Vươn lên vượt qua cuộc sống

Kính thưa các thiện hữu tri thức, các bạn gần xa! Sau khi vấp ngã và thất bại ê chề với quan niệm sai lầm chết là hết, không có nhân quả, nghiệp báo, không có đời sau, chúng tôi may mắn có được người mẹ giúp đỡ làm mới lại cuộc đời; nhờ nhân duyên từ mẹ tôi gặp được Tam bảo (Phật-Pháp-Tăng) và Phật pháp đã cứu đời tôi, nếu không có Tam bảo thì kiếp sống của tôi đã trở nên vô dụng. Cũng nhờ phúc duyên nhiều đời, nhiều kiếp còn sót lại như rùa mù trăm năm trôi lăn trong biển cả gặp được bọng cây, thật hy hữu và mầu nhiệm thay. Nếu không gặp Phật pháp thì tôi làm gì có được ngày hôm nay để sẻ chia cùng các bạn một chút trải nghiệm cuộc đời.

Gieo trồng phước đức (P.1)

Với lòng biết ơn Tam bảo vô hạn, tôi đã quyết tâm thay đổi cuộc đời, làm mới lại chính mình. Trong thời gian tu học tại Thiền viện Thường Chiếu, thầy tổ đã giúp cho tôi có cách nhìn khác hơn. Mọi việc đều có thể thay đổi, không một cái gì trên thế gian này là bất biến, cố định cả. Để làm mới lại chính mình, tôi phát tâm đi vào đời bằng những việc làm thiết thực qua những chuyến từ thiện tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng…

Có lần, sau khi chia sẻ bài pháp thoại ngắn, chúng tôi phát quà cho 200 gia đình nghèo và hết sức khâm phục, quý kính trước tấm lòng nhân ái của một phụ nữ nghèo có 6 đứa con đang chịu đói khát mấy ngày nhưng bà vẫn giúp cho một gia đình hàng xóm vượt qua cái chết trong tầm tay.

Chúng tôi đã đến thăm bà mẹ và 6 đứa con ấy. Chồng bà bị chết trong cơn lũ lụt, nhà cửa, tài sản đều bị cuốn trôi. Cuộc sống của gia đình hiện đang nhờ vào sự giúp đỡ của chính quyền và những tấm lòng hảo tâm thương xót, cả 7 mẹ con cùng sống trong túp lều nhỏ chờ cứu trợ, có lúc mấy đứa trẻ run lên bần bật vì đói khát. Nhìn những khuôn mặt thiếu ăn, hốc hác, xám xịt, làm cho chúng tôi thêm xúc động nghẹn ngào.

Người mẹ vui vẻ nhận phần quà từ tay chúng tôi rồi lặng lẽ chia ra làm hai, một phần để lại ở lều, phần kia bà nhanh chân mang đến cho một gia đình hàng xóm nào đó. Chỉ trong chốc lát, bà quay về với vẻ mặt hớn hở, mãn nguyện nói, “nhà con diễm phúc được thầy và phái đoàn đến tận nơi giúp đỡ; tuy nhiên, trong làng còn nhiều gia đình rất khó khăn chưa được ai giúp, vì vậy con phải san sẻ bớt cho họ chút đỉnh để qua cơn nguy kịch”. Nghe bà nói đến đây, tôi sực nhớ đến câu ca dao:

Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Đúng là tình làng nghĩa xóm của người Việt Nam tuy đơn sơ nhưng thấm đậm tình người. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”; dù đang thiếu thốn, khó khăn mà vẫn mở lòng san sẻ là điều rất đáng quý trong cuộc đời.

Người có tiền dư, bạc hậu đem ra giúp đỡ người khác là chuyện dễ làm, còn người đang thiếu thốn, khó khăn mà sẵn sàng chia sẻ một nửa của mình cho người khác thì không phải là người tầm thường. Hành động đó chính là người có tâm Bồ tát cao thượng. Tuy đơn giản như vậy nhưng không phải người nào cũng làm được. Trong lúc mình đang thiếu thốn, khó khăn, con cái còn đói rách, được quà cứu trợ đáng lẽ mình hưởng trọn vẹn nhưng vẫn chia sẻ một nửa cho người có cùng cảnh ngộ thật sự không phải dễ.

Chứng kiến cảnh tượng tận mắt như thế, lòng tôi se thắt lại. Đau thương, mất mát, buồn tủi, khổ sầu diễn ra trước mặt làm tim tôi đau nhói. Nhớ lại người mẹ của tôi lúc bệnh nặng, tôi về thăm bà mỗi ngày để động viên, an ủi; dù sao gia đình tôi vẫn còn có phước hơn nhiều người trong hoàn cảnh hiện tại.

Cuộc sống vốn có nhiều khía cạnh, buồn, thương, giận, ghét, khổ, vui, được, mất, hơn, thua và biết bao điều khó khăn đang thử thách cuộc sống; bên cạnh biết bao nỗi khổ niềm đau lo âu, sợ hãi, thất vọng luôn chiếm đoạt tâm hồn con người, chúng ta hãy dũng cảm lên để vượt qua chính mình; không có gì là cố định, không có gì là mãi mãi, ước mơ và hoài bảo về tương lai con người có thể làm được, chỉ cần ta tự tin, tự so sánh với các bậc vĩ nhân, Bồ tát và chư Phật, ta có thể vượt qua và vươn lên đỉnh cao của con người để cùng nhau chia vui sớt khổ bằng tình người trong cuộc sống.

Cuộc sống này ai cũng ước mơ, mong muốn được trưởng thành để đóng góp một chút gì đó cho gia đình và xã hội. Người mù ước mơ được sáng mắt để thấy sự thật cuộc đời; chú bé mồ côi ước mơ một ngày nào đó được vòng tay âu yếm của mẹ; người thất nghiệp ước mơ có được việc làm và người tàn tật ước mơ được đi lại bình thường như bao người khác…

Tóm lại, ai cũng ước mơ được sống trong an vui, hạnh phúc trong tình thương yêu của nhân loại. Thật ra, cuộc sống không cho ta dễ dàng thực hiện những ước mơ để biến chúng thành hiện thực. Nếu người đó không có ý chí, lập trường kiên định thì mơ ước cũng chỉ là mơ ước mà thôi. Khi gặp khó khăn, người thiếu niềm tin ở chính mình sẽ gục ngã trước biến động của cuộc đời; người có nhân cách lớn khi gặp khó khăn, chướng ngại sẽ không chùn bước trước hoàn cảnh, họ luôn dũng cảm tìm cách tháo gỡ và an nhẫn chờ đợi với quan niệm sáng suốt, “tất cả khó khăn chỉ là thử thách”.

Bồ tát vào đời dưới mọi hình thức

Ai cũng có ước mơ đáng quý và trân trọng với bao niềm hy vọng vô biên để gây dựng niềm tin cho chính mình. Những khó khăn, trở ngại chỉ là thử thách trong cuộc hành trình đến đỉnh cao của niềm vui an lạc và hạnh phúc. Những thất vọng, lo lắng, sợ hãi, bất an, buồn chán luôn đến với người yếu đuối, bạc nhược, phó thác cuộc đời mình cho số phận.

Họ luôn mặc cảm, tự ti, chờ sự trợ giúp của thần linh hay đấng quyền năng nào đó để rồi suốt đời sống trong niềm hận, khổ đau. Họ không biết rằng, mọi sự nên hư, thành bại trong cuộc đời đều do chính mình tạo ra, không ai có quyền sắp đặt hay định đoạt cuộc sống của mình. Người không đủ niềm tin sẽ tuyệt vọng, trốn chạy cuộc đời bằng cách quyên sinh; bởi họ than oán, trách móc số phận để rồi chịu gục ngã trong những cơn giông tố cuộc đời.

Trong đêm tối của vô minh, chúng ta hãy thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ để vượt qua những khó khăn, bế tắc, đừng để cuộc sống trôi qua một cách vô ích. Ta không mãi đắm chìm trong quá khứ và thất vọng ở tương lai mà phải sống trọn vẹn ngay tại đây và bây giờ bằng tất cả tấm lòng chân thật với nhiệt huyết làm mới cuộc đời.

Mọi việc sẽ không có ý nghĩa và giá trị khi ta chấp nhận có số phận an bài, buông xuôi cuộc sống theo dòng đời nghiệt ngã. Ai cũng có thể làm mới chính mình bằng sự quyết tâm, dũng cảm, ý chí thì mới có thể biến ước mơ của mình thành sự thật. Người phụ nữ vừa kể ở trên thật đáng để cho chúng ta tôn kính và khâm phục trước tấm lòng bao dung đầy tình nghĩa, sẵn lòng chia sẻ với người trong lúc mình đang rất thiếu thốn, khó khăn. Chúng ta phải học ở người phụ nữ ấy sự hy sinh cao cả, biết chia sẻ một cách chân thành, không vì mình mà bỏ qua việc làm tốt để cứu người.

Khác với hành động của bà Thanh Đề trong thời đức Phật còn tại thế, khi bà nhận được bát cơm của tôn giả Mục Kiền Liên, bà che bát cơm để bốc ăn vì sợ người khác nhìn thấy đến xin. Nghiệt ngã thay, bà vừa bốc cơm đưa vào miệng thì cơm bỗng nhiên hóa thành lửa, không thể ăn được. Đó là quả báo từ lòng tham lam, ích kỷ, thói quen xấu của bà đã huân tập từ nhiều đời, nhiều kiếp nên bà phải chịu như vậy.

So sánh giữa hai mẩu chuyện xưa và nay để mỗi người chúng ta ý thức trách nhiệm, bổn phận của đời sống con người qua lời Phật dạy. Sự sống trên thế gian này từ con người cho đến muôn loài, muôn vật đều phải cưu mang, nương tựa lẫn nhau, không có cái gì tách rời nhau mà có thể tồn tại và phát triển được. Đạo Phât dạy chúng ta phải biết thương yêu, cảm thông và chia sẻ với nhau trên tinh thần vô ngã, vị tha.

Chúng ta đừng tự hạ thấp giá trị bản thân mình mà phải so sánh với người cao thượng, với bậc vĩ nhân hay nhà đạo đức suốt đời vì lợi ích tha nhân; đừng bao giờ nản lòng, thất chí khi ta còn có thể làm được điều gì đó cho đến khi mọi thứ thật sự chấm dứt, không còn hoạt động được nữa. Ta không nên quá sợ sệt, lo lắng về tương lai mà ngay trong giờ phút hiện tại ta phải bình tĩnh, sáng suốt trước mọi vấn đề.

Mấy ai trong cuộc đời này không từng nếm trải mùi vị của đau khổ? Khổ đau và hạnh phúc luôn song hành bên nhau, nếu ta biết nắm lấy hạnh phúc thì khổ đau không có mặt. Hãy cố gắng học hỏi và hành trì theo lời Phật dạy, ta sẽ thành công; đừng sợ phải đối mặt với khó khăn, nghịch cảnh và những điều không được hài lòng, như ý, nó như để thử thách ta rèn luyện ý chí, sức chịu đựng thêm vững vàng để trưởng thành hơn. “Sau cơn mưa trời lại sáng”, bóng tối sẽ bị xua tan khi trời quang, mưa tạnh.

Qua nhiều chuyến đi từ thiện vùng sâu, vùng xa, chúng tôi được chứng kiến mắt thấy, tai nghe nhiều sự hy sinh cao thượng để giúp người, cứu đời. Ấn tượng nhất là nghĩa cử cao đẹp của người phụ nữ nghèo chồng chết trong cơn lũ lụt để lại 6 con thơ dại, đói khát nhiều ngày nhưng vẫn không ngần ngại chia sớt nửa phần quà ít ỏi của mình cho người đồng cảnh ngộ.

Người sẵn lòng giúp người hoạn nạn, khó khăn trong khi hoàn cảnh của mình cũng khó khăn, thiếu thốn là người tốt thực sự. Người tốt thì trong hoàn cảnh nào đi nữa cũng sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ cho người hoạn nạn, khốn khổ như mình. Bồ tát Quán Thế Âm luôn hiện thân trong mọi trường hợp để tùy duyên giúp đỡ, cứu khổ cho người. Đã làm người trong trời đất, ai không một lần lầm lỗi, vấp ngã, khổ đau, chúng ta đừng nên mặc cảm tự ti, phó mặc cuộc sống cho số phận an bài mà vô tình giết chết quãng đời còn lại.

Hãy tự mình đứng dậy sau khi vấp ngã, biết mình có lỗi thì cố tâm sám hối làm mới lại chính mình. Biết sai thì ta sửa sai, bậc Thánh hiền vẫn còn sai sót huống hồ chúng ta là những phàm phu tục tử thì làm sao không lầm lỗi. Điều quan trọng là ta có dám buông bỏ các thói quen không tốt để làm mới cuộc đời hay không? Xin thưa, nếu vững lòng tin vào khả năng của mình, không có gì không thể làm được, chỉ sợ ta không can đảm, thiếu nghị lực, chán nản hay thối chí bỏ cuộc nửa chừng mà thôi.

Nơi đây, chúng tôi xin ghi lại một vài trải nghiệm trong cuộc đời tu tập của mình. Tuy thành công còn rất nhỏ bé nhưng chúng tôi mong được chia sẻ với những ai đồng cảnh ngộ. Xin chúc các bạn bình tĩnh đối đầu với mọi khó khăn, vượt qua chướng duyên, nghịch cảnh để từng bước trở về với thế giới tâm linh của mình.

Phong Trần Cuồng Nhân

GIEO TRỒNG PHƯỚC ĐỨC

Trong thời đại hiện nay trên đà phát triển toàn cầu hóa nhiều mặt, người ta chú trọng nhiều về phương diện kinh tế vì nó mang lại lợi ích vật chất cho con người. Song, bên cạnh đó, nó kéo theo nhiều tai họa không thể lường được bởi sự phân biệt giàu nghèo đã làm cho con người trở nên khó gần gũi, không thân thiện nhau. Cho nên, việc bố thí, cúng dường là nền tảng của các điều thiện lành tốt đẹp để xóa đi sự cách biệt tạo điều kiện cho con người dễ gần gũi, thân thương nhau hơn, nhất là đối với những người đang tiến bước trên con đường giác ngộ, giải thoát.

Người xuất gia theo đạo Phật thực hành bố thí, cúng dường để buông xả tâm tham-sân-si đang dính mắc bên trong. Họ thực hành bổn phận truyền đạt những lời Phật dạy đến mọi người cũng là cách bố thí chân chính của người xuất gia. Người cư sĩ tại gia ngoài trách nhiệm và bổn phận đối với gia đình, xã hội còn có nhiệm vụ hộ trì Tam bảo. Cho nên, trọng trách của người phật tử tại gia rất quan trọng và thật lớn lao, bởi họ vừa phải lo làm lụng nuôi sống bản thân, gia đình, cha mẹ, anh em, vợ con, phải lo đóng góp cho xã hội, lại còn thêm trách nhiệm hộ trì Tam bảo, giúp đỡ chư Tăng ni có điều kiện, thời gian học hỏi, tu hành.

Trong cuộc sống hằng ngày, họ phải lo cơm, áo, gạo tiền, gánh nặng việc gia đình, chuyện xã hội với bổn phận người công dân, lại phải làm hậu cần cho Tam bảo thật không phải ai cũng có thể làm được. Muốn làm được điều này đòi hỏi người phật tử phải có Bồ đề tâm kiên cố, có nhận thức sáng suốt, đúng đắn, hiểu rõ nguyên nhân của phước quả, nghiệp báo mới thành tựu được.

Trong thế gian này, người giàu sang phú quý, sự nghiệp vinh hiển, công thành danh toại không phải bỗng dưng mà có, đó là kết quả việc tu nhân, tích đức của họ trong nhiều đời trước. Trên đời này không có việc gì là ngẫu nhiên, đương nhiên, khi không hay tự nhiên mà thành. Muốn được giàu sang, quyền quý, sung túc trong tương lai thì trong đời này ta phải biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ, chia sẻ theo khả năng của mình. Người phật tử chúng ta phải ý thức được điều này, muốn được giàu sang, nhiều của cải mà hiện thời ta không biết làm phước, giúp đỡ sẻ chia thì e rằng ta không còn cơ hội. Cho nên:

Đạo Phật đi vào đời
Vì lợi ích chúng sinh
Để vượt qua hiểm nghèo
Phật dạy pháp bố thí

Thực hành làm phước, bố thí, cúng dường hay giúp đỡ, chia sẻ tình thương với mọi người là tiêu chí đầu tiên trong đạo Phật. Đức Phật dạy chúng ta phải biết xả bớt lòng tham lam, ích kỷ, nhỏ nhoi, ti tiện, chỉ biết sống cho riêng mình còn ai đau khổ mặc kệ. Đạo Phật không chấp nhận lối sống hẹp hòi, vị kỷ như vậy vì nó làm mất đi tình người trong cuộc sống. Đạo Phật chủ trương sống hòa mình cùng nhân loại với quan niệm ai cũng là người thân, người thương, nên mỗi người đều phải có trách nhiệm và bổn phận thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần vô ngã, vị tha.

Đạo Phật thấy rõ cuộc sống của muôn loài phải nương tựa vào nhau, không một loài nào tách rời sự cộng sinh mà có thể tồn tại trong bầu vũ trụ bao la khắc nghiệt này. Đức Phật đã tu tập thành bậc giác ngộ hoàn toàn, Ngài thấy rõ mọi sai biệt và bất đồng giữa con người với muôn loài giống như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường, thấy người giàu sang, sung sướng, của cải vật chất đầy đủ; người nghèo hèn, khốn khổ, đói rách, thiếu thốn, lang thang; kẻ sang người hèn, kẻ xấu người đẹp, kẻ ngu người trí, kẻ chết yểu người sống thọ, người hạnh phúc kẻ khổ đau…

Hôm nay, chúng tôi chân thành chia sẻ Pháp thoại “Phước cúng dường”; trong đó, đức Phật khẳng định, “nếu ai muốn hiện tại và mai sau hưởng quả báo tốt đẹp thì ngay bây giờ phải biết gieo trồng phước đức”.

Người đủ ăn đủ mặc
Là người có phước đức
Vì thế nên ít lo
Nhờ vậy mà dễ tu.

Vậy thế nào là người có phước đức? Người có phước đức là người có cuộc sống ổn định, phương tiện vật chất đầy đủ, có nhà cửa, tiền tài, danh vọng, ăn ngon, mặc ấm; lại sống trong gia đình trên thuận dưới hòa, biết cung kính lễ phép với người trên, thương yêu đùm bọc người dưới, biết hiếu thảo với ông bà cha mẹ, biết dạy dỗ con cái điều hay lẽ phải, tránh xa bạn ác, gần gũi bạn lành, sống trong tình thương yêu, giúp đỡ mọi người. Nếu bây giờ chúng ta không làm phước mà muốn được phước trong tương lai thì không thể được, cũng như trước kia mình chưa từng làm phước thì bây giờ làm gì có phước để mà hưởng.

Nên nhớ rằng, làm phước tất được phước và hưởng phước mà không tiếp tục làm phước thì sẽ hết phước. Biết được điều này, mỗi người chúng ta phải cố gắng gieo trồng phước đức. Một ngày sống trên đời phải là một ngày sống có ích cho mình và  người mà không làm tổn hại cho ai. Ngược lại, người sống trong cảnh thiếu thốn, khó khăn cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, trong gia đình thường hay gây gỗ, bất hòa, xung đột lẫn nhau là người thiếu phước.

Vậy thế nào là phước? Phước là những hành động, lời nói, ý nghĩ đem đến an vui, hạnh phúc cho người trong hiện tại và mai sau. Người làm phước là người biết làm lành, làm tốt, được mọi người quý mến, ưa thích gần gũi. Nhờ sự gần gũi đó họ dễ dàng thông cảm, hiểu biết, thương yêu, bao dung, tha thứ cho nhau, sẵn sàng dấn thân, phục vụ vì tình người trong cuộc sống bằng trái tim hiểu biết.

Đức Phật làm phước

Thời Phật còn tại thế, người đệ tử A Na Luật là anh em chú bác ruột với Ngài. Do quyết chí tu hành nên A Na Luật bị mù cả hai mắt; bù lại, Ngài chứng được Thiên nhãn thông. Trước đó một hôm, đức Phật thuyết giảng trong một pháp hội lớn, tất cả đại chúng đều say mê, chăm chú lắng nghe, riêng Ngài A Na Luật thì ngủ gà, ngủ gật. Thấy thế, đức Phật gọi dậy và phương tiện độ người đệ tử: “Này A Na Luật, có ai bắt buộc ông đi tu không? Hay ông vì thiếu nợ nhiều quá phải làm thuê, làm mướn vất vả nên trốn vào đây tu?”

A Na Luật thưa: “Bạch Thế Tôn, không phải như thế. Con là một hoàng tử nên đâu phải làm thuê, làm mướn và cũng không thiếu nợ ai. Con đi tu vì cảm kích công hạnh của Thế Tôn không thể nghĩ bàn. Con tu là để cầu giác ngộ giải thoát, nhưng vì tập khí xa xưa của con còn quá nhiều nên nó che chướng làm con mê mờ trong lúc nghe Thế Tôn chỉ dạy”. Đức Phật bảo: “Ông tu vì muốn giác ngộ, giải thoát sinh tử cho chính mình và cứu giúp chúng sinh, tại sao lại mê ngủ như vậy?” Nghe những lời cảnh tỉnh của Thế Tôn, ngài ăn năn, hổ thẹn xin sám hối chừa bỏ tật ngủ gật và phát nguyện lớn: “Nếu đời này không thành đạo thì tôi không nhắm mắt”.

Do quyết chí tu hành, ban ngày học hỏi làm việc, ban đêm ngài siêng năng hành trì đến nỗi mắt ngài bị đỏ và sưng vù. Các thầy thuốc bảo ngài ngủ lại bình thường thì mắt sẽ hết bệnh nhưng ngài vẫn cương quyết một lòng tu tập không ngủ nghỉ. Đức Phật biết vậy nên thân hành đến thăm và khuyên ngài nên ngủ lại bình thường như trước, nhưng ngài vẫn không chịu ngủ.

Cuối cùng, đôi mắt của ngài bị mù hẳn khi chưa chứng đạo. Tuy vậy, ngài vẫn quyết tâm tinh tấn tu hành. Chỉ một thời gian ngắn, ngài chứng đắc Thiên nhãn thông với lực dụng không thể nghĩ bàn. Ngài có thể thấy suốt vũ trụ bao la như nhìn một trái xoài trong lòng bàn tay không bị chướng ngại của vật cản nào.

Một hôm, chiếc y của ngài bị rách và ngài muốn tự tay khâu lại; nhưng ngặt nỗi ngài không thấy đường xỏ chỉ vào kim, ngài lên tiếng nói: “Có ai xỏ kim dùm tôi không?” Vừa lúc ấy, đức Phật đi ngang nghe được liền đến xỏ kim giúp người đệ tử mù của mình. Chúng ta thấy, một việc làm lành dù nhỏ nhoi đức Phật cũng không bỏ sót. Học chuyện xưa để mỗi người chúng ta bắt chước công hạnh của Như Lai Thế Tôn.

Việc làm của đức Phật khiến chúng ta phải cảm phục, quý kính, bởi Ngài là bậc toàn giác, bậc thầy vĩ đại mà vẫn không bỏ qua việc làm phước nhỏ. Qua đó, chúng ta thấy người giác ngộ không từ chối bất cứ việc lành nào dù rất nhỏ khi đủ nhân duyên. Điều này chứng tỏ sự có mặt của đạo Phật luôn đem đến lợi ích thiết thực cho con người và không gây tổn hại cho ai trên đời dù rất nhỏ.

Gieo trồng phước đức (P.1)

Chúng ta phải biết, làm việc thiện dù lớn hay nhỏ ta cũng phải cố gắng vun trồng, cóp nhặt như giọt nước lâu ngày đầy lu. Ngược lại, việc ác dù nhỏ mấy ta cũng phải tránh không làm. Muốn gieo trồng phước đức ta phải xa rời nghiệp ác và phát triển nghiệp lành. Học hạnh xưa của Thế Tôn để ngày nay chúng ta cố gắng bắt chước gieo trồng phước đức. Một ngày làm việc thiện thì bao việc ác không thể có mặt. Như vậy, gieo trồng phước đức có lợi cho ta rất nhiều; còn tham lam, bỏn xẻn, ích kỷ, tâm địa nhỏ nhoi thì lúc nào cũng chịu nhiều đau khổ, thiệt thòi. Ta làm việc ác nhỏ lâu ngày tạo nên nghiệp ác lớn, ví như lỗ thủng nhỏ rỉ nước vào thuyền, nếu không chặn lại ngay từ đầu thì đến lúc nào đó nó sẽ nhấn chìm cả chiếc thuyền lớn.

Bởi chưng kiếp trước khéo tu
Kiếp này con cháu võng dù xênh xang.

Dân gian có câu, “có phước làm quan”, làm quan thì có điều kiện giúp đỡ gia đình, người thân. Đó là lẽ đương nhiên trong cuộc đời. Theo quan niệm dân gian Việt Nam, một người làm quan cả họ được nhờ là thế.

Để thấy lời Phật dạy không sai, mỗi người chúng ta phải cố gắng gieo trồng phước đức. Do phước nghiệp không đồng nên con người có thân tướng, lời nói, vóc dáng khác nhau nên không ai giống ai. Người giàu sang, kẻ nghèo khổ, người sống thọ, kẻ chết yểu, người thông minh, kẻ ngu dốt cũng từ đó mà ra.

Đức Phật làm phước độ đệ tử bệnh

Thật hiếm hoi và hy hữu nhất trên đời, không phải ai cũng có duyên gặp Phật, nhưng gặp Phật để thấm nhuần lời dạy của Ngài và áp dụng tu tập để vượt qua cạm bẫy cuộc đời mới là điều đáng quý.

Có một thầy tỳ kheo bị bệnh lâu ngày không thuyên giảm, thân thể lở loét, hôi hám, khó chịu. Ban đầu có nhiều tỳ kheo khác chăm sóc, giúp đỡ, nhưng rồi ai cũng ngán ngẩm vì hôi tanh. Vì vậy, thầy được dời ra ở một nơi cách xa tịnh xá. Một hôm, đức Phật và các thầy tỳ kheo trên đường du hóa ngang qua, Ngài ghé vào thăm và nhờ thầy A Nan nấu nước để đức Phật đích thân tắm rửa, mặc y áo cho thầy tỳ kheo bị bệnh.

Thầy tỳ kheo đang đau khổ bỗng nhiên được Phật ghé thăm, lại đích thân tắm rửa, thay y, khiến thầy cảm thấy phấn khởi, an lạc không gì bằng. Thầy sung sướng như đứa con thơ nhiều năm lưu lạc gặp lại mẹ cha, thầy cảm nhận được niềm phúc lạc vô biên chưa từng có trong cuộc đời. Nhân đó, Như Lai Thế Tôn khai thị pháp môn quán về bệnh khổ, thân này không thực có: “Thân đau nhưng tâm không đau”. Sau khi nghe bài pháp của đức Phật, thầy tỳ kheo thực hành ngay pháp quán sát tường tận này và liền chứng quả A La Hán rồi thị tịch một cách bình an, tự tại.

Thật khác với chúng ta, có người tu tập nhiều năm, đến khi đổ bệnh không làm chủ được bản thân, đau đớn, rên xiết vô cùng. Người nhà thấy vậy đau lòng khuyên niệm Phật hay thiền quán cho bớt khổ đau nhưng người ấy không thể làm được. Qua đó, ta mới thấy việc tu tập thực hành để chuyển hoá nỗi khổ niềm đau, không phải là việc dễ làm.

Có người còn cho rằng, bây giờ còn trẻ thì cứ ăn chơi, bay nhảy cho thỏa thích, đến lúc tuổi già hãy tu cũng không sao. Nên nhớ rằng, khi có phước duyên gặp được Tam bảo mà không tinh tấn tu hành theo lời Phật dạy, lúc bệnh đến không biết cách hóa giải lại than thân, trách phận như khát nước chờ đào giếng thì làm sao cho kịp.

Là người con Phật, chúng ta phải cố gắng tu hành lúc còn trẻ, còn mạnh khỏe, không nên chờ đến tuổi già mới tu; e đến lúc đó, thân không còn khỏe, chân đau, gối mỏi, bệnh tật tấn công, thân chịu không nổi lấy đâu mà tu tập, thực hành. Người thiếu phước không có trí tuệ khi đối diện với tuổi già, bệnh hoạn sẽ lo âu, sợ hãi, bất an, đâu có còn bình tĩnh, sáng suốt để tu hành.

Người đến tuổi già mới bắt đầu tu sẽ bị chướng ngại bởi hoàn cảnh, tật bệnh nên thường tủi lòng, than vãn trước hình tượng Phật, “con muốn tu mà nghiệp chướng chẳng chịu buông tha, hoàn cảnh khó khăn, thiếu tiền, thiếu gạo, lại thêm bệnh hoạn làm đau lòng, nhức nhối, khó chịu”; rồi xin Phật ban cho thế này, thế kia. Nếu ai cũng chờ đến già mới tu, chờ tiền đầy túi mới làm việc phước thiện thì e rằng suốt đời người ấy sẽ không có cơ hội.

Trên thế gian này, người được giàu sang, phú quý, hiển vinh, công thành danh toại là nhờ biết tu nhân tích phước từ nhiều đời trước. Trên đời này không có việc gì ngẫu nhiên, đương nhiên, khi không, tự nhiên mà thành. Muốn được như vậy ta phải biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ, chia sẻ tùy theo khả năng của mình. Nếu ta không đủ các điều kiện về vật chất để thực hành bố thí, cúng dường thì ta phát tâm hoan hỷ khi thấy người khác thực hành bố thí, cúng dường thì phần công đức của ta cũng ngang bằng với người thực hành bố thí. Người bố thì thì được phước giàu sang, người tuỳ hỷ vui theo việc làm tốt thì không bị tâm ganh tỵ, tật đố làm chướng ngại.

Công hạnh cao cả không thể nghĩ bàn của Như Lai Thế Tôn như nói ở trên thật đáng để loài người và chư Thiên tôn kính. Ngài xứng đáng là bậc thầy trong ba cõi đã không từ bỏ bất cứ một việc thiện nào dù lớn hay nhỏ khi đủ nhân duyên.

Còn nữa…

(Thích Đạt Ma Phổ Giác)