Lời dẫn: Cá tính mỗi người ở thế gian đều không giống nhau. Có người khiêm tốn, tự ti. Có người tự đại, kiêu ngạo. Có người đầy đủ tài năng, trí thức, học vấn mà không khoe khoang. Có người đầu óc rỗng tuếch làm được một chút việc thì khoe khoang khoác lác, mong khắp thiên hạ đều biết.
Người quá khiêm tốn cũng trở thành giả dối. Kẻ luôn cống cao, kiêu mạn cũng sẽ chuốc lấy nhục nhã, lại không giúp đỡ được gì cho người khác. Vì thế, bất cứ việc gì đều nên ở mức trung bình.
Xưa kia ở một làng quê nọ, mọi người tổ chức lễ hội ca ngợi đức hạnh của cha mình. Lúc khai mạc buổi lễ, vị chủ trì lên tuyên bố lý do:
– Kính thưa quý vị! Hôm nay, cử hành lễ hội mục đích là truyền bá rộng hiếu đức và để khuyến khích lẫn nhau với “Ý nghĩa nhìn thấy đức tài kiêm toàn của người khác mà nghĩ ta phải học giống như họ”. Vì thế, chúng tôi hi vọng các vị hãy dựa vào sự thật của cha mình mà nói, không cần khoe khoang, cũng không nên tự ti che giấu không dám nói. Các vị hãy nói thoải mái theo sự thật, để mọi người lấy đó làm tấm gương xử thế làm người. Người thứ nhất nói:
“Cha tôi là người có tài năng, thân hình cao lớn mạnh mẽ, làm việc xử lý quyết đoán nhanh gọn; cho nên được mọi người ca ngợi”.
Người thứ hai nói: “Cha tôi là người đàn ông khôi ngô tuấn tú, anh hùng hào kiệt; lại đối xử lễ phép với mọi người, nên ai nấy đều tôn kính”.
Người thứ ba nói: “Cha tôi là một trưởng giả nhân từ thường bố thí cứu giúp người nghèo khổ; là người ưa làm việc thiện thích bố thí”.
Có người nói: “Cha tôi dũng cảm làm việc nghĩa”. Có người nói: “Cha tôi hiểu biết rất sâu xa, học rộng nghe nhiều”. Có người nói: “Bất cứ làm việc gì, cha tôi đều được mọi người tin cậy”. Có người nói: “Cha tôi đối với mọi người rất hòa nhã và lễ phép”. v.v…
Trong hội trường có một thanh niên hiếu thắng chạy ra nói:
– Cha tôi mới thật sự là người vĩ đại.
Mọi người hỏi: – Thế nào là vĩ đại?
– Cha tôi là một người thanh tịnh vô dục.
– Hả! Mọi người ở thế gian đều đắm năm dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) và bị năm dục sai khiến; người nào đạt được vô dục là người vĩ đại thật sự. Chúng tôi không biết cha anh vô dục ở phương diện nào?
– Cha tôi từ nhỏ đã đoạn tuyệt sinh hoạt tình dục, cho nên là người rất thanh tịnh.
– Cha anh đoạn tuyệt tình dục từ nhỏ. Vậy thân thể của anh sinh ra từ đâu? Là trên trời rớt xuống chăng? Ha.ha…mọi người cùng cười vang. Thanh niên vừa ngu dốt vừa hiếu thắng, nên bị mọi người sỉ nhục.
Bài học đạo lý
Con người sinh ra ở đời ai cũng muốn giữ thể diện, thích được mọi người ca ngợi, không muốn mọi người nghi ngờ chuyện này kia, không thích người khác nói khuyết điểm của mình; hoặc việc không đáng lại thích khoe khoang người thân của mình; người khoe khoang quá lố có lúc tự hạ thấp nhân cách của mình. Nhưng thông thường mọi người vẫn thích nghe lời giả dối; giống như người làm kinh doanh nói: “Chịu lỗ vốn gốc” hay “bán giảm giá khuyến mãi” để thu hút khách hàng. Ở trước mặt người đó thì khen họ thông minh, tài giỏi như thế; hoặc nhân từ, học vấn v.v…khi ở sau lưng họ thì nói xấu không ra gì. Do đó, xã hội biến thành ai ai cũng giả dối- “lừa mình dối người, bị người lừa”. Mọi người đều thích nghe lời giả dối, thích nói không chân thật; cho nên thế gian này tiểu nhân nhiều hơn quân tử; giống như diễn kịch hai bên thể hiện vai diễn cho đạt. Con người đối xử với nhau bằng tâm chân thật rất ít có.
“Kết bạn với người quân tử nhạt như nước, kết bạn với tiểu nhân ngọt như mật”. Vì ai nấy đều thích ngọt, chẳng ai thích nhạt, nên người giả dối càng nhiều. Nhạt phần đông là tâm chân thật, ngọt phần đông là giả dối, nhạt có thể lâu dài, nhưng ngọt khó giữ được bền lâu; cho nên Thành Ngữ có câu “cháy nhà ra mặt chuột”. Muôn vật trong thế gian luôn có đối lập với nhau như thiện-ác, tốt-xấu, chánh-tà, đúng-sai, ngọt-đắng v.v…có thân ắt có oán, có hạnh phúc thì có khổ đau; đây là một loại tuần hoàn xoay vần. Vì sao họa-phúc, khổ-vui ở thế gian thường tuần hoàn xoay vần như vậy? Vì tâm người có thiện có ác. Quá khứ từng tạo nghiệp thiện ác, cho nên có lúc họa, có lúc phúc; nếu người tạo thiện nghiệp nhiều thì được hạnh phúc an vui nhiều; còn người gây ác nghiệp thì chịu nhiều đau khổ và tai họa. Ai bảo chúng ta quá khứ chưa từng làm nhiều việc thiện? Bậc Cổ đức nói: “Có của không thể dùng hết, có chức quyền không thể ức hiếp mọi người mãi”. Chúng tôi nói cách khác, người có của mà không biết sử dụng cứu đời giúp người, là người mê muội keo kiệt, tham lam cũng làm nô lệ cho tiền của. Người có chức quyền không biết tạo phúc cho xã hội thì giống như bù nhìn. Vì thế, làm người phải luôn luôn tạo phúc, tạo duyên lành thì tương lai mới được hưởng phúc. Đó là: “Mình giúp đỡ người, được người giúp lại”.
Biên soạn: Pháp sư Thánh Pháp
Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng
Hiệu đính: Thiện Thuận