Giàu sang, phú quý bao giờ cũng là ước mơ của nhiều người, tuy nhiên không phải ai cũng có thể biến ước mơ kia thành hiện thực. Có nhiều người sinh ra trong gia đình được xem là giàu có, nhưng họ có thật sự là người giàu không, đó lại là chuyện khác.
Trước hết nói về phương diện vật chất như tiền của, các phương tiện trong đời sống, cách ăn, mặc, ở; cách sử dụng tiền bạc phục vụ cho nhu cầu cuộc sống v.v… thì nhiều người trông có vẻ rất giàu có. Họ ở nhà cao cửa rộng, có ô-tô lẫn xe máy sang trọng, có tài khoản lớn trong ngân hàng, có mức thu nhập cao, nhưng họ luôn than vãn với bạn bè về cuộc sống của họ. Không phải ai than vãn với người khác cũng vì sợ người khác nhờ vả, có người than vãn vì họ cảm thấy khổ thật sự. Họ bị căng thẳng, mệt mỏi vì công việc do phải bù đầu từ sáng đến tối, đôi khi còn mang về nhà làm vì thời gian ở công ty không đủ. Những người phụ nữ còn vất vả hơn vì những công việc sau giờ làm ở công sở như nấu ăn, đưa đón con đi học, giặt giũ, chăm lo nhà cửa, dạy dỗ con cái v.v… Đó là chưa kể thời gian họ bỏ ra để chăm sóc bản thân, làm đẹp, quan tâm đến cách ăn mặc, chưng diện. Họ phải bận tâm nhiều việc hơn đàn ông, có khi rơi vào tình trạng stress, trầm cảm.
Đó là chưa kể những người có quá nhiều ước mơ, có quá nhiều khát vọng. Khát vọng làm giàu, đã giàu lại muốn giàu hơn. Muốn bằng bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, bà con dòng họ về nhiều phương diện, thậm chí muốn hơn chứ không muốn ở mức bằng. Muốn có địa vị cao trong xã hội, muốn được trọng vọng, muốn nổi tiếng và có nhiều người ngưỡng mộ. Muốn vừa giàu lại vừa sang, vừa phú lại vừa quý, vừa xinh đẹp lại trẻ trung v.v… Có muôn nghìn mong muốn, ước vọng tạo áp lực rất lớn cho nhiều người, nhưng không phải mong muốn, ước vọng nào cũng thích đáng.
Có khi người ta còn “truyền” cái khát vọng của mình cho con cái, bắt nó phải gánh lấy cái hoài bão của mình, xem đó là trách nhiệm của nó. Chẳng hạn như mình buộc con mình phải học ngành này nghề nọ dù nó không thích, không đủ khả năng; muốn con mình phải học ở trường danh tiếng, học ở lớp chọn, lớp chuyên; phải có học vị cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, có bằng cấp quốc tế dù năng lực của nó chẳng tới đâu. Xét kỹ thì các bậc cha mẹ này vì mong muốn của mình nhiều hơn vì tương lai con cái. Nhưng đôi khi mình tự gạt mình, ngụy biện cho tâm ý của mình, cho rằng mình vì thương con cái nên mới làm như vậy. Có người mong muốn tương lai con cái mình làm ông này bà nọ, có địa vị cao trong xã hội, giàu có và danh tiếng để mình hãnh diện với đời. Có người nghĩ rằng mình giàu có, danh vọng thì con cái cũng phải thế để thiên hạ không chê cười. Có người muốn con cái phải được như thế này, được như thế khác để so sánh, tranh đua với bà con dòng họ, với hàng xóm láng giềng và bè bạn. Có rất nhiều lý do mà người ta tự tạo áp lực cho mình và cho những người thân.
Cuộc sống có quá nhiều áp lực sẽ khiến cho người ta căng thẳng, mệt mỏi. Cuộc sống quá bận rộn sẽ khiến cho người ta mất niềm vui, không cảm nhận được hạnh phúc. Sống đời sống dư dả, thừa thãi khiến cho người ta chán chường, không thấy được những giá trị mà người khác ước mơ, khao khát, không biết nâng niu quý trọng những gì mình đang có. Chính vì thế mà không ít người vẫn than thở dù đang sống một cuộc sống giàu sang.
Nhiều người sống trong cảnh sung túc nhưng vẫn có nhiều tham muốn, khát vọng, họ không thỏa mãn với những gì đang có, cứ muốn đủ thứ, cứ so sánh mình với người nọ người kia, những người này bao giờ cũng khổ. Tuy họ giàu nhưng lại nghèo vì luôn thấy thiếu. Cũng như lời Đức Phật dạy trong kinh Di giáo: “Người biết đủ (tri túc) dù nằm trên đất cũng thấy an vui. Người không biết đủ dù ở thiên đường cũng không vừa ý”. Cứ mải chạy đuổi theo tham muốn, khát vọng không ngừng, không biết mãn nguyện thì rất mệt mỏi.
Mãn nguyện là hạnh phúc. Chân lý này rất đơn giản nhưng ít ai nhận ra và cũng ít người hiểu được. Tài sản của cải, địa vị, danh vọng chẳng phải là phương tiện để có được sự hài lòng, mãn nguyện sao? Nhưng khi có nó rồi, chúng ta lại không mãn nguyện mà lại tiếp tục chạy theo những tham muốn, khát vọng không cùng tận của mình, vì thế mà chúng ta luôn “ thiếu”, luôn “nghèo”, cứ kiếm tìm và kiếm tìm mãi. Nếu chúng ta biết mãn nguyện thì không nhứt thiết phải có nhiều tiền của, nhiều phương tiện vật chất, không nhứt thiết phải có địa vị, danh tiếng. Những người quá lệ thuộc vào địa vị, danh tiếng hay tiền của sẽ khó sống nổi một khi những thứ đó không còn. Mà chuyện đời khó đoán lắm, có ai dám chắc những thứ đó sẽ ở mãi bên ta. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác có nói: “Chỉ có tiếng thơm đời để mãi/ Giàu sang giả dối vốn phù vân”. Dân gian cũng có câu: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Cuộc đời rất vô thường, không ai biết trước được ngày mai. Chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, làm ăn thua lỗ, thiên tai dịch bệnh, hỏa hoạn, lũ lụt, cường quyền ác bá, trộm cướp, vợ/chồng xấu, con cái hư hỏng đều là những nguyên nhân có thể khiến cho người ta trắng tay, làm thay đổi hoàn cảnh sống, thân phận, địa vị của con người.
Đức Phật dạy: “Do hành động, do nếp sống hàng ngày tạo nên người nông dân, thương gia hay nô bộc. Do hành động, do nếp sống hàng ngày tạo ra hạng trộm cắp, binh sĩ, tu sĩ hay vua chúa” (Sutta Nipàta). Có nghĩa là con người cao quý hay thấp hèn, giàu có hay nghèo nàn không phải do hoàn cảnh sinh trưởng (sinh trong nhà giàu hay nghèo; con nhà quan hay con nhà dân), không phải do có nhiều tài sản của cải, có địa vị, danh tiếng, mà do hành động, việc làm, do nếp sống hàng ngày tạo ra. Ví như do sự học tập, rèn luyện mà người ta trở thành kỹ sư, bác sĩ. Do cách ăn mặc, đi đứng, nói năng, cách làm việc, hành xử, do có phong cách cao quý, có nếp sống văn hóa, văn minh mà trở nên cao quý, chứ không phải do sinh ra trong gia đình quyền quý, không phải do có nhiều tiền. Giàu sang mà không có tư cách, tác phong, không có phẩm chất đạo đức thì cũng trở thành thấp hèn, ti tiện. Giàu mà không có nếp sống văn hóa, văn minh thì chỉ có giàu mà không có sang , có phú mà không có quý. Có điều, những người như thế này lại có không ít trong thực tế đời sống xung quanh ta.
Có những người rất giàu nhưng keo kiết, bủn xỉn, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, chưa hề biết nhường cơm sẻ áo với ai, giàu có như thế có khác chi nghèo hèn. Họ không nghĩ rằng của cải rất phù du, có đó rồi mất đó. Nếu tai nạn, bệnh tật, trộm cướp, thua bài bạc, thất bại trong làm ăn xảy ra, chỉ buổi sáng buổi chiều, ngày trước ngày sau có thể trắng tay mà không ai ngờ tới. Hãy nhìn cuộc sống của người dân ở các vùng bão lũ; hãy nghe những câu chuyện kể của những người đã trải qua sóng gió cuộc đời; hãy xem tin tức trên các báo, đài thì sẽ thấy sự thay đổi lớn diễn ra thường xuyên ở nơi này hay nơi khác, không đâu có thể tránh, không ai có thể lo lường.
Vì thế chúng ta hãy làm giàu nhân nghĩa, giàu tấm lòng, giàu trí tuệ, phước báo, giàu hạnh phúc, niềm vui. Hãy sống đời sống hướng thượng, sống có ích cho cuộc đời để con người mình trở nên cao quý.
Đức Minh
Giacngoonline