Thiền sư Gudo là bậc thầy của vị hoàng đế đương thời. Dù vậy, ngài thường du phương hoằng hóa, một mình đi khắp đó đây như một vị tăng khất thực. Một hôm, ngài đang trên đường đến Edo, trung tâm văn hóa chính trị của chính quyền quân sự thời ấy. Khi sắp đến ngôi làng nhỏ Takenaka thì trời đã tối và mưa tầm tã. Thiền sư bị ướt đẫm trong mưa, đôi dép rơm của ngài rách tả tơi. Đến một ngôi nhà gần làng, ngài nhìn thấy có khoảng bốn, năm đôi dép để nơi cửa sổ. Ngài định ghé vào mua một đôi khô ráo. Người phụ nữ trong nhà biếu ngài đôi dép và nhận thấy ngài bị ướt sũng nên mời ngài trú lại qua đêm. Thiền sư nhận lời và cảm ơn bà.
 
Ngài vào nhà và đọc kinh trước bàn thờ của gia đình. Sau đó, ngài được giới thiệu với mẹ và các con của người phụ nữ. Nhận thấy cả nhà đều có vẻ buồn bã, thiền sư liền hỏi họ xem có việc gì bất ổn không.

Người phụ nữ thưa với ngài: “Chồng của con là người mê cờ bạc và nghiện rượu. Lúc có vận may được bạc, anh ta uống say và đánh đập vợ con. Lúc đen đủi thua bạc, anh ta vay mượn tiền người khác. Thỉnh thoảng anh ta uống đến say mềm và không về nhà. Con biết làm sao đây?”

Ngài Gudo nói: “Tôi sẽ giúp anh ta. Chị cầm lấy ít tiền đây và mua cho tôi bình rượu ngon với đồ nhắm. Rồi chị có thể đi nghỉ, tôi sẽ ngồi thiền trước bàn thờ.”

Khi người đàn ông về nhà vào khoảng nửa đêm, anh ta say khướt, la lối: “Này bà, tôi đã về rồi! Nhà có gì ăn không?”

Thiền sư lên tiếng: “Tôi có đồ ăn cho anh đây. Tôi bị mắc mưa và vợ anh đã tử tế mời tôi nghỉ chân qua đêm. Để đáp lại, tôi có mua về đây ít rượu và cá, anh có thể dùng.”

Người đàn ông hài lòng lắm, lập tức ngồi vào đánh chén cho đến khi ngã lăn ra sàn nhà. Ngài Gudo ngồi thiền ngay cạnh anh ta.

Sáng ra, khi tỉnh dậy thì người chồng đã quên sạch chuyện đêm qua nên hỏi ngài Gudo, khi ấy vẫn còn đang ngồi thiền: “Ông là ai? Ông từ đâu đến đây?”

Thiền sư đáp: “Tôi là Gudo ở Kyoto, đang trên đường đến Edo.”

Nghe tên vị Quốc sư, người đàn ông vô cùng hổ thẹn, hết lời xin ngài tha lỗi.

Ngài Gudo mỉm cười dạy: “Mọi thứ trên đời này đều vô thường. Cuộc sống rất ngắn ngủi. Nếu anh cứ tiếp tục cờ bạc rượu chè, anh sẽ không có thời gian để tự mình đạt được bất cứ điều gì khác, và cũng gây ra nhiều khổ đau cho gia đình.”

Người đàn ông chợt thức tỉnh như vừa ra khỏi một giấc mơ. Anh ta nói: “Thầy dạy chí phải. Làm sao con có thể đền đáp ơn thầy đã dạy dỗ thức tỉnh con. Xin cho con mang hành lý tiễn thầy một đoạn ngắn.”

Thiền sư chấp thuận: “Được, tùy ý anh vậy.”

Hai người khởi hành. Sau khi đi được khoảng ba dặm, ngài Gudo bảo anh ta quay về. 

Anh ta nài nỉ: “Xin đi thêm năm dặm nữa thôi.”

Và họ tiếp tục đi, cho đến khi ngài Gudo quay sang bảo anh ta: “Giờ thì anh trở về được rồi.”

Người đàn ông đáp lại: “Xin cho con tiễn thầy mười dặm nữa.”

Khi đã đi thêm được mười dặm, thiền sư bảo: “Bây giờ anh hãy về đi.”

Người đàn ông quả quyết: “Không, con sẽ đi theo thầy suốt quãng đời còn lại của con.”

Các thiền sư Nhật thời hiện đại có nguồn gốc truyền thừa từ một vị thiền sư lỗi lạc nối pháp ngài Gudo. Vị thiền sư ấy có tên là Mu-nan, nghĩa là “người không bao giờ quay lại”.

Nguyên Minh

… … … … …

Từ một kẻ đam mê cờ bạc rượu chè, trong thoáng chốc đã trở thành người dứt bỏ tất cả để dấn thân vào con đường cầu đạo giải thoát và trở thành một viên ngọc quý chói sáng trong cửa thiền. Quả là một cuộc chuyển hóa nhiệm mầu, kỳ diệu đến mức vượt ngoài sức tưởng tượng!

Nhưng mỗi chúng ta thật ra đều có thể tự mình thực hiện một cuộc chuyển hóa tương tự như thế. Bởi vì vấn đề cốt lõi được nhận ra ở đây không phải đi tìm một sự toàn hảo tuyệt đối, mà là biết quay lưng vĩnh viễn với những sai lầm đã từng mắc phải. 

Người có thể dứt khoát quay lưng với những sai lầm của chính mình thì sẽ không có việc gì khác không thể làm được. Điều đó hoàn toàn không dễ dàng, nhưng lại là điều mà bất cứ ai cũng có thể làm được. Chỉ cần bạn đạt được quyết tâm “không bao giờ quay lại” thì con đường phía trước chắc chắn sẽ rộng mở thênh thang hướng về một tương lai tươi sáng.