Tất cả những nhiễm ô, uế trược của tài, sắc, danh, thực, thùy đang đeo bám lấy con người. Thêm vào đó, cường độ làm việc của con người ngày càng cao, họ không có nhiều thời gian tụng kinh, hành trì. Vì thế, pháp môn Niệm Phật được xem là cứu cánh đối với nhiều hành giả hiện nay. Ngay cả Đức Thế Tôn cũng từng dạy rằng “Trong thời mạt pháp, ức ức người tu hành, ít có kẻ nào đắc đạo, chỉ y Niệm Phật pháp môn, đắc liễu sanh tử” (Kinh Đại Tập) [1]. Tuy nhiên, trong pháp môn Tu Tịnh Độ, nhiều người không tránh khỏi một số vướng mắc nhất định. Bài viết này bên cạnh việc giới thuyết về lịch sử pháp môn này còn muốn nhấn mạnh đến làm thế nào để con người gieo nhân Tịnh Độ, thoát khỏi sanh tử luân hồi, về với cõi nước của Đức Phật A Di Đà.

1. Đôi nét tìm hiểu về Tịnh Độ Tông

1.1. Khái niệm

Tịnh là trong sạch, Độ là một cõi nước, một quốc độ. Tịnh độ là một cõi nước trong sạch, thanh tịnh, vắng lặng. Tịnh Độ là một thế giới hữu vi, căn cứ trên nguyện lực của Đức Phật A Di Đà. Ngoài ra, người ta    còn sử dụng nhiều từ ngữ khác nhau để chỉ Phật Quốc của Đức A Di Đà như: Cực Lạc, Tịnh Cảnh, Tây Phương…

1.2.  Những kinh điển cốt yếu trong pháp môn Tịnh Độ

Kinh điển trong pháp môn Tịnh Độ Tông đã y cứ có khá nhiều nhưng ở đây chúng tôi chỉ nêu lên ba bộ kinh căn bản là: Kinh Vô lượng thọ, Kinh Quán Vô lượng thọ, Kinh Tiểu Bổn A Di Đà.

a. Kinh vô lượng thọ: Bản kinh này giới thiệu về 48 lời thệ nguyện của đức Phật A Di Đà, khi còn là một vị Tỳ kheo tên là Pháp Tạng. Nội dung cốt yếu của 48 lời thệ nguyện ấy là sau khi thành Phật, Ngài sẽ lập ra một quốc độ trang nghiêm, thanh tịnh, chỉ có an vui, không còn khổ đau, sanh tử, luân hồi. Nếu chúng sanh trong mười phương Thế giới thường niệm danh hiệu Ngài và cầu vãng sanh về đó thì sẽ được Đức A Di Đà tiếp dẫn.

b.  Kinh Quán Vô lượng thọ: Kinh này chép rõ 16 Pháp quán và 9 Phẩm, để dạy người cầu được vãng sanh về cõi Tịnh độ.

c.  Kinh tiểu bổn A-Di-Dà: Kinh này giới thiệu cảnh giới thù thắng của Cực Lạc Quốc, khiến người sanh tâm ham mộ, phát nguyện tu theo pháp môn ”trì danh niệm Phật cho đến nhất tâm bất loạn” để được vãng sanh về cõi ấy.

2. Lịch sử Tịnh Độ Tông

2.1. Tịnh Độ Tông tại Trung Hoa

Lý thuyết về Tịnh Độ đã có từ Ấn Độ nhưng không thiết lập thành tông phái mà phải đợi đến khi những kinh điển ấy được truyền sang Trung Hoa, Tịnh Độ tông mới ra đời.

Dù Phật giáo truyền vào Trung Hoa từ khá sớm (từ cuối thế kỷ I) những kinh sách thuộc về pháp môn Tịnh Độ phải đến thế kỷ III mới xuất hiện.

“Vào thời Ngụy (250), ngài Khang Tăng Ngãi (Sanghavarman) dịch kinh Vô Lượng Thọ, cư sĩ Chí Khiếm (thời Tôn Quyền) dịch bộ Đại A Di Đà kinh. Đến đời Diêu Tần (thế kỷ IV), ngài La Thập dịch Phật thuyết A Di Đà kinh, còn gọi là Tiểu kinh A Di Đà, ngài Phật Đà Bạt Đà La (Giác Hiền) dịch Tân Vô Lượng Thọ kinh, Quán Phật tam muội kinh, ngài Trí Nghiêm dịch Tịnh độ tam muội. Thời Lưu Tống (thế kỷ V), ngài Cương Lương Da Xá (Kàlayàsas) dịch Quán Vô Lượng Thọ kinh, ngài Bồ Đề Lưu Chi (thế kỷ VI) dịch Vô Lượng Thọ kinh luận. Đặc biệt, ngài Thế Thân trước tác Vãng sinh Tịnh độ luận…, đến đây giáo nghĩa Tịnh độ tông tương đối hoàn chỉnh.[2]

Lịch sử Phật giáo Trung Hoa coi Ngài Huệ Viễn (333-416) đời Đông Tấn, là vị tổ của Tịnh Độ tông. Ngài là đệ tử của Ngài Đạo An, thông minh xuất chúng. Sau vì hoàn cảnh thời loạn, Ngài Huệ Viễn đến Tương Dương. Trên đường hành đạo, khi ngang qua Lô Sơn, thấy nơi đây là nơi thích hợp để tu hành, Ngài đã dừng chân tại đó và lành lập nên chùa Đông Lâm. Pháp môn hành trì chính yếu của Huệ Viễn đại sư là niệm Phật.

Gieo nhân Tịnh Độ

Tổ Huệ Viễn

Năm 402, Ngài lập ra đạo tràng niệm Phật tại Lô Sơn, lấy tên là Bạch liên xã. Những người tu tập tại Bạch Liên Xã không phân biệt tại gia hay xuất gia, chỉ cần kính lễ bái và niệm hồng danh Đức Phật A Di Đà. Pháp tu của ngài Huệ Viễn đã tạo nên đường lối của Tịnh độ tông, manh nha phương pháp tu tập cho tứ chúng về sau.

Từ sau đời Nam Bắc  triều Lưu Tống, tông phái Tịnh độ dần dần  truyền  bá  khắp  nơi. Nhiều nơi giảng dạy đọc tụng kinh Vô lượng thọ, có nơi lại dựng tượng và lễ ngài Đàm Loan. Họ  dốc lòng truyền bá hạnh nguyện của đức Phật;  lại  chủ  trương  nói những tư tưởng cốt yếu, phù hợp với chúng sinh thời mạt pháp. Ngài Đạo Xước nỗ lực giáo hóa dân chúng và là người chế ra tràng hạt để dạy cách trì danh niệm Phật. Đối với nông dân, Ngài bày cách lấy hạt đậu đếm số niệm Phật gọi là “tiểu đậu niệm Phật”. Với việc trước tác “An lạc tập” và một số tác phẩm khác, Vị cao Tăng Đạo Xước muốn cho đại chúng biết tu dễ và tu khó để kết luận rằng tu Tịnh độ là dễ. Sau khi Ngài Đạo Xước viên tịch, Ngài Thiện Đạo trụ trì chùa Quang Minh và chùa Từ Ân, giảng dạy và truyền bá pháp môn Tịnh độ. Ngài viết 10 vạn cuốn kinh A Di Đà và vẽ 300 đồ hình tả cảnh Tịnh độ, làm cho thế giới Tịnh độ trở nên sống động và hiện thực trong tâm người tu nên họ theo rất đông. Ngài trước tác nhiều kinh sách như Quán Vô Lượng Thọ kinh sớ, Vãng sinh lễ tán, Quán niệm pháp môn, Ban châu tán. Đường lối tu tập của Ngài được đời sau ca ngợi và trở thành một phương thức đặc trưng của Tịnh độ tông. Kinh điển Tịnh độ đạt đến đỉnh cao của trào lưu tư tưởng.

Gieo nhân Tịnh Độ

Thiện Đạo Đại Sư

Ngài Từ Mẫn (680-748) là một hành giả Tịnh độ khá nổi tiếng vào đời Đường, Ngài cũng đã sang Ấn Độ để học hỏi thêm giáo lý Phật giáo. Ngài ở Ấn Độ 18 năm mới về nước, được vua Huyền Tôn tặng danh hiệu “Từ Mẫn tam tạng”. Ngài trước tác “Vãng sinh Tịnh độ tập” để truyền bá pháp môn Tịnh độ mà Ngài đã lãnh hội trên đất Ấn, trở thành một dòng tư tưởng Tịnh độ độc lập.

Đến đời Tống (960-1279), các tông phái Phật giáo đang có xu hướng dung hợp vào nhau. Vì thế, Tịnh Độ tông cũng có xu hướng giao hòa với Thiền tông. Phái Thiên thai tông mà đại diện là các ngài Tuân Thức, Từ Lễ, Trí Viên cũng chủ trương kiêm tu Tịnh độ. Luật tông cũng kiêm tu Tịnh độ do ngài Nguyên Chiếu chủ trương. Vì thế, môn phái tu Tịnh Độ trở nên muôn màu muôn vẻ.

Sang đến đời Minh (1360-1661), xuất hiện nhiều đại sư nổi tiếng như đại sư Vân Thê, Liên Trì, Trí Húc, nhất là hàng cư sĩ tại gia tu theo pháp môn Tịnh độ phát triển rất mạnh. Đặc biệt ngài Trí Húc đề  xướng  luận “Tam  học  nhất  nguyên”  dùng  ba  tông:  Thiền,  Giáo, Luật;  hình thành một thế kiềng ba chân, hỗ trợ lẫn nhau, nếu bỏ một thì không thể được. Chủ trương tam học này cũng mang nghĩa quay về pháp môn Tịnh độ.

Đến đời Thanh, tư tưởng Tịnh độ dung hợp trong mọi pháp môn, tông phái. Những đại sư xiển dương Tịnh độ có ngài Tĩnh Am – Thật Hiền (1686-1734) nhất là Ấn Quang đại sư ở cuối đời Thanh. Ngài là bậc trưởng lão đạo cao đức trọng với chủ trương xuất thế cứu đời, hướng mọi người đến Phật giáo. Do đó, người Tăng kẻ tục các nơi lập hội niệm Phật ngày càng đông  thêm.

Gieo nhân Tịnh Độ

Hòa Thượng Ấn Quang

Pháp môn Tịnh độ phát triển mạnh ở Trung Quốc, sau đó được truyền qua các nước Tây Tạng, Nhật Bản, Việt Nam, Triều Tiên. Tại các này, Tịnh Độ tông được tiếp nhận nhanh chóng và phát triển mạnh mẽ.

2.2. Tịnh Độ Tông tại Việt Nam

Trong lịch sử Phật giáo, danh hiệu Phật A Di Đà được nhắc đến sớm nhất là ở Cựu tạp thí dụ kinh, truyện 60. Pháp môn niệm Phật cũng đã được đề cập trong Lục độ tập kinh do Khương Tăng Hội (?-280) dịch sang chữ Hán. Như vậy, ngay từ rất sớm, vào trước thế kỷ thứ III, Phật tử Việt Nam đã được tiếp xúc với phương pháp tu Tịnh Độ.

Sang thế kỷ thứ V, xuất hiện nhiều bản kinh quan trọng, nhất là Vô lượng thọ do sư Đàm Hoằng (?-455), một vị Tăng người Trung Quốc chuyên hành trì pháp môn Tịnh độ với ước nguyện vãng sinh Cực Lạc, đến Việt Nam tu học tại nước ta truyền bá.

Theo Cao tăng truyện của Huệ Hạo, sư Đàm Hoằng xuất gia từ nhỏ, giới hạnh rất trang nghiêm, hiểu thấu về Luật bộ. Khoảng năm 423, vị cao tăng Thích Đàm Hoằng đến chùa Tiên Sơn, chuyên trì tụng kinh Vô lượng thọQuán Vô lượng thọ. Năm 455 sư tự thiêu nhưng không thành vì giữa chừng học trò biết được và dập tắt lửa. Sau đó, nhân cả thôn làng bận rộn vì gần có hội, cả chùa đều đi Phật sự, sư đến hang núi tự thiêu lần nữa. Khi mọi người biết được đến nơi thì sư đã viên tịch. Vào khoảng thời gian này, tại nước ta đang diễn ra một cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt. Phật giáo ngày càng ít được coi trọng trước bước phát triển của dân tộc, đặc biệt ở giai đoạn đấu tranh vận động cho sự ra đời của nhà nước độc lập Vạn Xuân. Vì thế, sự tư Sự kiện tự thiêu của sư Đàm Hoằng xảy ra vào thời điểm cao trào của cuộc đấu tranh này và chắc chắn đó không phải là một trường hợp ngẫu nhiên.

Thế nhưng, chúng tôi cũng phải nói thêm rằng, các cứ liệu sử sách lại không hề đề cập đến ai là vị Tổ truyền Tịnh Độ Tông đến Việt Nam.

Sau sư Đàm Hoằng đến nửa đầu thế kỷ thứ IX, không có tư liệu nào để lại đề cập đến pháp môn Tịnh độ. Mãi đến năm 826, tông phái này mới được nhắc đến trong bài kệ của sư Vô Ngôn Thông (759?-826) nói cho đệ tử là sư Cảm Thành (?-860). Trong bài kệ có câu : “Tây Thiên là đất này, Đất này là Tây Thiên” (Tây Thiên thử độ, Thử độ Tây Thiên). Chữ Tây Thiên ở đây có thể hiểu theo hai nghĩa, chỉ cho thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, đồng thời cũng có thể hiểu đó là nước Ấn Độ, quê hương của Phật giáo.

Từ giữa thế kỷ thứ XI trở đi, khuynh hướng Tịnh độ được phổ biến rộng rãi, với sự hình thành của nhiều ngôi Tam bảo. Vào thời vua Lý Thánh Tông (1023-1072), (thuộc thế hệ thứ nhất dòng thiền Thảo Đường), nhà vua đã cho tạc một pho tượng Phật A Di Đà độc đáo có một không hai trong lịch sử nghệ thuật điêu khắc của dân tộc đến nay vẫn còn. Ngoài ra, tượng Phật A Di Đà do sư Trì Bát (1049-1117), người thuộc thế hệ thứ 12 của dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, chủ trương tạo dựng năm 1099. Từ giai đoạn này trở về sau, pháp môn tu Tịnh độ đã thực sự có một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của quầng chúng nhân dân.

Gieo nhân Tịnh Độ

Vua Lý Thánh Tông

Sang thế kỷ XII, qua sách Thiền Uyển Tập Anh ghi lại, chúng ta được biết nhiều thiền sư vẫn thực hành và thâm nhập pháp môn niệm Phật tam muội. Chẳng hạn như Thiền sư Trì Bát “nhân tưởng niệm Phật A Di Đà ở thế giới Phương Tây Cực Lạc, nên đã phổ khuyến đạo tục, dựng một đạo tràng lớn ” (Theo những dòng chữ khắc trên bệ tượng hình sư tử đội tòa sen ở chùa Một Mái, xã Hoàng Ngô, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây). Đến đời Trần, Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung, Trần Thái Tông cũng bàn đến vấn đề niệm Phật. Tư tưởng Tịnh độ được nói đến chủ yếu là quan niệm về Đức Phật A Di Đà và 48 lời nguyện của Ngài, có khi cũng được dùng để ra đề thi tuyển nhân tài do triều đình tổ chức.

Từ cuối thế kỷ XVI trở đi, Tịnh Độ tông ngày một phát triển với việc ra đời nhiều tác phẩm phiên âm, chú giải của môn phái này như ngài Viên Văn (1590-1644) viết tác phẩm Bồ đề yếu nghĩa, thuyết minh về Tự tính Di Đà; thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1708) phiên âm A Di Đà kinh sớ sao của ngài Châu Hoằng; thiền sư Chân Nguyên (1647-1726) với nhiều tác phẩm mang đặc điểm tư tưởng Tịnh độ của Trung Hoa như Phật tâm luận, Tịnh độ yếu nghĩa. Ngày nay, pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương là một trong những pháp môn tu đang rất phát triển trong Phật giáo nước ta bởi bề dày lịch sử và hiệu quả của phương pháp này: phổ quát, đa dạng, gần gũi, dễ thực hành và dễ có kết quả.

Tuy nhiên, Tịnh Độ Tông tại việt Nam tuy có ảnh hưởng bởi Tịnh Độ Trung Hoa và Nhật Bản nhưng vẫn mang nét đặc trưng riêng biệt, phù hợp với văn hóa và tính cách của người Việt.

3. Những cách thức tu tập để gieo nhân Tịnh Độ

Như chúng tôi đã nói Tịnh Độ Tông là một trong ba tông phái đang phát triển tại Việt Nam. Những căn bản để giúp cho con người về căn bản hành trì như một kim chỉ nam là: tín, nguyện, hạnh.

– “Thế nào là ”Tín”: Tín là đức tin vững chắc, không gì lay chuyển được. “ Nói đến Tín là nói phải tin Ta – bà thật là khổ, Cực Lạc thật là vui. Ta Bà khổ vô lượng, vô biên”[3]. Tin vào khả năng của chính mình có khả năng giải thoát bằng con đường tu Tịnh Độ.

– Thế nào là ”nguyện”: Nguyện là lời hứa hẹn, sự ước ao, là chí nguyện, mong muốn thực hiện những điều chân chính. “Đã biết Ta – bà là khổ, Cực Lạc là vui thì hãy nên phát nguyện thiết thực, nguyện lìa khổ Ta – bà, nguyện hưởng vui Cực Lac.”[4] Nguyện đem tất cả những công đức mà chúng ta ứng dụng được hồi hướng về cõi Tây Phương.

– Thế nào là ”Hành”: Hành là thực hành, làm theo. Hành thâm ở đây để chỉ có nhiều phương thức để hành trì theo pháp môn Tịnh độ. Nhưng cách hành trì đơn giản nhất để giúp chúng ta tu trì là niệm hồng danh A Di Đà Phật, trì được nhiếp tâm, nguyện gieo nhân Tịnh Độ để về Tịnh Độ.

“Với Tín, Nguyện, Hạnh thì không Tín chẳng đủ để khởi Nguyện. Không Nguyện thì chẳng đủ để dẫn dắt Hạnh. Không có diệu hạnh trì danh thì chẳng đủ để viên mãn điều mình Nguyện, chứng điều mình tin.”[5]. Bởi thế, Tín, Nguyện, Hạnh như kiềng ba chân đối với một người tu Tịnh Độ, cầu mong giải thoát.

Như chúng tôi đã nói ở trên. Những người tu pháp môn Tịnh Độ muốn cầu xin Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn về cõi Cực Lạc thì một trong những cách đơn giản nhất là niệm Phật A Di Đà.  Nếu tin sâu, nguyện thiết, hành thâm, chỉ sáu chữ hồng danh đó thì một người đã có thể vãng sanh trong một đời. Vậy, muốn lúc lâm chung, luôn nhớ tưởng đến câu A Di Đà và có thể niệm từ 1- 10 niệm, hằng ngày người Phật tử phải luôn nhớ tưởng đến Phật A Di Đà. Chúng ta có thể niệm Phật mọi lúc, mọi nơi, lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, ngủ… Tuy nhiên, tại những nơi bất tịnh, chúng ta phải niệm thầm, quán tưởng về Đức Phật A Di Đà. Cứ hành trì miên mật như vậy có ngày chúng ta sẽ đạt được nhất tâm bất loạn, tiếng niệm Phật sẽ thành phiến, thành khối, dù niệm hay không, trong đầu chúng ta, câu Phật hiệu vẫn luôn văng vẳng bên tai. Tuy nhiên, nếu một người từ nhỏ đến lớn suốt ngày niệm Phật A Di Đà mà chưa bao giờ nguyện hồi hướng công đức trang nghiêm cảnh Tây Phương Tịnh Độ thì người này chỉ tăng thiện duyên phước báu trong đời này và nhiều đời sau nhưng không hẳn đã được vãng sanh Quốc Độ. Chỉ người nào niệm Phật A Di Đà đồng đem công đức trang nghiêm cảnh Tịnh Độ và nguyện sau khi xả báo thân này để được vãng sanh về Tịnh Độ thì người này mới có khả năng vãng sanh.

Thế nhưng, ở đây chúng tôi đang muốn bàn đến gieo nhân Tịnh Độ. Vậy một người muốn liễu sanh thoát tử, cầu vãng sanh thì chỉ niệm Phật là cách duy nhất gieo nhân Tịnh Độ hay không?

Thực tế hiện nay, một số bạn trẻ chỉ suốt ngày niệm Phật, chờ ngày Phật tiếp độ. Việc niệm Phật miên mật, tin sâu, nguyện thiết và hành thâm như vậy chắc chắn sẽ tạo nhân tố vãng sanh rất lớn và người đó hoàn toàn có thể về cõi Tây Phương trong một đời này. Tuy nhiên, theo thiển ý của chúng tôi, phương pháp hành trì trên có phần hơi tiêu cực. Người Phật tử nếu chúng ta còn khỏe mạnh, có tâm và trí huệ, chúng ta nên vừa làm những việc thiện, phụng sự đạo pháp bên cạnh việc niệm Phật. Riêng đối với những người lâm trọng bệnh, già cả và tật nguyền… thì có thể dành toàn bộ thời gian để niệm Phật, cầu vãng sanh.

Ngoài việc niệm Phật giúp gieo nhân Tịnh Độ, người Phật tử còn có thể thực hiện những việc có ý nghĩa cầu vãng sanh. Những hành động tốt đẹp như làm từ thiện, cứu giúp người nghèo khổ, làm công quả, cúng dường, bố thí, ấn tống kinh sách, xây dựng chùa chiền, đọc tụng những kinh tạng của Phật giáo như Kinh Pháp hoa, niệm Phật…Nhưng sau khi làm những việc thiện, chúng ta nên quỳ trước bàn Phật cầu xin hồi hướng tất cả công đức mà chúng ta đã làm trang nghiêm về cõi Tây Phương Cực Lạc. Bên cạnh đó, những lúc rảnh rỗi như trước khi ngủ, sau khi thức dậy, khi đang đi xe trên đường, lúc đi dạo… chúng ta vẫn luôn niệm Phật để lòng nhớ tưởng đến Ngài. Như vậy, một người vừa niệm Phật vừa làm những việc có ích cho xã hội mà vẫn hội đủ duyên lành về Tây Phương thì sẽ có ý nghĩa hơn với một người bỏ hết mọi thứ, chỉ một lòng niệm Phật chờ vãng sanh.

Bên cạnh đó, khi nói đến Tịnh Độ là nói đến vấn đề giác tha, tức là có tha lực của các vị Phật, các vị Bồ Tát. Ở đây, tha lực đó là tha lực của đức Phật A Di Đà và thánh chúng. Bởi vì trong 48 lời đại nguyện của Đức Phật A Di Đà đề cập rất nhiều đoạn để nói rằng những người niệm Phật sẽ được chư Phật và thánh chúng tiếp dẫn về Tây Phương. Ở trong pháp môn tu tịnh độ phần lớn đề cập đến vấn đề tha lực. Những người không nghiên cứu hoặc không tu Tịnh Độ lại có suy nghĩ như thế này: đạo Phật luôn đặt vấn đề nhân quả và tự lực thì vấn đề tha lực tức là nhờ Đức Phật Di Đà tiếp dẫn có nghịch lý với phương pháp tu theo Phật giáo hay không?

Ở đây, chúng ta phải hiểu, tha lực của Tịnh Độ không nên hiểu lầm giống như chúng ta đợi chờ lúc lâm chung, Đức Phật A Di Đà sẽ đưa chúng ta về Cực Lạc. Vì hiểu lầm nên chúng ta nghĩ như một sự nương tựa tha lực. Người tu Tịnh độ phải hiểu rằng tha lực xuất hiện từ tinh thần của Nhân quả. Tu Tịnh Độ là tu theo Nhân quả. Gieo nhân Tịnh Độ để vãng sanh về Tịnh Độ. Về mặt nguyên tắc, Đức Phật A Di Đà có xuất hiện cùng chư thánh chúng để tiếp dẫn chúng sinh vãng sanh về Tây phương Cực Lạc hay không điều đó chưa phải là vấn đề quan trọng. Quan trọng là một người có gieo nhân tố và công đức đủ để vãng sanh hay không, đó mới là vấn đề. Vì vậy, trong kinh Di Đà, đức Phật đã dạy rất: “Bất khả dĩ thử thiện căn phước đức nhân duyên đắc sanh bỉ quốc” – đừng nghĩ rằng chút ít công đức nhân duyên mà được sanh về nước Cực lạc. Ý nghĩa tha lực trong đức Phật A Di Đà thật sự đưa ra một nguyên tắc nhưng hoàn toàn là một tự lực của con người. Có gieo nhân về tịnh độ tức là đem phước báu nhân thiên  này, nguyện đem hồi hướng trang nghiêm Tịnh độ mới vãng sanh một đời được.

Tiểu kết

Cuộc sống này bấp bênh, thân mạng vô thường, dù là kiếp người sống bao nhiêu năm trên cuộc đời đều trải qua những cảm xúc yêu thường, buồn giận, khổ đau, bị bệnh tật hoành hành, già rồi chết. Giác ngộ được quy luật khổ đau của cuộc đời, chúng cần phải tu. Thế nhưng, xã hội hiện này với quá nhiều cám dỗ, con người khó đạt nhất vtam6 trong tu tập. Vì thế, pháp môn Tịnh Độ có thể nói là cứu cánh đối với người con Phật. Ở bài viết này, sau khi trình bày sơ lược về lịch sử Tịnh Độ tông ở Trung Hoa và Việt Nam, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến những cách một con người gieo nhân Tịnh Độ như thế nào. Bên cạnh việc luôn làm những việc lành, niệm Phật tụng kinh, hồi hướng công đức trang nghiêm về cõi Tây Phương Tịnh Độ thì dù biết cõi đời là đau khổ, chúng ta cũng hãy sống trọn cuộc đời này bằng tất cả tâm đức và tình yêu đối với mọi người.

Tài liệu tham khảo

  – Lý Hiểu Bổn, Lịch sử Tịnh Độ Tông Trung Quốc, Thích Quảng Hiếu Việt dịch, http://www.viengiac.de.

 – Thích Tâm Hải, Tìm hiểu về trào lưu Tịnh Độ tại Việt Nam. http://www.tangthuphathoc.net

  – Ấn Quang Đại Sư (2006), Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn lục, Như Hòa dịch, NXB Phương Đông, TP. HCM.

 –  Hòa Thượng Thích Thiện Tâm (2008), Niệm Phật thập yếu, NXB Tôn giáo, Hồ Chí Minh.

–  Tịnh Độ Tông, http://www.tinhdo.net

–  Thích Phước Tiến (2009), Tịnh Độ – con đường tu tắt, https://phatphapungdung.com/phap-am/chi-tiet/tinh-do-con-duong-tu-tat

– Thích Phước Tiến (2010), 48 lời Đại nguyện của Đức Phật A Di Đà, https://phatphapungdung.com/phap-am/chi-tiet/48-loi-nguyen-cua-duc-phat-a-di-da

_____________________________________

Chú thích:

[1] Hòa Thượng Thích Thiện Tâm (2008), Niệm Phật thập yếu, NXB Tôn giáo, Hồ Chí Minh.

[2] http://www.tinhdo.net/cacbaivietlienquan/161-gioithieuvetinhdotong.html

[3] Ấn Quang Đại Sư (2006), Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn lục, Như Hòa dịch, NXB Phương Đông, TP. HCM, tr 69

[4] Ấn Quang Đại Sư (2006), Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn lục, Như Hòa dịch, NXB Phương Đông, TP. HCM, tr 72

[5] Ấn Quang Đại Sư (2006), Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn lục, Như Hòa dịch, NXB Phương Đông, TP. HCM, tr 35

Ngọc Linh

Theo Phật Pháp Ứng Dụng