Khái niệm nhân-quả của đạo Phật cũng được thể hiện cụ thể nhất là qua những câu ca dao, tục ngữ như “ở hiền gặp lành”, “trồng đậu được đậu, trồng dưa được dưa”. Nhờ vậy, khái niệm về nhân-quả trở nên gần gũi, dễ hiểu đối với đa số đại chúng.
Nhưng cũng trong suốt thời gian tồn tại của những câu ca dao, tục ngữ ấy, đại chúng cũng đưa ra những suy nghĩ trái ngược: đâu phải khi nào ở hiền cũng gặp lành? Có những người “ở hiền” mà suốt đời chỉ gặp những chuyện xui xẻo. Có phải là Đức Phật “nói vậy mà không phải vậy?” Câu “ở hiền gặp lành” phải hiểu thế nào cho đúng?
Thế nào là “ở hiền”?
Thực tế, quan niệm “ở hiền” trong dân gian không giống với định nghĩa “ở hiền” trong đạo Phật. Người ta hay coi “hiền” nghĩa là hiền lành, ít nói, không đôi co với người khác, không động chạm tới ai, thậm chí không biết phấn đấu vươn lên. Những người “hiền” như vậy thì lại hay gặp thiệt thòi trong cuộc sống, dễ bị thất bại do không biết đấu tranh cho những điều mình cần. Thực ra, như vậy không phải là “hiền”, mà là khờ, là thụ động, là tiêu cực.
Chữ “hiền” trong đạo Phật là “hiền trí”, hiền nhưng không khờ, không phải “mặc ai muốn làm gì thì làm”, là chữ hiền đi đôi với sự hiểu biết. Sự “hiền” trong đạo Phật thể hiện ở một số điểm như sau:
– Một người có đủ trí tuệ để nhận biết đúng-sai, có đủ khả năng để điều khiển hành vi của mình nhưng không bao giờ dùng trí tuệ, khả năng đó để lấn át người khác, lấy lợi từ người khác hay làm người khác đau khổ, đó là “hiền”.
– Một người khi biết phân biệt đúng-sai, thiện-ác thì phải nên không làm điều ác, siêng làm điều lành như lời đức Phật dạy ““Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành. Tự tịnh kỳ ý. Thị chư Phật giáo”.
– Một người khi biết phân biệt đúng-sai, thiện-ác thì phải biết bảo vệ cái thiện, cái đúng, chống lại cái sai, cái ác.
Như vậy, muốn đạt được sự “hiền” cũng đòi hỏi cả một quá trình nhận thức, phấn đấu và tu tập chứ không phải chỉ biết “chờ thời”, mặc cho cuộc đời nhào nặn mình. Đạt được sự “ở hiền” như vậy mới thực sự có phước báo tốt đẹp, mới được “gặp lành”.
Nhưng thế nào là “gặp lành”?
Trong cuộc sống, có những người “ở hiền”, cuộc đời sống hiền thiện mà không “gặp lành”, thậm chí, có những người trong cuộc đời luôn làm những việc tốt lại không gặp được quả báo tốt. Khi gặp những trường hợp này, ta không nên buông lời nghi ngờ, hoang mang mà chúng ta cần hiểu thấu triệt về nhân-quả. Khi đã “ở hiền” mà chưa thấy “gặp lành” hoặc ngược lại, chúng ta cần xem xét cả những yếu tố trong quá khứ, những chuyện trước đây.
Đức Phật dạy, con người trải qua quá trình nhân quả ba đời, quá khứ, hiện tại và tương lai. Đức Phật đã tóm tắt trong một bài kệ của kinh Pháp Cú là:
“Rằng ai muốn biết nhân xưa
Xét xem hoàn cảnh bây giờ chịu đây
Muốn biết quả báo sau này
Xét điều tội phước ta nay đang làm.”
Cho nên, khi ta làm việc thiện, sống “hiền” mà chưa được hạnh phúc nghĩa là ta đang trả nợ nhân quả của quá khứ chưa hết. Nhận thức được điều ấy, cần phải nỗ lực, cần tu hơn nữa, cần phải quán chiếu để thấy rằng mình “phước mỏng mà nghiệp dày”, càng phải vững mạnh mà tu tập chứ không phải thối tâm bồ đề, bỏ bê tu tập. Nếu làm vậy là chúng ta tự hại mình bởi trong khi nợ cũ trả chưa xong thì nợ mới lại chồng chất nữa rồi.
Mỗi việc tốt chúng ta làm như ăn chay, bố thí, cúng dường, niệm Phật,… đều là những nhân lành, nhân tốt. Nhưng để có được kết quả tốt, thì chúng ta phải kiên trì. Nhân tốt mà chúng ta không vun trồng hoặc là chúng ta trồng mà chúng ta không kiên trì trong việc để bảo vệ thành quả tinh tấn, thì làm sao chúng ta có một cái quả tốt được.
Cho nên, những người tu học phải nhận thức rất rõ về tính chất nhân quả tội phước. Cả đời chúng ta làm thiện không biết có đủ để chúng ta chuyển hoá những nỗi khổ, niềm đau hay giúp chúng ta chuyển hoá được những cái nhân tố ác của chúng ta hay không, chứ đừng sanh tâm mà so sánh với những người khác, rồi chúng ta nản chí, bỏ con đường tu thiện của mình.
Xưa có câu: “Sở dĩ bá thiên kiếp sở tác nghiệp bất vong. Nhân duyên hội ngộ thời quả báo hoàng thượng thọ” là chỗ này. Trải qua trăm nghìn kiếp, tất cả nhưng cái nhân quả mình đã gieo trồng là nó không mất, khi nào đủ nhân duyên thì mình sẽ thọ, cho dù nó là quả thiện hay là quả ác.
Lily Trần (Biên soạn)
Theo Phật Pháp Ứng Dụng