“Giữa rừng sâu, đầy muôn thú, gã voi rừng cũng phải tự nỗ lực hết sức để thoát ra khi bị sa lầy. Giữa thế giới đông đúc người, ai cũng chỉ có thể một mình đi qua hết những biến cố bằng chính nội lực tự thân. Vì vậy, đừng phàn nàn nhiều mà hãy yên lặng nỗ lực, cố gắng để có một nội tâm mạnh mẽ để tự cứu lấy mình”.(1)
Có nụ cười ở gần lắm, của những người ở ngay bên cạnh mình, đưa tay ra là chạm vào được, nhưng lại không bao giờ có thể mang về để lấp đầy một ngày buồn. Vì nụ cười là của người, còn ngày buồn là của ta.
Có những ngày, đứng giữa dòng người ngược xuôi tấp nập, nhưng bản thân mình lại không biết đi đâu. Vì con đường là của người, còn đôi chân là của ta.
Những được mất, đổ vỡ, tàn phai… ai cũng phải đối diện nhiều lần, người nào cảm nhận được câu kinh “vô thường” sâu sắc hơn, người đó sẽ đi qua nhanh hơn, bằng không, cứ phải loanh quanh mãi trong đám gai đó. Rồi bị đau hơn người. Không ai thay thế ai đi qua được.
Những hẹp hòi hơn thua, ai cũng từng gặp phải, người càng rộng lượng càng dễ thoát ra, bằng không, sẽ chết ngạt trong đó. Không ai giải thoát cho ai được.
Ngày và đêm nối nhau, làm nên tháng năm. Niềm vui và nỗi buồn đan xen nhau làm nên cuộc sống.
Nên cuộc sống có những ngày vui và những ngày rất buồn.
Khi không tự bảo vệ được mình trong những ngày buồn, kẻ đó sẽ rất dễ đánh mất mình trong những ngày vui.
Vô Thường
_______________
[1] Viết lại từ câu kinh Pháp Cú 325