Trong Đạo Đức kinh Lão Tử nói “Thắng ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình một chút” Thật chí lí thay lời nói của bậc Thánh ngày xưa, dù có trải qua bao nhiêu thời gian nhưng đã là chân lí thì luôn luôn bất di bất dịch.
Trong thế giới này xét từ đông sang tây, từ nam qua bắc từ cổ tới kim, những vị có chí lớn làm những việc to tác và thành tựu sự nghiệp kì vĩ để lại danh tiếng lợi lạc muôn đời cho hậu thế thì chỉ điếm được trên đầu ngón tay mà thôi.
Còn chúng ta là những người bình thường không có khả năng đội đá vá trời thì ta hãy làm theo lời Lão Tử chỉ bảo là tự thắng mình một chút. Thắng chính ta một chút có nghĩa là ta không cần vượt qua sóng to gió lớn, ta cũng không cần leo núi lội sông, không cần sáng tác ra những triết lí cao siêu trừu tượng hay phát minh ra những vật dụng thần kì. Mà ở đây chỉ nói đến sự việc rất bình thường, bình thường đến độ hằng ngày tất cả mọi người dù giàu hay nghèo dù sang hay hèn ai cũng cần có nó để sinh tồn nhưng có mấy ai nhận ra nó: “Đó là cái ăn”
Nhà thiền có câu nói: “Đói ăn khát uống” nhưng ăn như thế nào để sự việc bình thường hằng ngày đó lại đưa đến một thành quả to lớn hơn là thắng ngàn quân địch.
Có một người từ lâu với cuộc sống bình thường hằng ngày hai hay ba bữa ăn gồm những món như thịt cá, rau củ nhưng thịt cá là chính, rau củ quả là phụ. Rồi có một ngày nhân duyên đưa đến có thể là đau ốm, hay do người nói ăn rau củ qua tốt cho sức khỏe, hay do niềm tin về tâm linh, hay do đọc sách, hay do nhiều phương tiện mắt thấy tai nghe mà người ấy phát sinh tư tưởng thay đổi thực phẩm hằng ngày từ thịt cá sang hoàn toàn bằng rau củ quả.
Loài người chúng ta là sinh vật vô cùng kì diệu, độc nhất vô nhị trên hành tinh này. Tất cả chúng ta khi hiện hữu ở chổ nào thì luôn luôn đi chung với gia tài mà từ lâu chúng ta tích lũy. Nó giống như hành trang của kẻ đi phiêu lưu, hay bình đựng nước của người đi trên sa mạc.
Bất cứ khi chúng ta sinh ra ở đâu, thì nơi đó cũng có sẵng vật dụng để ta sinh sống, nó ít hay nhiều, phong phú hay khái quát tùy theo gia tài chúng ta đã tích lũy. Vì không biết rằng những vật dụng đó chỉ là phương tiện để ta tồn tại, mà ngược lại ta bị những phương tiện đó làm chủ và sai xử lại ta, từ một ông chủ bây giờ lại trở thành người đầy tớ để phục vụ cho phương tiện.
Thói quen ăn uống hằng ngày của chúng ta nó thông qua mắt, qua ngửi, qua vị và dần dần nó trở thành biểu tượng chính con người của chúng ta. Câu thế gian thường nói “ Non sông dễ đổi bản tánh khó dời” đó là chỉ cho thói quen chung của chúng ta đó.
Từ thói quen hằng ngày với thực phẩm cá, thịt bây giờ tư tưởng chuyển sang rau củ quả, có nghĩa là từ một con người cũ biến đổi thành một con người mới hay là ta mới sanh lại “Rebirth” thật không dể dàng chút nào, dù chỉ mới là tư tưởng. Thứ nhất là nội tâm của chúng ta dậy lên sự tranh đấu quyết liệt của tư tưởng mới và thói quen cũ, nó giống như một bãi chiến trường mà sự thắng bại chỉ hơn nhau một mười một chín, mà đó chỉ nói về cá nhân riêng biệt của chính vị đó. Thứ hai là sự chống đối của những thành viên trong gia đình, đôi khi còn dữ dội và quyết liệt hơn cả chúng ta, nhưng vì sao những thành viên trong gia đình chống đối trong khi ta có ý tưởng thay đổi thực phẩm? Bởi vì họ cảm thấy bầu không khí thân mật trong bữa ăn thường ngày bị phá vỡ và mất đi thói quen mà vẫn có từ lâu. Nhưng với một người có cuộc sống độc lập ít bị lệ thuộc vào hoàn cảnh thì vị đó thực hành dễ dàng hơn. Sự cản trở thứ ba là đối với bạn bè thân hữu từ lâu quen biết đã cùng ăn uống chung nhau, bây giờ ta thay đổi thực phẩm làm cho họ mất đi một người bạn. Và để giữ nguyên trạng thái từ lâu vẫn có thì những người bạn tốt đó sẽ khuyên ta hãy bỏ ý định đó đi. Vì theo những người bạn đó thì ăn rau củ quả nó không đủ sức khỏe, dễ bị bệnh, yếu và họ chứng minh rằng có nhiều người ăn rau củ quả bị bệnh vì thiếu chất dinh dưỡng. Hay có nhiều người đã ăn như vậy hàng chục năm, giờ bị bệnh bác sĩ cấm không cho ăn nữa và phải quay trở lại ăn thịt cá, hay ăn măn nói ngay ăn chay nói láo…
Khi một vị thay đổi thực phẩm từ cá thịt sang rau củ quả thì chắc chắn rằng vị đó không thành Phật hay Bồ Tát gì hết mà nhất là chúng ta chung tay nhau làm cho hành tinh này bớt ô nhiễm. Vì hiện tại rác thảy trên toàn thế giới và bầu khí quyển ô nhiễm đã đến lúc thực sự báo động, nhưng đó chưa phải là điều quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất trong bài viết này muốn nói đến là làm sao thực hành để thắng được tự chính ta.
Trên đời này muốn làm một việc gì có ý nghĩa thì ta phải có nghị lực và ý chí thì mới mong thành tựu, mà nghị lực và ý chí từ đâu mà có chí là từ trong áp lực vậy. Những áp lực được nói ở trên có thể còn nhiều và nhiều hơn nữa, nhưng nếu ta vượt qua được thì có nghĩa là ta tự thắng chính ta một chút, một chút thôi nhé.
Câu Lão Tử nói: Thắng ngàn quân địch, không bằng tự thắng chính mình một chút, đó là ông ta nhận ra được lực phản phục của Âm Dương hay sự quay về.
Từ lâu ta sống trong sự mù mờ của thế gian, sống mê chết mụi, bây giờ có một tư tưởng đột phá bốc lên nó giống như một ánh chớp giữa màng đêm tâm tối lạnh lẽo. Nó chỉ đường cho ta tiến bước và nó giống như quẻ Địa lôi phục trong kinh dịch, dù rằng chỉ một hào dương nằm dưới năm hào âm nhưng nó là nhân tử cho sự sáng suốt nên rất cần cho đời sống hay nó tương đương với chữ Tín trong đạo Phật.
Nhờ nghị lực vững chắc, ý chí dũng mãnh mà ta thắng được tư tưởng của chính ta và ta cũng thắng được luôn ngoại cảnh. Được như vậy rồi ta mới thực hiện bước kế tiếp là dấn thân vào hành động. Từ lâu thân thể của ta được được nuôi dưỡng bằng thực phẩm thịt, cá, bây giờ đổi sang rau củ quả thì dĩ nhiên nó có những trạng thái tiêu cực làm tác động đến thân tâm của chúng ta và nguyên nhân tác động đó gồm những nhân tố chính sau đây:
Thứ nhất là qua mắt thấy, thứ hai là qua mũi ngưỉ , thứ ba là qua vị giác, thứ tư là qua tai nghe và sau cùng là qua thân thể, tất cả những yếu tố đó có thể làm cho ta lung lay ý chí và làm cho ta không thể thực hiện trọn vẹn bước thứ hai.
Thế nào qua cái thấy làm ta lung lây ý chí, đó là thực phẩm rau củ quả nhìn không được bắt mắt, trong có vẻ nghèo nàn nếu đem so sánh với thịt, cá. Vì vậy khi chưa ăn nhưng do cái tưởng nó làm cho ta cảm thấy không vừa ý và cũng vì đó mà ta nổi sân, si.
Trong Kinh Lăng Nghiêm mắt biểu tượng cho lửa nên khi ta thấy sự việc không vừa ý thì sân, si dễ nổi lên và nó đốt cháy tám ngàn phước đức mà từ lâu ta tích tập trong chốc lát. Còn theo Kinh Dịch thì mắt của con người thuộc quẻ Li thuộc hỏa ở phương nam nó có thể soi sáng cho ta và ngược lại nó có thể thiêu cháy chúng ta. Vì vậy khi thấy sự việc không vừa ý mà ta điều phục được không để sân, si nổi lên là ta đã thắng được con mắt của chính ta vậy. Thắng được con mắt đó là ta tự thắng ta một chút và cũng chính là câu nói của Lão Tử “Hơn thắng ngàn quân địch”
Còn thế nào qua mũi ngửi nó làm cho ta lung lay ý chí? Thông thường nấu những món ăn thịt cá người ta cho thêm vào nhiều thứ gia vị dễ làm cho món ăn tăng thêm hương vị, nhờ vậy thông qua mũi ngưỡi nó làm cho kích thích tì vị của chúng ta tạo ra ảo giác. Nên đôi khi thức ăn không đúng những gì ta tưởng như mùi thơm nó phát ra, còn đồ ăn rau củ quả trông nó thật mộc mạc đơn sơ, không hương vị nồng nàn nhìn không bắt mắt, nó không nhiều gia vị như thực phẩm thịt, cá. Vì vậy qua cái thấy của mắt, qua cái ngửi của mũi thì món ăn rau củ quả thật sự không hấp dẫn cho lắm. Đối với những vị mới tập ăn rau củ qua thật khó khăn chật vật lắm vì vậy cần phải có quyết tâm mới thực hành một cách trọn vẹn.
Đó là sự cản trở thứ hai qua cái ngửi, nó làm cho ý chí của ta bị chao đảo vì mùi hương. Thực chất ở đây không phải so sánh mùi thơm này hơn mùi thơm kia, hay không có mùi thơm, mà những sự cản trở đó là những thử thách giúp ta trui rèn ý chí quyết tâm để đi đến thành quả sau cùng là ta tự thắng chính mình một chút.
Còn thế nào qua tai nó làm cho ý chí của ta chao đảo? Đó là lời bàn tán ra vào của người xung quanh, lời khen chê của bạn bè thân hữu, lời phàn nàn trong gia đình, lời nặng nhẹ khi phải nấu hai loại thực phẩm và ăn hai mâm khác nhau. Những lời qua tiếng lại như vậy nếu ta có đủ nghị lực đủ quyết tâm thì một thời gian cũng đi vào êm đẹp. Do sự vô thường biến đổi nên mọi người ai cũng có công việc của họ, không người nào ở không để nói chuyện hoài người khác. Dù rằng nó là như vậy nhưng nếu ta không trang bị ý chí vững chắc thì cũng không dễ vượt qua và những âm thanh từ ngữ đó sẽ dìm ta xuống không cho ta nổi lên. Vì âm thanh thuộc nước “Thủy” nên khi nước dâng cao thi mọi vật sẽ bị đắm chìm. Vì vậy nếu ta không bỏ qua được những lời thị phi xung quanh thì ta sẽ bỏ cuộc, còn ta có đủ quyết tâm thắng được âm thanh, vững vàng tiến bước theo định hướng mà ta đã chọn, và đó cũng là thành quả mà ta có được đó là “Ta tự thắng ta”.
Thế nào qua lưỡi nó làm cho quyết tâm ta bị lung lây. Thứ nhất là do lâu ngày lưỡi tiếp xúc vị (nên nhớ ở đây muốn nói là thói quen, chớ không phải lưỡi hay vị, vì lưỡi hay vị nó không tự nói). Thí vụ như một người có thói quen bữa ăn nào cũng có ớt, vì như vậy vị cay thành ra thói quen của người đó, nên hôm nào ăn bất cứ món gì mà thiếu ớt thì bữa ăn đó không còn ngon miệng. Do thói quen thông qua cảm thọ so sánh nên có vị này, kia. Nhưng thực ra cái vị của thực phẩm không nhất định, vì sao? Vì một món ăn đó có người cảm thấy vị vừa, có người thì lạt, còn có người thì mặn. Cho nên trên bàn ăn trong các nhà hàng từ đông sang tây đều giống nhau là họ để gia vị: ớt, tiêu, muối, mắm để tùy theo khẩu vị của mỗi người khách như thế nào thì tự người dùng châm chế. Vì thói quen không đồng nên khẩu vị không đồng, nên cho dù có một đầu bếp siêu hạng trên thế giới củng không dám tuyên bố rằng, sự nêm nếm của mình làm vừa khẩu vị của tất cả mọi người.
Khi ta nhận thức được như vậy thì khi ăn thực phẩm rau củ quả cho dù khẩu vị có phần nhạt nhẻo hơn thực phẩm thịt cá, nhưng thực chất là do thói quen của ta mà thôi. Biết được như vậy thì ta vững tâm thực hành ý định của ta dễ đi đến thành quả sau cùng là “Ta tự thắng chính ta”.
Còn thế nào thông qua thân thể nó làm cho ý chí ta bị lung lay, không đủ can đảm tiếp tục thực hành. Thân thể của ta từ lâu đã quen nuôi dưỡng bằng thực phẩm thịt cá, bây giờ ta chuyển qua thực phẩm rau củ quả thì chắc chắn rằng sẽ xảy ra những triệu chứng tiêu cực, dù ít hay nhiều, đó là lẽ dĩ nhiên. Những triệu chứng đó như: sức lực bị giảm sút, hay thân thể có phần ốm lại, hay cảm thấy không ngon miệng khi ăn, vì vậy nó làm cho tâm tư ta lo sợ và nó tác động đến quyết tâm của chúng ta.
Thật ra những triệu chứng xảy ra đó, phấn nhiều do tâm lý hơn vật lý, nếu ta không biết rõ nguyên nhân chính xác thì ta đâm ra nghi ngờ và đi tới bỏ cuộc.
Nguyên nhân của nó là gì? Thân thể vật lý của chúng ta cùng vạn vật trên thế gian này cùng một nguồn gốc phát sinh, đó là bốn nhân tố: đất, nước, gió và lửa (tứ đại) và khoa học cũng công nhận như vậy (four elements) vì vậy ta ăn thịt cá hay ăn rau củ quả thì đối với cái thân vật lý này cũng không khác nhau mấy. Nhưng do thói quen lâu ngày tác động lên tâm ý nên ta cảm nhận như vậy.
Thân thể chúng ta gồm nhiều thành phần hợp lại như: thịt, xương, da tóc, móng, lục phủ ngũ tạng, mắt, tai, óc, tủy…Mỗi thành phần mỗi khác, thành phần mắt không phải tủy hay óc và ngược lại. Khi ta ăn thức ăn vào dù là cá, thịt hay rau củ quả, thì cũng không có người nào điều khiển được thức ăn để nó đi bổ dưỡng cho thành phần này hay bộ phận kia. Thí dụ như điều khiển đem chất này bổ dưỡng cho mắt, thành tố này bổ dưỡng cho xương, hay đem chất này bổ dưỡng cho óc. Tuyệt đối không có một ai trên thế gian này làm được việc đó, mà chúng ta chỉ biết ăn vào rồi nó tự động điều hành phân bổ cho từng thành phần mà ta không thể nào can dự vào được.
Bộ máy tiêu hóa của chúng ta giống như một nhà máy sản xuất vô cùng kì diệu, nó được vận hành qua tâm lý của chúng ta. Cũng vậy những nhà máy trên thế giới hiện giờ điều vận hành bằng năng lực điện, nó chạy tốt khi nguồn điện điều hòa và nó chạy không được hoàn hảo khi nguồn điện bị yếu. Bộ máy tiêu hóa chúng ta cũng vậy, khi tư tưởng ta được thoải mái, đầu óc nhẹ nhàng, cuộc sống quân bình thì ta ăn thực phẩm bình thường nơi ta sinh sống thì ta vẫn cảm thấy ngon. Do tâm lý của đời sống quân bình nó tác động tới sự vận hành của bộ máy tiêu hóa, tự nó biết chiết xuất ra hết những dưỡng chất mà thực phẩm có để nuôi dưỡng cơ thể chúng ta.
Còn khi tâm tư ta rối loạn với nhiều toan tính, lo âu, sợ sệt thì cho dù thực phẩm có chứa nhiều dưỡng chất đi nữa thì tác dụng cũng không hoàn hảo. Điều quan trọng nhất là bộ máy tiêu hóa của ta vận hành lệch lạc, không đúng, không chạy hết công suất. Vì vậy mà nó không chiết suất hết những dưỡng chất trong thực phẩm ta ăn vào. Khi tình trạng như vậy sảy ra thì đi đến trạng thái là cơ thể phát triển không đồng đều, nó thiếu chỗ này, nó thừa chỗ kia, rồi đi đến kết quả là cái thiếu càng thiếu, cái thừa càng thừa thân thể bệnh hoạn từ đó phát sinh.
Thân thể vật lý của chúng ta cùng thảo mộc trên thế gian này tương đồng với nhau, vì mỗi vật điều mang đủ bốn nhân tố đất, nước, gió, lửa. Khi bốn nhân tố điều hòa thì thảo mộc phát triển mạnh mẻ xanh tươi và người thì hồng hào khỏe mạnh, còn ngược lại trong bốn nhân tố đó có một hay hai cái thiếu hay thừa hay phân bố không điều thì đi đến bệnh hoạn, từ thảo mộc cho đến con người cũng vậy.
Bước đầu từ tư tưởng chuyển biến cho đến mắt thấy, tai nghe, mũi ngưỡi, lưỡi nếm và cuối cùng là sự ảnh hưởng trực tiếp đến cái thân. Xuyên suốt qua những tiến trình đó, nó làm cho người thực hành dễ bị chao đảo vì rất khó chống lại số đông và nhất là thói quen. Cho nên điều hay nhất là hãy tìm một vài người bạn đồng hành và trao đổi kinh nghiệm cho nhau, thì tâm lý không bị trang thái cô đơn, độc hành nó làm cho ta bỏ cuộc.
Trên đời này mọi sự việc, không có sự việc nào lớn hay nhỏ, điều quan trọng là ta có nhận ra việc làm đó hay không. Vì hầu hết mọi người làm việc này mà tư tưởng lại trong mong đến một thành quả khác. Thế giới hiện nay có bảy tỉ người nếu tính trên số lượng thì đó là một con số vô cùng to lớn, nhưng nên nhớ rằng ta là một phần trong bảy tỉ đó. Vì vậy mọi việc làm, mọi hành động mọi tư duy của một cá nhân điều có ảnh hưởng đến toàn phần, tùy theo vị trí của mỗi cá nhân đó mà sự ảnh hưởng có hiển hiện hay tiềm ẩn mà thôi. Biết được như vậy ta không nên coi thường chính bản thân ta và cũng đừng coi thường những việc làm hằng ngày của chúng ta, tuy bình thường nhưng nó chứa đựng phi thường trong đó.
Xin kể một câu chuyện thiền sau đây, một thiền sinh đến thưa với thiền sư, đệ tử chưa biết gì về đạo xin Hòa thượng chỉ bảo.
Thiền sư hỏi:
– Ông ăn cháo chưa?
Đáp:
-Rồi
Thiền sư bảo:
– Rồi thì rửa bát đi.
Thiền sinh nghe xong liền được giác ngộ.
Mội việc làm của ta trên thế gian này luôn luôn có sự cản trở, vì ta sống chung trong cộng nghiệp có người có ta, sự cản trở mạnh hay yếu đó nó tùy theo chúng ta đi nhanh hay chậm. Thí dụ trong không gian ta không thể nào nhận ra được lực cản trong không khí nếu ta đi bách bộ vào buổi bình minh, trời trong lặng gió. Nhưng nếu ta đi bằng xe máy với tốc độ bốn mươi cây số một giờ thì ta nhận ra ngay lực cản của không khí và như vậy cho đến tốc độ tám cây số một giây của phi thuyền thì lực cản nó lớn hơn mạnh hơn.
Vì vậy đó là sự việc phải có khi ta sống trong bầu khí quyển của hành tinh này và cũng chính nó mà ta hiện hữu. Cũng vậy khi ta làm bất cứ công việc gì thì luôn luôn có sự cản trở, nếu không là thời tiết thì là con người hay thú vật hay côn trùng… nhưng đó là điều cần phải có. Ta không nên vì vậy mà nản lòng hay trong mong cho nó đừng sảy ra.
Tất cả những sự việc ở trên mà ta vượt qua được hết là hoàn thành được câu “Ta tự thắng chính ta”. Bên trong ta thắng được tư tưởng, bên ngoài ta thắng được ngoại cảnh. Lấy kinh Dịch áp dụng cho sự việc nay thì nó là quẻ Địa trạch lâm, vì vượt qua nhiều cản trở cho nên tạo thành sức mạnh, ý chí kiên cố không còn lung lây, và nhận thấy việc làm của mình có ý nghĩa, tâm lý thông suốt không còn thoái lui nữa.
Do những công dụng ở trên nên từ quẻ Địa trạch lâm tiến lên quẻ Địa thiên thái một cách dễ dàng, lúc đó không cần dụng công nhiều nữa mà ta vẫn an nhiên tiến bước, ta không còn bị ngoại cảnh hay tư tưởng chi phối nữa. Khi ta sống trong quẻ Địa thiên thái, thì ta mới thấy được câu nói của vị Thánh ngày xưa: “Thắng ngàn quân địch không bằng ta thắng được ta một chút” thật thâm thúy vô cùng. Địa là chỉ cho thân vật lý, Thiên là chỉ cho tâm lý, khi thân cùng tâm mà được thái hòa thì đời sống vô cùng tốt đẹp vững vàng, cũng như câu nói của thiền sư: “Núi xanh luôn bất động, mặc tình mây lại qua” hay “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”.
(Chú thích) Từ quẻ Địa thiên thái còn ba quẻ nữa là Lôi thiên đại tráng, Thạch thiên quyết và sau cùng là Bát thuần càn. Vì nội dung bài viết ứng dụng tới quẻ Địa thiên thái là hoàn tất còn ba quẻ sau là nói đến một cảnh giới khác nên không đưa vào đây.
Mãn Tự thiền sư