Mặc dù cao nguyên Himalaya rất khắc nghiệt, nhưng các chú tiểu nhỏ trong y phục đỏ sẫm vẫn hồn nhiên ôn bài tại một tu viện được xây dựng từ thế kỷ thứ XV – tu viện Thiksey, tọa lạc tại Leh thuộc vùng Ladakh – Ấn Độ, sát biên giới Pakistan.
Nơi này được mệnh danh là vùng đất đèo cao vực thẳm của Ấn Độ, dưới sự quản lý của chính quyền bang Kashmir.
Nổi bật với các bờ tường quét vôi trắng, an tọa trên một ngọn núi đá vôi cao hơn 3.000m so với mực nước biển, hướng về thung lũng Indus và những ngọn núi xa xa với cảnh quan tuyệt đẹp, Thiksey được xem là tu viện linh thiêng dành cho cộng đồng Tăng đoàn thuộc phái “mũ vàng”, được gọi là Gelukpa – một dòng truyền thừa nổi tiếng và có nhiều ảnh hưởng của Phật giáo Tây Tạng.
Phật giáo có truyền thống và sức ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của cộng đồng người Tây Tạng. Dù phải di cư ra khỏi đất nước nhưng nhiều gia đình Tây Tạng đang cư trú tại Ấn Độ vẫn có thói quen gởi con vào các tu viện Phật giáo để được học về văn hóa, ngôn ngữ và thực hành niềm tin tâm linh, từ đó hình thành nên một Tăng đoàn có đủ nguồn lực về con người để tiếp bước những người đi trước.
Cuộc sống của các chú tiểu tại vùng đất này khá khắc nghiệt, luôn cần được bảo vệ, điều chỉnh để phát triển một cách hài hòa. Việc nương theo thời khóa tu học của các chú cũng được du di phần nào vì tuổi đời còn khá nhỏ và chưa đủ lớn để có thể tự rời khỏi nơi này.
Những giúp đỡ mang tính trực quan nhằm giúp cho những ai muốn hiểu biết về những điều mới lạ là một trong những biểu hiện đặc biệt và nhập thế của Phật giáo Tây Tạng – do vậy mà các tranh ảnh, các tiểu cảnh khác nhau, các bánh xe cầu nguyện mang tính cộng đồng cũng như cờ Phật giáo… luôn được phát miễn phí đến khách hành hương. Đây được xem là lời khuyến khích cần phải rèn luyện tâm cho thật tốt, hơn là quan tâm đến vẻ đẹp bên ngoài.
Phật giáo là tôn giáo có truyền thống tập trung vào những việc phát triển tâm linh cá nhân. Do vậy, người Phật tử luôn nỗ lực để thấu triệt được bản chất chân thật của sự sống hơn là cầu nguyện và tôn thờ các vị thần.
(Gia Trúc – theo BBC)