Tâm lý chung của phụ huynh là nghĩ đời mình đã quá nhiều đau khổ và không muốn con cũng khổ như mình, mong con được hưởng sung sướng, thương con là dành những điều tốt đẹp, thuận lợi nhất cho con.

Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi trưởng thành là hành trình đi qua các nỗi đau. Lớn lên ai cũng mắc sai lầm, vấp ngã, mang những nỗi buồn. Tùy vào những tổn thương đã để lại vết sẹo trong lòng mà chúng ta vô tình trở nên khép kín, sợ hãi. Và người lớn che lấp những nỗi sợ của mình bằng những kỳ vọng vào đứa trẻ.

Nhưng ba mẹ không thể sống thay cuộc đời con, mà bằng cách rèn cho con thói quen tự CHỊU TRÁCH NHIỆM với chính mình, đó là điều kiện tiên quyết của một đứa trẻ hạnh phúc.

Như là việc BÓC HÀNH, GỌT MƯỚP, NHẶT RAU … trước khi vào mẫu giáo

Có thể ba mẹ đã thuê người giúp việc về để đảm đang các việc trong nhà, nhưng sẽ rất vui nếu để trẻ vào bếp và cùng nấu bữa ăn cho gia đình. Thực ra lúc này trẻ vào bếp, chỉ khiến người lớn mệt thêm gấp 10 lần. Nào là làm rơi vãi, hỏng hóc, bừa bộn phát khiếp,… và hàng nghìn câu hỏi trên trời dưới đất. Phải kiên nhẫn lắm mới chờ đợi được con đẽo xong quả mướp mà chỉ còn những ruột. Nhưng chẳng phải chúng ta ngày xưa cũng thế sao, những lần đầu vụng về, tự rút kinh nghiệm mới đi đến được ngày hôm nay. Rồi lớn hơn con tự học phụ mẹ rửa bát, tự rang cơm và rán trứng cho mình, tự gấp quần áo, dọn đồ chơi của mình. Nếu không có bố mẹ hoặc người giúp việc nữa, thì con vẫn có thể học cách để tự chăm sóc cho chính mình.

Chưa kể là chúng sẽ rất vui nếu được “nghịch ngợm” các thứ ở nhà bếp.

Và những KHÓ KHĂN lớn hơn

Như là việc con phải tự mình dò bản đồ đi xe buýt lúc lên 10 tuổi, những lần đầu tiên con có thể bị lạc, nhưng rồi con sẽ đi đúng đường.

Như là cho con tham gia một chuyến leo núi, để con vượt qua giới hạn của chính bản thân mình trong điều kiện thiếu thốn nhất.

Như là cùng con tham gia những chuyến thiện nguyện ở vùng sâu, vùng xa, để con học cách chia sẻ và biết ơn với những điều mình đang có.

Như là việc bố mẹ cho con trải nghiệm làm những công việc lao động như trồng rau, phục vụ bàn

Như là việc để con tự quyết định ước mơ của mình, được chọn trường con học, được làm những điều mà con thực sự yêu thích. Dù có thể lựa chọn của con là sai lầm, có thể thất bại, nhưng khi vượt qua được những khó khăn đó, hãy tin rằng đứa trẻ của chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.

Hun đúc cho con bản lĩnh đương đầu với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống đó là món quà quý giá nhất mà ba mẹ có thể trao cho con. Vì dù có thông minh, tài giỏi đến đâu, những sóng gió cuộc đời vẫn luôn ập đến bất cứ lúc nào.

Còn nếu cứ trao thuận lợi thì sao?

Nếu người lớn luôn tư duy rằng mình sẽ dành những điều tốt nhất để dọn dẹp tất cả những trở ngại trên bước đường con đi thì con sẽ dễ dàng thành công hơn. NHƯNG NẾU NGÃ, CON SẼ BỊ ĐAU RẤT LÂU.

Bởi con đã mất đi một đặc ân đó chính là được bộc lộ những yếu kém của chính mình, được điều chỉnh hành vi của mình thay vì dồn nén vào bên trong. Bởi con đã quen với cảm giác dễ dàng đạt được mọi thứ nhờ sự hỗ trợ của xung quanh, mà khi gặp thất bại con sẽ bị quật ngã dễ dàng.

Cũng giống như một cái cây, vì thiếu dưỡng chất nên rễ cắm sâu vào lòng đất để lấy chất dinh dưỡng nuôi cây, dù nhìn bên ngoài còi cọc, trơ trọi, nhưng khi cơn bão đến, cây vẫn có thể vững vàng đứng trước gió. Nhưng nếu một cái cây được chăm bẵm cày xới quá kỹ, dù nhìn cành lá xum xuê nhưng chúng dễ dàng bị cơn bão quật ngã.

(Trích: Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới)