Auto Draft

Một thời, Thế Tôn trú ở Savàtthi. Rồi Bà la môn Bhikkhaka đi đến, sau khi chào đón, hỏi thăm, ngồi xuống một bên bạch Thế Tôn:

Thưa Tôn giả Gotama, con là người khất thực và Tôn giả cũng là người khất thực. Vậy có sự sai khác gì giữa chúng ta?

Thế Tôn đáp: “Không phải ai ăn xin; cũng gọi là khất sĩ; nếu chấp trì độc pháp; không còn gọi Tỷ kheo; ai sống ở đời này; từ bỏ các phước báo; đoạn trừ mọi ác pháp; hành trì theo phạm hạnh; sống đời sống chánh trí; vị ấy xứng Tỷ kheo”.

Khi được nghe nói như vậy, Bà la môn Bhikkhaka bạch Thế Tôn:

Thật vi diệu thay Tôn giả Gotama! Mong Tôn giả nhận con làm đệ tử, từ nay đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 7, phẩm Cư sĩ, phần Bhikkhaka,
VNCPHVN ấn hành 1993, tr.400)

LỜI BÀN:

Khất sĩ là một trong những ý nghĩa cao quý của Tỷ kheo. Về phuơng diện nuôi sống thân mạng, Tỷ kheo chọn pháp khất thực là một kẻ ăn xin đích thực. Trong vô vàn kẻ ăn xin lang thang từ nơi này đến nơi khác tìm cái ăn để sống vất vưởng qua ngày thì những người ăn xin, Tỷ kheo trì bình khất thực với mục đích hoàn toàn khác, vì tự lợi và lợi tha. Tự lợi là dùng khất thực làm phương tiện nuôi dưỡng sắc thân để tu tập. Lợi tha là dùng phương tiện khất thực để giáo hóa và tạo phước điền cho chúng sanh. Vì thế, khất thực là truyền thống của mười phương ba đời chư Phật.

Khất sĩ là người ăn xin nhưng không phải là kẻ xin ăn nào cũng là khất sĩ, Thế Tôn đã khẳng định như vậy. Nếu thực hành hạnh khất thực hành phạm hạnh, không sống đời chánh trí thì không phải Tỷ kheo. Ngày nay, đa phần Tỷ kheo không trì bình khất thực nhưng vẫn nhận sự cúng của Phật tử và sự ủng hộ của các nhà hảo tâm để sống, tu tập và thực thi Phật sự. Dù không trực tiếp thực hành theo phương thức “một bát, cơm ngàn nhà” nhưng bản chất của khất sĩ vẫn không thay đổi.

Quán chiếu để thấy tự thân là một khất sĩ, một người ăn xin đích thực là nhiệm vụ của mỗi Tỷ kheo. Nguyện sống đồi khất sĩ không cầu phước báo nhân thiên, chỉ vì mục đích duy nhất là thoát ly sanh tử và nguyện cứu độ chúng sanh. Trong tinh thần phương tiện, một khất sĩ có thể và có quyền sở hữu nhưng phải thường quán sát với tuệ giác không có bất cứ cái gì “là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi”.

Tuệ tri thường trực về ý nghĩa và bản chất của đời sống khất sĩ là động lực quan trọng để làm suy giảm, dẫn đến triệt tiêu tự ngã và tham ái. Đó cũng là lý do hàng phật tử khi tu tập bố thí, gieo trồng ruộng phước nơi chúng Tăng không đơn thuần bố thí mà mang ý nghĩa cao cả là cung kính cúng dường.

Nguồn: Thư Viện Hoa Sen