Cha mẹ trong nhà như Phật ở đời

Các bạn trẻ Hà Nội tại khóa tu báo hiếu mùa Vu Lan. Ảnh: chuabang.com.

 Tinh thần báo hiếu của đạo Phật rất phù hợp với người Việt, cho nên hằng năm cứ rằm tháng bảy người ta gọi là tiết Xá tội vong nhân, để mọi người đều tưởng nhớ tới cha mẹ, ông bà,
tổ tiên.

Mấy năm trước, tổ chức một đêm Vu Lan chưa thấm vào đâu cả, năm nay tôi tổ chức khóa tu từ 6 đến 9-8 (tức 7 đến 10-7 ÂL). Tu báo hiếu nên không phân biệt tuổi tác, giới tính. Có 650 người dự tu. Người già nhất 87 tuổi, trẻ nhất 10 tuổi, ngoài giờ nghỉ riêng, đều ăn uống, sinh hoạt, tu như nhau.

Rằm tháng bảy, người ta thường dâng mâm cơm cúng tổ tiên, nhưng theo tôi, cơm canh là một phần thôi, đốt vàng mã không có tác dụng gì trong đạo Phật. Nhưng bây giờ chẳng hạn một em bé trong mùa Vu Lan đi học được điểm tốt mang về tặng bố mẹ, hay tự tay kết một bông hoa hay tự làm một sản phẩm gì đó đem tặng bố mẹ- đấy cũng là lễ.

Tối nay, tôi cho con trẻ múa hát mừng Vu Lan ở chùa Lý Quốc Sư. Mình chỉ tài trợ tiền trang bị, chứ không nhúng vào nội dung chương trình, để các con tự nghĩ ra theo đề tài: Những tác phẩm dâng mẹ. Ấy là cái lễ đấy. Ý tôi muốn cải cách chuyện cúng bái rằm tháng bảy. Vì cứ làm cơm canh lên cúng, theo Phật giáo, có khi lại… tội nhiều hơn nữa, vì sát sinh hại vật, ăn uống vào cãi cọ nhau. Mà cuối cùng vẫn không có một ý nghĩa gì với tổ tiên.

Cha mẹ trong nhà như Phật ở đời

Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm (đứng) cùng các bạn trẻ tham dự khóa tu. Ảnh: chuabang.com.

 Khóa tu vừa rồi nhằm mục đích giáo dục cho con trẻ biết tình yêu thương của con cái với cha mẹ, với thầy cô, của bạn bè với nhau… Người mẹ thứ hai của mình trên đời là cô giáo. “Mẹ của em ở trường là cô giáo mến thương”- tôi thích và luôn quảng bá câu đó. Nếu các con là học trò tốt thì sau này làm thầy cô tốt thôi, thì sẽ không có hiện tượng vi phạm đạo đức của người thầy nữa.

Trong những ngày tu, tôi đề nghị gia đình không được đến thăm. Khi bắt đầu khai mạc khóa tu, 3 hồi chuông gióng lên một cái là cổng chùa khóa. Các em phải nộp điện thoại. Một em tu xong viết cảm tưởng để lại: “Cái mà vào chùa khó bỏ nhất mà con bỏ được- đó là người yêu quý nhất của con: điện thoại”. Tôi rất thích câu đó.

Vừa rồi tôi vào một khóa tu dành cho bạn trẻ ở xã Hòa Phúc, Quốc Oai (Hà Nội). Có 4-5 bạn ngồi đấy, tôi hỏi: “Các con có người yêu chưa?” Thì đứa nào cũng chối đây đẩy: “Chúng con bé thế này làm gì có!” “Thầy biết là người yêu con đang ở ngay cạnh con…”.

Người yêu là trai hay gái thì chỉ bên nhau có thời hạn, rồi ai về nhà nấy, nhưng cái bạn điện thoại thì khi ngủ, có con vẫn cầm trên tay. Giá mà con yêu cha yêu mẹ như thế, lúc nào cũng có cha mẹ bên cạnh con.

Tinh thần của Phật giáo: Cha mẹ có chết chỉ chết xác thân, còn dòng máu không chết. Bây giờ ta thử ADN đó. Tổ tiên mình có câu Con đâu cha mẹ đấy hay lắm. Về sau giải thích lệch lạc là, con ở đâu cũng cúng được bố mẹ. Cúng thì dễ không, nhưng thờ cha mẹ mới là khó. Thờ là giữ được nề nếp, truyền thống, giữ được lời dạy của cha mẹ.

Cha mẹ trong nhà như Phật ở đời

Cài hoa hồng lên áo cho người dự khóa tu Báo hiếu mùa Vu Lan. Ảnh: chuabang.com.

Có rất nhiều tấm gương hiếu hạnh của người cổ, kể cả từ đức Phật. Ngài thành Phật rồi mà vẫn nhớ đến người sinh thành ra mình. Đắc đạo dưới gốc Bồ Đề một cái là ngài về thăm vua Tịnh Phạn ngay. Rồi khi vua Tịnh Phạn ốm, ngài bưng cháo. Mọi người xúm vào xin bưng thay, Phật nói một câu rất hay: “Hãy để ta làm việc của ta”. Khi vua Tịnh Phạn băng hà, ngài cũng ghé vai khênh quan.

Trong kinh Địa tạng, ngài có ví: “Cha mẹ trong nhà như Phật ở đời”. Hai ông bà Phật ấy mà chưa phụng dưỡng, chưa trông nom đến nơi đến chốn thì không bao giờ tìm Phật kia được. Sau này người Việt mình mới có câu: Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa. Bây giờ ở nhà còn bất kính cha mẹ, vợ chồng đánh nhau, làm giả bán điêu, thì đi vào chùa lễ mà đòi tìm thấy Phật à?! Ngồi cạnh Phật mà không bao giờ thấy Phật.

Xin thượng tọa cho biết mối liên quan giữa 2 lễ Vu Lan và Xá tội vong nhân cùng diễn ra vào dịp rằm tháng Bảy?

Phật giáo gọi là Vu Lan, dân gian gọi là Xá tội. Chính chữ “vu lan” là “cứu rỗi cho người bị tội”. Đây là lòng nhớ đến cha mẹ của mọi người. Để người ta biết cha mẹ bị đọa cũng chỉ vì mình. Mà đúng thế đấy. Cá chuối đắm đuối vì con. Không chỉ có mùa này, mà trong suốt 365 ngày, lúc nào cũng có tinh thần Vu Lan trong mình: Có hiếu với cha mẹ, biết ơn thầy cô, anh em hòa thuận…

Có người cho rằng nên tách biệt 2 lễ này (cúng riêng vào thời điểm khác nhau)?

Cô hồn là ai? Cô hồn cũng là cha mẹ, ông bà mình nếu chưa siêu thoát. Cho nên khi cúng là cúng bình đẳng hết. Người ta cũng là người, sao mình lại không thương người ta. Sinh vi nhân tử vi thần. Sống thì phân biệt nhau chứ chết là “thần” cả, cho nên đối xử bình đẳng hết.

N.M.Hà – TPO