Hoa từ bi đang nở

Trong các bài kinh tu tập về lòng từ thì Kinh Từ Bi là một bài kinh có giá trị lịch sử lớn. Đây là bài kinh được Đức Phật thuyết giảng có tác dụng bảo hộ cho các vị Tỳ Kheo khi hành thiền ở những nơi hoang vắng nguy hiểm. Kinh Từ Bi giúp phát khởi năng lượng an lành không chỉ cho người đọc mà các vong linh xung quanh cũng được hưởng.

Đọc Kinh Từ Bi trước khi hành thiền sẽ giúp nghiệp chướng cùng oan gia trái chủ được mát mẻ, nhắc nhở giữ tâm thanh tịnh và có được giấc ngủ an lành. Vì niềm tin và ý nghĩa to lớn ấy nên Kinh Từ Bi được Đức Phật phổ biến rất rộng rãi trong phái đoàn khất sĩ và đại chúng.

“Người khôn có đủ đức tài,
Hằng tìm lợi ích tương lai cho mình.
Dọn lòng an tịnh thanh bình
Tiến vào Cực lạc Vô sinh Niết Bàn
Giữ lòng chánh trực đoan trang,
Nhu hòa lương thiện chẳng màng khoe khoang” (1)

Người có đầy đủ trí tuệ và tâm đức khi hành trì Chánh pháp sẽ hiểu được quả vị cao nhất là giải thoát. Khi giải thoát, người sẽ không còn vướng mắc vào bất cứ sự vật hay hiện tượng nào nơi trần thế. Bất cứ nơi đâu cũng sống an tịnh, thanh bình thì nơi đâu cũng là đạo tràng. Từ bỏ năm dục: tài, sắc, danh, thực, thùy; từ bỏ sáu tâm độc: tham, sân, si, mạn, nghi, kiến sẽ giúp tâm hồn ta trở nên sáng sủa hơn. Không còn mong cầu, không còn vướng mắc, hành thiền miên mật sẽ giúp người gieo duyên lành, chấm dứt sinh tử và chạm đến cứu cánh Niết Bàn.

Luyến ái là biểu hiện của sự phân biệt, dẫn đến việc tái sinh vào bào thai và quay lại luân hồi. Chỉ có tình đại bi với tất cả chúng sinh mới đưa ta đến bờ giải thoát. Vì ai cũng thương nên tâm không còn phân biệt, không còn vướng mắc, không còn đắm nhiễm vào hình sắc nên sẽ chấm dứt khỏi buộc ràng và khổ đau. Nhất tâm giữ lòng chánh trực đoan trang trước mọi cám dỗ của ngoại cảnh, sống nhu hòa, lương thiện với môi trường xung quanh sẽ mang lại cho ta đời sống bình yên, an toàn và thảnh thơi.

Từ có nghĩa là tình thương, mong chúng sinh có nhiều yêu thương, bi có nghĩa là thấu hiểu nỗi khổ, mong chúng sinh vượt qua những khổ đau. Mỗi sớm mai thức dậy, người tu luôn tâm niệm việc tưới tẩm và nuôi dưỡng hạt giống từ bi trong tâm. Vì xót thương chúng sinh còn mãi trầm mình trong bể khổ nên nguời nguyện bản thân mình giải thoát ngay trong giây phút hiện tại để giúp chúng sinh xung quanh sớm trọn thành Phật đạo. Lời nguyện xuất phát từ tâm trong sáng, lời nói dễ thương và sự tu tập tinh chuyên sẽ mang lại nhiều phúc duyên và phước báu cho người mà không cần bất cứ lời khoe khoang nào.

Mỗi chúng sinh đều phải vay mượn tứ đại (đất, nước, gió, lửa) để biểu hiện trên cuộc đời này. Là người phàm phu, ai cũng mang nghiệp, tham, sân, si trong tâm. Nếu xét về bản chất, chúng ta đều có cấu tạo và lưu chuyển trong vòng luân hồi như nhau. Ta hay có khuynh hướng so sánh giữa ta và người: Mình bằng người, hơn người hoặc thua người đều là kiêu mạn. Khoe khoang, so sánh mình hơn người sẽ làm ta dính mắc vào cái tôi cá nhân, đề cao bản ngã và cản trở sự phát triển của trí tuệ.

“Thanh bần thủ phận an nhàn,
Không ham thế sự tịnh an cõi lòng.
Lục căn chế ngự nghiêm phòng,
Không cho liều lĩnh luyến mong dục trần.” (2)

Chấp vào cái gì thì sẽ khổ vì cái đó. Sở hữu cái gì thì phải lo cho cái đó. Có nhà phải lo dọn dẹp, trang hoàng. Có vợ hay chồng phải lo giữ. Có xe phải lo bảo trì… Đặc biệt trong xã hội tân tiến hiện nay, ngày càng nhiều phát minh được sáng chế nhằm đáp ứng tối đa, thậm chí ngoài sức mong đợi của con người. Nếu không thực tập nếp sống giản dị, biết thế nào là đủ, ta sẽ bị cuốn theo vòng xoáy của tiền tài, danh vọng… Ta đánh đổi sức khỏe, thời gian, gia đình, bạn bè… cho những điều vô thường ấy. Ta sống và làm việc vì vật chất nên sẽ khổ vì vật chất. Và khi liên tục cung cấp thức ăn dục lạc cho sáu căn, dính mắc trong ta sẽ kết tủa sâu dày thành nội kết, khó mà gỡ ra được.

“Thanh bần thủ phận an nhàn” không có nghĩa là sống an phận mà là sống một cuộc đời tri túc, biết thế nào là đủ, sống càng khiêm cung, đơn giản, thanh bạch bao nhiêu thì cõi lòng càng sạch sẽ, trong lành bấy nhiêu. Càng ít dính mắc, càng ít nội kết thì cơ hội giải thoát càng cao. Người tu biết cách vượt qua khổ ải chính nhờ biết chế ngự lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý thật nghiêm minh, không cho cơ hội liều lĩnh luyến mong dục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Biết được nguồn gốc của khổ đau là dính mắc, ta sẽ biết cách tháo gỡ, cắt đứt cội rễ để không còn phải khổ đau nữa.

Vì tâm từ là không giới hạn nên ta có thể rải tâm từ mọi lúc mọi nơi, bất kể không gian và thời gian. Cho đi là nhận lại. Chúng ta bố thí bình an sẽ gặt được quả bình an.

Sớm mai người tỉnh giấc
Không còn thấy bâng khuâng
Không còn thấy hối hả
Vì người đã tỉnh giấc
Sau một cơn mê dài
Nơi dục lạc trần gian.

Biết rằng đời là mộng
Người không uống mà say
Nghĩ rằng mình mãi mãi
Người chỉ là lữ khách
Giữa bến xe luân hồi.

Vô thường đến rồi đi
Người chợt bừng tỉnh giấc
Hoa từ bi đang nở
Tâm tỉnh thức đang dậy
Nhìn đời bằng mắt thương
Mọi việc không vấn vương.

(1), (2) Từ Bi Kinh – Phỏng dịch xuôi vần theo bài giảng của Ðại đức Narada. Tỳ Kheo Tăng Định hợp soạn, Kinh Nhật Tụng Của Cư Sĩ, Hệ phái Nam Tông

Tường Lam

Theo Phật Pháp Ứng Dụng