Phật dạy, là người, ai cũng có 8 cái khổ, ngoài sanh, lão, bệnh, tử thì còn có cầu không được, xa người thương, gần người không thích, và thân này là khổ. Trong quá trình sống, tương tác với cuộc sống – con người thì nỗi khổ hình thành do mình không nhận diện được nhân gây đau khổ. Đôi khi vì tham, đôi khi do sân, và đôi khi do si làm cho mình khổ.
Bước vào khổ đau
Như đã nói ở trên, là người ai cũng có những cái khổ nhất định, tùy người mà nhiều ít khác nhau. Nỗi khổ có mặt do mình còn tham-sân-si, vì ba món này mà mình tạo nhân đau khổ cho mình và người, đã có nhân thì phải có quả khổ. Và ba món này chính là lưới không cho mình thoát ra khỏi sanh tử luân hồi, mà hễ còn sanh tử luân hồi thì còn khổ. Mình cứ thế bước vào, bước ra trong sanh tử mà không nhận diện được gốc gác của khổ đau, và cứ thế mà nuôi dưỡng ba món độc này trên suốt hành trình tái sinh.
Sống trong đau khổ
Sống trong khổ đau của kiếp người hoặc của những đường khác trong lục đạo (trời, a tu la, người, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục) mà không biết đó là đau khổ hoặc biết loáng thoáng rồi quên vì những niềm vui thế gian thì mình khó có thể thoát khổ. Giống như người biết đời sống lứa đôi chứa nhiều mệt mỏi, khổ sở nhưng vẫn cứ lao vào vì dục lạc thế gian hoặc không vượt qua nỗi định kiến (lớn lên phải có chồng, có vợ mới bình-thường) thì cứ quẩn quanh trong đau khổ, đời này đến đời khác.
Sống trong đau khổ mà mình nhận diện được cái khổ ấy có nguyên nhân từ đâu và kiên quyết trị liệu thì mình sẽ bớt khổ, cho đến dứt hoàn toàn khổ đau. Những người như thế không phải là không có giữa cuộc đời này và họ có mặt như một tấm gương sáng để mọi người soi mình, tỉnh thức. Đức Phật gọi những người sống trong đau khổ, biết khổ, trị liệu nỗi khổ để bớt và hết khổ là những người có trí, sống đúng theo diệu pháp “Tứ diệu đế” (bài pháp đầu tiên mà đức Phật giảng cho năm anh em ông Kiều Trần Như).
Sống trong đau khổ mà vẫn an nhiên tự tại vì hiểu rõ lý nhân quả, có chánh niệm trong hành trì và đời sống nên những người như thế là hiện thân của Bồ tát, của Phật. Thân đau, bệnh hay mọi nỗi khổ khác hiện diện đều được cho qua “màn” của nhân-quả để rồi mình thương chính mình và người. Thương chính mình thì phải sợ nhân (như Bồ tát) chứ đừng để quả có rồi mới sợ (sợ quả thì giống chúng sinh). Bài học ngắn “Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả” phải được niệm thường xuyên để thương mình và người. Nếu mình biết sát sanh là gây nhân bệnh tật, chết chóc và nhân chia lìa, khổ đau thì mình sẽ không nỡ giết hại, bởi sớm muộn mình cũng chịu quả đau đớn ấy… Đó chính là sợ nhân, chứ đừng đợi đến khi mình vào tù hoặc người thân mình bị sát hại, mình bị tử hình (theo nhân quả) mới biết sợ thì e là đã muộn màng!
Diệu dược trị khổ đau
Đó chính là giáo lý của đức Thế Tôn. Nhớ từng hạnh lành được Ngài khơi dậy, chỉ rõ để chúng sinh sử dụng hầu trị khổ của mình. Đó là sám hối, đó là cúng dàng, tặng quà, là tha thứ, là thương yêu, là sống chân chánh, làm việc thiện lành…
Sám hối theo tinh thần nhà Phật chính là nhận diện mình đã từng ngu muội, thiếu tình thương mình và thương người nên đã tham-sân-si, làm bao điều, nói bao lời, nghĩ bao chuyện khiến cho tâm mình bất an, người khác, chúng sinh khác khổ đau. Nhận diện như thế rồi thì quay lại xin lỗi chính mình, xin lỗi người và hứa trước thầy mình, trước mình là sẽ không phạm lại lỗi lầm xưa. Phát nguyện thương mình đúng cách (không chiều chuộng theo ý muốn hưởng thụ, ý muốn hơn thua… mà phải biết sợ nhân xấu, không làm việc xấu, nói điều xấu, nghĩ điều xằng bậy), và thương người (làm tất cả những việc có lợi về thân-tâm cho chúng sinh khác). Nếu phát nguyện sâu, tin tưởng vào nhân quả tuyệt đối và thực hành thường xuyên (tinh tấn) có nghĩa là mình sẽ bước qua khổ đau một cách nhẹ nhàng.
Ngoài sám hối thì còn có không biết bao nhiêu điều thiện, mang lại cái đẹp và giúp chuyển hóa thân-tâm mình và người cần thực hiện, phát nguyện thực hiện như là cúng dường, cung kính, khiêm hạ, thương chúng sinh… Nếu tận lực làm và có lời nguyện như: “Dù con sinh ra ở đâu thì con cũng nguyện tu tập, hành trì lời Phật dạy, nguyện trao truyền những giá trị cao đẹp cho tất cả chúng sinh để ai cũng được sống an lạc, hạnh phúc…” thì mình sẽ không sợ gì nữa cả bởi mình biết mình đã có đường đi. “Kim chỉ nam” ấy chính là con đường sáng mình sẽ tiếp nối theo gót chân Bụt, không lệch bao giờ. Tôi gọi tất cả những điều đó là diệu dược, thứ thuốc quý chữa lành mọi vết thương, mọi khổ đau!
Nguồn ĐPNN