Người ta thường nói: “Con gái là con người ta, con trai mới là con của mình”, chính vì thế mà có câu: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”(Một trai cũng gọi là có, mười gái cũng bảo là không). Bởi con gái khi lớn khôn thì đi lấy chồng, thuộc về nhà chồng,“Tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu”(Ở nhà theo cha, lấy chồng thì phải theo chồng).

Chính vì định kiến bất công đó mà từ xưa người phụ nữ không được coi trọng, thậm chí bị rẻ khinh, hất hủi. Hiện nay, tuy vai trò và giá trị, năng lực của người phụ nữ ngày càng được khẳng định nhưng quan niệm “nam trọng, nữ khinh”, “nam tôn, nữ ti” vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Do xã hội Việt Nam trải qua hàng ngàn năm dưới chế độ phong kiến, nên quan niệm trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào tư tưởng, nhận thức của nhiều thế hệ, từ đó đưa đến những suy nghĩ và hành động lệch lạc, sai lầm tạo thành tập quán, thói quen ứng xử bất bình đẳng khó bỏ.

Theo các chuyên gia y tế và xã hội, trong vài năm trở lại đây, số lượng bé trai sinh ra nhiều hơn bé gái. Để có con trai nối dõi, thêm nguồn nhân lực cho gia đình, có người thừa kế gia sản, duy trì sự nghiệp, thờ cúng tổ tiên ông bà, các bậc cha mẹ đã tìm mọi cách để chọn giới tính con theo ý muốn của mình, trong đó có việc sử dụng các biện pháp chọn giới tính thai nhi của khoa học hiện đại để phá bỏ thai nhi giới tính nữ. Phân biệt đối xử và cướp đi quyền được sinh ra, quyền được sống của trẻ em gái thật sự là việc làm bất công, tổn hại đạo đức đáng bị lên án.

Các chuyên gia xã hội cũng cho biết, sự mất cân bằng giới tính sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống xã hội như: thay đổi cơ cấu dân số, thiếu phụ nữ ở độ tuổi lập gia đình, cấu trúc gia đình thay đổi, gia tăng tội phạm liên quan đến lạm dụng tình dục, bạo lực đối với phụ nữ…

Việc phá bỏ thai nhi giới tính nữ đôi khi làm mất đi những phụ nữ cao quý, những tài năng của tương lai. Bởi như Đức Phật đã dạy, có những phụ nữ tốt đẹp hơn nam giới, có tài năng, trí tuệ và đạo đức xứng đáng được tôn quý, là dâu thảo vợ hiền, là người phụ nữ đảm đang trong gia đình, có năng lực đóng góp cho xã hội, đất nước. Và có thể những phụ nữ ấy sinh ra những đứa con trai mà khi trưởng thành chúng trở thành những nhà lãnh tụ, những nhà hướng đạo tài ba. Chính vì thế cần phải có thái độ bình đẳng, không nên phân biệt đối xử với phụ nữ (Kinh Tương ưng I).

Thuở xưa, di mẫu của Đức Phật là bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề cùng các phụ nữ dòng họ Thích Ca đến cầu xin xuất gia. Tôn giả A-nan hỏi Đức Phật rằng: “Nếu hàng phụ nữ được xuất gia tu học theo Pháp và Luật của Phật thì họ có thể chứng các Thánh quả không?”. Đức Phật đã trả lời rằng: “Nếu hàng phụ nữ xuất gia và tu học theo Pháp và Luật của Ta, họ có thể chứng các Thánh quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán”. Sau đó Đức Phật đã chấp thuận cho di mẫu và các phụ nữ dòng họ Thích Ca xuất gia tu học, đồng thời lập ra Giáo hội Tỳ-kheo-ni. Đúng như lời Đức Phật, trong Ni chúng có rất nhiều vị xuất sắc, chứng đắc các quả vị cao được liệt vào hàng Thánh chúng. Từ đó cho thấy nữ giới không chỉ có thể trở thành những thành phần quan trọng trong xã hội, có vai trò và vị thế đáng kể, mà ngay trong lĩnh vực tu tập giải thoát, phụ nữ cũng có khả năng không thua kém gì nam giới.

Con trai hay con gái cũng đều là con, là một sinh mạng có quyền được sinh ra, có quyền được sống. Hành vi phá bỏ thai nhi giới tính nữ là hành vi bất công, vô đạo đức. Giá trị mỗi con người tùy thuộc vào nhân phẩm, đạo đức, tài năng, trí tuệ và những đóng góp của người đó cho cộng đồng xã hội. Giá trị của con người không tùy thuộc vào giới tính nam hay nữ. Nuôi nấng, chăm lo, dạy dỗ, giáo dục cho con cái nên người, trở thành người có ích cho gia đình, cho xã hội mới là việc làm quan trọng. Việc chọn lựa giới tính không có ích gì nếu như đứa con sinh ra, bất luận là trai hay gái, không được chăm lo nuôi nấng, dạy dỗ, giáo dục tốt, chúng trở thành nỗi bất hạnh của gia đình, là gánh nặng cho xã hội.

Đức Minh