Lời dẫn: Con người là tối linh trong muôn vật, có hiểu biết, có tài năng, có tầm nhìn xa trông rộng, có lương tâm, có đạo đức. Bất cứ làm việc gì, họ cũng suy nghĩ kĩ, dự tính cho tương lai, mới có giá trị tối linh trong muôn vật.

Nhưng có những người sống thực dụng, bất cứ việc gì cũng chỉ thấy lợi trước mắt mà không nghĩ đến tương lai, việc này đâu đâu cũng thấy. Như kẻ giết người để cướp của. Kẻ chuyên đi trộm cắp làm nghề sinh sống. Kẻ thừa tiền đi cặp bồ mại dâm làm thú vui. Kẻ có chức quyền tham ô để làm giàu. Kẻ dùng lời ngon tiếng ngọt chuyên đi lừa đảo để sinh sống. Những việc này đều có thể nói là đốn cây hái trái.

Xưa kia có một nhà vua. Trong vườn hoa của vua có trồng một cây ăn trái rất cao to, cành lá sum sê. Mỗi năm, cây này kết trái sai nặng trũi, lại rất thơm ngọt. Người ăn trái cây này chẳng những thơm ngọt mà còn được mạnh khỏe, trẻ đẹp; cho nên, nhà vua rất quý. Nhân dân trong và ngoài nước nghe đồn trái cây quý báu như vậy, ai mà không muốn ăn nó? Đáng tiếc là cây này sống trong hoàng cung, được nhà vua yêu quý thì ai mà dám hái?

Một hôm, có sứ giả người nước ngoài đến yết kiến nhà vua. Vua ra lịnh tiếp đón sứ thần trong vườn cây này. Từ lâu, sứ giả đã nghe trong vườn nhà vua có một cây ăn trái rất quý nên rất muốn ăn thử mùi vị trái cây. Nhưng nhà vua chưa ban cho, làm sao sứ giả dám hỏi? Ngày hôm sau, sứ giả được vinh hạnh yết kiến nhà vua. Vua hỏi:

  • Sứ thần không quản ngại đường xa đến đây có điều gì chỉ dạy? Sứ giả thưa:
  • Tâu bệ hạ! Thần không dám. Lần này thần phụng mệnh đại vương nước thần đem phẩm vật đến đây cống nộp, xin ngài vui lòng tiếp nhận.

Nhà vua rất vui vẻ sai bày yến tiệc đãi sứ thần. Sau khi dùng yến tiệc xong, sứ thần thưa:

  • Tâu bệ hạ! Thần có nghe trong vườn của ngài có trồng cây ăn trái, quả rất thơm ngọt, người nào ăn trái này được mạnh khỏe, trẻ đẹp. Nhưng cây rất cao lớn không biết bằng cách nào hái cho thần một trái ăn thử có được không?

Suy nghĩ một lúc, vua liền ra lịnh:

  • Quân lính đâu! Hãy đốn cây để hái cho sứ thần vài trái.

Sứ thần được vua ban cho trái cây hớn hở trở về nước. Nhưng trôi qua vài ngày, cây liền héo úa, trái rụng xuống đầy mặt đất. Nhà vua vô cùng hối hận, phải chi đừng đốn cây. Từ đó về sau, trong hoàng cung không còn trái cây quý báu thơm ngọt để ăn.

Bài học đạo lý

 Các vị đại đức, con người là động vật có hiểu biết, có tầm nhìn xa trông rộng; nhưng vì hám lợi trước mắt và hưởng thụ vật chất mà không tiếc quý hạnh phúc và tiền đồ vào tương lai nên vứt bỏ sạch. Nhà vua trong câu chuyện là vị đứng đầu cả nước, chúng tôi nghĩ ông không đến nỗi ngốc mà không biết rõ quy luật chặt cây sẽ không sống lại được. Câu chuyện chỉ là thí dụ mà thôi, thí dụ có rất nhiều ý nghĩa. Chúng tôi xin nêu ra vài điều: Khi con cái còn nhỏ, tất cả mọi việc đều nhờ vào cha mẹ, con cần gì cha mẹ liền đáp ứng. Bất luận là y phục, thức ăn, phương tiện đi lại, tiền học, thuốc men v.v…tất cả mọi việc đều là công sức, tâm huyết của cha mẹ. Thậm chí, cả đời cha mẹ chi tiêu tiết kiệm, tích góp của cải cũng là để lại cho con cái. Phận làm con phải cảm kích và hiếu thuận muôn phần với cha mẹ mới đúng. Nhưng con cái cứng đầu bướng bỉnh làm cho cha mẹ thất vọng, đau buồn. Như thế, chẳng phải làm tổn hại nhân cách và tiền đồ của mình hay sao?

Chúng ta sinh ra ở đây, lớn lên ở nơi này; nơi đây là đất nước của chúng ta. “Mọi người vì ta, ta vì mọi người”. Phải nên đồng tâm hiệp lực. Nhưng có người muốn phá hoại sự bình yên của xã hội. Có kẻ muốn làm  hán gian.  Có người tham nhũng tổn hại tài chính quốc gia. Nếu bị mất nước chúng ta có được sống yên ổn không?

Giao tiếp bạn bè, chúng ta phải dìu dắt, giúp đỡ lẫn nhau là có lợi ích với nhau cùng thành công với nhau. “Thấy lợi quên nghĩa” là chúng ta hại người cũng chính là hại mình. Xã hội, quốc gia đều là một thể giúp đỡ lẫn nhau, là được lợi ích với nhau; làm hại lẫn nhau là có hại chung. Đức Phật dạy: “Nhân quả với nhau”. Chúng ta muốn làm người trung hiếu, tiết nghĩa; hay muốn làm người bất trung, bất hiếu, bất nghĩa; muốn làm người lưu lại tiếng thơm muôn đời; hay làm người để lại tiếng xấu vạn năm là trong một niệm của chúng ta.

—o0o—

Biên soạn: Pháp sư Thánh Pháp
Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng
Hiệu đính: Thiện Thuận