Sau đây là 4 yếu tố chân chánh giúp con người đạt tới đỉnh cao của cuộc sống. Thứ nhất là có nguyện vọng chính đáng. Thứ hai là siêng năng, tinh cần, bền chí lâu dài. Thứ ba là chuyên chú, nhất tâm vào công việc. Thứ tư là thấu rõ nguyên lý duyên khởi của cuộc đời. Ai đáp ứng đầy đủ 4 yếu tố này thì mọi việc sẽ hanh thông và sáng tỏ như ý muốn.
Khi con người có nguyện vọng chính đáng rồi thì quyết tâm, nỗ lực kiên trì và cố gắng thì mọi việc dù khó đến đâu cũng dễ thành tựu viên mãn. Trong cuộc sống của chúng ta, ai siêng năng, tinh tấn không ngừng nghỉ và có nguyện vọng chân chánh rồi thì chắc chắn trong nay mai sẽ thành đạt được như ý muốn. Ngược lại, nó sẽ là con dao hai lưỡi nếu siêng năng, nhiệt tình mà không biết phân định đúng sai, tốt xấu thì coi chừng rơi vào hố sâu tội lỗi. Tinh cần siêng năng trong mọi việc tốt lành để giúp mình và người hoàn thiện nhân cách, luôn sống với tấm lòng rộng mở mình vì mọi người thì đó là đều đáng được tán thán. Hăng hái lao vào các việc xấu ác hại người, hại vật là việc làm thiếu lương tâm làm khổ đau cho nhân loại. Vây nguyện vọng chính đáng của chúng ta là sao? Ta có quyền ước mơ để định hướng cuộc đời bằng sự dấn thân phục vụ vì lợi ích nhân loại, như người tật nguyền quyết tâm lớn lên trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho người khuyết tật. Một em học sinh quyết tâm học giỏi để sau này lớn lên trở thành thầy cô giáo hướng dẫn lại cho các em khác. Một chú tiểu vào chùa khi còn nhỏ quyết tâm học và tu cho sáng đạo để giúp đỡ mọi người sống có yêu thương bằng trái tim hiểu biết. Đó là những nguyện vọng chính đáng; nhưng nếu thiếu yếu tố siêng năng, tinh tấn đúng mức thì e rằng mọi việc sẽ đổ vỡ trong nay mai. Tinh tấn có nghĩa là ngăn ngừa và từ bỏ những điều xấu ác có tính cách làm khổ cho mình và người. Đồng thời chúng ta phải biết cách gieo trồng những việc tốt lành, tin sâu nhân quả, có như thế ta mới đạt được nguyện vọng chân chính để làm hương thơm cho đời. Sau khi xác định lập trường vững chắc rồi thì ta quyết tâm kiên trì bền bỉ đi theo hướng mình đã phát họa, biết cách tùy thuận nhân duyên, nắm chắc nhân duyên và tạo ra nhân duyên. Như một tu sĩ Phật giáo khi phát tâm xuất gia, tức đã xác định lý tưởng, lập trường của mình là phải giác ngộ, giải thoát, để sau này hướng dẫn lại cho mọi người. Khi đã xác định lập trường vững chắc rồi thì thời gian thành tựu mau hay chậm không còn là quan trọng nữa, mà ta chỉ một lòng quyết tâm cho đến khi nào viên mãn mới thôi.
Từ vô thủy kiếp đến nay, chúng ta nhận hiểu sai lầm, thấy biết sai lầm, nên dẫn đến hành động sai lầm mà làm cho ta và người đau khổ. Nay ta phát nguyện lớn quyết tâm kiên trì, bền chí, tu hành cho đến khi nào giác ngộ, giải thoát viên mãn mới thôi. Nhưng vì tập khí thói quen xấu, làm cho chúng ta mê muội mà tranh giành lừa đảo làm tổn hại con người, gây ra ân oán hận thù, nên thế giới lúc nào cũng chiến tranh binh đao tàn sát, giết hại lẫn nhau. Kẻ thắng thì được mọi người khen ngợi, tâng bốc, được quyền cao chức trọng, vật chất đầy đủ. Kẻ thua thì bị khinh chê, coi thường, khổ đau, mất mát cùng tột. Một bên được, một bên mất, cứ như thế kéo dài từ đời này sang kiếp nọ không có ngày thôi dứt.
Chính vì thế mà thái tử Sĩ Đạt Ta đã phải chấp nhận từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, thần dân thiên hạ để ra đi tìm cầu chân lý. Sau 5 năm tu học với hai vị đạo sư nhưng không giải quyết được mục đích giác ngộ, giải thoát, Ngài đành tự tu một mình theo lối khổ hạnh ép xác, cuối cùng cũng không đạt được mục đích yêu cầu mà xém bỏ xác nơi rừng sâu. Bồ tát Sĩ Đạt Ta vẫn giữ vững lập trường kiên định, Ngài đến cội Bồ đề phát nguyện “dù thịt nát xương tan vẫn không rời khỏi chỗ này nếu chưa chứng được đạo quả giác ngộ, giải thoát”. Nhờ lập trường vững chắc và ý chí sắt đá nên cuối cùng Bồ tát đã khám phá được chân lý ngay nơi sắc thân này mà chẳng phải tìm cầu đâu xa. Ngài thấy rõ tất cả chúng sinh luân hồi trong ba cõi, sáu đường như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường là do chính mình tạo ra. Ngài nhớ lại vô số kiếp về trước làm gì và ở đâu một cách rành rẽ như nhớ chuyện ngày hôm qua. Cuối cùng, Ngài đã biết cách thoát khỏi sinh-già-bệnh-chết mà không còn bị sự trói buộc của phiền não tham sân si. Nếu Ngài không có lập trường vững chắc thì làm sao vượt qua biển khổ sông mê, nhờ vậy mà ngày nay chúng ta biết được đạo lý làm người để sống có ích cho gia đình và xã hội. Xa hơn nữa, nếu ai muốn được giác ngộ, giải thoát hoàn toàn thì Ngài chỉ cho phương pháp dứt trừ sống-chết.
Tóm lại, sống trên thế gian vui ít khổ nhiều, nếu ta khôn khéo biết nhận định đúng sai, phải quấy, tốt xấu và luôn định hướng cuộc đời đi theo chiều hướng tốt và kiên quyết giữ vững lập trường thì mọi việc dù khó đến đâu cũng sẽ được thành tựu trong nay mai.
(Thích Đạt Ma Phổ Giác)