Vì sao ta không còn là ta nữa? (danh sắc)
Vì sao ta không còn là ta nữa? (danh sắc)
Đánh mất mình trong tình yêu
Dòng đời luôn thay đổi và người là một yếu tố của dòng đời đó nên người cũng thay đổi thôi. Ngay trong một phút giây, người đã thay đổi, nói chi câu, người của ngày hôm nay không còn là người của ngày xưa nữa. Ngày xưa thì xa quá, nói bữa nay thôi, hồi sáng người như thế này, buổi chiều người đã khác rồi. Đây không gọi là thay lòng đổi dạ mà sự thay đổi được hiểu như cung bậc của tình yêu không bao giờ y chang như cũ. Hình hài người sẽ thay đổi, cách người suy nghĩ hay nhìn nhận vấn đề cũng thay đổi. Dẫu biết rằng tình yêu vô thường, chắc chắn sẽ thay đổi, thậm chí nhanh như cái chong chóng, chứ không có từng giai đoạn như lúc nắng lúc mưa. Có lần tôi đọc một đoạn thơ trên facebook như sau, Một lần lỡ yêu, một đoạn trường – Bấy nhiêu đau khổ tưởng là thương – Nhân gian ơi hỡi! Tình đâu đó – Để ở muôn phương chẳng một người. Đoạn thơ có vẻ nhắc đến cái thương trong tình yêu mà người trong cuộc lầm tưởng nó là tình yêu. Người cho nhung nhớ, cho bên nhau, cho hờn giận, cho yêu thương là tình yêu và trên con đường đó biết bao đau khổ, mệt mỏi, chán chường và đam mê. Tất cả điều này đều là cái tưởng của người và người đi trong tình yêu nhưng chưa chắc nếm được hương vị của tình yêu. Thuở còn trẻ thơ, người cười đùa vui vẻ, không lo toan, không mơ ước gì nhiều, nhưng khi qua tuổi dậy thì, trưởng thành, cơ hội luyến ái hình thành và người bắt đầu thay đổi. Luyến ái nhỏ mà không tránh thì luyến ái to dần và khổ đau sẽ phồng lên. Một con thuyền đi trên biển, dù chỉ một lỗ nhỏ ở mạn thuyền cũng đủ để làm chìm cả con thuyền. Luyến ái có thể tới nhanh như cơn bão và cũng có thể đi nhanh như cơn bão. Chỉ cần nhận ra luyến ái thì sẽ làm chủ được nó để không bị nó sai sử, cơn bão luyến ái sẽ tan biến nhanh. Người thay đổi, ta thay đổi, ai cũng thay đổi, luyến ái thay đổi nên muốn tình yêu không thay đổi là điều không thể.
Nhiều lúc người đánh mất mình trong tình yêu, không nhận ra mình nữa. Người lăng xăng trong những trói buộc và nó nhốt mình trong những bẫy sập. Trong Kinh Tăng Chi Bộ, Chương Tám Pháp, Phẩm Lớn, đức Phật dạy, người nam và người nữ trói buộc lẫn nhau bởi hình sắc, bởi tiếng cười, bởi lời nói, bởi lời ca, bởi nước mắt, bởi trang phục, bởi quà tặng, bởi xúc chạm. Người trở nên trôi lăn trong những trói buộc, xiết chặt tự do và người thấy chật chội quá. Đến lúc chịu không nổi, người muốn bung ra, muốn bỏ tất cả để trốn đi. Dù không làm như vậy nhưng trong tâm tưởng người đã muốn như thế. Một người đang là nhân viên rất muốn lên làm quản lý, lên làm quản lý thì thấy sao cực quá nên muốn bỏ. Tình yêu cũng vậy, đường vào tình yêu có vẻ đầy những hoa hồng nhưng hoa hồng thì phải có gai, nó làm cho người rướm máu. Thân thể rướm máu có thể lành, trái tim rướm máu có thể lành nhưng tình yêu mà rướm máu thì khổ lắm. Không ai tự trói người cả, tự người trói người thôi. Nếu ai đó nói lời yêu thương ngọt ngào, nghe hay lắm và tính chất ngọt ngào trói người rồi người đáp lại, trói lại người kia. Ban đầu người nói, Trời ơi tôi mà không cưới được cô gái này chắc tôi chết mất. Cưới xong rồi người lại nói, Trời ơi tôi mà ở với cái bà này cả đời chắc tôi chết mất. Tình yêu không như mong muốn thì người hay than thân trách phận, thậm chí đổ thừa người kia. Người mần ăn thế nào để khổ đau cứ xâm chiếm tâm hồn. Tấm thân nhỏ bé, tinh thần chưa vững chãi nhưng người có xu hướng chất chứa khổ đau, rồi người tổn thương, người chịu đựng và người bệnh tật. Người xa lìa thế giới trong khi tình yêu chân thành vẫn chưa đến. Có những mối quan hệ biết rằng không thể nhưng vẫn dấn thân vào và người gần như biến mất trong mối quan hệ đó. Điều gì vậy? Những trói buộc đấy chứ, nó như những sợi kẽm gai quấn chặt da thịt, biết rằng rất đau nhưng không nhả ra được. Càng đau đớn người càng thích thú, người ham thích khổ đau và thích lăn lộn trong thú đau thương. Cái đau này âu cũng là nghiệp, do tâm luyến ái sinh ra, do thấy thiếu thốn quá. Tự nhiên bốn mắt nhìn nhau, yêu nhau và cưới nhau, rồi tự nhiên bốn mắt thôi nhìn nhau, thôi yêu nhau và thôi không cưới nhau nữa. Có gì tự nhiên đâu, những luyến ái khiến điều cho là tự nhiên kia diễn ra.
Dẫu biết rằng “đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần sầu” nhưng sao người vẫn ngoan cố phải yêu cho bằng được? Đức Phật ngày xưa có vợ đẹp con ngoan, nhưng sao người vẫn buông bỏ tất cả để một mình cất bước đi tìm đạo giải thoát. Người xác định rằng, giải thoát không gì xa vời, mà trước hết hãy giải thoát khỏi những luyến ái. Gật đầu thì khó nhưng lắc đầu còn khó hơn. Lắc đầu với những trói buộc mình không phải chuyện dễ, ngay cả đức Phật đã suy nghĩ rất nhiều và để ra đi trong êm đềm, phải lựa vào lúc trời tối và ra đi một cách âm thầm. Gật đầu với con đường giải thoát cũng khó như vậy vì có mấy ai dám từ bỏ. Địa vị cao sang như thế, tiền tài danh vọng như thế, sắc dục đầy dẫy như thế, nhưng người vẫn buông tay, bỏ lại phía sau không một chút ngoảnh mặt nào. Tại sao vậy? Điều gì khiến người mạnh mẽ như thế? Đơn giản người thấy những gì đang trói buộc kia không giúp người có hạnh phúc đích thực, hạnh phúc của giải thoát và yêu thương đích thực. Buông bỏ để mở trái tim ta, cho phép hạnh phúc thẩm thấu vào cơ thể. Hạnh phúc không bao giờ bỏ rơi người nếu biết buông bỏ những yếu tố khiến người không còn hạnh phúc nữa. Hạnh phúc đang có mặt đó, tình yêu đang có mặt đó, nhưng do mình bận rộn quá, chạy đôn chạy đáo và làm đủ thứ chuyện nên hạnh phúc chưa tròn đầy và tình yêu cũng chưa tròn đầy. Do ảo tưởng trong tình yêu nên người có nhiều mơ tưởng và ôm ấp cái tưởng. Chính cái tưởng làm người xa rời thực tại, mà thực tại rất hạnh phúc và rất tình yêu. Người chồng có thể có những quá khứ không hay nhưng quá khứ đã qua rồi, hiện tại người chồng đã thay đổi thì hãy chấp nhận sự thay đổi đó, cho người một cơ hội, giơ tay đón nhận người trở về, đánh người chạy đi chứ không đánh người chạy lại. Người có quyền tận hưởng tình yêu, có quyền say men cuộc sống, nhưng hãy trân quý giây phút tình yêu người đang có. Giây phút đó có thể ngắn ngủi nhưng lại là sự kết hợp của hằng hà sa số nhân duyên hay trùng trùng duyên khởi. Người gặp nhau đây là trùng trùng duyên khởi, người thương nhau cũng là trùng trùng duyên khởi, và nếu chia tay người không thấy khổ đau gì nữa, vì nó cũng là trùng trùng duyên khởi. Kinh Tâm Sự Với Người Bệnh có đoạn, con mắt không tự nhiên có cũng không tự nhiên không, khi nhân duyên đủ con mắt biểu hiện và cũng khi nhân duyên đủ thì con mắt không biểu hiện. Tình yêu cũng vậy, người yêu thương mặn nồng vì nhân duyên đang mặn nồng và người hết yêu thương vì nhân duyên không còn mặn nồng nữa. Hết yêu thương không có nghĩa là vô cảm mà người đã yêu thương nhiều rồi và bây giờ người cũng yêu thương nhưng đối tượng yêu thương trong người to lớn hơn, thênh thang hơn.
Giải thoát đồng nghĩa với khả năng buông bỏ. Lấp đầy nhiều thì tự bỏ tù thôi. Có người tự hào vì mình có nhiều người tình, cứ tưởng là số giàu có, số đào hoa, hay nói vui là số hưởng, nhưng có ngờ đâu người đang làm giảm đi tình yêu trong người. Nếu yêu thì yêu một người thôi, còn yêu nhiều người, trái tim nhiều ngăn, e rằng sức cùng lực kiệt lắm. Các ông vua thời xưa cung tần mỹ nữ không biết bao nhiêu mà kể, nhưng có ông nào sống lâu đâu, vì tình yêu chia chác nhiều quá. Giải thoát khỏi những buộc ràng, người trở nên tự do ngay chính trong tình yêu của người. Hạnh thủy chung là giải thoát khỏi sự ràng buộc của tà dâm, hạnh phúc sẽ nở hoa và người đón nhận hạnh phúc đó một cách bình yên. Có người phụ nữ lấy chồng lớn hơn cô rất nhiều tuổi nhưng lại bị ngược đãi, rồi hai vợ chồng li dị, cô lại tái giá với người đàn ông khác nhỏ tuổi hơn rất nhiều nhưng lại bị ngược đãi. Cô vẫn chưa giải thoát được khỏi nghiệp bị ngược đãi của mình. Đôi lần cô đã muốn trả thù nhưng nghĩ lại mấy đứa con nên thôi. Bây giờ cô sống một mình nuôi đàn con vậy mà thấy khỏe, không vướng bận chuyện chồng, chuyện yêu, làm được những chuyện mà trước đây cô không có thì giờ để làm. Khi một con sư tử bị thương, nó sẽ nằm xuống và nghỉ ngơi, nó không lo đi kiếm mồi hay chạy theo một con cái, nó chỉ muốn nghỉ ngơi thôi, nó buông bỏ được sự theo đuổi và nó khỏe. Nhiều học trò của tôi tâm sự, không vướng bận tình yêu nữa sao mà thấy khỏe re, không thấy khổ sở gì nữa. Thật như vậy, buông bỏ được cái gì thì khỏe re cái đó. Như đức Phật nói, Thầy Ananda ơi, ta còn mang tấm thân ô trược này thì ta vẫn chưa thể thanh thản được, chỉ khi nào ta hoàn toàn không phải nương nhờ tấm thân này nữa, lúc đó ta mới thật sự thấy khỏe re. Chúng ta có tập khí đi vòng quanh, đam mê cái vỏ bề ngoài của cuộc đời mà không chịu nhìn rõ sự thật về nó. Như có người không biết rõ khổ đau hay hạnh phúc là gì nên chỉ nói về nó thôi, rất mơ hồ và không nắm bắt được. Cứ tưởng rằng khi yêu nhau, bình yên sẽ lên ngôi, nhưng ai ngờ đến lúc nào đó nó thoái trào. Trái tim cứ phập phồng lo sợ, không biết khi nào tình yêu rời xa người, nên cố níu lấy đến trầy da tróc vẩy, đến tàn tạ thân tâm, đến đau thương ngập tràn. Tình yêu đầy sự sống thì đến lúc tình yêu cũng như một xác chết vậy. Quý vị đã thấy xác chết chưa? Khi còn sống người con gái có thân hình và dáng đi quyến rũ, nhưng khi trở thành xác chết, chẳng ai dám ôm một xác chết cả. Tình yêu mà như xác chết thì tội quá, thật không đáng. Nếu đã yêu nhau thì hãy chung sức tạo ra sự sống, biết tôn trọng, biết gìn giữ cho nhau. Con người may mắn lắm mới sống được trăm năm, nhưng không mấy ai làm được một tình yêu trọn vẹn đến ngấn ấy thời gian. Giây phút hiện tại rồi cũng qua đi nhường chỗ cho giây phút hiện tại tiếp theo. Giây phút này là của mình thì tận dụng mà chế tác tình yêu thương, lát nữa đây người thương đã đi xa rồi, một lời chào cũng không kịp nói, cho nên bây giờ muốn nói gì với người thương thì nói đi, mà khi nói thì nói lời ái ngữ thôi, nói làm sao mà người kia nở một nụ cười.
Tuệ danh sắc là một trong những tuệ đầu tiên mà người hành thiền Minh Sát trải nghiệm qua. Sự phồng xệp ở bụng cho thấy sự thay đổi ở thân hay ở sắc. Bụng phồng lên theo hơi thở vào, xệp ở hơi thở ra và thay đổi ở chỗ bụng không thể cứ thế mà phồng hay cứ thế mà xệp. Biết bụng phồng hay xệp là có chánh niệm, là biết về sắc hay sự biến đổi của sắc, đó là danh. Sắc là đối tượng của căn và sắc không chỉ đơn thuần nói về hình sắc mà đối tượng của tất cả các căn, nên sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tựu trung lại đều nằm trong nhóm sắc. Khi tâm hướng về đối tượng của sắc, như hướng về hình sắc, hướng về âm thanh, hướng về mùi hương, hướng về vị nếm, hướng về xúc chạm, hướng về đối tượng của tâm thì danh đang làm nhiệm vụ của nó. Việc hướng về này sẽ khiến cho danh sắc duyên lục nhập. Khi thấy được hay theo dõi được sắc thì danh biểu hiện, tuy nhiên danh sắc biểu hiện cùng lúc mặc dù đôi khi người hành thiền thấy có vẻ sắc biểu hiện đó nhưng nếu danh không tác động thì danh không biểu hiện. Danh nhìn nhận sự biến chuyển của sắc này hay của thân này nhưng danh cũng có thể nhìn nhận sự biến chuyển của sắc kia hay của thân kia. Thực tập quán thân trong thân hay quán tâm trong tâm, thân và tâm không tách rời khi sự sống biểu hiện và dĩ nhiên danh sắc cũng không tách rời. Nhìn nhận thân này sẽ tàn hoại và tâm này sẽ biến chuyển, nói là sẽ chứ thời gian rất ngắn, ngắn hơn cả sát na, nên tình yêu cái thân như yêu cái tàn hoại và tình yêu cái tâm như yêu cái biến chuyển. Nói tu thân là tu cái gì, chẳng qua nhận diện sự biến chuyển của thân để thân không phạm giới, không cung phụng thân quá mức, lợi dụng thân mà vượt biển lớn. Thân biến chuyển nên thấy sự vô thường, sự vô ngã và không chỉ đơn thuần là bất tịnh mà còn cả sự thanh tịnh của nó. Nên tu thân là tu cái vô thường, tu cái vô ngã hay tu cái bất tịnh lẫn thanh tịnh của thân, để rồi không kẹt vào thân nữa. Nói tu tâm là tu cái gì, chẳng qua nhận diện sự biến chuyển của tâm, biết các tâm hành phát khởi, đang diễn ra và đang kết thúc, cho đến khi làm chủ được cái tâm của mình, không để nó trôi lăn trong những dòng suy nghĩ. Tu thân tâm là tu danh sắc. Chánh niệm về thân tâm là chánh niệm về danh sắc. Tình yêu sử dụng thân tâm là sử dụng danh sắc nên nếu làm chủ được danh sắc, tức là biết rõ về thân tâm thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Người sẽ tỉnh táo hơn trong những hành xử với tình yêu, bằng không người sẽ có những đòi hỏi rất quá đáng. Kim Trọng và Thúy Kiều có tình ý với nhau, nhưng do khuôn phép, do lễ giáo, do giữ kẽ, nên “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Vì vậy mà họ giữ được cho nhau, không vượt qua những giới hạn không đáng có, sau này trong lòng của Kim Trọng vẫn giữ được hình ảnh đẹp về nàng Kiều. Người không giữ được vì người chiều chuộng cái thân và buông thả cái tâm. Thân và tâm không bảo hộ thì bảo hộ cái gì? Trong tình yêu không giữ cái thân và không giữ cái tâm thì giữ cái gì? Hai người khuyên bảo nhau, chúng ta hãy giữ gìn tình yêu của chúng ta, vậy theo bạn tình yêu mà họ đang gìn giữ ấy là gìn giữ cái gì, có phải gìn giữ thân và tâm hay không?
Khi yêu nhau nhìn mưa sao thấy đẹp
Tựa bức tranh bềnh bồng giữa thiên nhiên
Ôi niềm vui tung bay khắp mọi miền
Như cánh chim được bay về tổ ấm.
Hết yêu nhau nhìn mưa như đang khóc
Tựa trời xanh bỗng vần vũ những đám mây
Ôi niềm đau sao vung vãi tháng ngày
Như cánh chim không tìm về tổ ấm.
Dừng lại thôi những trái tim bé bỏng
Cho hạt mưa vẫn được là mưa
Cho đàn chim được dịp tung cánh
Cho bầu trời vẫn mãi màu xanh.
Đã lâu rồi mới ngủ giấc ngon lành
Khi tấm thân đã không còn khao khát
Khi cõi lòng đã không còn ngơ ngác
Khi trái tim cất tiếng hát bình yên.
TG.Minh Thạnh
Sachminhthanh.wordpress.com
Phật Pháp Ứng Dụng