Cả người lớn và trẻ con, chúng ta đã quen thuộc với nhân vật “con nhà người ta”. Trong mắt các bậc phụ huynh “con nhà người ta” bao giờ cũng hơn con mình, hoàn hảo và xuất sắc.

Ngày nay có rất nhiều khoá học dạy trẻ tự tin hơn, ba mẹ cũng cố gắng bằng mọi cách để con thành công hơn và cho rằng con sẽ hạnh phúc hơn. Nhưng hạnh phúc đó nhiều khi bị hiểu lầm là con phải hơn người khác, hạnh phúc có được nhờ sự so bì. Và để tự tin, hạnh phúc, con luôn phải đặt mình trong cuộc đua của sự cạnh tranh.

Ai trong chúng ta cũng cần được người khác chấp nhận những khác biệt, tôn trọng và yêu thương. Và câu chuyện của giáo dục là giúp các con nhận ra được giá trị của mình đối với xung quanh. Bởi khi đó, con sẽ cảm thấy hạnh phúc và muốn làm một điều gì đó tốt đẹp cho mình và cho người khác. Đó là động lực bên trong để khơi dậy tất cả những tiềm năng bên trong của một đứa trẻ.

Đừng bao giờ mong con mình phải hoàn hảo hay so sánh con với người khác. Đừng kỳ vọng rằng con sẽ trở thành người giỏi nhất, vì mỗi đứa trẻ đều có những vẻ đẹp và giá trị riêng của chúng.

Nếu con thích các hoạt động về xã hội thì đừng bắt chúng phải giỏi tất cả các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh. Những người xuất chúng hay vĩ nhân trên thế giới đều là những người chỉ giỏi trong 1 vài lĩnh vực.

Hãy trao cho con có quyền được quyết định và sống cuộc đời của mình.

Trẻ em hình thành niềm tin từ việc quan sát và hấp thụ thế giới bên ngoài. Người lớn nghĩ về các em như thế nào thì em sẽ có chiều hướng tin mình như thế ấy.

Trong khoảng thời gian thơ ấu mong manh, đang hình thành ý thức bản thân về thế giới, những gì người lớn gieo vào các em được nạp một cách tự nhiên và hình thành nên hệ thống niềm tin trong mỗi đứa trẻ. Khi ta biết mỗi một điều ta gieo vào lòng em đều có thể nảy mầm và ảnh hưởng tới niềm tin của em về chính bản thân mình.

Niềm tin ấy có thể được hình thành từ những điều rất nhỏ như để em cùng làm những điều mình đang làm, để em giúp đỡ mình bằng cách của em,đến những việc khiến em có thể hỉnh mũi tự hào sâu sắc như để em đang chỉ cho mình những điều em biết.

Mỗi đứa trẻ cần ít nhất một người lớn đặt niềm tin vào chúng. Chỉ cần vậy trong em đã được nuôi dưỡng niềm tin với ý nghĩ “Mình được phép tin tưởng vào những điều tốt đẹp trong mình“.

(Trích: Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới)