Trong cuộc sống hằng ngày, để có thể hiểu biết nhau, thông cảm nhau, thương yêu nhau và đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, con người dùng lời nói để làm phương tiện trao đổi thông tin mà cùng nhau sống vui vẻ hòa hợp. Ðôi khi khác vùng miền không cùng ngôn ngữ, nhưng con người cũng có thể hiểu biết nhau qua dáng điệu, cử chỉ, nét mặt, thái độ, hay giọng nói.
Trong cuộc sống, chúng ta thường dùng lời nói để trao đổi thông tin, để diễn đạt ý tưởng hoặc để bày tỏ, biểu lộ tâm tư tình cảm của mình… Nói chung, nhờ lời nói mà con người có thể thông cảm và hiểu nhau nhiều hơn, do đó sống có yêu thương bằng trái tim hiểu biết. Nói thì dễ nhưng nói như thế nào để không mất lòng người nghe, nói như thế nào để người nghe cảm thấy dễ chịu thoải mái, lần sau muốn được nghe nữa. Vì thế ông bà ta có lời khuyên rằng: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”.
Lời nói khi thốt ra thì không lấy lại được cho nên trước khi nói, ta phải nên suy xét cho kỹ càng.
“Lời nói chẳng mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”
Hai câu trên muốn gửi gắm cho chúng ta một bài học đạo lý sống ở đời bằng lời nói chân thành, để ta và người được kết nối yêu thương. Vậy lời nói là gì? Lời nói là một phương tiện giao tiếp bằng ngôn ngữ, có thể giúp ta thông tin, bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ, trao đổi kinh nghiệm để được yêu thương bằng trái tim hiểu biết mà vui vẻ sống hòa hợp với nhau. Cho nên lời nói “chẳng mất tiền mua” tại sao ta không biết “ lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”
Chúng ta thường nghe nói, lưỡi không xương nhiều đường lắc léo. Khi uống ăn ngon hay dở cũng là cái lưỡi và không có lưỡi chúng ta không thể nói được. Cái lưỡi là đạo lý sống trong cuộc đời, chính vì thế mỗi người chúng ta cần chiêm nghiệm và quán chiếu qua câu chuyện sau:
Một người nhà giàu sai đầy tớ làm thịt heo và căn dặn kỹ càng, nhà ngươi coi cái gì ngon nhất sau khi làm heo xong, nhớ mang vào cho ta.
Người đầy tớ vâng lời, sau khi làm thịt heo xong dâng lên cho ông chủ cái lưỡi.
Mấy hôm sau ông chủ lại sai đầy tớ mần con heo khác nhưng lại dặn, hôm nay có cái gì dở nhất trong con heo nhà ngươi hãy chừa lại cho ta, nhớ nha.
Người đầy tớ sau khi làm thịt heo xong vẫn chừa lại cái lưỡi như lần trước, rồi dâng lên cho chủ. Ông nhà giàu tức quá nộ khí xung thiên lớn tiếng quát tháo ôm sòm. Cái thằng đầy tớ này bố láo thật, sao mày dám đem cái lưỡi giống như lần trước để chọc tức tao hả. Ngon cũng cái lưỡi, dỡ cũng cái lưỡi, đâu thể có chuyện vô lý như vậy, mày tính thọt gậy bánh xe tao hả.
Người đầy tớ thưa, dạ kính bẩm ông chủ xin ngài hãy suy xét lại cho kỹ càng. Khi chúng ta đối xử tốt với ai, thì ta nói lời từ ái dễ nghe làm người cảm mến yêu thích, khi ta không thích ai thì ta dùng những lời nói ác độc mắng nhiếc chửi bới hoặc nói nặng nói nhẹ, nói móc nói méo, làm cho người khó chịu khổ đau. Cho nên khi ăn ngon hay dở cũng từ cái lưỡi mà ra, do đó trước sau gì con cũng dâng cho ông chủ cái lưỡi là có lý do chính đáng, mong ông chủ hãy bình tâm mà suy xét lại.
Ông nhà giàu ngồi ngẫm nghĩ một hồi lâu, mới thấy lời nói của người đầy tớ thật là chí lý, nên ông ta gật đầu khen ngợi, phải, phải, nhà ngươi nói đúng lắm. Ta không ngờ có được một người giúp việc như chú mày có suy nghĩ và hiểu biết một cách sâu sắc như thế. Kể từ đó, ông chủ cho người giúp việc làm nhiệm vụ phụ tá và tư vấn vào những công việc làm ăn chính đáng trong gia đình.
Học chuyện xưa, chiêm nghiệm lời dạy của cổ nhân luôn giúp cho chúng ta thấu rõ kiếp nhân sinh, sở dĩ con người sống tốt với nhau nhờ biết cách thể hiện qua lời nói, được biểu đạt bằng miệng lưỡi. Một cái lưỡi này làm nên lịch sử đem lại an vui hạnh phúc cho nhiều người, nhờ chúng ta biết vận dụng lời hay ý đẹp vào trong đời sống con người.
Ông nhà giàu nọ thật có phước báo vô lượng nên mới có được người giúp việc có những suy nghĩ và nhận thức sáng suốt như thế, do đó đã cảm hóa được ông chủ. Từ đó, ông nhận ra đạo lý Thánh hiền bắt đầu phát xuất từ ý nghĩ rồi phát sinh ra lời nói và hành động được tốt đẹp nhờ biết giữ giới không nói lời ác độc mắng chữi hoặc nói lời gian dối để lừa gạt hay nói lời mê hoặc để dụ dỗ người khác. Trong cuộc sống của chúng ta tất cả mọi người từ cha mẹ, anh chị em họ hàng thân thuộc, vợ chồng con cái, thầy tổ bạn bè, gia đình và xã hội. Ai cũng cần có tình yêu thương qua lời nói, nhờ vậy mà chúng ta có thể học hỏi trau dồi sự hiểu biết và sống có đạo đức.
Cho nên lời nói rất quan trọng trong giao tiếp đối nhân xử thế với nhau, một lời nói tốt có thể giúp cho mọi người sống an vui hạnh phúc, một lời nói xấu làm cho ta người hận thù oán trách mà làm đau khổ cho nhau. Lời nói giống như con dao hai lưỡi, có thể đem lại an vui hạnh phúc hay nỗi khổ niềm đau là tùy theo cách cư xử của ta. Chúng ta có thể học nói trong ba năm, nhưng muốn thực hành lời nói ấy cho được vuông tròn tốt đẹp, nhiều khi cả một đời vận dụng lời nói ấy mà vẫn chưa xong, bởi biết làm sao nói cho vừa lòng người.
(Thích Đạt Ma Phổ Giác)