Thực ra không phải tới lúc niệm Phật chúng ta mới có phiền não, hoặc nhận biết ra chúng ta đang có, thậm chí quá nhiều phiền não, mà nói cho đúng: phiền não đã có trong chúng ta từ vô lượng kiếp tới nay. Nói khác là phiền não đã hằn sâu, gắn chặt trong tâm của chúng ta và chúng ta đã nguyện chung sống với chúng như một người bạn. Cũng vì lẽ đó mà chúng ta mới có mặt trong cõi Ta-Bà này.

Khi chúng ta hiểu rõ được căn nguyên, nguồn gốc của phiền não tất chúng ta sẽ dần dần, dễ dàng tìm ra phương cách để đối trị và hoá giải. Tâm lý thông thường chúng ta hay nghĩ: Khi chúng ta vui, sung sướng, hạnh phúc… chúng ta sẽ không có (hoặc ít) phiền não. Hiểu theo lẽ đời thường và đơn giản có lẽ là vậy. Nhưng nếu dùng giáo lý của Phật để lý giải thì cái mà chúng ta gọi là vui, sung sướng, hay hạnh phúc đó cũng chính là phiền não (vạn vật không bất biến, không trường tồn). Tại sao? Trong Pháp Bảo Đàn Kinh Tổ Huệ Năng nói: “Phàm phu tức Phật, phiền não tức Bồ-đề”. Phàm phu là ý chỉ người chưa giác ngộ. Không lẽ người chưa giác ngộ mà Tổ lại ví như Phật? Hoàn toàn không phải vậy, mà phàm phu tổ nói ở đây không dùng để đánh giá học vấn (trí thức) hay cả một quá trình phấn đấu của một con người. Trái lại tổ chỉ thẳng vào sự nhận diện sự việc (giác ngộ hay trí tuệ) của người đó trong từng niệm.

Tổ cắt nghĩa về Phàm phu và Phật như sau: Một niệm ngu tức phàm phu, một niệm trí tức Phật. Thế nào là một niệm ngu? Ví thử ta ngồi niệm Phật, người nhà cứ đi qua, đi lại, rồi có người lại buông một câu: “Dào ôi! Sống còn chẳng ăn ai, giờ còn ngồi lầm rầm như ma ám.” Hay: “Thích niệm Phật sao không lên chùa, hay kiếm nơi khỉ ho, cò gáy nào đó mà niệm có tốt không? Ngày nào cũng làm một đống chềnh ềnh giữa phòng, làm ảnh hưởng, mất hết tự do của người khác .v.v.” Gặp trường hợp như thế chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta sẽ nổi sân? Sẽ quát mắng người chê bai, dè bỉu hay đàm tiếu chúng ta khi chúng ta đang công phu? Hay chúng ta sẽ ráng… im lặng, nhưng rồi ngồi để hậm hực niệm Phật? Khi cả hai trạng huống đó xuất hiện thì chúng ta đều là phàm phu mất rồi. Nghĩa là chúng ta chấp chặt những lời đàm tiếu của người xung quanh và cho đó là thật, làm ảnh hưởng tới mình hay hạ thấp đạo cách của mình. Khi niệm chấp đó nổi lên tổ gọi đó chính là niệm ngu (niệm của phàm phu chưa giác ngộ). Nhưng nếu trường hợp nói trên xảy ra, chúng ta không khởi tâm phân biệt, không khởi niệm chấp (chấp chặt, chấp có, chấp chết) mà chúng ta chỉ cần nhận biết: À, lại có người trêu chọc, quấy phá, hay muốn “nắn gân” mình rồi. Chỉ cần khởi niệm biết có người quấy phá là đủ. Niệm biết khởi lên với cái tâm hoan hỉ (không có tâm chống đối, giải thích, hay sân hận) rồi quên ngay những lời quấy phá trên để những lời đó thoảng qua tai hay tự lặng trong tự tánh. Ngay lúc ấy niệm biết chính là niệm trí.

Như vậy từ phàm phu tới Phật khoảng cách chỉ trong vòng một niệm. Nếu như trong suốt buổi niệm Phật ta giữ được niệm trí như vậy thì những niệm đó tổ gọi là niệm của Phật (niệm của ta và Phật tương đồng). Như vậy ta là phàm phu hay ta là Phật vốn không bị phụ thuộc vào hoàn cảnh xung quanh (đối cảnh nhưng không nhiễm cảnh), trái lại phụ thuộc vào sự quán chiếu (Trí-Giác) trong từng niệm của chính mình.

Đối Trị Phiền Não Khi Niệm Phật

Vậy phiền não tức Bồ-đề là gì? Bồ-đề hiểu giản nghĩa là: giác ngộ, tự tại, hỉ lạc hay còn gọi là minh tâm kiến tánh và thanh tịnh bình đẳng giác. Trở lại ví dụ trên: nếu chúng ta đem tất cả những chấp kiến vào trong tâm, rồi vừa ngồi niệm Phật vừa “nhâm nhi”, nghiền ngẫm chúng, rồi để chúng chế ngự tâm của chúng ta khiến tâm chúng ta rối lên như mớ bòng bong, người chúng ta căng cứng, đầu óc quay cuồng, hoặc thân rũ ra như tầu chuối héo thì đó là chúng ta đã tự chuốc phiền não cho chính mình, tự nhận khổ làm vui, nhận giặc làm bạn. Nhưng nếu chúng ta nhận ra ta trót nhận phiền não làm bạn để chúng khuấy đảo khiến chúng ta thân, tâm cũng điên đảo theo mất, ngay khi chúng ta nhận biết đó là phiền não, và kiên quyết cự tuyệt những phiền não đó, không nuôi dưỡng, không để chúng chế ngự trong tâm (tâm không chấp) thì cũng chính ngay lúc ấy chúng ta đã tìm lại được tự tánh thanh tịnh của chính mình, đã giác ngộ. Nhưng sự thanh tịnh và giác ngộ lúc này mới chỉ là nhất thời (trong vòng một niệm). Do vậy để cho tự tánh của chúng ta được thanh tịnh trong suốt buổi niệm Phật đòi hỏi chúng ta phải mỗi niệm đều phải niệm trí và niệm giác. Có được như vậy phiền não lúc này sẽ chính là Bồ-đề.

Trở lại với chuyện niềm vui, sung sướng, hạnh phúc cũng chính là phiền não. Đức Phật đã từng nói: “Hãy nhìn vào tất cả các vật thể chung quanh xem có vật thể nào trường tồn hay chăng? Có vật thể nào không phải là những cấu hợp sinh ra hay không? Tất cả sẽ gẫy nát, tan rã và phân tán.” (Lời dặn dò cuối cùng của Phật). Nếu ta quán chiếu lời Phật dạy, ta thấy: Phiền não và Bồ-đề là duyên sanh, thì tương tự, Bồ-đề-Phiền não cũng chính là duyên sanh. Có sanh, tất có diệt. Có diệt tất có sanh. Làm thế nào để đoạn diệt Phiền não và Bồ-đề luôn phát khởi trong tâm, điều này phụ thuộc vào sự quán chiếu và giác ngộ tâm của mỗi chúng ta.

Hãy lấy một ví dụ nhỏ để chúng ta cùng suy ngẫm. Ví thử có ai đó tặng chúng ta một món quà rất quý và mắc tiền, điều mà nhiều khi chúng ta còn đang phải mơ ước để có được. Nếu đơn giản người tặng hoan hỉ tặng, người nhận cũng hoan hỉ nhận. Xong rồi thì thôi, hẳn đôi bên lúc ấy đều cảm thấy rất vui, sung sướng, và tự hào khi làm được một việc hữu ích cho nhau khi nhận được món quà đó. Nhưng người tặng quà chúng ta lại không làm điều đó, mà khi trao món quà cho chúng ta họ kèm thêm một lời đề nghị: Cô, bác, anh, chị… nhớ nhé! Món quà này quý và mắc tiền lắm đấy! Tôi phải thế này, tôi phải thế nọ mới có, mới mua được. Vì thế cô, bác, anh, chị… phải ráng giữ gìn cho cẩn thận nghe. Đừng có bán, cũng đừng cho ai mượn hay làm hỏng hóc nó. Để thỉnh thoảng gặp lại, tôi còn được nhìn thấy nó. Khi tâm chúng ta đối với cảnh huống đó, chắc chắn niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào sẽ vội qua mau. Thế vào đó là cảm giác nhột nhạt (vui-buồn) lẫn lộn diễn ra trong tâm. Không lấy thì sợ người tặng mình phật lòng, rồi bảo mình nghèo, không có còn sĩ diện. Nhưng lấy rồi cũng giống như người bị mắc nợ, và cũng bị cái điều kiện nêu trên ràng buộc, rồi nhiều khi cũng chẳng còn đủ tự tin để xử dụng món quà quý hiếm đó nữa. Còn người tặng chúng ta với tâm trạng muốn người khác phải làm theo ý mình, lo sợ món quà mình tặng sẽ không được gìn giữ như ý, tất nhiên trong lòng không thể nói sung hỉ được. Vậy là ý niệm vui (hỉ lạc trong tâm) giữa người Cho và Nhận mới chỉ kịp nhen nhóm, mới chỉ kịp khởi lên thôi, chưa kịp định hình thì ngay lập tức niềm hỉ lạc đó đã bị chính mình dập tắt. Nói khác đi là khoảng cách giữa vui (hỉ lạc) và buồn (phiền não) vốn chỉ trong một niệm, gang tấc. Do vậy người Trí-Giác là luôn biết quán chiếu vạn vật trong từng niệm. Một niệm ngu khởi lên là niệm phàm phu. Ta nhận biết đó là niệm phàm phu và chỉ cần buông xả ngay cái niệm đó, không chạy theo, nắm giữ, truy cầu, hay suy diễn tất tâm chúng ta sẽ tịnh lặng. Niệm niệm quán chiếu được như vậy, tất niệm niệm ấy là Trí-Giác, là niệm niệm tương ưng với Phật và lúc ấy Phật tánh sẽ hiện tiền (cảm giác thân nhẹ, an nhiên, tự tại, cảnh vật xung quanh hoàn toàn tịch lặng). Khi cảnh giới này xuất hiện là lúc chúng ta đã tìm lại được tự tánh của chính mình.

Câu hỏi được đặt ra: Ai cướp, đánh mất tự tánh của chúng ta? Câu trả lời: Chính chúng ta chứ không ngoài ai khác. Điều này chúng ta nhận ra được và nhận ra một cách rõ nét nhất là khi chúng ta ngồi xuống để niệm Phật. Nếu niệm Phật mà đầu đau như búa bổ, cổ họng bỏng rát, môi khô, thân đau nhức… thì lúc ấy tự tánh (tánh Phật) trong chúng ta đã bị vô minh (tham-sân-si-chấp trước, ngã mạn) che lấp. Ngược lại chúng ta có được cảm giác an lạc, nhiều khi ngỡ mình đang lạc vào thế giới khác để rồi hoặc là giật mình hoảng sợ, hoặc là tham đắm, đeo đuổi cảnh giới đó đến độ cảnh giới đó vụt tan biến mất. Do vậy người niệm Phật khi gặp được cảnh giới đó cũng không cần phải quá hoan hỉ hay lo âu. Trái lại chỉ cần quán khởi một niệm biết: À ta đã tìm lại được tự tánh của chính mình rồi. Hay: À, ta đã xua tan vô minh, giúp cho tự tánh của ta hiện tiền lại rồi. Vậy là đủ! Và tiếp tục nhiếp tâm để niệm Phật. Nếu như chúng ta có thể giữ được sự Trí-Giác như vậy trong suốt buổi niệm Phật, niệm niệm nối tiếp, ngày ngày nối tiếp tất những phiền não trong tâm chúng ta sẽ dần dần biến mất. Những phiền não trong tâm của chúng ta đã được chính chúng ta dùng Trí-Giác để hoá giải, thế vào đó là tự tánh của chúng ta đã hiện tiền.

Chúng ta tu hành theo pháp của Phật không ngoài một chân nghĩa nào khác đó là thắp sáng lại tự tánh – tìm lại Phật tánh bị vô minh che lấp trong mỗi chúng ta. Do vậy việc chúng ta tìm lại được tự tánh của chính mình không phải là một phát minh, hay chứng đắc gì cả mà nó chỉ mang một ý nghĩa vô cùng giản đơn: Ta Đã Tìm Lại Được Chính Mình.

Dĩ nhiên để làm được việc đó không chỉ ngày một, ngày hai là chúng ta đã đạt được, trái lại nó là cả một quá trình tu-hành không mỏi mệt mà chúng ta phải dũng mãnh vượt qua. Người tu sau chưa chắc đã là người đến chậm. Người niệm Phật là người biết tìm cách để hoá giải những phiền não – những Người Bạn Không Hiền – đã gắn chặt với chúng ta từ vô lượng kiếp tới nay chứ không phải tìm cách để trốn chạy những người bạn này.

Tự tâm chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Tự tâm phiền não vô biên thệ nguyện đoạn
Tự tánh pháp môn vô tận thệ nguyện học
Tự tánh vô thượng Phật Đạo thệ nguyện thành
(Tứ Hoằng Thệ Nguyện – Tổ Huệ Năng)

Chúng sanh là ai? Là chính chúng ta, là một niệm vô minh Tham-Sân-Si-Chấp trước-Ngã mạn trong mỗi chúng ta mà chúng ta phải tự độ, nguyện độ và nguyện đoạn cho chính mình.

08.2013