vẻ, khỏe mạnh. Có nhiều người bảo ăn chay dễ bị thiếu chất. Nhưng chuyên gia dinh dưỡng đã phân tích rằng rau củ quả cũng đầy đủ dinh dưỡng. Phật giáo lấy từ bi làm gốc, chính nhờ ăn chay mà ngày ngày nuôi dưỡng tăng trưởng lòng từ. Tự trong tâm đã không khởi ý ác, ý sát thì lâu ngày huân tập tính từ bi ngày càng lớn. Tâm thanh tịnh, tâm từ bi chính là kháng thể tốt nhất để ngăn ngừa các độc tố.

Dung mạo xinh đẹp

Học làm người hạnh phúc

Ngoài xã hội, các bạn phải trang điểm, đi thẩm mỹ để có vóc dáng bên ngoài thật đẹp. Còn người xuất gia, người học Phật, tướng hảo xuất phát từ nội tâm. Tướng do tâm sanh, cảnh tùy tâm chuyển, cái đẹp chân dung người học Phật nhìn hiền hòa từ bi, phúc hậu hơn hẳn người thường. Đặc biệt, đối với người tu, nhờ oai lực tu tập, họ lan tỏa ra xung quanh những không khí tốt lành, tạm gọi là “từ trường”. Những người ấy đi đến đâu thì ở nơi ấy khiến mọi người cảm thấy tâm thanh tịnh, tâm an lạc, phiền não bỗng biến mất. Đến đây chắc cũng lí giải phần nào tại sao nhiều người đang bồn chồn lo lắng, bước chân vào chùa thì tâm bỗng lắng lại.

Do giới hạn ở bài viết nên tôi còn chưa kể đến rất nhiều những lợi lạc của Phật giáo mang lại. Có thể chân thật mà khẳng định rằng, lấy đức Phật làm thầy, lấy lời dạy của Phật để thực hành thì bất cứ một ai cũng sẽ thành người hạnh phúc ngay trong cuộc sống này. Phật giáo đích thực là một nền giáo dục sâu sắc, và đức Phật chính là nhà giáo dục xã hội.

Sen Hoa

Theo Phật Pháp Ứng Dụng