Đức Di Lặc Trong Truyền Thống

Phật Giáo Đại Thừa

Vu Quân Phương

Nghi Thủy dịch

(Nguồn: Chün-fang Yü, Chinese Buddhism: a thematic history. Honolulu: University of Hawai‘i Press, 2020, pp. 78 – 80.)

Đức Di Lặc là Phật tương lai. Danh hiệu của Ngài bắt nguồn từ chữ mitra, có nghĩa là hữu hảo hoặc thân thiện.

Cũng như Đức Thích Ca trước lúc đản sanh, Đức Di Lặc hiện đang ngụ tại cung trời Đâu-suất (Tuṣita), thuộc tầng trời thứ sáu và là cõi cao nhất của dục giới, để chờ giáng trần. Giống như Đức Thích Ca xưa kia, Ngài cũng sẽ hạ sanh làm thái tử, xuất gia, và thành Phật.

Phật giáo dạy giáo lý vô thường. Giống các pháp trong vũ trụ, bản thân giáo pháp của Phật (Dharma) cũng không tồn tại mãi. Theo niềm tin chung của người theo đạo Phật thì sau khi Đức Phật nhập diệt, năm trăm năm sau là thời Chánh pháp. Thời này, Phật giáo phát triển phồn vinh. Mọi người thâm tín Tam bảo và sống theo lời Phật dạy. Phật tử hộ trì Tăng-già và giác ngộ dễ dàng. Tiếp đó là thời tượng pháp, dài một ngàn năm. Thời này, Phật giáo tàn tạ từ bên trong, dù hình tướng bề ngoài vẫn không thay đổi. Tăng Ni không chịu tu tập, cư sĩ không còn hộ trì Tăng-già mạnh mẽ như trước, và rất khó đạt giác ngộ.

Cuối cùng là thời mạt pháp, Phật giáo diệt vong. Trong suốt mười ngàn năm của thời mạt pháp, Phật giáo sẽ suy tàn từ trong ra ngoài, tới khi không còn Tăng Ni, chùa chiền gì nữa. Mọi hình ảnh chư Phật và Bồ-tát, kinh sách, thánh tích sẽ biến mất khỏi thế gian, Phật giáo không còn dấu tích. Tới lúc ấy, thiên tai, nhân họa cũng đồng loạt xuất hiện. Khi thế giới đến hồi kết, Đức Di Lặc sẽ xuất hiện và canh tân Phật giáo. Thế giới lúc này sẽ phục hồi, mọi người lại được sống trong cảnh hòa bình, thịnh vượng.

Đại sư Đạo An (312-385) là một tín đồ của Đức Di Lặc, hằng mong được tái sanh vào cõi trời Đâu-suất để hội kiến Đức Di Lặc và được nghe Ngài giảng pháp. Nhưng nhiều người cũng muốn được tái sanh làm người khi Đức Di Lặc hạ sanh. Theo kinh Di Lặc đại thành Phật và kinh Di Lặc hạ sanh, thì sau 5,6 tỷ năm ở cung trời Đâu-suất, Đức Di Lặc sẽ thành Phật dưới cội cây long hoa và thuyết pháp Tứ đế, Duyên khởi cho chư thiên và nhân loại. Ngài sẽ tổ chức ba hội thuyết pháp (Long hoa tam hội), tất cả những ai tham dự đều sẽ thành Phật.

Hình ảnh Đức Di Lặc rất đặc biệt trong tư thế kiết-già. Ngài còn được diễn tả bằng dáng vẻ trầm tư, một tay tựa cằm còn tay kia đặt trên chân phải đang gác trên gối trái. Trong các bi ký, nhiều tín chủ tạo tượng Di Lặc phát nguyện “được nghe giáo pháp tại hội Long hoa khi Đức Di Lặc hạ sanh”. Trong mọi tầng lớp xã hội hiến cúng tôn tượng Di Lặc thì giới quan lại, Tăng Ni vẫn chiếm đa số, so với giới bình dân.

Những thế kỷ sau thời nhà Đường, sự sùng bái Đức Di Lặc đã bị lu mờ trước những tín ngưỡng chư Phật và Bồ-tát khác, chẳng hạn tín ngưỡng Di Đà, Dược Sư, Quan Âm. Bởi vì sự xuất hiện của Đức Phật tương lai có liên quan đến sự khởi đầu của một trật tự thế giới mới, nên điều này đã khích lệ những kỳ vọng thiên niên kỷ. Kể từ thế kỷ XII, các phong trào do những nhân vật nổi loạn tự xưng là sứ giả Di Lặc hoặc thậm chí là hóa thân Di Lặc cầm đầu liên tục nổi dậy dù bị triều đình đàn áp. Nhiều giáo phái với những tên gọi khác nhau nhưng có cùng niềm tin Di Lặc đã không ngừng thách thức chính quyền trung ương trên khắp đất nước Trung Quốc vào giai đoạn vãn kỳ của đế chế.

Thời này, tín ngưỡng Di Lặc cũng phát huy tầm ảnh hưởng đến văn hóa đại chúng. Vào thế kỷ XIII, dân chúng xem một nhà sư có phép thần thông biến hóa như hóa thân của Đức Di Lặc. Ngài có danh hiệu Bố Đại Hòa thượng vì thường khoác trên vai một chiếc đãy bằng vải, không sống trong chùa mà lang thang tự tại giữa chốn bình dân. Ngài cho trẻ em quà bánh và giúp đỡ người nghèo khó.

Truyền thuyết này đã tạo nên hình ảnh Đức Phật Di Lặc phơi trần cái bụng phệ với nụ cười hết cỡ, tượng trưng cho sự phồn vinh và may mắn. Ngài được miêu tả bằng cái bụng phệ chứ không phải vòng eo bình thường như hình mẫu Ấn Độ thời trước. Sở dĩ có điều này là do trước đây người Trung Quốc coi việc ăn uống no đủ tới mức hơi béo tốt như một dấu hiệu của sự sung túc. Thực tế mới đây thôi, vào đầu thế kỷ XX, khi có khách đến chơi thì câu chào hỏi đầu tiên của chủ nhà là “Ăn gì chưa?”, rồi sau đó bằng câu “Trông anh béo tốt phương phi quá!”.

hi bước vào một ngôi chùa Phật giáo thì pho tượng Di Lặc tươi cười là hình ảnh đầu tiên mà mọi người sẽ gặp ở tiền đường trước lúc lên chánh điện. Đây cũng là hình ảnh thường thấy nơi các nhà hàng Trung Quốc và tiệm bán đồ lưu niệm. Đáng lẽ là bậc thiền giả trầm tư, Ngài đã biến thành một biểu tượng cát tường chào đón du khách đến chùa và mời mọc khách hàng tới những nơi kinh doanh mua bán.

__________________

Bản gốc tiếng anh:

Maitreya

Maitreya is the future Buddha. His name is derived from mitra, meaning friend or friendliness. Just like Śākyamuni before his birth, Maitreya is now living in Tushita Heaven, the sixth and highest heaven in the world of desire, waiting to descend to Earth; and like Śākyamuni before him, he will be born as a prince, leave home, and become enlightened.

Buddhism teaches impermanence. Like everything else in the universe, the Buddhist teaching itself, the Dharma, will not last forever. According to a common Buddhist belief, after the death of the Buddha, the next five hundred years were the Age of True Dharma. During this period, Buddhism flourished. People had strong faith in Buddhism and followed its teachings. They supported the monastic order, and it was easy to achieve enlightenment. This was followed by the Age of Counterfeit Dharma, which lasted one thousand years. During this period, Buddhism underwent inner decay, although its external form remained in place. Monastics did not practice the religion, and ordinary people did not support the monastic order as strongly as before. It was very hard to achieve enlightenment. Finally, the Age of Decline of Dharma will see the disappearance of Buddhism. Over the course of these ten thousand years, Buddhism will decline not only in its inner spirit but also in its external form. Eventually, no monastics or monasteries will exist. All images of buddhas and bodhisattvas, all Buddhist scriptures, and all relics will disappear from the face of the Earth, leaving no trace of Buddhism. At the same time, there will be natural disasters accompanied by political and social chaos. When the world finally comes to the end, Maitreya will appear and renew Buddhism. When that happens, the world will also be renewed. People will live in peace and prosperity once more.

Daoan was a devotee of Maitreya, and he hoped to be reborn in Tushita Heaven to meet Maitreya and listen to his teaching. But many people also hoped to be reborn as humans when Maitreya comes down to Earth. According to the Scripture of Maitreya Becoming a Buddha and the Scripture of Maitreya Descending to Be Born, after 5.6 billion years in Tushita Heaven, Maitreya will become a buddha beneath a dragon-flower tree and preach the Four Noble Truths and Law of Dependent Origination to an assembly of men and gods. He will hold three assemblies, and all who attend will achieve enlightenment.

Images of Maitreya are very distinctive, showing him seated with legs crossed. He is also depicted in a pensive posture, one hand touching his chin while that arm rests on the right leg, which is raised over the left knee. In the inscriptions, donors of Maitreya images vow “to hear the words of the Dharma at the three assemblies of the dragon-flower tree when Maitreya descends and is born.” While people from all social classes were donors of Maitreya images, there were more officials, monks, and nuns than commoners.

In the centuries after the Tang, the cult of Maitreya was overshadowed by other cults of buddhas and bodhisattvas, such as those of Amitāyus/ Amitābha, the Healing Buddha, and Guanyin. Because the coming of the future Buddha was connected with the dawning of a new world order, it inspired millenarian expectations. Since the twelfth century, movements led by rebels claiming to be the messengers of Maitreya or even Maitreya himself arose from time to time despite persecution by the court. Various sectarian religions with different names but sharing the same beliefs continued to challenge the central authority throughout late imperial China.

At the same time, Maitreya also exerted much influence in popular culture. During the thirteenth century, people regarded a monk with supernatural abilities as the incarnated Maitreya. Known as the ClothBagged Monk because he always carried a cloth bag on his shoulders, he did not live in a temple but wandered freely and mingled with the common people. He dispensed gifts to children and helped people in need. This legend gave rise to the image of the Laughing Buddha. With an exposed potbelly and broad grin, he symbolizes prosperity and good luck. He was depicted with a potbelly instead of a normal girth as in earlier periods, following the Indian model. This is because prior to modern times, Chinese regarded having enough to eat so as to become somewhat overweight as a sign of prosperity. In fact, as late as the early twentieth century, when a guest came to visit, the first greeting of the host was “Have you eaten?” It was then followed by “You look well. It is wonderful that you have gained weight!”

The laughing Maitreya is the first statue one sees in the hall after entering a Buddhist temple and before ascending to the main Buddha Hall. This is also the image often found in Chinese restaurants and gift shops. Instead of a pensive meditator, he is an auspicious symbol welcoming visitors to monasteries and customers to businesses.

_____________________________

Bản đầy đủ cuốn sách, quý vị vui lòng xem TẠI ĐÂY