Trước đó không lâu, người dân Hàn Quốc cũng bị “chấn động” vì vụ một số vị sư “uống rượu, đánh bạc”. Thậm chí nhiều tờ báo lớn, trong đó có Việt Nam, xếp những tin tức này vào mục “Chuyện lạ đó đây” theo kiểu giật gân, câu khách 1…
Thực tế, việc một người lấy vợ, uống rượu, đánh bạc hay thậm chí giết người…, vẫn diễn ra hàng ngày tại khắp nơi trên thế giới, đến nỗi báo chí không đủ “đất” để đăng tải. Tuy vậy, nếu nhân vật chính trong những vụ việc này là tu sĩ, hay từng là tu sĩ, thì vấn đề lập tức không còn là “chuyện thường ngày ở huyện” nữa.
Tại sao như vậy? Để lý giải cho vấn đề này, trước tiên tôi xin kể một câu chuyện – câu chuyện được ghi lại trong nhiều bộ kinh quan trọng của Phật giáo.
Chuyện vị Tỳ-kheo ăn trộm hương sen
Vị Tỳ-kheo nọ rời khỏi Kỳ Viên tinh xá, đến trú tại quốc độ Kosala, gần một khu rừng. Một hôm, sau khi ăn xong, trên đường khất thực trở về, vị Tỳ-kheo đi ngang qua một cái hồ sen đang kỳ rộ nở; đứng lại tránh gió, đồng thời vị Tỳ-kheo cũng tận hưởng mùi hương sen tỏa thơm ngào ngạt. Chợt, vị nữ thần cai quản hồ sen hiện ra, quở:
– Này Tôn giả, vì sao ngài ngửi hoa? Ngài nay là giặc trộm hương!
Vị Tỳ-kheo đáp:
– Tôi không bẻ cũng không lấy, chỉ đứng ngửi hương bay, sao gọi tôi là kẻ trộm?
– Không xin mà tự lấy, thế gian gọi là giặc. Nay hoa từ nước sanh, ngài không xin mà ngửi hương, cho dù chỉ là một đóa hoa mới nở, như thế chẳng phải trộm sao? – Vị nữ thần nói.
Ngay lúc đó, có một người lội xuống hồ mò nhổ ngó sen và củ sen, làm gãy nát cả thân sen; rồi người đó bó lại thành bó, vác cả đi. Vị Tỳ-kheo thấy vậy, nói:
– Người kia không những nhổ ngó sen mà còn làm gãy cả thân sen, như thế mới gian xảo, sao thần nữ không can ngăn mà lại trách tôi khi tôi chỉ ngửi hương từ xa?
Nữ thần trả lời:
– Kẻ gian xảo cuồng loạn, sống phóng túng buông lơi, cũng như áo của người vú em vốn thường dính bẩn, dính thêm chút nữa cũng chẳng đủ thiếu gì, nên đâu còn gì để nói. Áo đen có nhuộm mực cũng không sao. Nhưng chiếc cà-sa không vấy bẩn, thì dù một hạt bụi dính vào cũng dễ dàng nhận thấy. Chân ruồi dơ lụa trắng, như mực dính hạt châu, tuy nhỏ mà rõ biết. Người xuất gia vốn cầu thanh tịnh đạo, dứt trừ tham dục, phiền não, nên cái xấu ác dù chỉ nhỏ như lông tóc, người đời vẫn xem như Thái sơn.
Vị Tỳ-kheo nghe vậy, xúc động nói:
– Thần nữ thật hiểu tinh tường nên đã nói với tôi những lời như thế. Xin thần nữ hãy thường vì tôi, nếu tôi còn tái phạm, thì hãy đoái thương nhắc nhở.
Nữ thần đáp:
– Tôi không sống đây để phụng sự ngài. Chúng ta không ở mướn cho ai. Ngài hãy tự biết con đường ngài đi để đạt được hạnh phúc tối cao ở đời.
Sau khi nghe nữ thần nói như vậy, vị Tỳ-kheo hoan hỷ, tùy hỷ ra về, một mình nơi chỗ thanh vắng, chuyên tinh tư duy, đoạn các phiền não, đắc A-la-hán 2.
Ngẫm từ “những chuyện gây xôn xao dư luận”
Sư thầy Xu Xinlian tại chùa Jingci. Ảnh: China.org
Chuyện thứ nhất:
“Sư bị bắt vì tội giết người”. Bản tin này được đăng trên China.org, ngay sau đó đã được dịch ra tiếng Việt và được đăng tải trên rất nhiều trang tin điện tử ở Việt Nam; thậm chí có trang còn giật title “Tử hình nhà sư giết người”. Đọc tin xong mới vỡ lẽ, Xu Xinlian, 39 tuổi, vào năm 1994, cùng với 5 người khác, đã giết một đôi vợ chồng trẻ và làm bị thương một cháu bé 2 tuổi. Bốn người kia đều bị sa lưới, riêng Xu đã tìm cách trốn thoát và náu mình trong những ngôi chùa ở những vùng xa xôi, hẻo lánh. Cuối cùng, sau hơn 17 năm, Xu cũng bị bắt trong hình thức một Tăng sĩ tại một ngôi chùa ở Hàng Châu. Xu cho biết, kể từ vụ giết người, suốt từng ấy năm trời không đêm nào Xu ngủ ngon và phải trải qua nỗi hoảng sợ, lo lắng triền miên. “Tôi đã chờ ngày này 17 năm nay và giờ tôi cần thoát khỏi sự giày vò của lương tâm”, China.org dẫn lời Xu. Do chưa có tiền án và thành khẩn nhận tội sau khi bị bắt, Xu tuy bị kết án tử hình song cho hoãn 2 năm.
Rõ ràng, cách giật title trên của các trang tin gây không ít hoang mang, ngộ nhận – như thể “một nhà sư giết người”. Ở đây, việc Xu giết người và đền mạng là điều không có gì phải bàn cãi, nhưng nếu Xu không bị bắt trong hình thức Tăng sĩ thì có lẽ tin tức chỉ lan truyền trong phạm vi địa phương chứ khó có thể mang tính “toàn cầu”. Vấn đề đáng nói ở đây là việc quản lý nhân sự có phần lỏng lẻo của Phật giáo Trung Quốc khiến cho một người phạm pháp được xuất gia và tham dự vào sinh hoạt Tăng-già (khi bị bắt, Xu đang trụ trì 2 ngôi chùa địa phương với pháp danh Weidi), khiến cộng đồng Tăng bị ảnh hưởng ít nhiều. Theo luật định, người phạm pháp không được xuất gia; nếu gian dối tham dự lễ thọ đại giới thì cũng không thể đắc giới để trở thành vị Tỳ-kheo đúng nghĩa.
Chú rể hoàn tục cùng cô dâu trong lễ cưới tại Côn Minh. Ảnh: Xinhua
Chuyện thứ hai:
Một vị sư hoàn tục cưới vợ (có trang tin giật title là “Một nhà sư lấy vợ”!). Chuyện này cũng diễn ra tại Trung Quốc. Vào hôm 9-6, sư Thanh Hiền, ngoài 40 tuổi, trụ trì chùa Cung Trúc – Côn Minh đã lặng lẽ rời chùa, đến Hiệp hội Phật giáo tỉnh Côn Minh để báo về việc hoàn tục. Đến ngày 17-6, Thanh Hiền đã tổ chức lễ cưới công khai tại một khách sạn ở Côn Minh với cô gái 26 tuổi, chủ một cửa hàng đá quý. Buổi lễ có khoảng 300 khách mời tham dự. Khi được hỏi, vị Trưởng lão cao niên nhất chùa Cung Trúc xác nhận vụ việc này là có thật. Hòa thượng cho biết: “Tôi là người đầu tiên biết tin phương trượng Thanh Hiền hoàn tục kết hôn. Phật giáo quy định 3 trường hợp không giữ người: đó là hoàn tục, xin học, du ngoạn. Tâm của phương trượng Thanh Hiền đã không còn ở chùa thì cũng nên hoàn tục”. Ngài nói thêm: “Chúng tôi không quan tâm những việc của người đã hoàn tục, đó là việc riêng của họ”.
Quả thực, đây là tin gây xôn xao dư luận Trung Quốc, được nhiều tờ báo đăng tải. Các trang tin điện tử ở Việt Nam cũng sớm chuyển tải thông tin này đến bạn đọc và nhận được nhiều ý kiến phản hồi, trong đó không ít bạn đọc đồng cảm với Thanh Hiền, họ cho rằng: nếu không còn duyên tu hành thì cũng nên hoàn tục một cách danh chính ngôn thuận; bên cạnh đó cũng có một số ý kiến không đồng tình, thậm chí mai mỉa!
Với nhiều nước Phật giáo Bắc truyền, nhất là tại châu Á, việc một nhà tu hoàn tục thường gây ít nhiều dị nghị. Nếu vị sư đó có uy tín và giữ nhiều chức vụ trong Giáo hội thì sự dị nghị càng tăng thêm. Trong khi đó, với Phật giáo Nam truyền – điển hình như Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar và cộng đồng Phật giáo Khmer Việt Nam – việc một vị sư hoàn tục, cho dù vị đó đang trụ trì đi nữa, cũng là điều hết sức bình thường, thậm chí còn được trân trọng hơn so với những người chưa từng xuất gia tu hành. Điều đó dĩ nhiên xuất phát từ quan điểm cộng đồng, song thiết nghĩ dù ở cộng đồng nào thì cũng cần nên chia sẻ.
Chuyện thứ ba:
Một số vị sư uống rượu, đánh bạc. Vụ việc xảy ra tại Hàn Quốc vào tháng 4-2012 và bị tố giác vào ngày 10-5-2012. Sáu vị sư thuộc thiền phái Tào Khê (Tào Động), tông phái lớn nhất ở Hàn Quốc, chơi bài poker và uống rượu tại một khách sạn sang trọng trong suốt nhiều giờ. Vụ việc đã được ghi hình và phát sóng trên đài truyền hình Hàn Quốc, gây dư luận bất bình và khiến nhiều Phật tử thất vọng. Trưởng lão Hòa thượng tông phái Tào Khê đã phải lên tiếng xin lỗi dân chúng và Phật tử xứ Hàn.
Việc này thiết nghĩ không có gì phải bàn, vì hẳn nhiên những vị sư này không những vi phạm giới luật mà còn vi phạm pháp luật (tại Hàn Quốc, đánh bài bên ngoài những sòng bài có đăng ký kinh doanh là phạm pháp). Điều này không chỉ gây lãng phí (thời gian, sức khỏe, tiền bạc) mà còn làm tăng trưởng lòng tham – điều mà Đức Phật thường xuyên nhắc nhở các đệ tử phải luôn luôn chánh niệm, tỉnh giác.
Nghĩ về những người khoác áo cà-sa
Người đời nhổ ngó, bẻ hoa, làm ngã rạp thân sen âu cũng là chuyện thường tình; nhưng người tu chỉ ngửi hương sen thôi cũng có thể bị quở trách. Người tu hành, do đó, phải dè dặt trong từng hành vi, cử chỉ, không thể so bì với người thế gian. Có những việc người thế gian làm được nhưng người tu không làm được; dĩ nhiên, việc phạm pháp thì người tu càng phải tránh như tránh lửa dữ, giặc thù. Đơn giản vì người tu hành khoác áo cà-sa, tấm áo được ví như mảnh lụa trắng, chỉ cần một hạt bụi hay một vết mực dính vào thì đã có thể nhận rõ ràng vết bẩn. Khoác áo tu hành tức “làm dâu trăm họ” là vậy.
Trong 3 câu chuyện “gây xôn xao dư luận” nói trên, 2 chuyện đầu, người gây ra vụ việc lúc đó chưa phải là người tu hành, hoặc không còn là người tu hành nữa; tuy nhiên, dù sao họ cũng đã/sẽ khoác áo cà-sa, nên cộng đồng quan tâm, soi xét hơn người thường tình. Còn câu chuyện thứ 3, nhân vật gây ra lỗi là những người tu hành thực sự, cho nên ảnh hưởng không tốt đến Tăng đoàn là điều hiển nhiên. Những vị này cần phải được yết-ma xử lý trong Tăng, sau đó chịu sự xử lý của pháp luật.
Người khoác áo cà-sa, được thọ và đắc giới, trở thành thành viên Tăng, can dự vào Tăng đoàn, thì tất cả những việc làm của họ đều có những ảnh hưởng nhất định đến danh dự của Tăng đoàn. Bản thể Tăng-già là thanh tịnh, hòa hợp; các thành viên Tăng phải sống theo những nguyên tắc, luật định chi phối đến đời sống Tăng. Những ai đi ra ngoài những nguyên tắc, luật định ấy là tự loại mình ra khỏi sự thanh tịnh, hòa hợp, không còn xứng là một thành viên Tăng nữa.
Có thể thấy rằng, ở nơi nào mà tín đồ Phật tử nương tựa vào Tăng-già để tu tập thay vì nương tựa vào từng vị Tăng riêng lẻ, thì ở nơi đó sẽ có nhiều sự lợi ích, an lạc, vững chãi. Một thành viên Tăng, nếu chưa phải bậc Thánh, thì dù được xem là hoàn thiện đến đâu cũng còn ít nhiều khiếm khuyết. Nếu người nào chỉ biết dựa vào một hoặc một vài vị Tăng để tu tập (thường là những vị trụ trì hoặc những bậc trưởng lão), thì khi phát hiện ra những khiếm khuyết nơi vị thầy của mình, người đó sẽ dễ sinh tâm thất vọng và có thể sẽ mất phương hướng khi vị thầy đó hoàn tục. Ở câu chuyện trên, dù phương trượng Thanh Hiền có hoàn tục, thì sự thanh tịnh và hòa hợp của Tăng tại trú xứ đó vẫn nguyên vẹn. Trụ trì là một chức vụ do Tăng chúng đề bạt; vị trụ trì cũng là một thành viên Tăng, bình đẳng trong giới luật so với những vị Tăng khác. Nếu vị ấy hoàn tục, không còn là vị Tăng, thì vị ấy cũng phải nên giữ gìn nếp sống đạo đức của một người Phật tử thuần thành. Thiết nghĩ, người Phật tử cần nhìn nhận rõ hơn về vấn đề này để tránh việc đánh mất niềm tin vào Tam bảo.
Việc cộng đồng “soi xét” kỹ lưỡng những người khoác trên mình tấm áo cà-sa không chỉ xảy ra ngày hôm nay, mà tự ngàn xưa, bắt đầu từ khi có sự xuất hiện hình bóng của những người được xem là mô phạm, hiện thân cho bộ mặt đạo đức của xã hội. Một khi bị cộng đồng xã hội lên án, quở trách – cho dù là những việc rất nhỏ đi nữa – thì những người tu hành cũng không xem đó là sự “bất công”, mà thay vào đó, nên cảm ơn những người đã quở trách mình, như những lời nhắc nhở, cảnh tỉnh – giống như vị Tỳ-kheo trong câu chuyện “trộm hương” vậy.
Quảng Kiến
( Theo Giác Ngộ Online )
1. Muốn biết thêm thông tin, xin mời quý vị tìm kiếm trên mạng Internet với những từ khóa như trên. 2. Kể theo các kinh Trường A-hàm, tiểu kinh Bát-đàm-ma; kinh Tiểu bộ, Jataka 392 – chuyện Củ và hoa sen (tiền thân Bhisapuppha); kinh Tương ưng bộ, chương IX – Tương ưng rừng, mục XIV – Sen hồng hay sen trắng. Chuyện “vị Tỳ-kheo trộm hương” trong các bộ kinh trên có ít nhiều khác biệt về mặt tình tiết, nhân vật; chúng tôi chọn cách thuật lại theo lối kết hợp, chọn lọc.