Lời dẫn: Ban đầu mọi việc ở thế gian đều do bắt chước mà ra, giống như đứa bé bắt đầu đi học, nó tập đọc sách, học viết, học vẽ, học kĩ năng v.v…Nhưng bắt chước có tốt, có xấu; bắt chước chánh đạo và bắt chước tà đạo. Cho nên, có lợi cũng có hại; có thành công, có thật bại; có tiến bộ, cũng có lạc hậu.

Thuở xưa có một kẻ đi lang thang, hắn rất thích bắt chước theo người khác, ngay cả tiếng kêu của súc vật hắn cũng làm theo được, đặc biệt là tiếng chó sủa; cho nên hắn được nhà vua gọi vào làm quan nuôi chó. Nếu như hắn an phận giữ mình làm quan nuôi chó thì chẳng có việc gì để nói, nhưng hắn luôn mơ tưởng đến chuyện thăng quan, làm giàu. Một hôm, hắn vắt óc suy nghĩ: “Ta phải làm bằng cách nào được thăng quan và mau giàu có?”.

Có một ngày, hắn cùng với quan chăm sóc vườn hoa, quan coi nhà vệ sinh cùng nhau tán gẫu. Hắn hỏi:

  • Này nhé! Các anh có muốn được thăng quan, làm giàu không? Các quan đáp:
  • Tất nhiên là muốn rồi. Hắn bảo:
  • Chúng ta hãy nghiên cứu kĩ làm bằng cách nào mới được thăng quan, làm giàu?

Một vị quan nói:

  • Tôi cho rằng chỉ cần chúng ta nỗ lực làm việc thì có hi vọng. Vị quan khác nói:
  • Chúng ta phải luồn cúi nịnh nọt thì mới có khả năng tiến thân. Hắn nói:
  • Chỉ cần làm cho nhà vua hài lòng thì có thể được thăng quan mau làm giàu. Hai quan kia hỏi:
  • Chúng ta làm cách nào cho vua hài lòng? Không phải chăm chỉ làm tốt công việc của mình hay sao?

Hắn bảo:

  • Không! Chỉ cần chúng ta bắt chước giống nhà vua thì nhất định ngài sẽ hài lòng.

Ngày hôm sau nhà vua đến, quan nuôi chó quan sát tỉ mỉ từng động tác của vua; nhà vua chớp mắt liên tục, hắn cũng chớp mắt liên tục; vua ho, hắn cũng bắt chước ho. Thấy vậy nhà vua hỏi:

  • Khanh bị đau mắt hả, lại còn bị cảm cúm hay sao mà ho dữ vậy? Hắn thưa:
  • Tâu bệ hạ! Thần không bị đau mắt, cũng không bị cảm, chỉ vì thần muốn làm cho bệ hạ vui lòng, nên bắt chước theo ngài.

Nhà vua nghe hắn nói, chẳng những không vui lòng mà còn rất tức giận nói:

  • Nhà ngươi quả thật là to gan! Ta làm vua, ngươi cũng bắt chước làm vua phải không? Quân lính đâu! Bắt quan giữ chó này đánh năm mươi gậy; sau đó, đuổi hắn ra khỏi cung cho trẫm.

Thế là, hắn không được thăng quan mà còn bị đánh một trận bầm giập, cuộc mưu sinh cũng thất bại. Hắn trở lại làm người lang thang rày đây mai đó, thông minh lại bị thông minh hại. Kì thật, hắn không phải là người thông minh mà bị danh lợi ham muốn che lấp tâm trí, những việc làm này đều là  nô lệ cho dục vọng, là hành vi của kẻ ngu si.

—o0o—

 Bài học đạo lý

 Khi đứa bé còn nhỏ, bất cứ việc gì nó cũng làm theo người lớn. Hàng hóa đồ dùng ở thế gian rất nhiều đều do con người bắt chước mà làm ra; hoặc có khi nhái theo hàng thật làm hàng giả dán nhãn hiệu lên. Các nước còn lạc hậu phải học theo các nước tiên tiến phát triển khoa học kĩ thuật. Nếu như mọi việc, con người không có sáng kiến chế tạo mà chỉ làm theo thì mãi mãi vẫn là lạc hậu.

Những việc ứng phú đạo tràng của Phật giáo bị mọi người bắt chước làm theo cũng rất nhiều. Thí dụ những việc tán tụng, tổ chức pháp hội, làm Phật sự, lễ trai đàn chẩn tế v.v…Có những người bắt chước các vị hòa thượng ở Nhật Bản, cưới vợ, ăn mặn, thịt cá. Lại làm trụ trì, nửa tăng, nửa tục. Ở nơi đông đúc thì không học được, ở nơi hẻo lánh thì mọi người tiếp đón tất cả. Bắt chước như vậy có tăng trưởng giới hạnh không? Hay tự mình cam chịu sự sa đọa? Chúng tôi nghĩ đạo lý này giống như quan nuôi chó bắt chước nhà vua.

Bắt chước cầu tiến bộ, hay là thất bại, động cơ bắt chước của mỗi người không giống nhau; hoặc giữ tâm lương thiện, bất thiện cũng có liên quan. Phật giáo từ Ấn Độ truyền sang Trung Quốc và khắp thế giới, nhất định có điểm đặc biệt của Phật giáo. Trải qua thời gian khảo nghiệm, có rất nhiều người nỗ lực hoằng dương Phật pháp, ngày nay mới được nổi tiếng khắp thế giới. Ngọai đạo muốn bắt chước Phật giáo cũng chỉ học ở bên ngoài, chưa học đến nội dung của Phật pháp, chỉ có hai bên được lợi mà thôi.

Ngoại đạo không biết điểm đáng quý của Phật giáo là sự tu hành, trì giới, phạm hạnh. Họ chỉ học nghi thức tán tụng của Phật giáo, trở thành giáo môn chẳng ra cái gì. Nếu là tín đồ khác mà ngưỡng mộ Phật pháp, lại không thể sửa đổi hoàn toàn, chỉ sửa thành nửa thần nửa Phật; đây là việc không thể phê phán gắt gao.

Biên soạn: Pháp sư Thánh Pháp
Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng
Hiệu đính: Thiện Thuận