Chư vị đồng tu, xin chào mọi người!
Chúng ta tiếp tục xem văn tự phía sau:
[Phàm dục tích thiện, quyết bất khả tuẫn nhĩ mục, duy tùng tâm nguyên âm vi xử, mặc mặc tẩy địch, thuần thị tế thế chi tâm, tắc vi đoan, cẩu hữu nhất hào mị thế chi tâm, tức vi khúc, thuần thị ái nhân chi tâm, tắc vi đoan, hữu nhất hào ngoạn thế chi tâm, tức vi khúc, giai đương tế biện.]
(Nếu muốn làm thiện, tuyệt đối không thể nghe theo ý nghỉ của tai và mắt mình. Mà phải từ trong nội tâm của ta mà thanh lọc; Tư tưởng giúp đời, tôn kính, thương người là thẳng. Nếu có một chút ý nghĩ nịnh bợ, hờn giận, bỡn cợt đời đều là cong. Ta nên phân biệt tỉ mỉ điều này.)
Đọan này là nói cho chúng ta cách biện biệt về “đoan” và “khúc”. Chúng ta phát tâm muốn tu thiện, phát tâm muốn tích đức, quyết định không thể để tai, mắt của mình lừa gạt; mắt hoan hỉ nhìn, tai hoan hỷ nghe, nếu là tùy thuận vào cái tâm tham này, chúng ta liền sai rồi.
Tất phải từ chỗ vi tế khởi tâm động niệm, đem tâm của mình tẩy cho sạch sẽ; câu này ý nói, quyết không thể để cho ý niệm tà ác khởi lên, làm ô nhiễm thanh tịnh tâm của chúng ta. Trong Phật kinh thường nói, Phật tại trong “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh” dạy cho chúng ta cương lĩnh của việc tu học, Phật giảng “ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, không để cho một tơ hào bất thiện xen tạp”, cùng với ý nghĩa mà tại đây nói hoàn toàn tương đồng, như vậy mới có thể khiến tâm chúng ta hoàn toàn thanh tịnh. Hết thảy đều là tâm muốn cứu thế giúp người, đây gọi là chân, bên trong quyết định không xen tạp một tơ hào tâm “ủy khúc”. Tâm ủy khúc này chính là tự tư tự lợi. Phía dưới cử ra cho chúng ta một ví dụ rất hay, nếu như có một chút tâm làm ơn của thế tục, đó gọi là khúc, không phải là chân. Đoan là đoan trực. Nhà Phật chỗ nói: “trực tâm là đạo tràng”, Liễu Phàm tiên sinh ở đây dùng “đoan”, đoan chính là trực, đoan tâm chính là trực tâm. Đoan là ngược lại của “khúc”, trong tâm bạn còn có một chút tâm làm ơn của thế tục, đó thì là sai rồi.
Tòan là tâm yêu thương người, ái nhân chính là đại từ đại bi mà Phật nói, trong ái không có tình, nếu có cảm tình thì là sai rồi; ái này là ái tâm thanh tịnh, ái tâm bình đẳng, ái tâm chân thành, đây là đoan. Nếu như trong đó vẫn còn tơ hào tâm oán hận không bình đẳng, chỗ này vô cùng vi tế, chúng ta trong cuộc sống thường ngày phải thường kiểm điểm: ta đối với người, đối với sự, đối với vật, còn có tâm chán ghét hay không? còn có tâm không hoan hỷ, mỏi mệt hay không? Nếu như vẫn còn có những ý niệm này, tâm mà chúng ta phát ra là khúc, tâm này không đoan, không phải là trực tâm. Tâm thể của bồ đề tâm là chân tâm. Trong “Khởi tín luận” nói “trực tâm, thâm tâm, đại bi tâm”, đây gọi là bồ đề tâm. “Bồ đề” là ý nghĩa giác ngộ, người chân chánh giác ngộ, tâm của họ là chân tâm. Tự thọ dụng là thâm tâm, thâm tâm là tâm háo thiện háo đức. Thiện đó, phía trước đã giảng qua, cái gì gọi là háo thiện? Đó chính là niệm niệm đều vì lợi ích cho người khác, niệm niệm đều vì lợi ích cho chúng sanh, đây là thiện; nếu như trong đó có xen tạp ý niệm tự lợi, đây là bất thiện. Tiêu chuẩn này nếu như không thể hiểu rất rõ ràng, rất minh bạch, thì đúng như cổ nhân nói, bạn tự cho rằng là tu thiện, lại không biết là đang tạo nghiệp! Cho nên bạn tu hành bao nhiêu năm, bạn đều không có cách nào để cải đổi vận mệnh, bạn đều không đạt được thành tựu tốt, bệnh căn rốt cuộc là phát sanh tại chỗ nào, bản thân bạn lại không biết.
Cho nên, “Liễu Phàm tứ huấn” là một quyển sách hay, hãy tỉ mỉ mà đọc, sau khi đọc xong, hãy tỉ mỉ mà tìm ra, nhận chân phản tỉnh lại, thế là bản thân liền minh bạch, biết được phải làm sao tu thiện, làm sao tích đức. Luôn là tâm cung kính người khác. Trong hai, ba năm lại đây, chúng ta đề xuất ra sống trong thế giới cảm ân, bất luận là thuận cảnh, nghịch cảnh, thiện duyên, ác duyên, đều không nên đem nó để trong tâm; trong tâm chỉ có tâm yêu thương, tâm cảm ân, đây là đoan. Giả như xen tạp tơ hào tâm bỡn cợt thế gian, đây là khúc. Những điểm này cần phải tỉ mỉ mà biện biệt cho được.
Phía dưới là cùng chúng ta nói đến: Cái gì gọi là “âm dương”.
[Hà vị âm dương]? Thiện có “âm thiện”, có “dương thiện”.
[Phàm vi thiện nhi nhân tri chi, tắc vi dương thiện, vi thiện nhi nhân bất tri, tắc vi âm đức, âm đức thiên báo chi, dương thiện hưởng thế danh, danh diệc phúc dã].
(Làm việc thiện mà người ta biết gọi là dương thiện. Làm việc thiện mà không ai hay gọi là âm đức. Âm đức, trời sẽ thưởng. Dương thiện, hưởng tiếng tăm. Tiếng tăm, cũng là phước báu vậy.)
Bạn hiện tại tu, hiện tại đã đem phước báu của mình hưởng tận rồi.
[Danh giả, tạo vật sở kị, thế chi hưởng thịnh danh nhi thật bất phó giả, đa hữu kì họa, nhân chi vô quá cữu nhi hoành bị ác danh giả, tử tôn vãng vãng sậu phát, âm dương chi tế vi hĩ tai.]
(Cho nên những ai hưởng tiếng tăm nhưng không xứng đáng với những gì họ làm thì thường gặp những tai họa bất ngờ. Còn người không tội lại bị oan, chịu tiếng xấu thì thường con cháu phát đạt. Chỗ sai biệt của dương thiện và âm thiện rất vi tế, cần phải cẩn thận suy xét. )
Đoạn này nói được rất hay! dương thiện và âm thiện dễ hiểu, so với “đoan khúc” thì dễ hiểu hơn nhiều. “Dương” là hoàn toàn hiển lộ ra, việc tốt mà bạn làm người người đều biết, trên báo chí biểu dương bạn, tiết mục trên truyền hình cũng được phát đi, tán thán bạn, việc tốt mà bạn làm này hoàn toàn đã báo hết. “Âm thiện”, việc thiện mà bạn làm không một ai biết, bản thân cũng không muốn nói cho bất kì người nào biết, đây là tốt, đây gọi là âm đức, tích âm đức. “Âm đức thiên báo chi” , bạn tương lai có đựơc quả báo dày, có được quả báo thù thắng, quả báo lâu dài. Nếu như là dương thiện, mọi người tán thán, tán dương bạn, cung kính bạn, đây cũng chính là quả báo, đây đều đã báo hết rồi. Chúng ta ngày nay trong xã hội thường nói “tri danh độ cao”, danh tiếng không một ai là không biết, đây cũng là phước, đều đã báo hết rồi. Thật tại mà nói, đây không phải là việc tốt.
Nhưng cổ nhân có cách nói “thực chí danh quy”, bạn chân thật có thật đức, tự nhiên có người đến tán thán bạn. Bạn ẩn giấu có cẩn mật hơn, cũng có một ngày bị người phát hiện ra; bị người phát hiện, người ta liền sẽ tán dương. Thí như Ấn Quang đại sư thời cận đại, Ấn Quang đại sư một đời tu thiện tích đức, tích âm đức, không có một người nào biết ngài. Đến khi lão nhân gia 70 tuổi, có vài vị cư sĩ, những người như Từ Úy; những vị đại cư sĩ đầu năm dân quốc, đều là những người có học vấn, có đạo đức. Họ đi triều bái Phổ Đà sơn, tại tàng kinh lâu ở Phổ Đà sơn gặp được Ấn Quang đại sư, cảm nhận được phong thái, lời nói của Ấn Quang đại sư cùng với người xuất gia thông thường khác không giống nhau, thế là thường thường thân cận ngài, thường thường thỉnh giáo ngài, mới biết được lão pháp sư này chân thật có đức hạnh.
Họ quay về Thượng Hải, viết được không ít bài văn chương, còn phát biểu trên báo chí, tạp chí, thế là đại danh của Ấn Quang đại sư liền truyền đi. Đây không phải là Ấn Quang đại sư ủy thác cho họ, mà là những người bọn họ chân thật đã nhìn thấy được một cao tăng đại đức như thế, phổ biến giới thiệu đến quảng đại quần chúng, đây gọi là “thực chí danh quy”. Đây không phải là hư danh, chân thật có đức hạnh thực sự, chúng ta phải hiểu rõ.
Liễu Phàm tiên sinh tiếp tục nói, “danh giả tạo vật sở kị” , thiên địa quỷ thần đều cấm kị, cho nên “danh” không phải là việc tốt, danh tiếng lộ ra không phải là việc tốt. “Thế chi hưởng thịnh danh nhi thực bất phó giả, đa hữu kì họa”, chúng ta từ trên lịch sử mà xem thấy, hiện tại trong xã hội này, chúng ta phải tỉ mỉ mà quan sát, quả báo hiện đời! Người mà danh tiếng quá lớn, người đó lại không có đức hạnh chân thật, sẽ thường gặp phải những tai nạn bất ngờ. Tại thế gian hưởng tiếng tăm lớn, những người nào dễ dàng nổi danh nhất? Ở trong nước, ngoài nước, mọi người đều biết, những minh tinh điện ảnh là dễ nổi danh nhất. Anh ta nổi tiếng, đó cũng là phước báu; nếu như anh ta không có thực đức, xác thực là thường gặp phải những tai nạn bất ngờ. Chúng ta xem thấy những đại minh tinh trong nước, ngoài nước, những ngôi sao nổi danh, số người mà chân thật có đức không nhiều.
Liễu Phàm tiên sinh, câu nói này của ông có ứng nghiệm. Không chỉ là thế giới giải trí, mà là trong bất kí hành nghiệp nào cũng vậy, nếu như không có đức hạnh chân thật, mức độ danh tiếng được biết đến của anh ta càng lớn, cơ hội tiềm ẩn những tai nạn bất ngờ càng nhiều, điều này chúng ta phải biết.
[Nhân chi vô quá cữu cao nhi hoành bi ác danh giả], người này không có lỗi lầm, là người thiện, là người tốt, mà bị người khác vũ nhục, bị người khác hiểu lầm, tiếng ác truyền đi khắp nơi. Mọi người nhắc đến anh ta, đều là mắng anh ta mấy câu, đây lại là một việc tốt. Tốt tại chỗ nào? Tội chướng của anh ta đã báo hết rồi; mỗi người nhìn thấy anh ta, đều là liếc nhìn bằng một con mắt, mắng anh ta vài câu, đây cũng là quả báo, đem tội chướng của anh ta từ vô lượng kiếp đến nay đều tiêu trừ hết.
“Tử tôn vãng vãng sậu phát”, con cháu của anh ta thường trong khi vô tình mà phát đạt, cũng có một số ít người, hiện tại vào lúc cuối đời phát đạt. “Âm dương chi tế vi hĩ tai”, quả báo của âm đức, dương đức vô cùng vi diệu! Không thể không phân biệt được, chúng ta đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức nên làm như thế nào, bản thân phải minh bạch.
Phía sau đoạn thứ tư:
[Hà vị thị phi]?
Thiện có “thị”, có “phi”. Tiên sinh từ trong lịch sử cử ra cho chúng ta một ví dụ.
[Lỗ quốc chi pháp]
Nước Lỗ là quê hương của của Khổng lão phu tử thời đại Xuân Thu.
[Lỗ nhân hữu thục nhân thần thiếp ư chư hầu, giai thụ kim ư phủ].
Đây là pháp luật của nước Lỗ. Người nước Lỗ, khi bị cùng khốn, bị người bán đến nước khác làm nô lệ. Người nào có thể chuộc những người đó về, chính quyền nước Lỗ sẽ ban thưởng tiền cho người đó.
[Tử Cống thục nhân bất thụ kim, Khổng Tử văn nhi ác chi, viết tứ thất chi hĩ].
Tử Cống là học trò của Khổng Tử, anh ta chuộc người, sau khi chuộc người, lại không tiếp nhận phần thưởng của nhà nước. Khổng tử nghe được, quở trách ông. “Tứ” là tên tự của Tử Cống. “thất chi”, anh sai rồi! Sai tại chỗ nào? Phía sau liền nói:
[Phù thánh nhân cử sự, khả dĩ di phong dị tục, nhi giáo đạo khả thi ư bách tính, phi độc thích dĩ chi hành dã.]
Khổng lão phu tử liền dạy rằng: “Trò sai chỗ nào ư? Thánh hiền làm việc, họ có một nguyên tắc, nguyên tắc này quyết định là có thể di phong dị tục; câu này có nghĩa, giúp đỡ xã hội sửa đổi tốt hơn quan niệm không tốt. Việc này có thể làm, có thể giáo hóa bách tính, làm mô phạm cho người dân”. Hiện tại, chúng ta tại các nơi giảng kinh, đưa ra một đề mục “học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, chính là ý này. Cái chúng ta học, nhất định có thể vì đại chúng xã hội làm một mô phạm, chúng ta không học, chúng ta không để thời gian lãng phí, không lãng phí tinh thần sức lực. Câu này ý nói, nhất định là việc có lợi ích cho xã hội, có lợi ích cho chúng sanh, chúng ta cần phải nhận chân nỗ lực mà học tập. Có thể vì xã hội làm một mô phạm, làm một tấm gương, cái sự việc này chúng ta phải làm.
“Tử Cống cứu người mà không nhận tiền thưởng”, không đủ để làm mô phạm tốt cho người đời, cho nên Khổng lão phu tử quở trách ông. “Phi độc thích kỉ chi hành dã”, không thể tùy theo ý thích của mình, “tôi thích làm như vậy”, không thể được, bạn phải chiếu cố đến xã hội đại chúng.
[Kim Lỗ quốc phú gia quả nhi bần giả chúng]
Đây là nói đến xã hội hiện tại nước Lỗ, người phú quý thì ít, người nghèo khổ thì nhiều.
Tử Cống chuộc người, tiếp nhận sự ban thưởng của nhà nước, cảm thấy bản thân không liêm khiết, ảnh hưởng của điều này quá lớn.
[Hà dĩ tương thục hồ?]
Vậy còn có ai dám chuộc người nữa chứ? Đây là bị Tử Cống phá hoại. Câu này ý nói, phải hiểu được ý tứ của thánh nhân, Tử Cống chuộc người nhất định phải vui vẻ nhận tiền thưởng của nhà nước, để khuyến khích những người có tiền trong xã hội, chuộc những người dân của nước mình đang làm nô lệ cho nước ngoài trở về, đây mới là việc làm tốt. Ngươi hôm nay chuộc người không chịu nhận tiền thưởng, tự cho rằng mình rất liêm khiết, nhận tiền thưởng thì không liêm khiết, tuy rằng đối với bản thân mà nói thì có thể chấp nhận, nhưng đối với tập quán của toàn thể xã hội mà nói thì ngươi sai rồi.
[Tự kim dĩ hậu, bất phục thục nhân ư chư hầu hĩ]
Các nước chư hầu này là chư hầu của quốc gia khác. Còn có ai chịu đi chuộc người chứ? Do đây có thể biết, tiêu chuẩn đúng sai của thánh nhân, cùng với tiêu chuẩn đúng sai của người thường, là không giống nhau. Phía sau lại cử ra một ví dụ:
[Tử Lộ chửng nhân ư nịch, kì nhân tạ chi dĩ ngưu, tử lộ thụ chi, khổng tử hỉ viết, tự kim Lỗ quốc đa chửng nhân ư nịch.]
Đây là nhãn quang của Khổng lão phu tử. Tử Lộ là học trò của Khổng lão phu tử, ông nhìn thấy có người rơi xuống nước, rất nhanh sẽ bị chết đuối, ông liền cứu người đó lên. Người đó đối với ông vô cùng cảm kích, tặng ông một con bò, Tử Lộ liền nhận lấy; Tử Lộ không cự tuyệt. Khổng lão phu tử nghe được rất hoan hỉ, Khổng lão phu tử nói rằng: “Từ nay về sau, nước Lỗ sẽ có rất nhiều cứu những người chết đuối”. Tại sao? Vì nhận được sự báo đáp của người. Hai sự việc này:
[Tự tục nhãn quan chi, tử cống bất thụ kim vi ưu]. (Dưới cặp mắt của người thường thì Tử Công không lãnh tiền thưởng là cao cả.)
Đây là đáng được tán thán.
[Tử Lộ chi thụ ngưu vi liệt]. (Tử Lộ nhận tặng trâu là thấp hèn)
Đây là nói tử lộ không bằng tử cống. Thế nhưng:
[Khổng tử tắc thủ Do nhi truất Tứ yên].
Cách nhìn của Khổng tử cùng với chúng ta không giống nhau, ông tán thán Tử Lộ. “Do” là tên chữ của Tử Lộ, “Tứ” là tên chữ của Tử Cống. Ông tán thán Tử Lộ, trách cứ Tử Cống.
[Nãi tri nhân chi vi thiện, bất luận hiện hành nhi luận lưu tế, bất luận nhất thời nhi luận cửu viễn, bất luận nhất thân nhi luận thiên hạ.]
(Cho nên quan niệm làm thiện không nên nghĩ tới lợi ích trước mắt mà phải nghĩ đến hậu quả lâu dài về sau. Không nên nghĩ đến đúng cho bây giờ mà phải nghĩ đến đúng cho tương lai. Không nghĩ đến riêng cho mình mà phải nghĩ đến cho mọi người.)
Ba câu nói này vô cùng quan trọng! Chúng ta phải ghi nhớ cho kỹ. Chúng ta hành thiện, ảnh hưởng của điều thiện này, phải trên diện rộng, thời gian phải dài, cái thiện này là phải, đây là đại thiện. Nếu như bề mặt ảnh hưởng nhỏ, thời gian ảnh hưởng ngắn, đây là thiện nhỏ, đoạn này là nói “phi thiện”.
“Bất luận hiện hành nhi luận lưu tế”, “lưu tế” dùng cách nói hiện nay là ảnh hưởng. “Bất luận nhất thời nhi luận cửu viễn”, quyết định không thể là một thời gian, ảnh hưởng của nó là dài lâu. “Bất luận nhất thân nhi luận thiên hạ”, được lợi ích không phải chỉ có một người, mà là nói cả thiên hạ đều có lợi ích, cái thiện này là “Thị”.
[Hiện hành tuy thiện, nhi kỳ lưu túc dĩ hại nhân, tắc tự thiện nhi thật phi dã].
(Việc làm tuy thiện cho hiện thời nhưng sẽ có tác hại khi diễn tiến trong tương lai thì đó không phải là việc thiện.)
Trường hợp của Tử Cống chính là nói cho điều này. Anh ta hiện tại là đang làm việc thiện, giống như là điều thiện, nhưng ảnh hưởng của anh ta không tốt, ảnh hưởng này làm trở ngại cho rất nhiều người muốn đi chuộc người về nước; bạn trở ngại người khác, bạn không phải là hại đến người khác sao? Cho nên điều này giống như là thiện nhưng thực ra là phi thiện. Lí luận này rất sâu, người có thể nhìn ra được không nhiều, thánh nhân mới có thể nhìn thấu.
[Hiện hành tuy bất thiện, nhi kỳ lưu túc dĩ tế nhân, tắc phi thiện nhi thật thị dã].
(Còn việc làm hiện thời tuy không thiện nhưng về sau này sẽ có lợi ích nhiều cho mọi người thì đó không thiện mà thiện.)
Tử Lộ chính là như vậy. Tử Lộ cứu sống một người, người ta tặng anh một con bò, anh liền tiếp nhận. Nhìn giống như không thiện nhưng anh ta lại có thể ảnh hưởng đến người khác, khiến người khác nghe đến hành vi của Tử Lộ, họ thấy người ngã xuống nước, cũng sẽ rất dũng cảm mà xuống cứu người đó. Việc làm của Tử Lộ xem ra có vẻ bất thiện, nhưng thực tại đó chính là thiện.
[Nhiên thử tựu nhất tiết luận chi nhĩ]
Đây chính là cử ra sự việc này mà nói:
[Tha như phi nghĩa chi nghĩa, phi lễ chi lễ, phi tín chi tín, phi từ chi từ, giai đương quyết trạch].
Sự việc đúng sai quá nhiều rồi, chúng ta đều phải hiểu được. Cái gì gọi là “nghĩa”? Cái gì gọi là “bất nghĩa”? Chúng ta đều phải có năng lực biện biệt. Cái gì gọi là “lễ”? Cái gì là “tín”? Cái gì là “từ bi chân chánh”? Tại chỗ này, thí như nói có một người làm điều xấu, làm điều ác, quyết định là phải trừng phạt anh ta, quyết định không thể tha thứ cho anh ta; có người tha thứ cho người phạm tội này, việc này có được tính là nghĩa hay không? Bạn nhất định phải quán sát người này. Giả như có người làm việc sai trái lại được tha thứ, người xấu này nhất định càng táo bạo hơn, tương lai anh ta sẽ làm nhiều việc ác hơn nữa, khiến cho rất nhiều người bị hại, việc làm tha thứ này của bạn là sai lầm rồi; nếu như bạn có thể cảnh giác cho anh ta, trừng phạt anh ta, anh ta về sau không dám làm việc phạm pháp nữa, như vậy mới là nghĩa chân thật. Cái này gọi là “phi nghĩa chi nghĩa”. “Lễ” là điều mà người người đều có, nhưng có mức độ. Dùng lễ mạo để đối người là lễ, nếu như quá phận mà đi cung kính, đi tán thán, người này sẽ trở nên kiêu ngạo, cái này gọi là “phi lễ”. Cho nên trong đời sống thường ngày, chúng ta không thể không cẩn thận, không thể không tỉ mỉ.
Tín phải dùng cho cẩn trọng, cũng phải xem trạng huống. Nếu như chú trọng vào điều tín nhỏ, cái tín này, là vì chú trọng vào tiểu tín mà bỏ mất đại tín, đây là sai rồi. Thánh nhân coi trọng cái tín lớn, có lúc có thể buông bỏ điều tín nhỏ, đây gọi là “phi tín chi tín”.
Từ là từ ái, từ ái nhưng không thái quá, nếu như thái quá thì liền biến thành không nhân từ; “Phi từ chi từ”. Những điều này đều là nói bạn vốn dĩ là tâm tốt, bạn lại dùng không đúng cách. Nghĩa là điều tốt, nhưng bạn lại dùng sai; lễ là tốt, nhưng bạn lại dùng không đúng; tín là việc tốt, nhưng bạn cũng dùng sai rồi. Nhà Phật thường nói:“Từ bi đa họa hại, phương tiện xuất hạ lưu”, từ bi, phương tiện là phương pháp giáo học tối quan trọng của nhà Phật. Phật môn thường nói: “Từ bi vi bổn, phương tiện vi môn”, làm sao từ bi có thể trở thành họa hại, phương tiện lại biến thành hạ lưu? Là vì dùng không thích đáng, phi bi chi bi, phi phương tiện chi phương tiện, dùng sai rồi.
Đoạn thứ năm giảng nói “Thiên-Chánh”:
[Hà vị thiên chánh, tích lữ văn ý cồn, sơ từ tương vị, quy cố lí, hải nội ngưỡng chi, như thái san bắc đẩu, hữu nhất hương nhân, túy nhi lị chi, lữ công bất động, vị kì bộc viết, túy giả vật dữ giác dã, bế môn tạ chi, du niên, kì nhân phạm tử hình nhập ngục, lữ công thủy hối chi viết, sử đương thì sảo dữ kế giác, tống công gia trách trị, khả dĩ tiểu trừng nhi đại giới, ngô đương thời chỉ dục tồn tâm ư hậu, bất vị dưỡng thành thử, thử dĩ thiện tâm nhi hành ác sự giả dã].
(Thế nào là thiện chánh hay thiện tà ? Xưa có ông Lữ văn Ý. Lúc mới từ chức thủ tướng về hưu, dân trong nước ai cũng mến phục kính nễ. Nhưng có lần có một dân làng say rượu chửi mắng ông. Ông không giận và bảo người hầu rằng : « Đừng suy bì với người say rượu, lễ phép mời họ về ». Qua năm sau, người đó phạm tội tử hình bị giam vào tù. Ông Lữ lúc đó hối hận rằng : « Nếu hôm đó ta cho hắn một bài học, đưa ra quan toà trừng phạt. Có lẽ nhờ chút trừng phạt có thể làm hắn sửa đổi lại hơn là ta vì quá nhân hậu tha thứ bỏ qua mà làm cho hắn càng lộng hành thêm và cuối cùng phải chịu hậu quả ngày hôm nay ». Đó là một ví dụ vì lòng thiện mà hóa ra làm ác. )
Ông Lữ Văn Ý, Văn Ý là tên thụy của ông, tên của ông gọi là Nguyên, Lữ Nguyên, hiệu gọi là Phụng Nguyên, ông là người huyện Tú Thủy, tỉnh Chiết Giang, sinh vào thời Minh triều Anh Tông chính thống, làm đến chức tể tướng. Người này vô cùng tốt, là người tốt, là người trung hậu. Khi ông bãi chức tể tưởng: “sơ từ tương lập”, đây là chỉ cho việc ông cáo lão về quê, sau khi từ chức, ông quay về cố hương, về đến quê nhà. Tuy là từ bỏ chức tể tướng, nhưng với sự nghiệp và đức hạnh của lão nhân gia khiến: “hải nạp ngưỡng chi, như Thái Sơn Bắc Đẩu”, chính là nói ông được mọi người tôn kính, ngưỡng mộ như Thái Sơn Bắc Đẩu vậy, hai từ “Thái Sơn Bắc Đẩu” này là hình dung từ.
Có một lần ông gặp được một người cùng quê, người đồng hương này uống rượu say, chửi mắng ông. “Lữ công bất động”, nghe được người uống rượu say chửi mắng ông, ông vẫn không động tâm, và nói với tùy tùng rằng: “anh ta say rồi, không cần tính tóan, không nên để ý đến anh ta”, “bế môn tạ chi”. Qua một năm, người đó phạm tội tử hình. Lữ lão tiên sinh nghe được sự việc này liền bắt đầu hối hận, ông nói “giả như năm ngoái khi anh ta say rượu mắng chửi ông, ông liền đem anh ta giao nộp cho quan phủ trị tội, việc xử phạt nhỏ đó, khiến anh ta có thể sinh khởi tâm cảnh giác, không đến nỗi làm ra việc xấu lớn đến như vậy.” Ông nói: “lúc đó ta chỉ nghĩ giữ tâm thuần hậu, nào ngờ đến làm như vậy ngược lại nuôi dưỡng tội ác của anh ta, là bắt nguồn từ sự việc đó”. Đây chính là thiện tâm làm thành ác sự.
[Hựu hữu dĩ ác tâm nhi hành thiện sự giả], (Lại có khi làm ác mà hóa ra làm việc thiện). Lại nói về một sự việc ngược lại.
[Như mỗ gia đại phú], có một người rất giàu có nọ.
[Trị tuế hoang], lại gặp năm hạn hán mất mùa.
[Cùng dân bạch trú thưởng túc ư thị]
“Túc” là lương thực, là lúa gạo. Năm hạn hán, người nghèo ban ngày đi trộm lương thực. Người giàu có nọ cáo trạng với phủ huyện, nhưng quan huyện không xử lí.
[Cùng dân dũ tứ]. Các người dân nghèo này càng cướp bóc nhiều hơn, càng không kiêng dè gì cả.
[Toại tư chấp nhi khốn nhục chi, chúng thủy định, bất nhiên cơ loạn hĩ].
Người giàu đó bị buộc không còn cách nào khác, bản thân ông trong nhà có thiết lập riêng một hình đường, đem tất cả những kẻ cướp bóc đó bắt trói lại phán xét, trừng phạt họ, như vậy đã đem sự việc cướp bóc đó bình định lại. Nếu như không như vậy, họ đều biến thành bạo dân, có thể khiến cho xã hội bị nhiễu loạn. Đây là cử ra một ví dụ, ông là dùng tâm ác làm ra một việc tốt.
[Cố thiện giả vi chính, ác giả vi thiên, nhân giai tri chi]. (Cho nên ai cũng hiểu việc thiện là chánh, việc ác là tà).
Đây là mọi người đều biết.
[Kỳ dĩ thiện tâm nhi hành ác sự giả, chánh trung thiên, dĩ ác tâm nhi hành thiện sự giả, thiên trung chánh dã, bất khả bất tri dã.]
(Nhưng có trường hợp việc làm có vẻ ác nhưng với động cơ thiện. Cũng có trường hợp làm thiện nhưng với động cơ ác. Không thể không biết vậy)
Nếu như đối với đạo lí này, chân tướng sự thật liễu giải không đủ thấu triệt, xưa nay chúng ta vẫn tự cho đó là việc thiện, nhưng chưa hẳn là chân thiện, cho nên hành thiện phải chú ý nhiều hơn điều đó.
Đoạn phía sau nói: “Hà vị bán mãn”.
Bạn hành thiện, công đức của thiện có viên mãn hay không? Hay là chỉ có một nữa?
[Dịch viết, thiện bất tích, bất túc dĩ thành danh, ác bất tích, bất túc dĩ diệt thân].
(Kinh dịch nói: « Trữ thiện nhiều mới có danh tiếng tốt. Trữ ác nhiều mới có họa sát thân »)
Đây là đưa ra hai câu nói trong kinh Dịch, thiện cùng ác đều phải là do tích trữ, báo ứng mới có thể hiện tiền.
[Thư viết: Thương tội quán doanh].
Đây là một câu nói trong kinh Thư, cuối đời nhà Thương tội nghiệt tạo ra quá nhiều, cho nên Vũ vương khởi nghĩa diệt nhà Ân Thương. Phía dưới dùng tỉ dụ để nói rõ:
[Như trữ vật ư khí]. Đây là chỉ cho việc cất trữ đồ vật trong kho chứa của họ.
[Cẩn nhi tích chi, tắc mãn]. Chúng ta rất siêng năng, thường hay tích lũy, nhờ đó kho được đầy.
[Giải nhi bất tích, tắc bất mãn].
Giải là giải đãi; nếu như không thường thường tích trữ, kho không thể đầy được.
[Thử nhất thuyết dã]
Đây là cách nói về “bán thiện và mãn thiện”, cách nói này phải biết, đây là nói phải cẩn thận mà tích trữ, thì điều thiện của bạn được viên mãn. Nếu như bạn lười biếng, ngẫu nhiên gặp được, thì làm một chút việc thiện, hoàn toàn không phải vì lợi ích của tất cả chúng sanh, điều thiện mà bạn làm này chỉ có một nửa thiện, không thể làm được đến viên mãn, đây là một cách nói. Phía sau lại có một cách nói nữa, ông cử ra ví dụ:
[Tích hữu mỗ dân nữ nhập tự].
Đây là nói lúc trước có một cô con gái nhà nọ đi đến chùa.
[Dục thí nhi vô tài, chỉ hữu tiền nhị văn, quyên nhi dữ chi, chủ tịch giả thân vi sám hối].
Đây là một cô gái nghèo, trên người chỉ còn có hai đồng tiền, cô ta liền đem hai đồng tiền này ra quyên hiến cho chùa. Trụ trì chùa, “chủ tịch” là nói hòa thượng trụ trì, đích thân ông đến tụng kinh sám hối cho cô.
[Cập hậu nhập cung phú quý, huề sổ thiên kim nhập tự xả chi]
Trải qua vài năm, cô gái này được tuyển chọn vào cung làm phi tần, hưởng thụ phú quý thế gian. Cô ta mang “sổ thiên kim nhập tự xả chi”, lần này đến chùa, đại khái cũng là hoàn nguyện; lúc nhỏ tại trong chùa này, thường đến nơi đây thắp hương cầu nguyện, đời này quả nhiên được phú quý, lại đến ngôi chùa này để thắp hương, lại mang theo rất nhiều tài vật đến bố thí.
[Chủ tăng duy lệnh kỳ đồ hồi hướng nhi dĩ].
Vị hòa thượng trụ trì này không đích thân hồi hướng cho cô ta nữa, mà gọi người đồ đệ của ông đến thay thế hồi hướng cho cô thì được rồi.
[Nhân vấn viết]. Cô gái đó liền hỏi:
[Ngô tiền thì tiền nhị văn, sư thân vị sám hối].
Cô ta nói: Trước đây khi con còn nhỏ đến nơi đây, con chỉ cúng dường hai đồng, sự phụ đích thân vì con mà sám hối.
[Kim thí số ngàn kim, nhi sư bất hồi hướng, hà dã].
Ngày nay con lại đến nơi này, mang theo mấy ngàn lượng bạc đến cúng dường, lão sư phụ ngài lại không hồi hướng cho con, tại sao lại như thế?
[Viết]. Lão hòa thượng nói:
[Tiền giả vật tuy bạc, nhi thí tâm kỳ chân, phi lão tăng thân sám, bất túc báo đức, kim vật tuy hậu, nhi thí tâm bất nhược tiền nhật chi thiết].
(Trước kia tiền tuy ít nhưng lòng chân thành, nếu lão tăng không đích thân bái sám hồi hướng thì e không xứng với công đức này. Nay tiền cúng dường tuy nhiều, nhưng lòng thành không chí thiết bằng ngày trước.)
Trước đây cô đến chùa thắp hương lễ Phật cúng dường hai đồng tiền, nhưng tâm của cô là chân thành, tôi không đích thân sám hối giúp cô thì không đủ báo đáp công đức của cô. Ngày nay lễ vật cô mang theo cúng dường tuy phong phú nhưng tâm của cô không chân thiết giống như lúc trước.
[Lệnh nhân đại sám túc hĩ].
Tôi bảo đồ đệ của mình thay thế sám hối giúp cô cũng được rồi. Ở đây chúng ta hãy tỉ mỉ mà suy xét.
[Thử thiên kim vi bán, nhi nhị văn vi mãn dã].
Đây là thiện, tâm chân thành, tuy là bố thí ít nhưng thiện phước mà cô ta có được là viên mãn. Tâm không thành, cô ta làm phi tần, thế gian chúng ta gọi là nương nương, tránh không được mang theo tập khí cống cao ngã mạn của người giàu có, đức của cô ta liền tổn giảm; lúc đến lễ Phật, tiền hô hậu ủng, hùng dũng vô cùng, trên thực tế phước cô ta tu được chỉ là bán thiện mà thôi.
Phía dưới Liễu Phàm tiên sinh lại cử ra một câu chuyện nữa:
[Chung Ly thụ đan ư Lữ tổ]
Hán Chung Ly, là một trong bát tiên, ông ấy phải độ cho Lữ Động Tân, dạy cho Lữ Động Tân:
[Điểm thiết vi kim, khả dĩ tế thế].
Bạn muốn cứu giúp người nghèo khổ nhất định phải có tiền, ông ta có một bộ pháp thuật có thể “điểm thiết thành kim”.
[Lữ vấn viết, chung biến phủ]
Lữ Động liền hỏi: tôi đem thiết biến thành vàng, vậy nó có thể hoàn nguyên lại hay không, vàng này có thể lại thành thiết hay không?
[Viết, ngũ bách niên hậu, đương phục bản chất]
Hán Chung Ly nói: sau năm trăm năm, vẫn có thể trở lại như ban đầu. Lữ Động Tân liền nói:
[Lữ viết, như thử tắc hại ngũ bách niên hậu nhân hĩ, ngô bất nguyện vi dã.] (« Vậy tôi không học vì phương pháp này sẽ hại đến người năm trăm năm về sau.)
Tôi không làm việc này, tôi không muốn làm.
[Viết]. Hán Chung Ly liền nói:
[Tu tiên yếu tích tam thiên công đức, nhử thử nhất ngôn, tam thiên công đức hành dĩ mãn hĩ, thử hựu nhất thuyết dã.]
(Muốn tu tiên cần phải tích trữ ba ngàn công hạnh, nhưng chỉ câu trả lời này đã trọn đầy ba ngàn công hạnh rồi.)
Ông nói về “bán” và “mãn” đã cử ra ba ví dụ, chính là ba cách nói. Cho nên, bản thân chúng ta phải suy nghĩ, chúng ta tu thiện tích đức, đến cuối cùng thiện mà chúng ta làm là mãn thiện hay là bán thiện? Chúng ta hiện tại có quả báo là viên mãn hay có khiếm khuyết? Bán chính là có khiếm khuyết, sự việc này không thể không biết. Người học Phật thông thường bản chất là tốt, tâm đều là tốt, vô cùng đáng tiếc là họ không có trí tuệ này, không có kiến thức này, cho nên trên lí luận, phương pháp có sự sai lệch, luôn luôn tu thiện, quả báo có được lại không viên mãn, đạo lí đều tại chỗ này, quay đầu lại nghĩ đến hành vi, việc làm của bản thân trong một cả đời, nên có được là quả báo như thế nào?
Tốt, chỉ giảng đến đây thôi. Amidaphat.
Website Phật Pháp Ứng Dụng chân thành cảm tạ dịch giả Diệu Âm đã gửi tặng các bài dịch từ pháp âm “Liễu Phàm Tứ Huấn” do Hoà Thượng Tịnh Không giảng tại Trung Quốc. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.