Chuyện bên Mỹ. Có một ông luật sư, bảo vệ bên nguyên khởi kiện ông hàng xóm đã làm chết con chó của mình. Ông luật sư này đã đọc mộtbài diễn văn ngắn trước bồi thẩm đoàn để nói về con chó: “Đại ý, con người, dù là ruột thịt, bạn bè thân thiết… đều có thể trở mặt với nhau khi chạm phải quyền lợi. Lúc còn là thuộc cấp thì cúc cung tận tụy nhưng khi chủ đã hết thời thì tức khắc ngoảnh mặt làm ngơ không chút ngại ngùng. Bạn bè, hay người thân, nếu không làm ăn với nhau thì còn có thể giữ được tình cảm lâu dài, chứ một khi cùng có chung một quyền lợi thì không biết đến lúc nào còn thân thiết với nhau. Riêng con chó, một khi đã có một người chủ, thì lúc nào đó cũng là một người bạn và nó sẽ trung thành cho đến khi chết. Ngay khi chủ không có thức ăn cho nó, nó cũng vẫn quấn quýt một bên, và bất cứ trong hoàn cảnh nào, con chó cũng luôn luôn có mặt bên cạnh chủ. Khi người chủ qua đời, khi mọi người thân đã rời khỏi nghĩa trang thì chỉ còn một mình con chó vẫn nằm phục trước mộ. Có thể cho đến khi nó buồn bã mà qua đời”.
Con người không được như thế, vì con người vốn là con người. Con người có trí óc nên có tính toán hơn thiệt, ngay cả trong tình cảm. Bản năng của con chó là bảo vệ người chủ. Bản năng của con người là bảo vệ chính bản thân mình.
Tôi có một người bạn làm kinh doanh. Người nầy đối với tôi rất tốt, tính tình rộng rãi, phong cách lịch sự; gặp nhau rất thường và chúng tôi chỉ trò chuyện, ăn uống; vui vẻ, chẳng bao giờ có chuyện đụng chạm, hiểu lầm nhau. Một lý do để tình bạn chúng tôi có thể lâu dài, vì tôi không phải là người kinh doanh trong ngành nghề của anh ấy, và tôi chẳng bao giờ nói chuyện làm ăn hay có ý nghĩ hợp tác làm ăn với người bạn đó. Một hôm có một người bạn, cũng làm kinh doanh hỏi tôi về người bạn đó. Tôi trả lời một cách thành thực: “Anh ấy là một người đứng đắn, đàng hoàng và trong quá trình giao du với nhau mấy năm nay, tôi nhận thấy đó là một người bạn tốt”. Người bạn kinh doanh của tôi không nói thêm lời nào, nhưng xem gương mặt thì hình như anh ấy không đồng ý lắm. Mấy hôm sau, tôi lại gặp một người bạn khác, cũng làm kinh doanh, và trong câu chuyện tình cờ đề cập đến người bạn kia, anh bạn này còn cho biết anh bạn tôi trước đây thì không phải thế, nhưng dạo sau này, anh bỗng trở thành một thứ ma đầu trong làng kinh doanh, và là một người rất thủ đoạn. Tôi ngẩn người bán tín bán nghi. Tuy nhiên lúc gặp lại người bạn đó, tôi không hề tỏ một thái độ nào khác thường. Chúng tôi vẫn tiếp tục chơi thân với nhau và chưa bao giờ tôi thấy anh ấy giống như những người bạn khác nhận xét. Cuối cùng thì tôi đã có một kết luận: Có thể anh ấy đúng như những người khác nhận xét trong một vài hoàn cảnh nào đó, nhưng đối với tôi, anh vẫn là một người bạn tốt, vì cái giao tình của chúng tôi đã được xây dựng trên căn bản tình cảm, và trên mặt này, chúng tôi không bao giờ đụng chạm nhau, và tôi cũng không có một lý do nào để phán xét anh về mặt kia. Có thể anh bạn tôi đã phải đụng chạm với những đối tác trong việc làm ăn không thể nào tránh được.
Mỗi con người có thể có nhiều mặt. Người ta thường nói một kẻ chọc trời khuấy nước, không biết chữ sợ là gì, không bao giờ để lộ điểm yếu của mình cho người khác thấy, nhưng một hôm nào đó có thể khóc nức nở trong lòng người yêu như một đứa trẻ để xua bớt những nỗi u uất riêng tư không biết làm thế nào để giải tỏa.
Sòng bạc là một môi trường thường làm con người để lộ bản năng của mình một cách dễ dàng. Có những người không bao giờ xài một đồng bạc cho người khác, nhưng khi đã bước vào sòng bài, người đó có thể vung tiền ra mua cuộc đen đỏ một cách… không suy nghĩ. Hiếm người giữ được tính cách của mình một khi đã ngồi trên chiếu bạc. Họ có thể trở thành một con người khác, mải mê cuộc đen đỏ đến nỗi quên hết thời gian, đau khổ, giận dữ khi thua bạc… mặc dù khi thắng, họ cũng không phải quý trọng đồng tiền cho lắm. Trên chiếu bạc, họ là một con người khác. Đó là con người có máu cờ bạc. Đó là do tính muốn ăn thua, vì lòng tự ái, tính kiêu ngạo và cạnh tranh trong mỗi con người. Họ tức giận chính họ vì bị cho là thua trí, chứ chưa hẳn đã vì thua tiền. Không phải là trong hoàn cảnh đó, thì họ không phải là một người như vậy. Trong những lãnh vực khác, người đời cũng thường như thế. Cạnh tranh quyền lực làm con người phải đối đầu với đối thủ bằng một con người khác, đôi khi không từ những thủ đoạn tàn ác. Lúc đó họ không phải là người chồng lương thiện hay là một người cha lúc nào cũng nhân từ, bao dung với con cái. Quyền lợi trong kinh doanh cũng thế. Dĩ nhiên không phải ai làm kinh doanh cũng thủ đoạn, cũng tàn nhẫn, dù người ta vẫn thường nói thương trường là chiến trường. Tôi đang suy nghĩ đến trường hợp của người bạn mà những người khác cho rằng anh ta là một kẻ ma đầu khét tiếng.
Không chỉ trong trường hợp làm kinh doanh mà trong mọi lãnh vực, người ta chỉ đấu đá nhau lúc họ cùng ở trên một chiến trường. Dĩ nhiên là vẫn có rất nhiều người không dùng thủ đoạn, không đấu đá, không tranh giành mà họ vẫn thành công. Tuy nhiên, thủ đoạn, đấu đá, tranh giành là thủ đoạn, đấu đá, tranh giành với đối thủ, chứ đối với những người không phải đối thủ, thì đâu cần đến những điều đó. Đôi khi không phải đấu đá tranh giành nhau, nhưng cũng bị“méo mó nghề nghiệp”: không phải là đối thủ của mình nhưng vẫn không thấy phương pháp, đường lối như thế là hợp lý có thể đi đến buông lời chê bai. Người ta thường nói vợ chồng không nên cùng một ngành nghề là thế, dễ tranh luận đi đến cãi vã nhau chỉ vì phương pháp, đường lối không giống nhau mà thôi.
Trong giao du bạn bè, thường chúng ta cũng nghe dư luận xấu về một người nào đó, nhất là trong việc làm ăn. Dư luận đó thường đi ra từ những người cùng làm ăn với họ. Vấn đề đặt ra là nếu chúng ta không thuộc về môi trường đó thì có nên tin vào những điều đó hay không mà thôi, vì thực ra, nếu chỉ giao du với người đó thuần túy trên mặt tình cảm, thì những dư luận đó không ảnh hưởng đến ta. Những mâu thuẫn giữa hai người luôn luôn phát sinh do quyền lợi, không chỉ vật chất mà còn những lý do khác, kể cả đôi khi vì tình cảm. Có người thân thiết với một người bạn và họ muốn độc chiếm tình cảm của người bạn đó. Từng đó cũng đủ xảy ra những điều nói xấu nhau một cách tệ hại.
Cùng trong một môi trường làm ăn thì sinh lòng cạnh tranh có thể nói xấu nhau đã đành. Có những người không cùng môi trường với nhau, nhưng lại có cùng một mẫu số chung: tính háo thắng, lòng ham muốn hư danh. Thấy người ta có tài, nổi tiếng, dù trong lòng khâm phục, nhưng lại vẫn đố kỵ không muốn nguời khác nổi tiếng hơn mình. Chỉ thấy người ta giàu có quá cũng đủ để sinh lòng ganh ghét và tìm cách nói xấu một cách vô tội vạ.
Con người vốn có nhiều mặt. Có nhiều người đàn ông, trong gia đình lúc nào cũng nghiêm nghị, ít nói, nhưng khi ra ngoài với bạn bè, lại đùa giỡn, và rất khôi hài. Có những người thường tỏ ra rất tàn nhẫn, quá cứng rắn với người khác, nhưng lại có thể mủi lòng trước một chuyện tình cảm nhỏ nhặt. Chỉ có sống gần họ, hiểu được tính cách con người đời thường của họ thì may ra mới có thể phán đoán toàn diện con người đó một cách chính xác được. Tuy nhiên, những người không bon chen, không ham lợi danh, sống trải lòng với mọi người thì nhất định không thể nào là người xấu được.
Hoàng Tá Thích
(Văn Hóa Phật Giáo)