SƠ LƯỢC TÁC GIẢ
Nguyên Hiểu (617 – ?) là một vị Tăng thuộc tông Hoa Nghiêm, người nước Tân-la, họ Tiết. Thuở nhỏ tên là Thệ Tràng. Năm 29 tuổi, Sư xuất gia ở chùa Hoàng Long. Về sau, Sư đi du hóa khắp nơi, chuyên nghiên cứu giáo nghĩa. Vì văn chương lưu loát, biện luận thông suốt, cho nên Sư được người đương thời tôn xưng là Vạn Nhân Địch.
Vào năm thứ tư, triều Chân Đức Nữ Vương, nước Tân-la, Sư cùng với ngài Nghĩa Tương vượt biển sang Trung Quốc để cầu pháp, nhưng giữa đường, Sư chợt ngộ ra ý nghĩa câu “Vạn pháp không ngoài tâm, cần gì phải tìm cầu bên ngoài”, Sư bèn một mình khăn gói quay trở về.
Sư từng sáng tác những bài ca lưu hành trong dân gian, lại thường mang đàn đi vào các thôn xóm, dùng những bài ca, điệu múa làm phương tiện giáo hóa mọi người, khiến cho những kẻ bình dân, trẻ con đều biết đến danh hiệu Phật-đà và niệm Nam-mô.
Về sau, Sư ở chùa Phân Hoàng, biên soạn bộ Hoa Nghiêm Kinh Sớ, nhưng việc chưa hoàn thành thì Sư mất, không rõ thọ bao nhiêu tuổi. Sư được ban tên Thụy, là Hòa Tránh quốc sư.
Sư nói năng và hành động cuồng phóng, thường hòa mình trong trần tục, có khi vào trong quán rượu, rạp hát, có lúc mang theo kiếm vàng gậy sắt, có lúc lại soạn sớ giải Hoa Nghiêm, có lúc khảy đàn nơi đình miếu, có khi lại ngủ qua đêm ngoài cổng làng, hoặc ngồi thiền nơi ven núi bờ sông, mặc ý tùy duyên, ngao du tự tại.
Khi vua nước Tân-la mở đại hội Bách Tòa Nhân Vương Kinh[2], thỉnh các bậc thạc đức khắp nơi. Sư tuy được địa phương tiến cử, nhưng các bậc thạc đức đều không thích tính cách của Sư, nên can gián nhà vua không thâu nạp. Sau đó, phu nhân của vua bị bệnh, chữa trị đủ các thuốc hay mà vẫn không lành. Vua cầu phép mầu khắp nơi, được bộ kinh Kim Cang Tam-muội, nhưng không ai có thể giảng giải, nhà vua bèn ban lệnh cho Sư sớ giải. Sư soạn thành năm quyển, nhưng lại bị kẻ tiểu nhân trộm mất. Do đó, Sư phải soạn lại lược sớ ba quyển, diễn giải tại chùa Hoàng Long suốt ba ngày. Vua quan, Tăng tục đều tụ tập đông đủ để nghe giảng. Nhờ đó, pháp này được lưu hành rộng rãi trong nước, phu nhân của vua nhờ đó cũng được khỏi bệnh mà không cần uống thuốc.
Ngoài bộ sớ giải trên, những trước tác của Sư còn có: Anh Lạc Bản Nghiệp Kinh Sớ (2 quyển), Vô Lượng Thọ Kinh Tông Yếu, A-di-đà Kinh Sớ, Du Tâm An Lạc Đạo, Di-lặc Thượng Kinh Tông Yếu, Đại Thừa Khởi Tín Luận Sớ, Bát Chu Tam-muội Kinh Lược Ký, Thập Môn Hòa Tránh Luận, Pháp Hoa Tông Yếu, Nhị Chương Nghĩa, Phán Tỷ Lượng Luận. Trong đó, hai bộ Nhị Chương Nghĩa và Phán Tỷ Lượng Luận bị thất lạc rất lâu, mãi đến những năm gần đây mới được hai vị học giả người Nhật Bản là Hoành Siêu Huệ Nhật và Thần Điền Hỷ Nhất Lang phát hiện.
Tác phẩm Du Tâm An Lạc Đạo được trình bày thành bảy chương:
I. Tôn chỉ lập giáo
II. Xác định nơi chốn của cõi Cực Lạc
III. Những chướng nạn và nghi ngờ
IV. Nhân duyên vãng sinh
V. Các phẩm vị vãng sinh
VI. Luận về việc vãng sinh khó hay dễ
VII. Lập các mối nghi để trừ nghi
Chương I
Tông chỉ lập giáo
Tâm tánh của chúng sinh dung thông không ngăn ngại, rộng lớn như hư không, lặng trong như biển cả. Vì như hư không nên thể của nó bình đẳng, không có tướng riêng nào để chấp giữ, thì làm gì có chỗ tịnh chỗ uế! Vì như biển cả, nên tánh của nó mềm mại uyển chuyển, thường tùy duyên mà không trái nghịch, lẽ nào không có lúc động lúc yên? Như thế, hoặc do gió trần cảnh mà bị luân chuyển mãi trong năm trược[3], đắm chìm hoài trong biển khổ; hoặc nhờ sức lành mà cắt đứt bốn dòng[4], thẳng đến bờ kia hằng vắng lặng. Nói theo tánh giác bình đẳng thì động tĩnh này đều là đại mộng, vì không có đây, không có kia, cõi tịnh cõi uế vốn chỉ một tâm, sinh tử và Niết-bàn chẳng phải hai mé. Nhưng muốn quay về nguồn giác thì cần phải nhóm chứa công đức mới thành, còn chạy theo dòng mộng thì không thể nào khai ngộ. Vì thế, Thánh nhân lưu dấu vết có xa có gần, giáo pháp được giảng thuyết có lúc thịnh lúc suy. Đến như đức Thích-ca Mâu-ni thị hiện ở cõi Ta-bà này ngăn năm điều ác, khuyên làm điều lành; đức A-di-đà Như Lai giáo hóa cõi An Dưỡng kia lập chín phẩm vãng sinh. Những phương tiện giáo hóa của chư Phật như thế, không thể trình bày hết được.
Nay nước Cực Lạc được trình bày ở đây chính là cảm hạnh nguyện sâu kín, ứng quả đức cao xa. Thập bát viên tịnh[5] vượt trên ba cõi, tướng hảo của năm căn hơn hẳn trời Lục Dục. Pháp vị hương báu nuôi dưỡng thân tâm, làm gì có nỗi khổ ngày đêm đói khát; gió thơm rừng ngọc thường xuyên thổi mát, hoàn toàn không có niềm lo lạnh, nóng, Hạ, Đông. Chư Tiên cùng tụ họp, thường tắm nước tám đặc tính[6] trong ao sen, nhờ đây mà người sinh về cõi này vĩnh viễn giã từ thời đại đáng chán; bạn tốt cùng đi theo, dạo chơi các cõi Phật khắp mười phương, nhờ đây mà xa lìa hẳn những buồn phiền khó an ủi. Huống nữa lại còn thường được nghe âm thanh thuyết pháp để nhập vào Vô tướng, được thấy ánh hào quang của Phật mà tỏ ngộ Vô sinh. Vì ngộ Vô sinh nên không đâu không được sinh, do nhập Vô tướng nên khắp nơi đều hiện tướng. Cực tịnh cực lạc, nên tâm ý không thể lường được; không bờ không mé, nên ngôn từ không sao tải hết. Như thế, Tịnh độ là nơi được chư Phật mười phương khen ngợi khuyên sinh về, là chỗ mà Thánh chúng Tam thừa đều nương ở. Nhưng xét kỹ lại những ý khen ngợi và khuyên sinh của Như Lai chính là Ngài muốn tiếp độ các bậc trung căn và hạ căn, do Ta-bà là thế giới tạp nhiễm nên có rất nhiều duyên lui sụt; còn An Dưỡng là cõi báu hoàn toàn an lành, chỉ có tiến chứ không lùi. Cho nên, luận Khởi Tín chép: “Những chúng sinh mới tu học pháp này, muốn cầu chánh tín mà tâm thường khiếp nhược. Vì ở cõi Ta-bà này sợ không được gặp chư Phật để đích thân cúng dường, khó thành tựu lòng tin, nên tâm chí liền lui sụt”.
Nên biết rằng Như Lai có rất nhiều phương tiện tối thắng để giữ vững tín tâm, đó là nhân duyên chuyên tâm niệm Phật, tùy nguyện mà được sinh về cõi Phật ở phương khác, thường được gặp Phật, vĩnh viễn xa lìa đường ác. Như trong Khế Kinh có dạy: “Nếu người chuyên tâm niệm Đức Phật A-di-đà ở thế giới Cực Lạc, đem những căn lành đã tu tập, hồi hướng mong cầu sinh về thế giới Cực Lạc liền được vãng sinh, thường được gặp Phật, hoàn toàn không còn thoái chuyển. Nếu người quán tưởng Pháp thân Chân như của Đức Phật A-di-đà, thường tinh tấn tu tập, cuối cùng được vãng sinh, đạt được chánh định”. Tất cả phàm phu tuy có niệm Phật, nhưng chưa đạt đến hàng Thập giải[7] thì còn ở vị lui sụt. Ở cõi uế có bốn duyên khiến người lui sụt, cõi tịnh có bốn duyên khiến người không lui sụt:
1. Ở cõi tịnh mạng sống lâu dài không có bệnh tật, cho nên không lui sụt; còn cõi uế, mạng sống ngắn ngủi, lại nhiều bệnh tật, cho nên lui sụt.
2. Cõi tịnh có chư Phật, Bồ-tát và thiện hữu tri thức, cho nên không lui sụt. Như trong kinh dạy: “… Được cùng ở chung một chỗ với các bậc Thượng thiện nhân”; cõi uế có nhiều bạn ác cho nên lui sụt.
3. Cõi tịnh không có người nữ, nên đối tượng của sáu căn hoàn toàn là những duyên tiến tu đạo nghiệp, nên không lui sụt. Như kinh dạy: “Mắt nhìn thấy sắc, liền phát tâm Bồ-đề…”; cõi uế do có người nữ, nên lui sụt.
4. Cõi tịnh chỉ có thiện tâm, nên không lui sụt. Kinh chép: “Không có một mảy may tâm tạo ác”; cõi uế do có tâm ác, tâm vô ký, nên lui sụt. Lại nữa, trong hai bộ kinh đều nói: “Người vãng sinh đều được không lui sụt, chứ không nói chỉ người không lui sụt mới được vãng sinh”. Giống như người trong cõi Ta-bà có đủ ba thọ[8], nếu sinh về cõi kia thì không có khổ thọ và xả thọ mà chỉ có lạc thọ.
Tóm lại, từ hàng Sơ địa trở lên thì bi nguyện[9] tự tại, không nơi nào mà không sinh về, nên cần gì phải khuyến hóa. Hàng Thập giải trở đi thì do Chủng tánh quyết định[10], lại không lo lui sụt, nên cũng không phải là chánh cơ[11]. Hàng Thập tín trở về trước và hàng phàm phu do phát tâm chưa kiên cố, cho nên tùy theo duyên mà lên xuống, chán cõi uế, ưa cõi tịnh, nên Phật mới ân cần khuyến hóa. Cõi Tây Phương tuổi thọ lâu dài, tu tập một đời thì Đăng địa[12] ; còn cõi Ta-bà mạng sống ngắn ngủi, nhiều kiếp nhọc nhằn vẫn còn lui sụt. Cho nên, kinh Hoa Nghiêm nói: “Ở thế giới Ta-bà này một kiếp bằng một ngày một đêm ở cõi Tây Phương An Lạc. Như thế, cho đến một kiếp ở thế giới sau cùng trong trăm vạn a-tăng-kỳ thế giới, chỉ bằng một ngày một đêm của cõi Hiền Thủ Như Lai ở thế giới Liên Hoa Tối Thắng”.
(Còn tiếp)
Thư viện hoa sen