Hành trình của con người luôn luôn là đi tìm hạnh phúc. Trong một giai đoạn lâu hay mau, trong bất cứ việc gì được làm, bất cứ ước muốn gì được đặt ra, bất cứ hy vọng gì được nói tới, chúng ta đều có một tâm niệm sâu thẳm hướng đến hạnh phúc. Mỗi người có sự sai khác về định nghĩa “hạnh phúc” nên cũng chẳng ai nêu đích xác cụ thể hạnh phúc là gì. Chúng ta luôn tìm kiếm hạnh phúc nhưng không hiểu rõ hạnh phúc, nên vô tình ta lại dường như ngày càng xa rời nó. Tương tự, ta có xu hướng tránh né đau khổ, nhưng ta lại phải chạm mặt với nó nhiều hơn.

Chạm vào hạnh phúc
Ảnh minh họa

Ta không phân biệt được giữa hạnh phúc và vui thú. Niềm vui thú phụ thuộc vào thời điểm, sự vật, sự việc, nơi chốn. Nói chung, nó phụ thuộc vào một vật khác, mà bản thân vật đó lại thay đổi theo quy luật tự nhiên. Với vài người thì một bữa tiệc tự chọn (buffet) là một niềm vui thú, nhưng họ chỉ vui với vài dĩa thức ăn ban đầu, khi mà họ còn đói và sẵn sàng tiếp nhận mọi món ăn. Nhưng nếu cứ tiếp tục, họ sẽ đâm ra chán ngán vì quá căng bụng, thậm chí có thể sợ đi những bữa tiệc như vậy trong một thời gian. Một người hâm mộ loại nhạc mạnh (như nhạc rock) có thể sẽ thấy nhức đầu nếu anh ta nghe đi nghe lại một bài nhạc vài chục lần, hoặc nghe liên tục không ngừng nghỉ. Khi đi từ nơi nắng nóng, bạn rất sung sướng đến được chỗ có máy lạnh và cảm thấy vô cùng khoan khoái trong cái không khí mát mẻ đó. Nhưng nếu ở trong máy lạnh lâu hơn, mát mẻ sẽ chuyển dần sang lạnh giá. Tay bạn bắt đầu tê, mũi đỏ ửng dần lên và bạn phải trùm áo khoác lên người. Niềm vui thú không sẻ chia được. Bạn có thể vui thích nhưng người khác thì lại không.

Hạnh phúc không có những tính chất như vậy. Hạnh phúc, nói khác hơn là tình trạng thoải mái, an ổn về thể chất và tinh thần. Nó là sự thanh bình trầm lặng tràn ngập khắp tâm tưởng, vượt qua mọi sự vui vẻ và buồn phiền. Tại sao lại có thể “an ổn hạnh phúc” khi buồn phiền? Hãy tưởng tượng trước mắt bạn là một đại dương xanh rộng lớn. Đại dương này khi trời yên bể lặng sẽ phẳng lặng hiền hòa như một tấm gương. Nhưng nếu sóng gió nổi lên, biển sẽ gầm lên giận dữ. Đó chỉ là những trạng thái khác nhau, nhưng biển vẫn sẽ giữ được độ sâu vốn có của nó. Nó là một trạng thái “độ sâu” như vậy đó, luôn hiện hữu như nó vốn là, chứ không phải chỉ là cảm xúc thoáng qua.

Vậy, thường thì chúng ta đi tìm hạnh phúc bằng cách nào? Dễ thấy, chúng ta đi khắp nơi, làm đủ mọi việc tìm kiếm hạnh phúc, nhưng đó cũng chỉ là bề ngoài. Nhiều người nghĩ, “tôi cần cái này để được hạnh phúc” nhưng câu nói này thực ra lại hủy hoại hạnh phúc của ta. “Cần” nên khi thiếu thì hạnh phúc cũng biến mất. Thêm vào đó, nếu có được rồi mà phải lo sợ mất đi, lúc nào cũng chú ý canh giữ thì hạnh phúc cũng chẳng tìm được. Hoặc có được nhưng hóa ra vật đó lại không như ta mong đợi, thế là ta lại phải cố gắng sửa chữa cải thiện chúng. Nhưng mình kiểm soát được bao nhiêu của “cái bên ngoài” ấy? Quyền lực và khả năng của chúng ta lớn tới đâu, kéo dài được bao lâu? Một người từ sáng đến tối vùi đầu vào công việc, ước mong kiếm được nhiều tiền và anh ta nghĩ như vậy là hạnh phúc, nhưng không! Khi tiền còn ít, anh ta cố gắng làm thêm, kiếm thêm. Khi dư dả, anh cũng chưa dừng lại. Và khi quá thừa mứa thì anh chẳng biết sẽ phải làm gì với số tiền có được và hạnh phúc thì vẫn ở tận đâu, nếu không muốn nói đến nỗi lo âu khi phải giữ quá nhiều tiền cho bản thân.

Vậy nên hãy tìm kiếm hạnh phúc từ bên trong chính bản thân mỗi người chúng ta. Chính tâm ta có khả năng tự diễn nghĩa cảnh sắc bên ngoài thành niềm vui hay nỗi buồn. Tâm ta mạnh mẽ hơn, dễ tìm hơn và cũng dễ kiểm soát hơn. Cũng cần nên biết, tâm còn những trạng thái đối ngược lại với hạnh phúc, như là giận dữ, căm ghét, ganh tỵ, kiêu ngạo, say đắm, chấp thủ, những điều này vốn không đem lại ích lợi gì khi chúng hiện diện mà lại còn gây thiệt hại đến hạnh phúc của người khác. Vì vậy, những ý niệm đó càng xuất hiện trong tư tưởng, chúng ta càng phải cân nhắc chúng kĩ hơn, rằng chúng mang lại điều bất hạnh làm ta đau khổ.

Một cách hay để tìm hạnh phúc là nhìn nhận bản chất vốn có của mọi cảm xúc. Thông thường, khi bực bội, giận dữ hay say đắm, chúng ta có xu hướng quay đi quay lại hình ảnh của người/vật khiến ta khó chịu, và mỗi lần như vậy thì sự bực bội hay say đắm lại càng được nâng lên, và ta rơi vào vòng lẩn quẩn, càng muốn xóa bỏ thì cảm xúc tiêu cực càng hiện ra. Vậy thì giờ đây, thay vì hướng đến sự vật bên ngoài, ta hãy tập trung xem xét cảm xúc đang dâng lên bên trong. Sự giận dữ có thể đang hăm dọa, chiếm giữ hết con người mình, nhưng khi ta chú ý đến thì tâm hành đó lại dần dần giảm bớt. Nếu lặp đi lặp lại, cơn giận sẽ không còn nữa. Đây là cách để luyện tập nhìn vào tâm.

Đi tìm hạnh phúc bằng cách nhìn vào bên trong bản thân mình cần thời gian để phát huy hiệu quả. Cũng như mọi sự luyện tập khác, vẽ tranh hay chơi nhạc, học ngôn ngữ mới hay xây dựng một ngôi nhà, quá trình luyện tập tâm cần công sức bỏ ra và một khoảng thời gian thích hợp dành cho nó. Edison cũng đã cố công đến hơn ngàn lần mới sáng chế ra những phát minh đáng ngưỡng mộ như bút điện, máy hát, xi măng, hệ thống đèn điện… Vận động viên điền kinh Olympic muốn trở thành nhà vô địch với tấm huy chương vàng cũng phải bỏ ra ít nhất 8 tiếng / ngày để luyện tập theo một chế độ cật lực mới mong đạt được kết quả. Mọi thứ đều cần sự kiên nhẫn.

Luyện tập tâm rất quan trọng. Hạnh phúc không phải là phụ kiện làm đẹp thêm cho tâm hồn, mà là món ăn tinh thần bắt buộc phải có trong chế độ ăn hằng ngày, là một thứ sẽ quyết định chất lượng mọi giây phút của cuộc sống. Hãy cố gắng vượt qua sự trễ nải và chần chừ để bắt đầu chạm vào hạnh phúc ngay bây giờ.

Trúc Thanh

Sachminhthanh.wordpress.com

Theo Phật Pháp Ứng Dụng