14 -Lời khuyên song thân

Kính cha má,

Hôm trước con mới nhận được thư cháu Tuyết con chị hai, cháu nói bà nội cháu yếu rất nặng khó có thể qua khỏi. Bác trong thời gian chờ ngày ra đi đã nghe lời khuyên phát tâm ngày đêm niệm Phật. Nghe như vậy con mừng lắm vì đây là cơ may hiếm có của bác, do thiện căn phúc đức lớn nên cuối đời có người đến chỉ con “ Đường-Về Cực-lạc”. Nếu bác đã tin tưởng đã phát tâm dũng mãnh, biết buông xả tất cả để niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ thì cơ hội để cho bác hưởng một đại phúc báu vô cùng vô tận cho một đời người, khó có ai so sánh được. Chắc đến giờ này thì cha má đã nhận được cuộn video “Hoa-Khai Kiến-Phật”, cuộn phim quay cuộc vãng sanh của cụ Triệu-Vinh-Phương rồi. Xin cha má hãy coi đi coi lại thật kỹ câu chuyện đó để thấy được sự tối linh nghiệm của pháp tu niệm Phật. Cuộn phim này là cả một bài pháp sống thực, một bài “hiện thân thuyết pháp” cho những ai còn mập mờ trên con đường tu hành. Xin cha má hãy trân trọng suy nghiệm.

Đến đây thì coi như con đã hoàn tất được một đoạn đường quan trọng những gì con muốn nói với cha má. Đầu tiên khi vừa phát hiện một sự thật quý báu là con đường vãng sanh Tây-phương Cực-lạc, con đường giải thoát trọn vẹn mà đức Thế-Tôn đã để lại cho chúng sanh, con bắt đầu viết thư cho cha má hay liền. Con mau mắn viết thư đến nỗi nhiều lúc làm cha bực mình, nhưng thực ra tâm của con cũng chỉ một lòng lo lắng cho cha má, con sợ chỉ cần chậm trễ một chút là ngàn đời ân hận. Người phát tâm niệm Phật dũng mãnh cầu sanh về cõi Phật thì có thể thành tựu con đường giải thoát ngay trong một đời này. Vì người đời nay thiếu quá nhiều thiện căn phúc đức cho nên không có niềm tin vững chắc, khó phát lồ tu tập, tất cả chỉ vì nghiệp chướng đã quá lớn, tư tưởng kiến giải đã quá nhiều, vô minh quá nặng đã che kín trí huệ,cho nên họ khó thấy được chân lý. Vì một tâm ý quyết lòng trả hiếu trong đời, con cố gắng tối đa, tìm đủ cách để chứng mình một sự thật quý nhất cho đời người. Bao nhiêu hình chụp, bao nhiêu tài liệu con đều lần lượt gởi về cũng chỉ muốn để cho cha má thấu rõ.

Đến hôm nay cha má đã coi được cuộn video “Hoa Khai Kiến Phật”, thì con nghĩ sự hồ nghi của cha má chắc đã được giải tỏa. Những lời con thường nói như: tu hành một đời này thôi viên thành Phật đạo, một đời này thôi thoát ly lục đạo luân-hồi, một đời này thôi vượt qua tam giới, một đời này thôi về tới được cõi Tây-phương Cực-lạc để thành Bồ-tát bất-thối chờ ngày thành Phật… Những điều này đến nay chắc cha má phải chấp nhận là đúng, vì đã tận mắt chứng kiến một bà cụ lụm cụm chín mươi tuổi mới phát khởi niệm Phật, chín mươi bốn tuổi đã an nhiên vãng sanh về Tây-phương với Phật. Rõ ràng trước mắt!

Thưa cha má, trước Phật tiền con đã phát nguyện quyết tâm cứu độ cha má, con nguyện còn một cơ hội con còn cứu, còn một hơi thở con còn tìm cách cứu cha má. Mong rằng sự thành tâm của con cảm ứng được đến cha má. Bị hiểu lầm, bị chê trách, bị đánh giá sai, bị chửi mắng… con không ngại, vì dù sao đi nữa con cũng chỉ có khả năng cứu cha má trong đời này thôi, qua khỏi đời này con không còn cách nào cứu được cha má nữa. Tất cả sự thương tâm đối với ông bà giòng họ mình con đã thấy rõ, nhưng đã lỡ rồi đành chịu thua cuộc! Ông bà mình thua cuộc không phải ông bà mình không tu, nhưng thua cuộc vì tu không đúng cách, tu lòng vòng để hưởng những thứ phước báu nho nhỏ, chứ không tu theo đường giải thoát trần lao, không tu theo đường Chánh-Giác thành Phật. Khi hiểu được con đường giải thoát rồi, con mới thấy rõ ràng hiện nay còn rất nhiều người vẫn còn mê man trong những phép tu đọa lạc. Thật đáng thương!

Cha má ơi! Đời này ai tu nấy đắc, chắc chắn trên vũ trụ này không ai có thể tu thế cho ai được cả. Khổ đau hay sung sướng tự chính mình chọn. Cực-lạc hay đọa-lạc tự chính mình tìm. Tự do hay địa ngục do chính mình đi. Cảnh giới tương lai của mỗi người tự cá nhân mình xây dựng lấy. Chư Phật đại từ đại bi cũng chỉ có thể tăng thiện duyên cho mình, bày vẽ con đường cho mình đi, Phật sắp đặt sự gia trì trên con đường đó, hễ mình bước theo con đường đó thì hưởng được sự gia trì, mình đi lạc đường tự mình phải quay trở lại, chứ chư Phật không thể đi giùm cho mình được. Con thương cha má con chỉ giúp được bằng lời, chứ con cũng chẳng làm được gì khác. Sự nghiệp thế gian còn có thể cho nhượng để hưởng tạm bợ một vài năm rồi chết, chứ sự nghiệp xuất thế gian thiên trường vĩnh cửu tự cha má phải làm lấy, con vì chữ hiếu đã nói cạn lời cạn ý rồi, xin cha má muôn ngàn lần cẩn thận.

Con xin nhắc lại, trong thời mạt pháp này chỉ có niệm Phật, niệm Phật A-di-đà và ngày ngày cầu xin về cảnh giới Phật thì cha má mới thoát được khổ nạn cuộc đời. Niệm Phật mới về được cảnh giới Phật, ngoài ra không tìm ra một pháp môn nào khác có thể thay thế được đâu. Trong những thư trước con đã nói rõ ràng chuyện này rồi. Bà bác mẹ anh Hai Nhung trong những ngày thoi thóp cuối cuộc đời đã phát tâm niệm Phật, nếu đúng như cháu Tuyết nói “Ngày đêm Nội cháu niệm Phật”, thì đường về với Phật đang nằm trong tầm tay của bác. Con đã viết thư cho cháu Tuyết và khuyên cháu cố gắng giúp Nội của cháu, có lẽ con sẽ viết thêm thư để khuyên anh Hai hỗ trợ hoặc nói thẳng với bác để củng cố niềm tin, may ra con cứu được một người.

Sau khi đã tận mắt coi được người vãng sanh về Tây-phương với Phật thì con nghĩ bao nhiêu câu hỏi gì liên quan đến “có” hay“không có” vãng sanh đã được giải tỏa. Cha má cũng nên phát tâm giúp bà con cô bác trong làng tu hành. Đây là một công đức rất lớn để làm tư lương lót đường cho ngày vãng sanh của cha má. Hôm trước, chị Hai cũng có ý nguyện đi khuyên bà con niệm Phật, con rất mừng. Một khi thiện căn đã phát thì phước báu cũng phát sinh ra, hướng dẫn cho nhiều người tu tập thuộc về công đức vô lậu, đây là công đức bố thí pháp quý nhất trong các loại bố thí.

Tại sao niệm Phật được thành Phật? Thực ra pháp Phật để lại cho chúng sanh vô lượng, vô biên, pháp nào cũng vi diệu cả. Chính vì thế mà có rất nhiều người cứ lý luận rằng tu cách nào cũng là tu, pháp nào cũng pháp Phật. Nói vậy coi chừng bị hớ mà không hay! Trong lời khai thị của Hòa-Thượng Tịnh-Không, Ngài nói rằng: “có người cho rằng đạo nào cũng là đạo, miễn làm lành lánh dữ là được, miễn có chỗ gởi gấm tinh thần là tốt rồi. Đây là một sai lầm rất lớn, không những làm hại mình mà còn hại đến người khác, vì người không học Phật thì vĩnh viễn không có cơ hội giải thoát. Ta nên nhớ, ngoài những pháp hữu lậu thế gian, vẫn còn có pháp xuất thế gian, có thể siêu phàm nhập Thánh, một đời thoát ly sinh tử chứng đại Bồ-đề, viên mãn Phật đạo”.

Có thể nói rằng đạo nào cũng tốt thì có thể đúng vì hầu hết đạo giáo nào cũng khuyên làm lành lánh dữ, chứ còn nói đạo nào cũng giải thoát thì không thể đúng được. Cũng như nói, có học thì tốt là đúng, nhưng không thể nói có học là được cấp bằng tiến sĩ, thành bác sĩ được. Học tiểu học sẽ được cấp tiểu học, học đại học sẽ có bằng cử nhân, học tiến sĩ mới có bằng tiến sĩ. Tu đạo cũng vậy, Phật giáo có vô lượng vô biên pháp môn, nhưng tu pháp Nhân-Thừa thì nhiều lắm cũng chỉ được làm người trở lại; tu Thiên-Thừa thì nhiều lắm cũng sanh lên một cõi Trời; tu Tiên thì làm được ông Tiên sống dai hơn thiên hạ một chút. Tất cả phép tu đó, theo Phật nói, cũng chỉ hưởng được chút phước hữu lậu nào đó để chờ ngày đoạ lạc mà thôi. Muốn thành Phật phải tu pháp môn thành Phật.

Pháp môn nào thành Phật? Là Đại Thừa Phật pháp. Niệm Phật là pháp tối thượng cực tôn trong đại thừa Pháp. Người học tiến sĩ thì dù có dở cho mấy thì họ cũng được bằng cử-nhân, người học tiểu học thì dù có giỏi tuyệt luân đi nữa cũng chỉ có bằng cấp lớp năm là cùng. Người tu pháp thành Phật thì cơ hội thành Phật có trong đời, dù có dở cũng sẽ thành được Bồ-tát. Người tu chỉ nguyện sanh trở lại làm người thì tột bực cũng chỉ được đời sau trở lại làm người, sống thêm vài chục năm trên thế gian rồi chờ ngày chết. Người là cảnh giới thấp nhứt trong tam thiện đạo (Thiên, A-Tu-La, Nhân). Như vậy, lỡ tu hành không được tinh tấn, không đủ tiêu chuẩn để được làm người thì đi đâu? Chắc chắn là phải rớt xuống tam ác đạo, nghĩa là không vào địa-ngục thì làm súc-sanh, không súc-sanh thì chắc chắn thành ngạ-quỷ, ba đường đó khó thể nào trốn thoát. Cả đời tu hành thật khổ cực sau cùng lại hưởng những thứ hung hiểm tàn tệ mà mình không hay! Như vậy, làm sao tương đương cho được, thì làm sao ta có thể bừa bãi được?

Thưa cha má, hôm nay con muốn nói đến việc tại sao niệm Phật được Thành Phật? Tại sao pháp niệm Phật lại tối cực chí tôn như vậy? Đã tối thượng viên mãn như vậy tại sao đức Phật Thích-ca Mâu-ni để lại Pháp môn này gần ba ngàn năm nay rồi lại ít người thể hội đến, ít người tu tập? Con sẽ dựa theo kinh điển, dựa theo lời giảng của Hòa-Thượng Tịnh-Không, của chư Tổ sư để giải thích, chứ không phải tự ý con nghĩ ra và cũng để kết thúc lời thư củng cố niềm tin vững mạnh cho những ai muốn tu học Phật.

Thứ nhứt, căn bản nhứt mình cần phải biết rằng sở dĩ mình được thành Phật là vì chính mỗi một người chúng ta đều có chủng tử Phật. Nói đơn giản hơn, chính cha, chính má, chính con, tất cả ai ai cũng có tâm Phật cả. Như cha thường nói với con rằng “Phật tức Tâm, Tâm tức Phật”. Nghĩa là, chính mình là một vị Phật trên đời mà mình không hay không biết. Chính vì thế, mà bất cứ lúc nào một người bình thường như chúng ta đều có thể thành Phật nếu biết hồi đầu.

Ví dụ cho dễ hiểu, nếu con là con của cha má, thì dù con có lưu lạc đến chân trời góc biển nào, con có bất hiếu, hoang đàng, ngỗ nghịch mà từ chối dòng giống thì con cũng không thể cải đổi giòng máu của con. Nghĩa là trong đời này con vẫn là con của cha má, trong bất cứ lúc nào hễ chỉ cần con quay trở về là ngay lập tức con nhận ra cha má liền. Ngược lại, nếu con không phải là con của cha má, thì dù con có muốn mấy đi nữa, giả dạng đủ cách cũng không thể được. Với khoa học ngày nay chỉ cần lượm được một sợi tóc thôi họ cũng có thể truy tầm ra nòi giống, thì làm sao giả dối được. Tương tự, chính vì chân tâm của chúng ta là Phật cho nên ta mới có thể thành Phật.

Thành Phật là thành chính cái tâm Phật của mình chứ không có gì khác. Trong kinh Bát-Nhã Phật dạy, “Vô-Trí diệc Vô-Đắc”, “Vô-Trí” là Căn-bản-trí, chính là chân tâm của chính ta. “Vô-Đắc” là Vô-sở-đắc, là đắc được chính những cái gì chúng ta đã sẵn có. Một chúng sanh vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc thì tất cả những năng lực của chính mình được khôi phục, vì thế cho nên ta thành Phật. Chân tâm ta là Phật, nhưng ta không thành Phật được chỉ vì ta lăn lộn nhiều đời nhiều kiếp trong vô minh, cái tâm Phật của ta bị đóng kín trong cái khung vô cùng kiên cố của trùng trùng phiền não nghiệp chướng, thành ra ta bị mê muội không nhận được cái đúng cái sai. Tất cả những cách sống cách nghĩ thường tình của con người trên thế gian này đều do cái vọng tâm sai khiến hết.

Hễ mê thì thích mê muội và ghét chân chánh, như kẻ có tâm trộm đạo thì thích kết bè với người trộm đạo và rất ghét người hiền-nhân quân-tử vậy. Sống trong cảnh giới mê muội hàng vô lượng kiếp rồi, cho nên chúng ta sinh ra là mặc nhiên chấp nhận sự mê-muội và cho đó là chân-lý, không chịu hồi tâm phản tỉnh, chứ biết hồi tâm trở lại thì cơ hội giác ngộ chỉ là một sớm một chiều thôi chứ có gì đâu.

Thứ hai, pháp niệm Phật là pháp môn nhị lực được đức Phật A-di-đà gia trì và chư Phật trên toàn cõi mười phương pháp giới hộ niệm. Thành tâm niêïm một câu Phật hiệu là ta có thể bắt được đường dây nối liền với lực hộ trì của chư Phật trên khắp pháp giới. Chính vì thế mà sự thành tựu không thể nói hết bằng lời.

Nối liền huệ mạng với Phật bằng cách nào? Bằng cách TÍN-HẠNH-NGUYỆN đầy đủ. Tin Phật, nguyện sanh về cõi Tây-phương với Phật và niệm Phật tương tục không gián đoạn, chỉ thế thôi là nối được huệ mạng với Phật. Cha má xét thử có đúng hay không, bà Cụ Triệu-Vinh-Phương bắt đầu tu lúc nào? Năm 1994, lúc Cụ gần chín mươi tuổi mới bắt đầu tu. Khi nào vãng sanh? Năm 1999, lúc cụ chín mươi bốn tuổi. Cụ biết trước ngày giờ ra đi. Cụ tỉnh táo đến giây phút cuối cùng. Trước giờ từ giã, Phật A-di-đà hiêïn thân quang minh sáng lòa, hương thơm ngào ngạt. Tất cả những hiện tượng này nếu ai có đọc qua kinh Vô-Lượng-Thọ đều thấy rằng Phật đã nói rõ ràng cách đây gần ba ngàn năm rồi. Nhìn hiện tượng vãng sanh, lấy kinh Phật ấn chứng, mình còn biết được Cụ đã vãng sanh lên phẩm vị nào trong chín phẩm hoa Sen nữa là khác.

Thưa cha má, bà Cụ khởi đầu tu hành đã quá trễ, trễ hơn cha má bây giờ. Giả sử lúc đó Cụ không có lòng TIN vững chắc, cứ nói bây giờ mình già rồi, trễ rồi, sắp chết rồi… làm sao tu kịp nữa, thì đến hôm nay thân xác Cụ cũng đã tiêu tan, nhưng khổ nhứt là không biết là mình đang nằm than khóc ở cảnh giới nào đây? Có ai hay biết! Thế mà Cụ đã bừng lên một ý chí kiên cường dũng mãnh, quyết tâm về với Phật, Cụ buông xả tất cả để đi, một lòng niệm A-di-đà Phật, chỉ cần vài năm ngắn ngủi thôi Cụ đã được chính đức Phật A-di-đà hiện thân thọ ký vào năm 1998. Một sự quyết tâm thực hiện TÍN-HẠNH-NGUYỆN đầy đủ một thời gian ngắn thôi ở cuối cuộc đời: Cụ đã viên mãn Phật Đạo, hoàn toàn giải thoát, nghiễm nhiên trở thành vị Bồ-tát vào năm 1999. Giả sử bây giờ Ngài có thị hiện xuống phàm sớm thì ngày nay bất kỳ ai gặp Ngài cũng phải quỳ xuống phục lạy xin cứu độ chứ không phải tầm thường.

Thế mà người đời chưa tin, nói đến tu hành thì hẹn nay hẹn mai, đổ thừa bị kẹt này kẹt nọ, bị bận lo cho con cho cháu, cho nhân, cho nghĩa, lo cho cái nhà, miếng vườn… “Dép dưới giường lên giường vội biệt, sống ngày nay khó biết ngày mai!”. Ấy thế, tuổi đã xế chiều rồi mà còn tham chi mấy chuyện vụn vặt, mà quên mất cảnh đọa lạc khổ đau hàng ngàn vạn năm sau đó. Rất tiếc là con không cách nào có nhiều cuộn phim quay lại người vãng sanh, vì người ta không cho phép quay, chứ không chắc chắn cũng có nhiều phim khác để cho mọi người cùng thấy, để cùng nhau phát tâm niệm Phật. Trong thư trước con có chụp lại cái thông báo và tấm hình của cụ Trần-Văn-Lâm vừa mới vãng sanh vào ngày 30/5/2001. Con của cụ thường tu trong Niệm-Phật-Đường, về nhà khuyên cha niệm Phật, cụ nghe lời niệm Phật, cụ vãng sanh ở tuổi quá bát tuần. Thật là đúng như lời nguyện, “Hết một báo thân này, cùng sanh Cực-lạc quốc”. Quyển sách “Niệm Phật vãng sanh lưu xá lợi” chẳng qua là một vài thí dụ thôi, chứ bây giờ mà sưu tầm cho hết thì sách đâu mà chứa đây? Đó là sự thật, không dám nói sai.

Thế thì tại sao đến ngày nay vẫn còn ít người biết đến niệm Phật? Người ta không biết là tại vì người ta không muốn biết, hoặc không đủ duyên để biết. Tại Niệm-Phật-Đường ở đây đang mở khóa kiết thất niệm Phật từ 17/12 đến 30/12/01, trong đó có một vị Sư, pháp tự là Thiện-Huệ, tu hơn hai mươi hai năm qua tại Mỹ-Tho. Ngài qua Canada thăm con gái, vô tình nghe được mấy cuộn video pháp của Hòa-Thượng Tịnh-Không do chính con đem qua Canada trong tháng chín vừa qua. Ngài nghe được chợt tỉnh ngộ, liền cùng với người con gái, chị Diệu-Đức, một dược sĩ, bay qua Úc để nhập thất cùng tu và mong được bái kiến Hòa-Thượng Tịnh-Không. Trong một đêm nghe Pháp với thầy Ngộ-Thông, Ngài được mời lên phát biểu. Ngài thành thực nói rằng: “Hơn hai mươi hai năm tu hành nhưng tôi chưa nhận rõ đường đi, tu thì tu nhưng không biết đâu để đi, rốt cuộc cứ chạy lòng vòng, kinh Phật thì có đọc có tụng, nhưng chỉ hiểu đại khái lờ mờ, chứ không rõ đường về Cực-lạc”. Ngài nói cái lỗi này một phần là do các vị thầy của mình không chịu hướng dẫn kỹ. Ngài nói tiếp: “Nếu tôi không có cơ duyên này thì đến chết tôi cũng chưa chắc biết được đường nào tôi đi”. Ngài Thiện-Huệ năm nay tròn tám mươi tuổi.

Thưa cha má, đừng nghĩ rằng cha má đang được con nhắc nhở niệm Phật, thì tưởng rằng ai cũng được nhắc nhở như vậy đâu. Cha má thử nghĩ, ngay cả một vị Sư xuất gia tu học Phật hai mươi hai năm qua mà không hiểu, không biết nguyện vãng sanh với câu Phật hiệu, thì làm sao đại chúng hiểu biết đây? Trong nhiều bài pháp Hòa-Thượng Tịnh-Không nói rằng, thậm chí có nhiều vị xuất gia tu hành rất cao tuổi hạ nhưng cuối đời vẫn không tin, hoặc không biết câu Phật hiệu để niệm vãng sanh. Ban đầu con không dám tin, đâu có chuyện lạ lùng như vậy! Nhưng khi con đi dò hỏi để tìm hiểu, mới giựt mình tỉnh ngộ rằng lời nói này đúng.

Ví dụ, nhiều người tu học Phật cứ nguyện được tái sanh làm vị cao tăng để độ người, tái sanh làm người hiền, nguyện tiêu tai giải nạn, được giàu có, được phước báu, được an lành… Tất cả những lời nguyện đó chỉ có lợi trong phạm vi nhỏ hẹp nào đó thôi. Còn có nhiều lời nguyện sai lầm nữa là khác! Nguyện như vậy thì chính họ không được phần giải thoát, tự họ dẫn dắt mình vào con đường hiểm nạn. Vì sao? Vì qua một cuộc cách ấm thì công phu tu hành bị xóa sổ sạch trơn, đời sau nếu không có cơ duyên thì khó mà gặp lại Phật pháp để tu tiếp. Cạm bẫy giăng giăng, ma chướng trùng trùng, càng về sau càng kịch liệt hung hiểm, khó cho họ cái cơ hội thoát nạn!

Ngay cả những người tu chỉ nguyện thành Phật cũng không viên mãn đường tu. Tại sao? Vì thành Phật khi nào đây? Đời sau hay triệu đời sau? Hay tỉ đời sau? Tỉ tỉ đời sau? Vô lượng vô biên kiếp về sau? Trong khoảng thời gian đó sẽ ra sao đây? Ai cứu mình đây? Hòa-Thượng Tịnh-Không dạy rằng, người phát nguyện viên thành Phật đạo dù họ có thiện căn sâu dày tới đâu cũng vẫn còn kém thua thiện căn và phước đức của người phát nguyện vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc. Vì sao? Người phát nguyện thành Phật mà không phát nguyện vãng sanh Tây-phương thì có thể hàng tỉ tỉ năm sau họ còn lưu lạc đâu đó, còn lăn lộn trong sinh-tử luân-hồi chưa chắc đã được may mắn thoát hiểm. Đó là con đường tự tu, tự chứng từng bậc từng cấp để thành Phật, trong kinh Phật nói phải trải qua ba đại A-tăng-kỳ kiếp mới viên thành Phật đạo. Thời gian này là thời gian tinh tấn tu hành chứ không phải tà tà, nếu tu tà tà thì miễn phần giải thoát. Ví như trong hiện tại họ đã phát nguyện thành Phật, nhưng liệu họ có tu hành tinh tấn chưa, thì làm sao dám bảo đảm đời sau sẽ tinh tấn tu hành! Sinh ra ở quốc gia giàu có thì còn đỡ, lỡ sinh ở mấy nước nghèo hằng ngày không tìm ra muỗng cháo để húp thì làm sao tu hành đây!?

Còn người nguyện sanh về Tây-phương Cực-lạc thì nhờ lực gia trì của Phật A-di-đà, chỉ trong đời này thôi họ có thể được đức Phật A-di-đà tiếp dẫn về Tây-phương, họ sẽ là Bồ-tát, không còn lo sợ tử sanh, không còn lo bị rơi vào ba đường ác, không sợ bị thối chuyển nữa. Cứ thế họ an nhiên tự tại, hưởng thụ sự sung sướng “Cực-lạc”, thần thông biến hoá bao trùm pháp giới. Kinh Phật nói, mỗi ngày có thể dùng “thiên bá ức hóa-thân” đi khắp mười phương để cúng dường chư Phật, rồi trở về phạn thực kinh hành niệm Phật. Cho nên, trong nhiều kinh điển đức Phật Thích-ca dặn chúng sanh phải nguyện vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc. Thế mà người ta không tin, nhiều người còn bài bác, nhiều nơi còn chủ trương ngược lại, thì Phật làm gì được bây giờ!

Sinh về Tây-phương khó hay dễ? Chỉ cần TÍN-HẠNH-NGUYỆN là đi, làm sao khó được. Khó hay dễ cứ hỏi bà cụ Triệu-Vinh-Phương thử coi. Cho nên con thường nói, chính cha má đang hưởng một đại thiện căn đại phúc báu và nhân duyên trong đời khó người có được mà cha má không hay. Nếu bỏ mất cơ hội này, xin nói thẳng, bá thiên vạn kiếp sau này chưa chắc cha má còn có cơ hội gặp lại được. Xin cha má muôn ngàn lần trân trọng những lời nói của con để được thoát nạn.

Bên trên là nói chung chung, bây giờ con muốn đi thẳng vào thực tế bên cạnh cha, cái pháp tu để trở thành hiền nhân chờ dự Hội-Long-Hoa. Con xin thưa trước rằng đây không phải là sự kỳ thị, nhưng con cứ theo đúng kinh Phật nói thôi, vì Hội-Long-Hoa từ kinh Phật nói ra. Di-Lặc Tôn Phật là vị Phật thứ năm thị hiện xuống trần để cứu độ chúng sanh. Ngài là một vị Đẳng-Giác Bồ-tát ở cõi Tây-phương Cực-lạc được bổ sứ Thành Phật. Trước khi thành Phật, Ngài tu ở nội viện cung Trời Đâu-Suất. Vì kinh của cha đang tu tập hồi giờ đều dồn vào Hội-Long-Hoa, cho nên con mới nói đến hội này, chứ không phải đương không con nói tới. Xin cha má đọc kỹ để hiểu đường tu tập của mình đang đi đâu?

Trong kinh Di-Lặc-Thượng-Sinh và Kinh Di-Lặc-Ha-Sinh, đức Phật Thích-ca Mâu-ni thụ ký rằng, Ngài Di-Lặc Bồ-tát tu hành tại cung nội viện Đâu Suất-Thiên, thọ bốn ngàn tuổi. Một ngày trên cung trời Đâu-Suất dài bằng bốn trăm năm ở cõi trần này, tính chung lại là khoảng năm mươi bảy ức sáu ngàn vạn năm, tức là gần sáu trăm triệu năm nữa mới hạ sanh xuống cõi trần gian, thị hiện thành Phật dưới cội cây Long-Thọ), và lập Hội-Long-Hoa. Ngài sẽ thay thế đức Phật Thích-ca mở ra ba hội thuyết pháp để độ chúng sanh. Ngoài ra còn rất nhiều kinh Phật Di-Lặc khác nói đến chuyện này. Như vậy, Long-Hoa Hải-Hội không phải xuất hiện ở thế gian trong một vài chục năm, một vài trăm năm, một vài triệu năm… mà năm trăm bảy mươi sáu trăm triệu năm nữa mới xuất hiện. Hay nói gọn hơn, hơn nửa tỉ năm nữa mới xảy ra tại trần thế này. Một đời người chúng ta trung bình bảy chục năm. Giả sử một người vừa mới chết là đầu thai trở lại làm người liền để tu hành, thì phải mất hơn tám triệu đời nữa mới may ra gặp Hội-Long-Hoa của Phật Di-Lặc.

Khi chủ trương hướng về Long-Hoa Hải-Hội, từ trước đến giờ có ai thuyết minh việc này chưa? Có ai tường tận cái thời gian tưởng chừng vô cùng vô tận này không? Thời này là thời mạt-pháp. Chư Phật sợ chúng sanh không thoát khỏi hiểm nạn của tà ma ngoại đạo đang bủa lưới khắp nhân gian, cho nên quý Ngài mới quyết tâm dùng pháp âm A-di-đà Phật để cứu độ tất cả những ai phát tâm niệm Phật nguyện sanh về cõi Tây-phương để thành Phật. Trong kinh Vô-Lượng-Thọ, Phật dạy, “Chủng chư thiện căn nguyện sanh Cực-lạc, kiến A-di-đà Phật. Giai đương vãng sanh, bỉ Như-Lai độ, các ư dị phương thứ đệ thành Phật đồng danh Diệu-Âm Như-Lai” (Vô-Lượng-Thọ phẩm 48). (Nghĩa là, những người có thiện căn nguyện vãng sanh về Cực-lạc, sẽ thấy được Phật A-di-đà. Những người vãng sanh này về được nước Phật đó từ các quốc độ khác nhau, trước sau đều được thành Phật và cùng có tên là Diệu-Âm Như-Lai). Pháp danh của con là Diệu-Âm, của vợ con cũng là Diệu-Âm, hàng ngàn người quy y với Hòa-Thượng Tịnh-Không đều cùng một pháp danh là Diệu-Âm. Cha má ạ, hãy chuẩn bị vị thế của mình ngay từ bây giờ chứ cần gì chờ đợi đến ngày vãng sanh…

Trong pháp vận của đức Phật Thích-ca Mâu-ni trải qua mười hai ngàn năm, chánh­pháp một ngàn năm, tượng-pháp một ngàn năm, mười ngàn năm là thời kỳ mạt-pháp. Ta đã bước qua ngàn năm thứ hai của thời mạt pháp. Trong thời kỳ này, ta đang sống càng ngày càng lún sâu vào ma nghiệp, càng ngày càng khốc liệt, càng kinh khủng! Tất cả những giáo pháp xuất hiện trong một ngàn năm trở lại đây thuộc về mạt-pháp, ai dám bảo đảm đó là chánh-pháp? Gần ba ngàn năm trước đây, kinh sách của Phật để lại đã dặn rất kỹ rằng, bắt đầu hai ngàn năm sau khi Phật nhập diệt, chúng sanh tuyệt đối phải cẩn thận, nếu không khó tránh đường đọa lạc oan uổng. Trong thời kỳ mạt pháp này chư Phật luôn luôn xuất hiện để cứu vớt chúng sanh, nhưng cũng có rất nhiều hiện tượng khác xuất hiện song song. Xin cha má phải nhớ kỹ một nguyên tắc để phân biệt là:

1) Chư Phật Bồ-tát không bao giờ sử dụng thần thông, biến hoá, đồng bóng…

2) Không bao giờ quý Ngài để lộ chân tướng, danh tánh, không bao giời tự xưng là Phật, Thánh, Tiên, Hiền,

3) Nếu đã lỡ bị lộ danh tánh thì tức khắc các Ngài thị tịch liền,

4) Các Ngài xuất hiện là luôn luôn giảng chánh pháp, làm cho chúng sanh thấu rõ kinh tạng, tu đúng pháp Phật, chứ không khi nào các Ngài giảng pháp đối nghịch với Phật hay khai triển xa lìa chánh pháp của Phật. Xin cha má lấy những tiêu chuẩn này để tự kiểm lấy.

Như vậy, từ đây cho đến chín ngàn năm nữa vẫn còn là thời kỳ độ sanh của Phật Thích-ca Mâu-ni, Ngài khuyên chúng sanh nguyện sanh về Tây-phương Cực-lạc của đức A-di-đà để viên thành Phật đạo. Trong thời kỳ này tuyệt đối không có một vị Phật nào dám xuất hiện mà lộ danh tánh, vì “Phật Phật đạo đồng”, “Nhứt Phật xuất thế thiên Phật hộ trì”, không thể chư Phật lại đi làm chuyện dẫm chân lên nhau như người thế gian đâu.

Bây giờ xét tới “Tam Kỳ Phổ Độ”, chiếu đúng theo kinh Phật nói, thì kỳ thứ nhứt xảy ra chắc chắn phải là gần sáu trăm triệu năm nữa mới có. Đức Di-Lặc Tôn Phật sẽ lập ba hội thuyết pháp độ sanh gọi là ba kỳ độ sanh. Ngài thuộc hàng đệ tử của Phật Thích-ca Mâu-ni, làm sao Ngài dám lập kỳ độ sanh trong thời của sư phụ đang hành sự. Như vậy, tam kỳ độ sanh đây chỉ cho tam kỳ mở hội thuyết pháp của đức Di-Lặc Tôn Phật ở Hội-Long-Hoa.

Thưa cha má, tu hành cần hiểu thấu lẽ đạo, đừng nên bất cẩn mà khó về sau. Một thời gian hơn nửa tỉ năm không phải là chuyện tầm thường. Lăn lộn khổ đau trong hơn tám triệu đời chết đi sống lại để chỉ cầu được thành người, thật có oan uổng không? Xin nghiêm chỉnh xét lại. Riêng con, con không dám đi con đường đó. Con đi theo con đường của cụ Triệu-Vinh-Phương năm 1999, con đường của ông Trần-văn-Lâm vừa mới vãng sanh về Tây-phương ngày 30/5/2001, con đường “Niệm Phật Thành Phật”. Niệm Phật là nhơn, thành Phật là quả, con cố gắng tranh từng hơi thở để niệm Phật, để được mười câu Phật hiệu trước phút lâm chung, thì con được vãng sanh và thành Diệu-Âm Bồ-tát.

Ví dụ, nếu bà bác mẹ anh Hai nghe lời con, một lòng niệm Phật, một lòng cầu vãng sanh Tây-phương, trong những ngày cuối cuộc đời này nằm trên giường bệnh mà bác thành tâm sám hối những lỗi lầm trong đời, quyết chí ăn năn hối lỗi, một lòng cầu Phật Di-Đà tiếp dẫn và “niệm Phật không hoài nghi, không xen tạp và niệm liên tục không gián đoạn”, thì bác cũng sẽ thành Diệu-Âm Bồ-tát trong một đời này. Trong khi nếu tu theo con đường Nhân Hiền để chờ dự Hội-Long-Hoa thì hàng trăm triệu năm sau, khi người ta đã thành Phật từ hồi nào rồi, mà mình thì vẫn còn lang thang ở một xứ sở nào đó, không biết có còn được làm người hay không, có được phước phần để nghe pháp âm của đức Di-Lặc lập kỳ phổ độ không! Xin cha má suy nghĩ kỹ.

Đức Di-Lặc sẽ thuyết gì? Đức Di-Lặc Tôn Phật sẽ thuyết pháp môn Niệm Phật cầu sanh Cực-lạc, vì pháp môn này mười phương ba đời chư Phật đều phải thuyết.

Thưa cha má, con nghe nói cha má đã có niệm Phật con mừng lắm, thư này con xác định thêm niềm tin thôi. Nhứt định cha má phải tin Phật, phải biết gởi trọn vẹn huệ mạng mình cho Phật là hành động đúng và trí huệ nhứt, không sai đâu. Niệm Phật và tiếp tục niệm Phật thì ngày thấy Phật không xa. Tuổi cha má đã cao, sức đã yếu, ngoài pháp tu niệm Phật ra, không tìm đâu ra pháp nào đơn giản dễ dàng tiện lợi và vi diệu hơn. Cụ Triệu-Vinh-Phương, chín mươi tuổi mới khởi tu còn vãng sanh được huống chi là cha má. Cụ Trần-Quang-Việt, tám mươi hai tuổi mới phát tâm niệm Phật, tám mươi sáu tuổi vãng sanh trong đầu năm 2001. Tất cả những người thành tâm niệm Phật không ai không thành Bồ-tát, thì cha má nhứt định không được chần chờ nữa nghen.

Bồ-tát Phổ-Hiền dạy rằng, “Danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật thành tựu vô lượng vô biên công đức như thế, cho nên phải nói rằng danh hiệu chứa đựng vô lượng vô biên công đức của hết thảy Phật pháp, khai vô lượng vô biên diệu dụng, hiển thị vô lượng vô biên uy lực, giải thị vô lượng vô biên tri kiến giải thoát, siêu việt mọi tư duy ngôn từ. Tại sao thế? Vì nhân nơi danh hiệu Phật mà xuất sanh và lưu bố tất cả Bồ-đề tâm, tất cả Bồ-đề nguyện, tất cả Bồ-đề hạnh. Ba đời mười phương Như-Lai thảy đều từ danh hiệu Phật mà phát sinh ra. Ba đời mười phương Phật thảy đều do danh hiệu Phật mà thành đạo”, (Kinh Niệm-Phật Ba-La-Mật , phẩm 4). Cho nên, danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật là toàn bộ Phật pháp của các đức Như-Lai, vô lượng vô biên công năng, chứa tất cả mật tạng trong đó chứ không phải thường đâu cha má ạ.

Hòa-Thượng Tịnh-Không thường giảng rằng, chư Phật cũng phải niệm Phật để thành Phật thì tại sao chúng ta lại không niệm Phật, còn chọn lựa gì nữa đây? Tây-phương Cực-lạc là Pháp giới của Phật, là tối thắng trong tất cả mười phương pháp giới mà chỉ cần một đời tu hành nhất tâm niệm Phật là được phần vãng sanh mà còn chờ đợi gì nữa.

Cha má kính thương, trong đời này con gặp cha má thì con phải tìm cách trả trọn chữ hiếu làm con. Nhiều lúc, vì để thức tỉnh cha má con đành lấn sang những phần đáng lẽ không nên nói. Tuy nhiên con tin cha má hiểu con, chư Phật cũng hiểu con và hộ trì cho con để con làm tròn lời hứa cứu độ song thân.

Đến lá thư này là đủ kết thúc giai đoạn củng cố niềm tin cho cha má. Tin thì cha má phải đi, có đi thì tự nhiên đến. Hồi giờ mình cứ đi lòng vòng trong rừng gai hiểm hóc không biết hướng thoát thân. Niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ là đại lộ thênh thang lót bằng vàng để ta về với Phật. Cha má cứ giữ vững lòng tin mà tiến bước thì quang minh của chư Phật đang chờ phía trước.

A-di-đà Phật
Con kính thư.
(Viết xong, Úc châu ngày 22/12/2001). 

Phật dạy chúng sanh niệm Phật cầu về Tây-phương là muốn giải quyết vấn đề sanh tử của chính mình ngay trong đời này. Nếu niệm Phật để cầu đời sau hưởng phước báu của cõi người hoặc cõi trời, thì chẳng khác gì người lấy viên ngọc vô giá đổi lấy tán kẹo.

(Ấn Quang Đại sư).

Như-Lai sở dĩ hưng xuất thế, duy thuyết Di-Đà bổn nguyện hải.

15 -Lời khuyên song thân

Kính cha má,

Thế giới trong tương lai có thể sẽ xảy ra nhiều tai ương hiểm nạn kinh khủng lắm, cường độ có thể khó tưởng tượng chứ không phải tầm thường! Muốn cứu vãn phần nào tình thế này không còn cách nào khác hơn là khuyên người tu hành cho nhiều, nhờ đó mà xoay chuyển phần nào cái khổ nạn xã hội. Nhưng cứu người không những chỉ thoát khỏi vài cái tại nạn thiên nhiên, hoặc sống sót sau vài cuộc chiến tranh là đủ đâu. Vì nghiệp chướng vẫn còn đó, làm sao con người tránh khỏi nghiệp báo? Giảm nạn thế gian là sự ảnh hưởng tự nhiên của việc tu hành, còn cứu độ chúng sanh vượt qua được tam giới để vãng sanh Tây-phương mới là điểm chính yếu.

Hôm Tết nói chuyện được với cha má và anh chị Ba, biết được tất cả đều có niệm Phật làm con mừng lắm. Giác ngộ cuộc đời sớm chừng nào hay chừng đó, đừng để quá trễ tràng thì không còn cứu kịp nữa đâu. Nhưng qua điện thoại, con lại phát hiện một vấn đề khá quan trọng mà con không dám không nói. Đó là chuyện: có người niệm Phật vãng sanh, có người niệm suốt cuộc đời cũng không được vãng sanh. Tại sao? Mới đây có một Phật tử hỏi thầy Ngộ-Thông như vầy: “Thưa thầy, con cũng quyết tâm niệm Phật và cầu vãng sanh, nhưng điều kiện để được vãng sanh Tây-phương Cực-lạc là khi lâm chung phải được tỉnh táo và niệm cho được mười câu Phật hiệu. Con thấy một trăm người chết người nào cũng mê man bất tỉnh hoặc quằn quại đau đớn ra đi, thì làm sao niệm Phật được. Điều này làm cho con lo lắng vô cùng và nhiều lúc thấy chán nản, vì làm sao biết mình sẽ được may mắn, không bị mê man khi ra đi đây?”.

Để trả lời câu hỏi này, Thầy đã nghiêm khắc cảnh cáo, “Coi chừng cô niệm Phật bể hầu bể họng, niệm suốt cuộc đời cũng không thể vãng sanh …”. Trong nhiều lần khai thị, Hòa-Thượng Tịnh-Không cũng thường nhắc đến chuyện này rằng, có người niệm Phật một thời gian rất ngắn mà được an nhiên vãng sanh về Tây-phương bất thối thành Phật, có người niệm một ngày cả vạn câu, bể hầu bể họng, nhưng cuối cùng vẫn chỉ là kết duyên với Phật mà thôi, nghĩa là đọa lạc vẫn hoàn đọa lạc.

Tại sao vậy? Phần sau đây con xin nói rõ chuyện này, mong cha má cẩn trọng lắng nghe. Anh chị em, bà con, hàng xóm nếu ai muốn một đời này thành tựu Phật đạo cũng nên đọc cho kỹ lá thư này để thực hành vậy.

Thành tâm niệm Phật mười câu trước lúc lâm chung thì được Phật A-di-đà phóng quang tiếp dẫn. Đây là lời đại nguyện của Phật A-di-đà, chắc chắn có thực. Đây là diện vãng sanh thấp nhứt, đới nghiệp vãng sanh hạ phẩm, nhưng cũng thoát được tam giới lục đạo.

Nghe nói như vậy nhiều người lầm tưởng rằng sự việc này quá đơn giản cho nên lơ là thành ra hầu hết bị rớt đài. Tại sao? Tại vì nghiệp chướng, tại vì oan gia trái chủ, tại vì tâm điên đảo, tại vì mê man bất tỉnh, v.v… Có mười trường hợp lâm chung khó thể vãng sanh, ví dụ như: tai nạn bạo tử; chết vì các nạn nước, lửa, trúng gió á khẩu, cọp chụp, té cây; con cháu kêu khóc phá rầy, mê man bất tỉnh, oan gia phá hoại, bị điên loạn, bị tật nguyền câm điếc… Người có niệm Phật nhưng cuối đời bị vướng vào các thứ trên khó có thể vãng sanh. Có người may mắn sanh vào thiện đạo như trở lại làm người, sanh vào cõi trời, có người vẫn phải đọa lạc vào ác đạo như thường. Nói chung không thoát khỏi lục đạo.

Tại sao vậy? Vì những người này niệm Phật không đúng theo tiêu chuẩn Tín-Nguyện-Hạnh. Niệm Phật không trung thành, không tin tưởng thì không được sự gia trì, phá không nổi nghiệp chướng cho nên bị nghiệp chướng lôi đi. Niệm Phật bấy giờ chỉ tạo thêm thiện duyên, làm nhẹ phần nào nghiệp chướng thôi chứ chưa đủ để vãng sanh. Niệm thì thấy nhiều, nhưng chỉ là miệng niệm chứ không phải tâm niệm, thành ra uy lực của câu Phật hiệu bị mất hiệu lực.

Cái niệm lúc lâm chung quyết định đường tái sanh cho đời kiếp phiùa sau. Lúc lâm chung chỉ cần nổi lên một ý niệm sân giận bị lôi vào địa-ngục, một ý niệm tham lam bị rơi vào hàng ngạ-quỷ, một ý niệm si mê biến thành súc-sanh. Còn những nghiệp khác, cả thiện lẫn ác sẽ vẫn còn đó chờ gặp duyên khác để mình nhận quả báo. Vì thế, cái trạng thái lúc lâm chung tối quan trọng. Nếu cha má quyết chí vãng sanh thì phải quyết chí giải trừ những nạn đó, nhất là nạn mê man bất tỉnh, nạn oan gia trái chủ, nếu không thì khó bề thành tựu! Nên nhớ cái hiểm nạn này nó đến một cách bất ngờ không báo trước. Mình không biết các thế lực đó nó đến lúc nào, nó bất chợt hành động để lôi mình trở về trong lục-đạo hoặc ba đường ác .

Làm sao giải trừ? Thưa cha má, như đã nói, phải thực hiện đúng ba điều kiện tiên quyết TÍN-HẠNH-NGUYỆN đầy đủ.

TÍN là tin Phật pháp tuyệt đối, tin chắc chắn mình được vãng sanh, tin chắc vào lời Phật dạy là đúng;

NGUYỆN là ngày ngày cầu nguyện được sanh về Tây-phương khi mãn báo thân;

HẠNH là ngày đêm niệm A-Di-Dà Phật.

Ba điều kiện này thiếu một thì phải bị rớt, tu hành siêng cần tới đâu cũng bị rớt. Tín-Nguyện-Hạnh là ba chân của cái đảnh, một chân yếu cái đảnh sẽ ngã. Người niệm Phật, khi niệm tuyệt đối : Không hoài nghi, không xen tạp và không gián đoạn. Niệm Phật vô ý phạm phải một trong ba điều cấm kỵ này không được vãng sanh, nhất là tạp niệm.

Khi nói chuyện với cha vô tình con thấy được cha có tin nhưng tín tâm không đủ mạnh, tin không đủ tức là còn hoài nghi, còn nghi thì sinh ra tạp niệm, có tạp niệm tức là không liên tục niệm Phật, thế thì cha chỉ hưởng được một số phước-báu, thiện-căn, và đời này chỉ được kết duyên với Phật A-di-đà mà thôi. Nghĩa là đời sau vẫn còn trôi lăn trong lục đạo luân hồi, ngay ba đường ác cũng có thể lạc vào như thường. Những người niệm Phật mà còn bị chết trong điều kiện mê man bất tỉnh, bị những tai nạn, bạo tử… thường thường thuộc hạng nguời không làm trọn đủ Tín-Nguyện-Hạnh, trong đó hầu hết đều do Tín tâm không đủ mà ra. Nên nhớ những tai nạn này không phải là do niệm Phật, mà chính là không hưởng được sự gia trì của Phật A-di-đà, nghĩa là mình bị chết theo định số của mình, mặc dù mình có niệm Phật.

Định số của mình do đâu mà có? Do nghiệp chướng kết tập từ trong quá khứ tạo nên. Niệm Phật không đúng theo Tín-Nguyện-Hạnh chỉ có thể làm nhẹ phần nghiệp-chướng quả-báo mà thôi. Có người niệm Phật mà tiếp tục làm điều sai trái, tâm địa không thiện lương, có thể bị tội nặng hơn nữa là khác. Còn người trung thành chí thiết niệm Phật, một lòng cầu sanh Tây-phương, thì dù nghiệp chướng có nặng cũng dễ chuyển biến thành nhẹ, hậu báo có kinh khủng cũng thành hiện báo nhẹ, rồi được đới nghiệp vãng sanh. Tất cả những người tu hành trễ tràng như cha má, hầu hết là hưởng cái diện đới nghiệp này. Tin như vậy thì báo thân này cha má viên mãn sở nguyện, nếu không tin tưởng vững chắc, sẽ không đi tới đâu hết. Chính vì thế rất nhiều thư rồi con đều nhắc nhở đến chữ TÍN. Mong cha má phát tâm tin tưởng vững mạnh mà làm theo.

Người Phật tử hỏi một sự thật, tại sao Thầy Ngộ-Thông nghiêm khắc cảnh cáo là “coi chừng Cô niệm Phật bể hầu bể họng cũng không được phần vãng sanh” vậy? Xin thưa, vì còn nói như vậy đã tự xác nhận niềm tin không trọn! Vì niềm tin không đủ, cho nên còn lo âu về cái chết mê man như bao nhiêu người khác. Trong kinh Phật nói, người thành tâm niệm Phật luôn luôn có hai mươi lăm vị Bồ-tát hộ pháp ngày đêm bảo vệ, có chư Phật hộ niệm. Một người đã có hàng bảo hộ hùng hậu như vậy mà chưa chịu yên tâm sao?

Người khi chết tại sao mê man? Vì nghiệp chướng phá hoại. Tại sao thè lưỡi trợn mắt? Vì oan gia, trái chủ nhào tới trả thù, bóp cổ. Muốn biết oan gia, trái chủ bao nhiêu hãy đếm coi trong đời mình giết bao nhiêu con gà, bao nhiêu con heo, bao nhiêu con cá… Đó là đời này, còn vô lượng kiếp về trước nữa đã trả hết đâu? Chưa nói đến những người bị mình giết hại trở thành oan hồn thù mình truyền kiếp? Tại sao khi lâm chung lại la hét thất kinh? Vì bị ma quỷ chụp xé, v.v… Vì quá sợ hãi cho nên thân thể lạnh tanh, cứng ngắc và mắt mở trao tráo. Những cảnh giới vô cùng kinh hãi diễn ra trong giờ phút đó, thì thử hỏi làm sao có thể bình tĩnh được để niệm Phật được đây.

Tu là tu sửa; hành là hành động. Tu hành là ngày ngày tu sửa những hành động sai trái của mình. Cố gắng mở tâm lượng từ bi hỷ xả. Cái nguyên tắc đầu tiên tu hành là “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý”. Tất cả giáo nghĩa này bao gồm trong ba chữ “TÍN-HẠNH-NGUYỆN” đầy đủ. Chư ác mạc tác là không làm việc ác, lớn nhỏ đều không làm. Từ hồi giờ mình sơ ý đã tạo ác nghiệp quá nhiều rồi. Sự thực là nghiệp chướng của mình quá lớn rồi. Tất cả những oán thân, trái chủ đang chờ đợi từng ngày cái giây phút mình lâm chung để nó nhào vào trả thù, có nhiều oan gia nó đeo theo mình mười đời, hai mươi đời thậm chí còn lâu xa nữa để chờ cơ hội trả thù cho được cái hận hại mạng của nó. Ghê sợ lắm!

Cho nên, bây giờ gần cuối đời rồi cha má hãy mau mau quay đầu lại làm lành, làm thiện cho nhiều lên. Nói như vậy, không phải con ám chỉ hồi giờ cha má không có làm lành, làm thiện đâu, nhưng cái thiện lành hồi giờ mình làm chưa đủ để xóa tan nghiệp chướng. Trong Phật-Giáo có tiêu chuẩn Thập thiện là: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không hỗn hào, không nói láo, không nói đâm thọc, không nói lời hách dịch, không tham, không sân, không si. Có thể dựa theo tiêu chuẩn đó mà làm, khởi tâm động niệm đều nên lấy mười điều đó mà đối chiếu, kinh Phật gọi là: “Trú dạ thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp”.

Cố gắng mà làm lành, thành tâm để âm tích phước đức, giảm trừ tối đa nghiệp chướng. Khi tuổi đời đã già, ngày mãn báo thân đã gần kề, thì cha má hãy mau mau tìm đường thoát nạn. Muốn về được Tây-phương Cực-lạc trong đời này thì phải dốc lòng làm thiện làm lành. Nghiệp lành “Thiên-Nhơn” muốn cho trọn không phải chỉ có mười điều lành mà còn bao gồm cả: 1) Hiếu-dưỡng-phu-mẫu; 2) Phụng-sự-sư-trưởng; 3) Từ-tâm-bất-sát; 4) Tu-thập-thiện-nghiệp. Trong bốn điều này mà mình làm được chín mươi phần trăm thì chắc chắn được sinh về cõi người, cõi trời; làm cỡ bảy mươi phần trăm thì may mắn được sinh lại làm người. Dưới mức đó không chắc được đâu. Cho nên làm lành lánh dữ quan trọng vô cùng.

Thế nhưng tự xét coi, hồi giờ liệu mình làm được năm mươi phần trăm tiêu chuẩn bốn điều trên chưa? Mười điều thiện mình có làm tròn chưa? Theo đúng luật luân hồi nhân quả, làm sao mình khỏi lạc vào đường ác đây! Thấy trước thì phải lo toan tự cứu cha má ạ, đừng để tới nơi rồi có khóc cũng thành thừa mà thôi.

Niệm được câu Nam-mô A-di-đà Phật mà thành tâm thì có thể cứu vãn vô số nghiệp báo. Vì thế từ trước đến giờ con chỉ tha thiết khuyên cha má phát lòng niệm Phật cho thiện căn khơi dậy trước, rồi sau đó tính sau. Trong điều kiện hiện thời của cha với má rất khó làm thiện vì hoàn cảnh không dư giả mấy, tuy nhiên hãy mở rộng tâm bố thí càng lớn chừng nào càng hay chừng đó. Phật dạy, hễ tu bố thí tài mình được giàu sang, bố thí Pháp mình được thông minh trí tuệ, bố thí vô-úy thì được khỏe mạnh sống lâu. (Vô-Úy là an ủi, khuyến khích, từ bi). Hồi giờ về việc ác thì mình không chủ trương làm nhưng, như trong những thư trước con nêu ra, vì không để ý chúng ta đã tạo tác ác nghiệp nhiều lắm. Vô tình hay cố ý chẳng cần biết, chỉ cần hậu quả tạo ra đau khổ cho chúng sanh là ta bị rồi. Đã như vậy rồi, thì bây giờ cha má chỉ còn có cách thành tâm sám hối tội lỗi và làm lành để chuộc tội lỗi là đúng nhất.

Chắc cha không đồng ý với con về chuyện này mà hỏi rằng, “Hồi giờ cha má đã làm gì mà phải sám hối?”. Xin cha má đừng nên nóng giận vội. Trong thập thiện có mục tham sân si, con nói sơ về SÂN thôi. Hồi giờ mình tưởng sân giận là việc thường, chứ thực ra cái sân giận nó có ảnh hưởng lớn lắm. Con biết tánh của cha nóng, ai nói điều gì trái ý thì cha nổi giận liền. Thưa cha, cái sân giận không phải là lỗi mà là cái nghiệp nó kiết tập từ nhiều đời nhiều kiếp. Người ngoài thì ai nói đến mình làm chi, còn con cái trong nhà thì không dám khuyên, chính vì thế mà cái nghiệp đó nó càng phát triển để sau cùng nó hại mình.

Thưa cha, chính như con, qua lá thư con mới dám ngồi đây viết để phân tích, để tìm phương cứu cha, chứ khi đối diện liệu cha có để cho con nói hết một câu không? Thế thì làm sao phân bua với cha cho được.

Giận là ngọn lửa đốt tiêu tất cả âm đức một đời tích tụ, chứ không phải tầm thường. Sân giận chính nó không phải là cái tội, mà lại là kẻ thù giết chết công đức, là thủ phạm làm nên tội lỗi, nghĩa là chủ của tội lỗi. Nếu nó là cái tội, thì nó chỉ trách nhiệm trong phạm vi lỗi lầm của nó mà thôi, còn các công đức khác nó không động tới, đàng này nó lại đi đốt phá cái âm đức tích tụ cả cuộc đời của một người thì thật là kinh khủng! Cho nên, khi lâm chung chỉ cần phát một sự nóng giận thì ngay lập tức chiêu cảm vào đường địa-ngục. Con còn nhớ, vào ngày ông nội mất, có ông thầy muốn xưng niệm hồng danh hai trăm vị Phật để cầu siêu cho ông, cha nổi nóng buông lời bất kính về chuyện đó. Hồi đó con chưa hiểu Phật pháp, nay đã hiểu con giựt mình sợ hãi cho cha mà nhiều lúc toát mồ hôi hột!

Thưa cha, bất kính với Phật thuộc về tội phỉ báng pháp Phật, sẽ bị địa ngục A-Tỳ, thuộc về Vô-Gián. Đây là kinh Phật nói. Trong tất cả tội ác, có hai loại tội lớn nhất mà Địa-Tạng-Vương Bồ-tát không cứu được, tất cả chư Phật không cứu được. Đó là: một là ngũ nghịch thập ác, hai là phỉ báng pháp Phật. Nếu người nào chỉ vướng có một trong hai loại này thì chỉ có Phật A-di-đà mới cứu được mà thôi, còn bị vướng cả hai thì chính Phật A-di-đà cũng không cứu được nữa. Cha đã bị vướng vào loại thứ hai cũng tại vì tâm sân giận. Đây là một tội rất kinh khủng!

Tuy nhiên, trường hợp của cha còn cứu được vì cha gây họa trong lúc cha chưa hiểu Phật pháp, chưa rõ luật nhân quả. Với cái tội này, con xin nói thẳng, chỉ có Phật A-di-đà với bốn mươi tám lời Đại Nguyện của Ngài mới cứu được cha, ngoài ra không ai cứu được cả. Tin hay không tùy cha quyết định. Nếu như sau thư này mà cha không nghe theo con, không quyết tâm một lòng sám hối, chí thành niệm Phật cầu về Tây-phương thì xin đành tự cha lo liệu lấy. Con đã nói hết lời và vô phương giúp đỡ.

Thưa cha, vì con muốn cứu cha chứ không phải chọc cho cha giận. Trong hàng loạt thư trước con chỉ nhắc nhở niệm Phật để tạo thiện căn, gây tín tâm cho cha má, cho anh chị em trước, rồi sau đó con mới tìm thế gỡ lần nghiệp chướng. Bây giờ, bước thêm bước nữa là Sám-Hối và Tạo-Phước.

Sám-Hối là phải nhận biết và ăn năn về tội lỗi. Tạo-Phước là lấy công chuộc tội, có như vậy tội mới diệt, phước mới sanh. Người có thiện căn tu hành mà thiếu phước báu thì chướng ngại trùng trùng, nó tìm cách ngăn trở mình, trong đó khơi mồi lửa giận là dễ nhứt. Vì chỉ cần lừa dịp chọc cho lửa giận phát lên là xong. Thưa cha, đây là lời nói thành thực, không ngoa.

Thưa cha má, đây là sự thực. Giả sử, như tuổi già này mà không có người hiểu đạo khuyên tu, thì xin hỏi rằng, cha má có thấy được những chỗ sơ suất này không? Cha má hãy nhìn chung quanh coi, có ai đã thoát nạn được chưa? Bây giờ họ đang ở đâu? Nếu hiểu thấu suốt luân-hồi, nhân-quả thì phải giựt mình, lo sợ mà lo sám hối liền đi!…

Sám-hối và làm phước thiện, hãy lấy tâm thành mà làm. Cha má thành tâm giúp người, thành tâm thương người thì dù mình cho người một vài đồng vẫn có phước đức lớn. Mở tâm lượng rộng ra thương yêu sanh vật, thành tâm khuyên người tu hành, cố gắng hướng dẫn, chỉ đường cho người ta niệm Phật, cầu mong cho nhiều người được vãng sanh… đó là những công đức do tâm lượng. Chính cái tâm chí thành nó chuyển nghiệp cho cha má.

Quyết tâm về Tây-phương thì làm lành đừng bao giờ cầu xin hưởng phước, một khi mở lời cầu lợi lạc, cầu phước báu cho mình thì bao nhiêu công đức tu hành sẽ hết sạch. Muốn được về Tây-phương hãy thành tâm đem tất cả công đức của mình hồi hướng về Tây-phương, hồi hướng cho chúng sanh, cho oan gia, trái chủ, thành tâm cầu cho họ hưởng phước báu của mình, để cho ngày ra đi của mình được an lành tự tại. Đó là cách “khất nợ để thoát thân”. Đó gọi là “Tự Tịnh kỳ ý”.

“Không làm ác” là tu cho mình, tránh gây thêm nợ, “Làm lành” là tu cho người, trả lần những nợ nần mình đã vay. “Tự tịnh kỳ ý” là gởi tất cả công đức về Tây-phương, gởi công đức cho oan gia trái chủ để họ khỏi trả thù mình và thành tâm ngày ngày “nguyện sanh về Tây-phương Cực-lạc” để thoát khỏi lục đạo luân hồi, đi vào cảnh giới Tây-phương của Phật, viên mãn đạo quả.

Cho nên, tu thiện-nghiệp không giải thoát được, tu Tịnh nghiệp mới giải thoát. Tu tịnh-nghiệp là tu thiện-nghiệp nhưng không cầu hưởng phước, mà gởi tất cả phước cho chúng sanh, cho oan gia và gởi về Tây-phương để trang nghiêm Tịnh-độ. Như vậy tu Tịnh-nghiệp giống hệt như tu làm lành lánh dữ, nhưng khác ở cái tâm không cầu hưởng phước. Hầu hết rất nhiều người, nhiều nơi trên thế gian này đều chạy theo con đường hưởng phước lợi hữu lậu, cầu cho được bổ báo phước lành. Thương thay, mới thấy thì tốt, nhưng chung cuộc bị luật “Tam-thế-oán”, rất nguy hiểm về sau. Người hưởng phước càng lớn, càng khó tu, càng tạo nghiệp lớn, thì càng đọa lạc nặng. Đây là điều mà ít ai có thể nhìn ra, chỉ có Phật có đầy đủ trí huệ mới vạch trần cái bẫy cho chúng sanh biết để tránh đường hiểm nạn đó cha má ạ.

Tóm lại cách tu Tịnh-Nghiệp là: Sáng nguyện cầu sanh về Tây-phương Cực-lạc khi mãn báo thân này. Rồi cả ngày phải giữ câu Phật hiệu luôn luôn trong tâm, không được niệm cái gì khác xen tạp vào. Chiều phải đem tất cả công đức hồi hướng về Tây-phương để vãng sanh và hồi hướng cho oan gia, trái chủ để họ hưởng được phước báu. Cái Sự tu hành căn bản là vậy.

Như vậy, muốn thành Phật bắt buộc phải tín-nguyện-hạnh đầy đủ, chứ không thể tự mình cứ nghĩ sao làm vậy. Trong tín-nguyện-hạnh này chỉ làm sai một ly có thể uổng công tu hành. Đọa lạc vẫn phải bị đọa lạc.

Cha thường nói phải có căn lành nhiều đời mới thành tựu chứ đâu có chuyện thành Phật khơi khơi? Đúng đó, nhưng cha má cứ ngồi đây mà lý luận, thì cuộc đời luống qua trong oan uổng! Đúng là đúng trên lý thuyết suông chứ không đúng lắm trong cái tâm tu hành đâu. Vì niềm tin chưa đủ, vì hồi giờ ít nghe pháp Phật, cho nên chưa khai thông cái bế tắc này. Chứ xin hỏi, thực ra cái căn lành trong vô lượng kiếp trước của mình là gì? Mình có thấy được không? Không thấy, thì sao dám nói mình ít căn lành? Không biết, thì tại sao dám nói trong vô lượng kiếp rồi mình không tu? Không thấy, không biết làm sao lại nỡ bi quan, yếm thế, tự mình khinh bạc cái thiện căn trong quá khứ của mình như vậy?

Trong khi đó, chư vị Tổ-Sư khẳng định rằng, người nào đời này nghe được tiếng Phật hiệu thôi cũng chứng tỏ thiện căn của họ rất lớn rồi, huống chi là người đã phát tâm niệm Phật. Cha má đã niệm Phật rồi mà còn hồ nghi cái thiện căn của mình, để chấp nhận tiếp tục trôi lăn trong lục đạo luân hồi thì thật là tiếc vậy! Cha má có biết đâu, chính cái tâm chân thành niệm Phật nó tạo ra thiện căn, nó nẩy ra công đức vô cùng to lớn.

Cho nên, muốn biết căn lành của mình lớn nhỏ hãy coi lòng tín tâm của mình. Có tin thì đã có thiện căn, tin ít thì thiện căn ít. Thiện căn ít mà quyết chí niệm Phật thì chẳng mấy chốc căn lành được trưởng dưỡng vô bờ vô bến. Nên nhớ một câu chí thành niệm Phật có thể giải trừ tám mươi ức kiếp nghiệp chướng. Hay nói cách khác một câu chí thành niệm Phật thành tựu được một công đức thiện căn sánh bằng tám mươi ức kiếp làm lành. Có gì thành tựu lớn hơn, thưa cha má?

Cha má thường phân vân giữa tôn giáo. Tu hành theo pháp môn hay đạo giáo nào tùy duyên, con không dám nói đến. Nhưng phận làm con vì muốn cứu cha má để trả chữ hiếu con phải nói thẳng. Lá thư này tới tay là con nhập vào khóa tu học, không còn thời gian nói nữa. Thời gian dài sau này tự cha má lo liệu lấy. Trong những năm đóng cửa học Phật là con chỉ học một câu A-di-đà Phật, khi học xong đi giúp người cũng chỉ là câu Phật hiệu. Chỉ một câu Phật hiệu người ta học suốt đời chưa chắc đã thông thì sao mình dám khinh thường. Ngài Tịnh Không thuyết kinh giảng đạo hơn bốn mươi năm nay cũng xoay quanh câu A-di-đà Phật mà vẫn còn tiếp tục giảng, thì cha má phải hiểu chỗ vi diệu của nó.

Tu đạo nào cũng tu, nhưng khi già rồi, cần phải trực tỉnh giác ngộ đường tu để thoát thân. Sinh tử sự đại, sao dám lơ là! Tất cả những người tu hành khi ngộ đạo đều trạch pháp cả. Trạch pháp là gì? Là sựï chuyên tu một hướng để giải thoát trước cái đã. Tất cả hầu như đều quay về với câu Nam-mô A-di-đà Phật hết.

Cái điều con muốn nói thêm với cha má là cái năng lực của pháp môn niệm Phật và cái lý đạo cần phải tỏ ngộ trong pháp tu hành. Ngay trong đạo Phật, mỗi chùa có mỗi cách tu khác nhau, có chùa thờ Phật Thích-ca Mâu-ni, có chùa thờ Quán-Thế-Âm Bồ-tát, có chùa thờ Di-Lặc Bồ-tát, có chùa thờ Phật A-di-đà, v.v… Tất cả đều là đạo Phật, không có gì chống trái. Tuy nhiên, một khi liễu ngộ đạo rồi thì ai cũng phải buông xả tất cả để quay về với một câu “Nam-mô A-di-đà Phật” để cầu vãng sanh Tây-phương Cực-lạc. Khi đã ngộ đạo rồi, họ không còn niệm bất cứ một danh hiệu Phật nào khác, chỉ còn danh hiệu A-di-đà Phật mà thôi, để họ cầu xin được giải thoát, chứng đạo. Còn người chưa liễu ngộ Phật pháp, họ vẫn tiếp tục đi lang thang, họ khó có cơ hội thoát thân hơn. Cho nên, xin cha má dù sao cũng nên hiểu thấu lý đạo này.

Khi buông xả tất cả chỉ còn danh hiệu A-Di-Dà Phật thôi có bị cái tội phân biệt không? Có thất lễ với chư Phật khác không? Thưa không. Người hiểu đạo, hiểu rõ kinh Phật thì rõ ràng đây là y giáo phụng hành, làm đúng lời Phật dạy. Vì sao như vậy? Sự thật, muốn được tất cả chư Phật hộ niệm thì phải niệm tất cả chư Phật, Phật nào cũng phải niệm cả. Nhưng xin hỏi, hồi giờ cha niệm bao nhiêu vị Phật rồi? Hai mươi, ba mươi, bốn mươi… danh hiệu Phật. Đủ chưa? Chưa đủ đâu!

Trong nhà Phật, có kinh Vạn-Phật, nghĩa là niệm mười ngàn danh hiệu Phật, nhưng cũng không đủ, vì niệm mười ngàn Phật, thì còn vị mười ngàn lẻ một sao không niệm tới? Có nơi tăng lên mười lăm ngàn danh hiệu Phật, thì danh hiệu mười lăm ngàn lẻ một làm sao đây? Chư Phật trên mười phương có tới vô lượng vô biên, có hằng hà sa số Phật thì làm sao niệm cho hết.

Nhưng có cách, muốn niệm cho đủ toàn bộ danh hiệu Phật trong mười phương pháp giới, thì ta phải niệm A-di-đà Phật, vì A-di-đà Phật là danh hiệu chung của chư Phật mười phương. Vì vậy, chính đức Phật Thích-ca Mâu-ni bảo chúng sanh hãy niệm A-di-đà Phật, vì đây là danh hiệu của tất cả ba đời mười phương chư Phật, ba đời mười phương chư Bồ-tát, chư Thanh-Văn, A-La-Hán, (kinh Niệm Phật Ba-La-Mật). Tất cả chư Phật mười phương đều đồng thanh lấy Phật hiệu này mà độ chúng sanh. Chính vì thế, câu A-di-đà Phật mới có cái thần lực tối thượng, mới có thể cứu một người từ địa vị phàm phu tục tử thẳng lên đến ngôi bất thối ở cõi Tây-phương. Đừng nên sơ ý mà mất phần giải thoát. Oan uổng lắm cha má ạ!

Tu hành ta không nên phân biệt đạo giáo, nhưng phải hiểu cho rõ lý đạo của mỗi cảnh chứng đắc để tu. Tu hành mà không hiểu lý đạo giải thoát là sự vô trách nhiệm đối với pháp thân huệ mạng của mình, chứ không phải là vấn đề kỳ thị.

Tất cả đạo giáo đều tốt. Đúng! Nhưng chỗ liễu giáo bắt buộc phải thấy. Có đạo liễu giáo, có đạo bất liễu giáo. Ví dụ như đi học, trung học so với tiểu học thì trung học là liễu giáo, tiểu học là bất liễu giáo; trung học so với đại học thì đại học là liễu giáo mà trung học trở thành bất liễu giáo. Tu hành theo liễu giáo thì đường thành tựu viên mãn hơn. Con xin đưa ra ví dụ: Có người suốt đời thờ Quán-Thế-Âm Bồ-tát, suốt đời niệm Nam-mô cứu khổ cứu nạn Quan-Thế-Âm Bồ-tát. Tu như vậy rất tốt, nhưng so với niệm A-di-đà Phật, thì niệm Quán-Thế-Âm trở thành bất liễu giáo. Tại sao? Vì Quán-Thế-Âm Bồ-tát là vị Đẳng-Giác Bồ-tát ở cõi Tây-phương, trong Tây-phương tam Thánh thì Ngài đứng bên trái đức A-di-đà Phật, Ngài lập hạnh tầm thinh cứu khổ cứu nạn. Những người đi sông đi biển, gặp cơn hoạn nạn, sinh đẻ khó khăn, v.v… thành tâm cầu nguyện Ngài thì tức tốc được tai qua nạn khỏi. Còn khơi khơi không có hiểm nạn gì cả mà cứ réo gọi tên Ngài để nhờ Ngài cứu, cứu gì đây?! Như vậy ngay lúc lâm chung kêu cầu Ngài làm sao Ngài cứu mình thoát chết được. Mạng số của mình đã mãn thì mình phải chịu mãn, Bồ-tát đâu có thể cải đổi mạng sống của mình.

Muốn về cho tới Tây-phương Cực-lạc mà ngay phút lâm chung niệm “Nam-mô Bổn-Sư Thích-ca Mâu-ni Phật” cũng đâu có được. Vì sao? Vì chính đức Phật Thích-ca dặn dò rất kỹ là phải niệm “Nam-mô A-di-đà Phật” mới được về Tây-phương, mình không nghe Ngài lại đi niệm Ngài. Rõ ràng, tự mình đi sai đường để mất phần thoát nạn một cách đáng tiếc!

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni là Giáo chủ thị hiện thành Phật ở cõi Ta-bà, Ngài lập đạo để dẫn dắt chúng sanh về cõi Tây-phương của Phật A-di-đà bằng câu Phật hiệu A-di-đà Phật, mình không hiểu rõ đạo lý này, lại đi niệm Nam-mô Bổn-Sư Thích-ca Mâu-ni Phật trong lúc lâm chung, để chấp nhận trở lại cõi Ta-bà ngũ trược ác thế này mà tiếp tục chịu khổ. Điều này có oan không?

Quán-Thế-Âm Bồ-tát, Thích-ca Mâu-ni Phật là những vị đã qua khỏi lục đạo, qua khỏi tam giới, qua khỏi thập đạo giới rồi, là hàng chư Phật rồi mà mình niệm Ngài không đúng trường hợp còn bị mất quyền lợi, huống chi là mình niệm những vị Tiên ở trong lục-đạo luân-hồi. Những vị Thần Tiên vẫn còn ở trong tam giới, (Dục-giới thiên, Sắc-giới thiên, và Vô-Sắc-giới thiên), so với loài người thì thần thông của họ cao hơn, có phước báu hơn, nhưng chính họ vượt ra khỏi tam giới không được, thì làm sao họ cứu mình ra khỏi tam giới đây?

Thưa cha, thưa má, xin tìm hiểu giáo nghĩa đạo lý cho kỹ để thấy đường thoát nạn… Tu hành thoát nạn, đầu tiên là cầu chứng đắc cho chính mình, thứ đến là mới có đủ năng lực cứu độ chúng sanh, chứ đâu phải giải thoát là bội bạc đạo giáo của mình đâu. Mình đang học tiểu học, nhưng tâm cầu tiến mình sẽ học tới bác sĩ, tiến sĩ, ngày về quê gặp lại thầy cũ, thì họ vẫn là thầy của mình chứ có gì là chống trái!

Thưa cha má, con đã thấy được con đường tu hành chân chánh, con đã hiểu được cái đạo lý giải thoát trong một đời. Người đầu tiên con cố gắng hết sức để cứu giúp là cha với má. Nhưng nếu không tin thì con đành chịu thua, tùy theo căn phần của cha với má chứ con không còn cách nào khác. Sau thư này, con sẽ giảm bớt thư từ để lo tu niệm.

Lời của con đã chân thành, đã tận đáy tâm, sự giải thích đã quá cặn kẽ, nếu còn không tin nữa thì thôi, tùy nghiệp của cha má. Xin nhớ cho, những lời thư của con không phải bắt nguồn từ sự bồng bột của tuổi trẻ nữa đâu. Thôi, xin cha má suy nghĩ thật kỹ.

Nam-mô A-di-đà Phật.
Kính thư.
(Viết xong, Úc châu 21/2/2002). 

Chân thành phát nguyện vãng sanh Tây‐phương Cực‐lạc Thế‐giới là phát tâm Vô‐Thượng Bồ‐đề.(Tổ sư Ngẫu Ích).

16 -Lời khuyên song thân

Kính cha má,

Thực tế mà nói, nếu hiểu được đạo pháp rồi thì mới thấy rằng cuộc đời mình hoàn toàn tự mình lựa chọn tương lai, mình muốn đi đâu, muốn sướng hay khổ, muốn giải thoát hay đọa lạc… đều do chính mình tạo ra cả mà mình không hay. Ngay cả cái vận mạng của mình cũng là do chính mình tạo lấy, cho nên nếu biết cách tu hành thì có thể cải đổi vận mạng được như thường. Đây là sự thật, chắc chắn thật. Ví dụ, như người tạo tội ác phải đọa địa ngục, chắc chắn phải đọa vào địa ngục thiên thu vạn kiếp, nay nếu biết hồi đầu cải sửa vẫn có thể thoát nạn và được vãng sanh về tới Tây-phương Cực-lạc. Đây là lời kinh Phật nói…..

Thưa cha má, thà mê mờ không biết thì đành chấp nhận rủi may, chứ khi đã biết được đường đi, biết được chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sinh thì quyết định con đường thoát thân phải đi, đi cho đúng, cho vững, đừng đi quờ quạng mà uổng phí một đời luống qua. Thời khóa tu hành sắp sẵn không có chỗ hở, nhưng con cũng đã tự phát nguyện niệm Phật thêm để cầu cho thế giới hòa bình, chúng sanh khỏi nạn… Hằng ngày, con đều hồi hướng công đức cho cha má, nguyện cầu cho cha má sớm thức tỉnh đường đạo, dũng mãnh tinh tấn niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Con thành tâm động viên cha má hãy vững lòng tin tưởng pháp môn niệm Phật. Cha má tin lời Phật, vững lòng phát nguyện cầu vãng sanh Tây-phương, một hướng chuyên tâm niệm Phật, và chỉ có niệm Phật thôi, thì con tin chắc chắn cha và má sẽ được vãng sanh. Tất cả anh chị em, bà con xa gần, ai phát được lòng tin vững chắc, cứ y theo lời thư con tu hành thì ai cũng đắc được thiện lợi, một cái thiện lợi có giá trị bằng triệu kiếp tu hành, bằng vạn đời cực khổ lao nhọc, vĩnh viễn khỏi bị đọa lạc, vô tận thời gian an vui cực lạc chứ không phải nhỏ, xin chớ xem thường.

Cho nên, muốn giải thoát được chỉ có niệm Phật, niệm Phật phải chí tâm, chí tâm là nhứt tâm, nhứt tâm là không được xen tạp, xen tạp là vừa niệm Phật mà còn ôm đồm những cách tu hành khác, xen tạp là đi sai pháp môn, đi sai pháp môn thì trở thành pháp tu tự lực, tự lực là tự mình bỏ rơi sự gia trì của 48 đại nguyện của Phật A-di-đà. Không có sự gia trì của 48 đại nguyện, thì trong thời đại mạt pháp này khó có thể thoát nạn.

Thưa cha thưa má, Phật pháp quá sức thậm thâm, cao siêu vô thượng. Còn rất nhiều, rất nhiều điều con muốn nói thêm với cha má. Nhưng không cách nào con có thể nói cho hết được, vì pháp Phật nhiều như lá trong rừng còn thư của con viết về cho cha má chỉ là từng chiếc lá đơn lẻ, thì biết bao giờ mới viết cho hết đây. Hễ có thời gian thì con cố gắng viết, được tới đâu hay tới đó. Còn tu hành thì nếu cha má có tâm chí thành muốn vãng sanh về Tây-phương trong một báo thân này thì thật ra chỉ xem một lá thôi là cũng có thể hiểu được vạn lá trong rừng. Đi được hay không đều do cái phát tâm của cha và má vậy.

Trong thư trước con có nói về cách hạ thủ công phu. Hôm nay con xin nói thêm một chút về chuyện này. Thưa cha má, nên hạ thủ công phu tu ngay từ chỗ nào yếu nhất của mình. Cái lỗi nào lớn nhất của mình mà phá được thì những lỗi nhỏ khác tự nhiên được phá theo. Đừng nên tu theo lối lần mò từng bước, khó lắm. Xin cha má nên nhớ trong tất cả những loại ma chướng, thì “Tử Ma”là trở ngại nhất cho người tu hành, nhất là tuổi già. Thời gian không cho phép một người già khinh thường cái chết được. “Ma” làm cho mình chết gọi là “Tử-Ma”, nó đến bất cứ lúc nào và cắt đứt tất cả công phu tu tập mình, nó xóa sổ sạch trơn để mình phải trôi theo nghiệp chướng mà thọ báo.

Tu phải lấy ngay cái chỗ tối nguy kịch của mình mà hạ thủ, mới mong cứu mạng mình trong đời, còn lo tu sửa những lỗi nho nhỏ vụn vặt chỉ là hành động bòn mót phước báu bình thường, không được lợi ích lớn đâu. Ví dụ, như ở đời có người cứ lo chấp những lỗi lầm li ti mà lại đi phạm cái tội tử hình thì những cái tốt nhỏ nhỏ có cứu mạng mình được chăng? Tu hành cũng vậy, đi bòn mót những phước báu nhỏ nhặt như được chút tiền tài, chút hảo danh, chút tiếng khen… một ngày nào đó lọt xuống địa-ngục thì làm sao hưởng phước đây?! Cho nên, tu là phải tu thành Phật, phải thành Bồ-tát, phải tu cho vượt được tam giới, vượt được luân hồi, tam đồ, lục đạo, mới xứng đáng công tu hành, chứ đừng vì cảm tình mà cứ lẩn quẩn trong vòng tử tử sinh sinh, khổ đau bất tận, thật là oan uổng! Con biết tâm tình của cha, của má, thường khi xử sự đặt quá nhiều vào tình cảm, thành ra thường lúng túng không có quyết định dứt khoát, vô hình chung cuộc đời bị lỡ mất quá nhiều cơ hội để tiến lên.

Thưa cha má, nay con đã đem được con đường một đời đắc đạo vãng sanh đến cho cha má, thì xin cha má hãy nhanh chóng đến trước bàn Phật phát nguyện quyết tâm thực hành và bắt đầu tu hành ngay, không nên hẹn nay hẹn mai nữa. Con nhờ được may mắn mới thấy được đường đi, con chỉ đường mà cha má không đi thì tiếc lắm. Lỡ đời sau lại rơi vào trong chốn lục đạo này nữa liệu có còn ai quyết tâm cứu cha má như con bây giờ nữa không?

Phật dạy rằng Tham, Sân, Si là ba chất độc dễ sợ nhứt. Nó là cái cội rễ chủ yếu nhứt, lôi kéo con người vào lục-đạo luân-hồi, và tệ hại hơn là dìm thần thức con người vào ba đường ác hiểm: địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sanh.

Địa ngục từ đâu có? Từ lòng sân-giận mà có. Tại sao phải lạc vào đường ngạ quỷ? Vì lòng tham-lam. Lý do nào lại đầu sanh vào đường cầm thú? Vì sự si-mê u-ám. Nếu hiểu được Phật pháp thì ai cũng phải khiếp sợ ba cảnh giới này, nó nguy hiểm vô cùng, nhất là đường địa ngục, lỡ rơi vào đó rồi thiên thu vạn kiếp khổ đau khó mà thoát ra được. Cái cảnh giới địa ngục này ghê sợ lắm! Cha má, anh chị em, bà con, cô bác phải chú ý lưu tâm mà tránh xa đi. Tin hay không, đối với con không thành vấn đề, mà vấn đề là cái khổ nạn này tự mỗi người phải lo tránh, nếu không thì tự thọ lãnh lấy. Khóc hay cười cũng tự một cá nhân mình nhận chịu mà thôi, không trách ai được cả!

Hôm nay con xin thưa chuyện địa ngục để cha má, anh chị em biết mà né tránh. Kinh Phật dạy rằng, tất cả cảnh giới của mình đều tự mình làm ra rồi tự mình hưởng lấy. Phật dạy “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”, nghĩa là tất cả vạn pháp đều do tâm tưởng của mình sanh ra hết, là sự chiêu cảm tự nhiên để kết đúc thành nghiệp chướng. Tất cả những hành vi tạo tác của một người nó tự đúc kết thành nhân, để rồi tự mình nhận lấy quả báo. Nhân duyên quả báo tơ hào không sai. Vì thế, tâm niệm Phật thì nhân địa là Phật. Tâm sân giận là tạo cảnh địa ngục, cái nhân là địa ngục thì quả báo sẽ là địa ngục. Tâm tham lam, ích kỷ là nhân địa của ngạ quỷ thì quả báo sẽ là đường ngạ quỷ… Chữ “Pháp” cũng tức là cảnh giới, môi trường mình sống, hoàn cảnh mình thọ lãnh ở tương lai.

Như vậy, địa ngục là do chính mình lập ra để nhốt tù chính mình, rồi tự mình tạo ra vô vàn cực hình ghê rợn để hành hạ chính mình qua thời gian vạn kiếp, khó thể thoát được. Cảnh này do đâu mà ra? Cái chính yếu là hậu quả của tội ác mình gây ra. Tại sao mình gây ra tội ác? Cái chính yếu là từ tâm sân nộ, giận dữ gây ra. Như vậy, cái nhân tố chính yếu trong những cái chính yếu để đưa mình vào địa ngục là lòng sân-giận. Như trong thư trước con có nói, sự sân giận không phải là cái tội, mà là ông chủ của tội lỗi, nghĩa là sự sân giận còn có tầm nguy hiểm hơn điều tội lỗi nữa!

Trong cảnh giới địa ngục, tất cả mọi người bị đọa vào đó họ sống trong sự sân giận, căm tức, thù hằn, đố kỵ, họ nuôi mộng trả thù thiên thu vạn kiếp. Cho nên, cảnh giới sân giận là cảnh giới địa ngục. Hằng ngày trong địa ngục họ bị thọ hình quá ư tàn bạo, quá ư ghê rợn, quá ư dã man, quá ư đau đớn! Họ sống từng ngày, từng giờ trong cảnh giới đó cho nên tâm địa của chúng sanh luôn luôn thù hằn, nóng giận, họ đâu có thì giờ nào để nghĩ đến vị tha, tương thân tương ái. Họ đã làm ác bây giờ phải thọ ác báo khổ đau. Sự thọ ác báo làm cho tâm của họ luôn luôn bị khủng bố, bị áp bức… khiến tâm hồn thêm sân nộ, căm thù. Càng sân khuể, càng căm thù… thì họ lại tiếp tục tạo thêm nhân địa ngục mới. Cứ thế, nhân chồng lên nhân, quả chồng lên quả, oán oán chập chùng, khổ đau bất tận! Cảnh giới địa ngục vô cùng kinh khủng! Thật là một cảnh giới rùng rợn không thể diễn tả hay tưởng tượng được! Ngài Tịnh Không giảng kinh Địa Tạng nói về cảnh giới địa ngục, một lần Ngài giảng trải qua hàng năm trời, mỗi ngày hai tiếng, giảng qua mấy lần như vậy mới nói hết cảnh địa ngục, thì một lá thư ngắn ngủi này không thấm thía gì đâu, đây chỉ nói tổng quát để tưởng tượng tới mà thôi.

Tại sao Địa ngục có những sự tra tấn dã man ghệ rợn vậy? Xin thưa đó là “Nhân-Quả Báo-Ứng”. Cái nhân quả báo ứng này tự mình làm rồi tự mình thọ lãnh, không ai tạo cho mình cả. “Nhất thiết duy tâm tạo” mà, cho nên biết vậy mà phải đành chịu thua, không cứu được. Trong kinh Phật nói, trong cực hình địa ngục, chỉ có chính người thọ hình và Bồ-tát mới thấy được bên trong cửa địa ngục đang có gì, ngoài ra không có ai khác trông thấy. Không trông thấy thì làm sao tiếp xúc người trong đó? Không tiếp xúc với kẻ đang thọ hình trong địa ngục thì làm sao cứu họ ra? Không tiếp xúc, không cứu ra được, thì kẻ thọ hình cứ tiếp tục quằn quại đau thương, cứ tiếp tục căm hận, thù hằn kẻ ra tay hành hạ mình, và cứ thế, tiếp tục đến vô tận, vô biên thời gian!…

Một điều quá trơ trẽn và oái ăm là tất cả những cảnh giới thọ phạt rùng rợn, quá tàn nhẫn kia, lại do chính cá nhân người đó dựng lên rồi tự thọ lãnh chứ không có một ai bày ra hình phạt đó cả. Vì đó là sự chiêu cảm tự nhiên của nhân quả, giống như người nằm mộng, tự mình chiêu cảm thành ác mộng, người nằm bên cạnh có hay biết gì đâu. Vô hình chung, họ tự mình căm thù với chính mình, tìm cách trả thù chính mình để tự mình thọ lãnh thêm những hình phạt mới dữ tợn hơn, cay nghiệt hơn, rùng rợn hơn!!!

Trong địa ngục, Bồ-tát muốn cứu người không phải dễ! Vì sao? Vì chúng sanh sống trong cảnh thù hằn đến cực độ. Họ không chấp nhận một sự tha thứ, không chịu một sự giải hòa. Họ không chịu nghe một lời giải thích nào cả ngoài việc thù hận thì làm sao đây? Như ngay trên thế gian này, cảnh giới của dương thế này là dễ tu nhứt, Phật Bồ-tát xuất hiện rất nhiều để cứu chúng sanh. Cứu bằng cách nào? Bằng cách thuyết kinh giảng đạo, khuyên nhủ người tu hành… Nhưng, nhiều khi thuyết giảng đến khan cổ mà có mấy ai nghe, viết muốn hết giấy, hết mực có mấy ai đọc đến? Ngay cả con cái, anh em, cha mẹ trong nhà khuyên nhủ nhau hết lời liệu có ai nghe chưa, thì làm sao trong một xã hội toàn là thù hằn sân giận thì làm sao họ để tâm nghe theo?

Cái tâm căm thù quá cao chính là thủ phạm dìm họ mãi mãi trong địa ngục, Địa-Tạng-Vương Bồ-tát muốn kéo họ ra nhưng không dễ gì kéo họ ra cho được. Nghiệp chướng của mỗi người phải tự mỗi người hóa giải. Phật Bồ-tát chỉ có khuyên răn, chỉ đường và gia trì mà thôi, còn cải đổi hay không phải tự mình làm lấy. Muốn cứu họ, Bồ-tát nói rằng, ngươi tự làm khổ ngươi đó chứ không ai hành hạ các ngươi đâu. Hãy đừng nóng giận nữa, đừng căm thù nữa, hãy niệm thiện niệm lành, hãy sám hối tội lỗi của mình, hãy tịnh tâm niệm Phật thì tự nhiên các ngươi được thoát nạn liền. Nhưng, cái tâm nghi ngờ của chúng sanh đó đã lên đến chỗ cực độ, không thèm nghe lời còn cho rằng, “Ông nói xạo gạt tôi, tôi phải tìm cách giết cho được kẻ hành hạ tôi, tôi phải trả thù…”. Cứ thế làm sao bây giờ? Cái khó là ở chỗ này vậy! Họ không chịu nghe cho nên Bồ-tát muốn độ họ cũng phải biến hình thành quỷ rất dữ mới răn đe họ được, nhiều lúc đành phải dọa nạt, đánh đòn, dùng cực hình trấn áp… để cho họ khiếp sợ mà không dám làm bậy nữa.

Dưới địa ngục thọ mạng rất dài, một ngày một người có thể bị hành hình chết đi rồi sống lại không biết bao nhiêu lần. Ở chùa, thường người ta có để một pho tượng “Quỷ-Sứ” mặt mày dữ tợn, mắt trợn, lưỡi thè dài. Đây là quỷ Tiêu-Diện, một vị quỷ sứ đại hung dữ ở dưới địa ngục. Ngài là ai? Là Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán-Thế-Âm Bồ-tát đó. Ngài vì muốn cứu độ chúng sanh ở địa ngục nên Ngài phải hiện thân thành quỷ dữ để độ họ. Trong kinh Phật nói, chúng sanh muốn thân gì Bồ-tát hiện thân đó để độ. Dưới địa ngục mà hiện thân Bồ-tát hiền từ họ đâu có nghe, vì chúng sanh trong địa ngục vô cùng cay nghiệt, vô cùng ác độc! Ngày ngày, họ bị tôi luyện trong cực hình dã man, cho nên tâm sân khuể, tâm thù hằn mạnh lắm không thể dễ dàng làm cho họ nguôi ngoai được. Chính vì cái tâm nóng giận này nó chiêu cảm những hình phạt tương ứng với trình độ của tâm thái.

Một người có tâm thù hận đến cực độ sẽ bị chiêu cảm đến những hình phạt ghê rợn như “Thiết-Sàng”, như “Đồng-Trụ ” chẳng hạn. Thiết sàng, là cái giường bằng sắt, bắt tội nhân nằm lên đó rồi cho đun lửa cho đến khi tan xương nát thịt mà chết. Đồng trụ, còn gọi là “pháo-lạc” là một trụ đồng nóng, bắt tội nhân ôm lấy để thân thể bị nóng cháy cho đến chết luôn. Đó là hai trong những hình phạt vô cùng dã man trong địa ngục. Tất cả những hình phạt đó đều do sự chiêu cảm từ cái tâm ác hiểm mà ra, chứ không ai bày ra cho họ cả. Rõ ràng, thà rằng chém họ một nhát, bắn họ một phát chết liền còn nhân đạo hơn ngàn lần sự thọ lãnh những cực hình đó. Một người có tâm ác đến cực độ sắp sửa bị những cực hình trên mà họ không hay. Bồ-tát thấy được chuyện này, Ngài muốn cứu họ mà cứu không được, vì họ không nghe lời khuyên, không chịu ngừng tâm thù hận, thì làm sao đây? Đành rằng Bồ-tát cũng phải dữ như “Quỷ” thẳng tay trừng trị, may ra mới ngăn chận họ đừng phạm phải tội lỗi nữa. Rõ ràng Bồ-tát đang cứu người chứ đâu có hại người. Bồ-tát chấp nhận việc này là sự bất dắc dĩ để giúp họ thoát cái cực hình ghê rợn của thiết sàng đồng trụ mà họ đâu có hay!

Cách đây một tuần, chúng con có dự một bữa tiệc, Hòa-Thượng Tịnh-Không được mời lên khai thị, Ngài nói rằng, “khi quý vị phải giết một con vật để ăn thịt thì xin hãy làm ơn cho một dao giết chết nó liền đi, rồi sau đó làm gì thì làm, đừng nên hành hạ chúng tới chết”. Một Hòa-Thượng, thượng thủ Tịnh-độ Tông thế giới tại sao lại khuyên người ta sát sanh? Thưa không. Ngài nhìn chung quanh trong cái xã hội này đa phần đều là người sát sanh hại vật để ăn thịt, khuyên họ ăn chay làm lành không được, thì thôi đành rằng trong cái tội lỗi, hãy bày cho họ chọn cái tội nhẹ hơn một chút, để may ra tương lai còn có cơ hội sám hối chuộc tội, chứ Ngài nào có chủ trương giết hại sinh vật đâu. Ngài nói mà trong tâm Ngài đau thương đến rướm máu đó mà!…

Cho nên, con thành khẩn khuyên cha má, anh chị em, bà con, cô bác, nếu vạn bất đắc dĩ phải giết con vật để ăn, thì hãy gãy gọn làm một nhát cho nó chết trước đi, đỡ đau khổ cho nó hơn, đừng nên đánh vảy con cá trong lúc nó còn giãy đành đạch, đừng nên mổ bụng trong khi nó còn đang trào ra nước mắt. Biết được luật nhân quả, báo ứng thì hãy cố gắng tránh tự tay mình kéo ngửa cổ con gà ra lấy dao cắt đứt gân của nó để cho máu của nó chảy dần ra tới chết. Cái hận thù hành hình sát mạng này trở thành bất cộng đái thiên, là mối thù truyền kiếp chứ không phải thường đâu! Dù có Bồ-tát khuyên giải chúng nó cũng không nghe đâu. Nên nhớ, nợ sanh mạng nó thề sẽ đền trả bằng sanh mạng! Khi hiểu đạo rồi mới thấy cái nợ oan gia, trái chủ. Thật là khủng khiếp! Vì chúng nó vụng tu cho nên hiện tiền nó đang chịu thọ lãnh cực hình của địa ngục. Đối với con cá, con gà lúc đó, thì địa ngục là đây chứ còn đâu nữa! Quỷ sứ, chính là kẻ đang hành hình nó để ăn thịt chứ còn ai nữa! Nhân quả báo ứng tơ hào không sai, ta đang tạo cảnh địa ngục thì xin hỏi, ai thay ta đi xuống địa ngục để thọ hình trả nợ đây?

Trong pháp môn niệm Phật, với bốn mươi tám lời nguyện của Phật A-di-đà nói rằng, tất cả chúng sanh trong cửu pháp giới, nghĩa là có cả chúng sanh bị đọa trong địa ngục, nếu người nào phát tâm tin tưởng, phát lời nguyện cầu sanh về Tây-phương Cực-lạc Thế-giới, chí thành niệm Nam-mô A-di-đà Phật thì được cứu độ vãng sanh về Tây-phương thành bậc bất thối Bồ-tát. Dễ dàng như vậy mà mấy ai nghe theo! Ngài thề rằng, nếu Ngài không thực hiện lời hứa này thì Ngài không thành Phật. Một lời thề vĩ đại, không thể tưởng tượng, và Ngài đã thực hiện được, vì Ngài đã thành Phật hiệu là A-di-đà cách đây đã mười kiếp rồi tại Tây-phương Cực-lạc Thế-giới. Thế mà con người vẫn không tin. Không hiểu tại sao?! Lời nguyện độ sanh này có điều kiện rõ ràng là phải TÍN-NGUYỆN-HẠNH trọn vẹn thì mới được cứu thoát. Ấy thế mà chúng sanh không chịu niệm, rất ít người chịu niệm, rất khó cho họ chấp trì. Tại sao vậy? Tại vì cái tâm căm thù, đố kỵ, ngạo mạn, nghi ngờ… đã ngăn cản họ, cấm họ, không cho phép họ mở lời phát nguyện để giải thoát. Thật không biết lời nào để phê bình nữa!

Trở lại với cảnh giới địa ngục, một người khi hết báo thân, thần thức bị chiêu cảm vào cảnh giới đó là xui xẻo nhất, tệ hại nhứt, khổ đau nhứt, bạc phước nhứt! Trong tội thập ác thì đây thuộc về thượng phẩm thập ác. Trung phẩm thập ác, bị đọa ngạ quỷ đỡ hơn một chút, hạ phẩm thập ác bị đọa súc sanh, có nghĩa là nhẹ nhất, súc sanh gần gũi với loài người. Nếu sơ ý sanh về hàng súc vật nhưng trước đó có làm phước nhiều thì vẫn được hưởng phước. Ví dụ, như có những con chó được ông chủ giàu có thương yêu chăm sóc, đây là có làm phước nhưng mà ngu si vậy.

Thượng phẩm thập ác thực sự không khác gì với những tội ác khác cả, nhưng cấp bực tội ác của nó thường là đã do lòng sân giận nâng cao mức tội lỗi lên đến chỗ tệ hại, vì khi nóng giận:

�.(1) Là nó đốt cháy tất cả công đức tu hành đã tích lũy được, làm cho người đó bỗng chốc bị mất sạch tất cả công phu tu hành;

�.(2) Là nó gia tăng cường độ tai hại của việc làm;

�.(3) Là nó làm cho tâm hồn mình điên loạn (tâm ma),

�.(4) và sau cùng là nó cấy cái nhân địa ngục, mình bị đọa địa ngục.

Trong giảng ký về kinh Vô-Lượng-Thọ, Ngài Tịnh-Không dạy rằng, người tu hành phải luôn luôn đề cao cảnh giác sự nóng giận, tuyệt đối đừng sơ ý mắc phải, nếu không khó có cơ hội để hy vọng vãng sanh. Vì sao? Vì rừng công đức tu tập suốt một đời bỗng chốc bị đốt cháy trở thành tro bụi bởi đóm lửa sân giận trong tâm. Có nhiều loại ma quái luôn luôn tìm cách phá hoại công đức tu tập của mình, khi nó thấy mình tích bồi được một số công đức, nó liền tới xúi giục bảo mình, đốt đi, đốt đi, hãy đốt đi. Mình nghe lời chúng đem công đức đốt cháy sạch trơn. Một tích tắc sơ ý, chỉ cần tâm lóe lên một ý giận thì bao nhiêu công đức không còn gì nữa cả. Sau đó mình lại lần mò tu lại, rồi lâu lâu nó xúi một lần nữa và lại phủi bàn tay trắng. Đọa lạc vẫn là đọa lạc là như vậy. Ngài còn nói tiếp, nóng giận không đốt được phước đức, nhưng nó đốt tan công đức. Phước đức là giàu có, tiền tài, danh vọng. Công đức là để vãng sanh đắc đạo thành Phật. Công đức quý hơn nhiều!

Thưa cha má, những lá thư này con nói sâu vào cách tu hành, thực ra đây không phải là con dạy đời cha má đâu, nhưng trong đời con có may mắn gặp được chân sư, hằng ngày con nghe thuyết kinh giảng đạo và vô tình đạo lý của Phật pháp nó thâm nhập vào tâm con hồi nào không hay. Bây giờ ngoài thư viết về Phật pháp con không viết được gì nữa cả. Người nào chấp nhận nghe thì con viết, người nào không chấp nhận thì thôi. Tâm nguyện của con là cứu thoát cha má trong đời này, cho nên càng viết con càng cảm thấy an lòng. Cha má tu hành là cái cơ may của cha má. Tu hành, phải tích công đức, phước báu. Chính vì lo cho cái thiện căn phước báu này cho nên những lá thư đầu tiên con chỉ mong cầu cho cha má phát tâm niệm Phật trước đã. Hễ phát tâm niệm Phật, nếu không có thiện căn thì thiện căn cũng sẽ có, không có phước báu thì phước báu cũng đến. “Nam-mô A-di-đà Phật” là một âm thanh tối vi diệu, nó có khả năng tạo ra thiện căn phước báu vô lượng cho người phát nguyện trì niệm. Có thiện căn, phước đức rồi thì nhân duyên vãng sanh sẽ đặt theo từng bước chân đi, ngay trong đời này không đâu xa cả. Thiện căn, thuộc về công đức. Phước báu, thuộc về phước đức là lương thực để đi đường.

Tu hành phải từ cái lỗi lầm lớn nhất của mình mà hạ thủ công phu. Cái sở cầu phải tìm đỉnh cao nhất mà cầu mới mong thành đạt, gọi là “tu tại hồ trọng, chí tại hồ thượng” là vậy. Nghĩa là tu sửa phải lo sửa cái sai lớn nhất trước, chí cầu đắc phải cầu thượng đỉnh thì sự tu hành của mình mới viên mãn. Sửa sai chỉ chăm chú sửa lỗi nhỏ quên cái lỗi lớn thì tội lớn nó giết chết cả huệ-mạng của mình, mình còn dịp nào nữa mà tu. Cầu đạo mà cầu chứng đắc nhỏ thì khi tử ma đến mình đắc được cái gì? Bá thiên vạn kiếp không thành gì cả. Ví dụ câu “Nhân đạo bất tu, Thiên đạo viễn hỷ” rất là đúng. Đây là căn bản của đạo làm người, nhưng không phải chỉ làm người mà không lo đạo giải thoát đâu. Ví dụ như nói “không học tiểu học thì làm sao học trung học”, là để khuyến khích người không chịu đi học chứ không phải để nói cho người đang học cao học, đại học đâu. Chẳng lẽ người học đại học không làm được bài toán tiểu học sao!?

Chí cầu ư thượng đỉnh thì quả đạt thượng đỉnh, chí cầu chỉ được làm người trở lại thì không bao giờ đạt tới hàng Thánh, thế thì còn mơ làm sao có ngày đạt đạo giải thoát? “Tu sửa từ tội nào tệ nhất trước mới là tu”. Tội nào tệ nhất? Đó chính là tội đọa địa ngục. Niệm Phật cầu về Tây-phương để một đời thành Phật là cái đỉnh tối thượng, mà hằng ngày tâm mình lại tạo dựng cảnh giới địa-ngục thì cái quả địa làm sao tương ứng với cảnh Tây-phương của Phật! Chắc chắn không thể nào được! Cha má nên nhớ rằng muốn được về với Phật A-di-đà thì tâm phải là Phật, thân phải làm Phật, miệng nói lời Phật mới được. Nghĩa là, tất cả đều phải đi đến chỗ nhất tâm hướng về Phật.

Tâm niệm Phật thì tất cả vạn duyên đều phải buông xả, chỉ còn có Phật, gọi là “Thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật”. Chính cái Tâm mình sẽ biến mình thành Phật. Nhất thiết duy tâm tạo, nếu tâm mình muốn làm ông Tiên thì tâm Phật bị xao lãng. Tạp tu dễ thất bại là vì vậy đó cha má ạ! Muốn vãng sanh thành Phật tâm phải niệm Phật. Miệng niệm Phật mà tâm còn muốn cầu xin Bồ-tát cho chút phước báu thì tâm đó không chí thành, không nhứt tâm. Tu hành sai giới luật của pháp niệm Phật, nên tự mình bỏ mất lực gia trì vậy.

Tổng quát là vậy, bây giờ về sự tu trì, xin cha má phải đi vào căn bản, phải thực hiện cụ thể, có như vậy mới đạt được công phu. Niệm Phật giới luật nghiêm minh thì tâm mới được thanh tịnh, nhờ đó trí tuệ tự nhiên khai mở, cha má sẽ tự biết đường huân tu. Cụ thể, về chuyện sân-giận, cha má hãy tự xét coi mình có thường giận nóng hay không? Đó là cái nhân chủng địa ngục rất nguy hiểm! Nếu có, ngay lập tức phải biết hối cải, sám hối nghiệp chướng liền. Nếu không sám hối ngay chỗ này thì dù tu cách nào cũng không thể thành đạo.

Thưa cha, vì một lòng thẳng thắn cứu cha, con đành phải nói thật, nói ngay trong thời khoảng mà cha còn có thể hồi đầu chuyển lỗi thành công, chuyển tội thành phước, hơn là ém nhẹm để sau cùng cha bị nạn quá nặng, đến chừng đó không ai cứu cha được nữa. Xin cha chớ giận, con xin nói thẳng rằng cha thường sơ suất về chuyện này, vô tình bao nhiêu công đức tu hành sáu bảy chục năm đã bị tiêu hủy hết rồi. Đây là điều đau đớn con xin thưa thực, là sự đau lòng mà con rất muốn nói với cha, nay mới có dịp. Đây là lời Phật nói trong kinh chứ không phải con nói. Muốn có công đức cha phải tự tái tạo lại ngay từ đầu bằng cách niệm Nam-mô A-di-đà Phật, và nếu một lòng nhứt tâm xưng niệm, chuyên chí một đường thì chắc chắn chỉ trong một thời gian ngắn cha sẽ có một phước báu mới rất lớn, một thiện căn mới rất lớn. Nhờ thiện căn và phước báu mới này mới có hy vọng cứu thoát cha ra khỏi luân hồi. Nhưng, nếu cha sơ ý lại nổi sân giận nữa thì lại đốt tiêu tan lần nữa. Xin cha tin con. Xin cha trăm ngàn lần nghe lời con, con tuyệt đối vì lòng hiếu thảo, vì chí nguyện cứu độ cha nên con đành phải nói lời thành thật để cha trực giác hồi đầu, tuyệt đối con không có một chút vọng ngôn.

Phật dạy, bất cứ lúc nào hễ biết quay đầu thì thấy bến. Vậy thì “chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”, nghĩa là đừng sợ cái niệm sai lầm trước, chỉ sợ mình không chịu quay đầu giác ngộ mà thôi.

Giận dữ, nó đốt rừng công đức mà còn cấy nhân địa ngục vào tâm linh mình. Cấy nhân địa ngục còn đỡ, lỡ sân giận mà buông lời sai suất với Phật và Phật pháp thì sự việc trở thành rất lớn, tai họa nghiêm trọng. Cha tự nghĩ coi đã từng lỡ phạm phải chưa? Nếu có, con xin quỳ xuống năn nỉ cha má, cha má phải tức khắc sám hối, hàng ngày nên tìm giờ nào thuận tiên tự quỳ trước bàn thờ Phật mà kiệt thành sám hối, nhất định không thể hẹn, không thể tự ái được.

Người buông lời khinh thị Phật pháp đã kết thành tội cực trọng, trong kinh nói rằng, chư Phật mười phương không cứu nổi, chỉ có Phật A-di-đà với bốn mươi tám đại nguyện mới cứu được, nhưng bắt buộc phải thành tâm sám hối tội lỗi. Người phạm lỗi này mà trong đời phạm thêm tội ngũ nghịch nữa thì vô phương thoát nạn.

Đây có thể làø tội vô tình mà nên. Nhưng vô tình hay cố ý vẫn là tội! Ngoài việc sám hối còn phải “lấy công chuộc tội”.

Một là ngày đêm nguyện với Phật kiệt thành sám hối chuyện này,

Hai là để ý đề cao cảnh giác ngăn ngừa sự sân giận mới,

Ba là lỗi tại đâu lấy đó mà trị.

Ví dụ, cái lưỡi lỡ nói lời khinh báng thì bây giờ ta phải phát nguyện dùng cái lưỡi này đi tuyên dương Phật pháp, đi khuyên người tu Phật, đi giúp người niệm Phật. Thành tâm làm thì ta sẽ hóa giải cái kiếp nạn kinh khủng này, không những thế mà cha má còn chuyển được nghiệp báo từ cực xấu trở thành cực tốt. Đây là diện “sám tội vãng sanh”, công đức nhiều khi vượt thắng hơn người thường chứ không phải đơn giản. Con thành tâm khuyên cha má nên tự quán xét để kịp thời tự cứu mình, đừng nên lơ là buông trôi mà phải nhận chịu thọ phạt cực trọng.

Xin cha má xem lại thư của con thêm một lần nữa. Địa-ngục, ngạ- quỷ, súc-sanh là những đường phải tránh xa. Khổ nỗi! Ai cũng muốn tránh mà không biết cách tránh cho nên mới phạm phải những lỗi nghiêm trọng mà không hay đó thôi! Hằng ngày, con đều nguyện cầu Phật lực gia trì cho cha má thấu đường tu, cố gắng nhẫn nhục để đạt giải thoát cho được. Tất cả xin hãy buông xả hết đi, tất cả hãy vì mục đích: về cho được Tây-phương Cực-lạc trong đời này.

Nam-mô A-di-đà Phật
Con kính thư.
(Viết xong, Úc Châu ngày 25/3/2002). 

™Giữ tâm tốt,™ Nói lời tốt,™ Làm việc tốt,™ Tạo người tốt.

(PSTịnh‐Không).

17 -Lời khuyên song thân

Kính cha má,

“Cuộc đời như áng mây trôi, khi tan, khi hợp, đổi thay không thường”, hãy cố gắng tu hành, quyết thoát ly sinh tử, khổ nạn. Đừng chần chờ đừng do dự mà mất cơ hội ngàn vàng khó mua này. Tu hành pháp môn nào cũng được, đạo nào cũng được, cũng tốt cả. Nhưng tu với mục đích quyết giải thoát thì cần nghiên cứu cho kỹ vì không phải pháp môn nào cũng dễ đưa đến giải thoát được đâu. Trong nhà Phật với tám mươi bốn ngàn pháp môn đã bao trùm tất cả mọi phép tu, mọi tôn giáo xuất hiện trên thế gian, khó có một chánh pháp nào lọt ra khỏi trong tám mươi bốn ngàn pháp đó. Trong đó, đặc biệt Pháp “Niệm Phật” là pháp thù thắng trong tất cả pháp thù thắng, là vì không những có khả năng đưa một chúng sanh vượt qua tam giới, thoát khỏi luân hồi lục đạo mà còn vãng sanh Tây-phương Cực-lạc Thế-giới để một đời thành Phật. Nếu hiểu thấu được pháp giới thì mới thấy đây là một chuyện bất khả tư nghì, với trí con người không thể nào hiểu tới.

Đã là thân phận con người ai cũng phải chịu cái khổ “Sanh, Lão, Bệnh, Tử”, nhưng người biết chí thành niệm Phật cầu sanh Tây-phương thì thoát được chữ “TỬ” này. Trong kinh Luận, chư Tổ sư Phật giáo gọi đây là “Pháp Môn Bất Tử”. Người được vãng sanh Tây-phương không phải là chết mà họ vẫn tiếp tục sống, họ chỉ chuyển thân từ nhục thân thành liên hoa hóa thân. Hòa Thượng Tịnh Không nói rõ rằng, vãng sanh không phải là chết rồi mới vãng sanh mà đang sống họ đi vãng sanh, tức là họ tự liệng thân xác lại trong lúc vẫn còn đang sống để đi theo Phật và tiếp tục sống trong một cảnh giới hoàn toàn khác tốt đẹp, vi diệu, thần thông biến hóa tự tại tối thắng phi thường và tất cả những sự việc trong đời họ vẫn còn biết rõ rệt. Không những thế bắt đầu từ đó họ còn biết luôn cả vô lượng kiếp về trước họ đã từng làm gì, tu hành như thế nào, kiếp nào bị đọa, kiếp nào cao sang. Khi vãng sanh, được quang minh của Phật A-di-đà phóng chiếu nhiếp thọ thì tức khắc tự tánh của họ được phục hồi nguyên vẹn, nhờ “túc mạng thông” mà họ biết được tất cả vô lượng kiếp về trước.

Còn chết thì sao? Con người lúc chết không tự chủ được bản thân, bị đau đớn giống như “con rùa bị người ta lột mai” vậy. Lúc chết, thần thức bị oan gia, trái chủ bủa vây tấn công bằng những đòn thù tàn nhẫn và chúng nó cắn xé lôi mình vào đường hiểm nạn. Chết thì thần thức phải qua thân trung ấm, thường trong bốn mươi chín ngày, (cho nên người ta mới cúng bảy tuần là vậy). Đến khi đầu thai chuyển thế thì ký ức của họ hoàn toàn bị xóa sạch, họ sẽ quên tất cả những gì đã xảy ra trong đời họ, thần thức mê mê mờ mờ chiêu cảm theo nghiệp báo để thọ sanh. Ví dụ, như ta đang sống đây nhưng đời trước ta không biết, một đứa bé sinh ra hoàn toàn ngu ngơ, ngốc ngác… Tất cả những người bị “chết” nếu không bị lượng tội địa ngục thì chỉ được tái sanh trong những đường: người, cầm thú, quỷ thần và ngạ quỷ. Họ không thể sanh lên tới cảnh giới trời, thì còn mong gì tới cảnh Tây-phương Cực-lạc.

Sanh lên trời dù không vượt khỏi tam giới nhưng cũng được gọi là vãng sanh thiên. Bị đọa địa ngục, vãng sanh thiên và vãng sanh Tây-phương Cực-lạc không qua sự cách ấm, nghĩa là họ chuyển thân đi luôn. Sanh thiên được chư thiên đón về đó hưởng phước, khi hết phước thì rất dễ bị đọa lạc nặng. Vãng sanh Tây-phương được chư Phật, chư Thánh Chúng đón, chư thiên cung tiễn, về đó tu hành để thành Phật vĩnh viễn thoát ly mọi ràng buộc của sanh tử luân hồi. Kinh Phật cho ta biết chậm nhứt là mười hai kiếp, nhanh là ba kiếp thôi ta sẽ thành Phật, (đây là chưa kể lực gia trì của Phật A-di-đà). Mười hai kiếp quá nhanh, có thấm gì đâu so với ba đại A-Tăng-Kỳ kiếp hay vô lượng kiếp của các pháp tu khác. Bị đọa địa ngục thì quỷ sứ còng đầu lôi đi, tới đó để vĩnh kiếp đọa đày khổ ải, “thống bất khả ngôn!”. Vì thần thức bị rơi địa-ngục không qua cách ấm, không có nhập, trụ, xuất thai, cho nên con người ở địa ngục có thể vẫn còn nhớ chuyện thế gian, còn nhận ra được con cháu, còn nhớ những gì mình đã làm… Nhưng đã trễ rồi, có hối hận cũng quá muộn màng! Bây giờ có muốn liên lạc cũng không thể liên lạc được nữa, đành âm thầm nhận lấy thương đau, không kêu cứu ai được cả!

Hiểu biết được cảnh giới như vậy mới thấy vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc Thế-giới là điều tối ư quý báu, là cái phước báu lớn nhất mà chỉ có Phật A-di-đà với bốn mươi tám đại nguyện mới cứu độ chúng ta về đó mà thôi. Một điều nên biết nữa, là vãng sanh Tây-phương là nơi viên mãn của Phật đạo nhưng lại dễ hơn là cầu sanh lên các cõi trời trong tam giới, lên các cõi tiên là cảnh giới còn thấp hơn. Vì tất cả các cảnh giới đều do tự tu chứng, đường tu rắc rối hiểm nghèo, dễ bị sai đường, dễ lầm lạc vào nẻo tà, rất nguy hiểm!

Trở lại việc tu hành, đã quyết định con đường vãng sanh Tây-phương Cực-lạc trong đời này thì xin cha má hãy gấp rút “Tích Công Lũy Đức” để có tư lương đi về với Phật. Tích công lũy đức là cố gắng làm lành lánh dữ. Làm lành, hãy lấy tâm chí lành, chí thiện, thanh tịnh mà làm. Nghĩa là, cha má hãy thoải mái tùy duyên. Tuổi cha má đã già rồi không thể bôn ba như người trẻ tuổi được cho nên hễ gặp dịp thì làm còn không thì cứ an nhiên tự tại, ráng giữ cho tâm hồn bình thản an vui niệm Phật. Làm thiện tùy duyên là có thì giúp không có thì thôi, chủ yếu là tâm của mình lương thiện, sẵn sàng thành tâm thiện ý muốn giúp đỡ kẻ khốn khó là được. Hễ có thiện ý đó rồi tự nhiên mình thấy cách làm, đừng chấp mình làm nhiều làm ít, đừng để tâm phân biệt khinh thị kẻ nghèo kém hơn mình…

Làm lành tuyệt đối đừng nẩy lên ý tưởng mong cầu phước báu mới là làm lành. Mong cầu hưởng phước báu tức là còn tham lam, còn bất thiện, còn phải mắc nợ đọa lạc! Làm thiện thuộc về phước báu hữu lậu. Luật nhân quả vay trả hễ có làm thì tự nhiên phước báu có đến, đừng cầu mong. Hễ nẩy lên niệm cầu phước lộc thì bị phạm nghiệp “Tham”, nghiệp này thuộc về vô-lậu. Tham lam là nhân ngạ-quỷ, cái phước báu mình làm được không chuộc được cái nhân chủng ngạ quỷ đã cấy trong tâm. Chính vì thế, nên còn tham thì khó vãng sanh được. Làm lành là tu cho chúng sanh, mở rộng tâm lượng bao la, thương yêu vạn vật để phát triển tâm từ bi, khiêm nhường kính trọng mọi người, có như vậy tâm mình mới tương ưng với tâm Phật A-di-đà, nhờ thế mà cha má dễ dàng vãng sanh.

Trong hoàn cảnh Việt-Nam thôn quê eo hẹp, mình khó có khả năng bố-thí, khó có khả năng chu toàn việc thiện. Nhưng cha má cũng có thể mở tâm lượng thương người, không nên tranh giành hơn thua đố kỵ với ai, đừng nên chấp lỗi người khác, chỉ nên một lòng khuyên giải chỉ bày người khác tu hành, đừng nên tự tay giết hại heo, gà để ăn nữa, v.v… đó là làm lành.

Làm lành với tâm chân thành kính cẩn có thể biến phước đức thành công đức để hồi hướng cho chúng sanh, trả nợ oan gia trái chủ. Tu niệm Phật, cha má phải nhớ là ngày ngày đều đọc câu: “Nguyện đem công đức này, hồi hướng cho oan gia, trái chủ trong đời” sau mỗi buổi niệm Phật. Từ nhiều kiếp đến nay mình đã sát hại sanh vật quá nhiều cho nên có nhiều oan gia, trái chủ theo mình truyền kiếp để chờ cơ hội trả thù. Chính thế cho nên con người khó được giải thoát. Hồi hướng cho họ là lấy công chuộc lỗi vậy. Phép tu, tóm lại là:

1) Tin tưởng vững chắc sự cứu độ của Phật A-di-đà;

2) Phát nguyện cầu vãng sanh, nghĩa là mỗi buổi sáng cha má nhớ phải đọc lời nguyện vãng sanh, nên đọc câu kệ này:

Nguyện sanh Tây-phương Tịnh-độ trung.
Cửu Phẩm Liên Hoa vi phụ mẫu.
Hoa khai kiến Phật ngộ Vô-Sanh.
Bất-Thối Bồ-tát vi bạn lữ. 

Đọc nhiều lần trong ngày càng tốt;

3) Buông xả tất cả, niệm A-di-đà Phật luôn luôn đừng để gián đoạn, tuyệt đối không được niệm gì khác nữa;

4) Chiều, tối sau khi niệm Phật xong thì hồi hướng công đức, đọc bài kệ này mỗi buổi sau khi niệm Phật:

Nguyện đem công đức này, Trang nghiêm Phật Tịnh-độ. Trên đền bốn ơn nặng, Dưới cứu khổ ba đường. Nếu có kẻ thấy nghe, Đều phát lòng Bồ-đề. Hết một báo thân này, Đồng sanh Cực-lạc quốc.

Thế là đủ rồi. Nếu cha má muốn mạnh hơn nữa, thì trước khi hồi hướng công đức nên thành tâm nguyện sám hối những điều tội lỗi của mình và xin hồi hướng cho tất cả oan gia, trái chủ trong vô lượng kiếp đến nay, cầu cho họ được lợi lạc, cầu cho họ sớm giải thoát. Cứ như vậy mà tu thì nghiệp chướng tiêu trừ nhanh, cuối đời được vãng sanh. Nếu không theo như vậy thì mất phần, uổng lắm đó.

Lánh dữ để tu cho mình, tránh nhân quả nghiệp báo, tránh những chủng tử xấu, cho tâm linh mình được nhẹ nhàng siêu thoát. Đây là vấn đề lớn con đã nói sơ qua trong các thư trước. Có dịp con sẽ trở lại. Lánh dữ để khỏi tổn hại đến công đức tu hành của mình. Một trong những yếu tố tối kỵ nhứt là sự Sân-Giận. Thưa cha má, như trong thư trước con có nói, cái nhân chủng của sân khuể là địa ngục cho nên kinh Phật dạy, khi lâm chung chỉ cần người đó khởi lên một ý niệm tức giận về bất cứ chuyện gì thì thần thức bị chiêu cảm vào đường địa-ngục ngay. Vì nó quá nguy hiểm, tối kỵ mà lại quá dễ mắc phải, cho nên qua mấy thư liền con đều nhấn mạnh đến điểm này là mong cầu cho cha má và anh chị em lưu tâm cảnh giác, có như vậy mới mong ngày giải thoát. Muốn tránh được chuyện này, người tu hành luôn luôn tự mình nhắc nhở lấy mình, kềm chế lấy mình, đề cao cảnh giác tột độ để tránh trạng thái này.

Nếu một người ưa nổi nóng, ưa sân giận thì tánh nóng này sẽ trở thành quán tính rất nguy hại cho huệ mạng. Quán tính này sẽ trở thành một phản xạ tự nhiên, một phản ứng nhạy bén đến một sự kiện bất hợp ý nào xảy ra. Chính vì thế mà khi mình lâm chung, chắc chắn sẽ bị, hoặc là oan gia trái chủ, hoặc là ma quái gạt mình rơi vào trạng thái đó.

Giận tức là điều tuyệt đối phải tránh. Bình thường tỉnh táo đã biết mà kềm chế không được, thì làm sao tới lúc khốn đốn nhứt, đau đớn nhứt, rối loạn nhứt lại có thể kềm chế được. Vậy thì, muốn thành đạo, muốn siêu sanh lên cảnh giới Cực-lạc của Phật thì ngay từ bây giờ phải bỏ cho dứt cái tập khí, thói quen này.

Trong Phật học có đưa ra pháp tu nhẫn nhục. Nhất thiết pháp đắc thành ư nhẫn. Tất cả mọi tôn giáo, mọi cách tu hành, nếu ai còn phạm phải chuyện này thì vô phương thành đạo, không thể giải thoát. Chính con đây, hồi trước chưa hiểu đạo, thường nóng giận bừng bừng, đến khi hiểu được sự tối ư nguy hại của nó rồi con phải chú tâm đề cao cảnh giác. Mỗi lần có chuyện bực mình là con nói thầm trong miệng “đừng giận, đừng giận…” rồi tìm cách lánh xa hiện trường, giận muốn mở lời con cũng cố gắng cắn môi lại để tránh phải phát ra lời, vì hễ phát lên lời thì lửa giận bốc ra, bừng lên, ta kềm không nổi, công phu tu hành của mình từ một sơ ý đó thôi đã biến thành mây khói.

Phải cố công tập luyện chuyện này chứ không phải dễ dàng đâu cha má ạ, vì đây là tập khí đã ăn sâu vào tạng thức của mình từ lâu đời rồi. Sân-giận là kẻ thù rất đáng sợ sát bên cạnh, nó đã giết hại vô số huệ-mạng của chúng sanh mà mình đâu ngờ. Xin cha má hãy cố gắng tối đa chuyện này mới được. Chắc hẳn một đôi ngày, vài ba tháng không dễ gì mình bỏ hẳn được, nhưng quyết tâm thì hiện tượng này chắc chắn sẽ giảm dần, rồi nó sẽ dứt.

Trước giờ, mình chưa xác định được mục đích thì đành cho qua, nhưng nay đã thấy rõ rồi, đã hiểu được chỗ mình cần phải tới rồi, thì xin cha má đừng vì một chút việc tầm thường mà đành chịu mất cơ hội quý báu đánh giá bằng vô lượng kiếp tu hành này. Hãy buông bỏ tất cả, hãy đem tất cả để đổi lấy cho được cái vé đi về Tây-phương cha má ơi! Cứ nghĩ rằng một vài năm nữa mình về đất Phật thì tại sao phải ở lại chịu đọa lạc khổ đau vô vàn kiếp số để tranh giành, để sân-giận?

Con biết từ hồi nào đến giờ gia đình mình sống theo phong hóa Á-Đông, khuôn mẫu nhà Nho, tư tưởng “Tam-Cương Ngũ-Thường” cũng đã ảnh hưởng rất lớn. Cái Nho phong này là điều rất cần thiết cho đạo làm người. Tuy nhiên, Nho giáo dù sao đi nữa cũng chỉ lo được chuyện thế gian trong một đời này, chứ hoàn toàn không cáng đáng nổi tới đời quá khứ, vị lai. Nhân-quả, nghiệp-báo, luân-hồi… Nho giáo hoàn toàn không nói đến. Cho nên, nói về đạo dạy làm người trong đời này thì Nho giáo rất tốt, còn nói về đạo xuất thế, luân hồi, nhân duyên, nghiệp báo… thì nhà Nho không thông được. Đây là một sơ suất đáng chú ý! Phải chăng trong nhiều tiền kiếp có thể vì quá chú trọng vào thể diện, nhân cách người quân tử mà vô tình tạo ra nhiều nhân tố lỗi lầm, có thể gây ra những nghiệp oán về sau mà không hay! Ví dụ điển hình như chữ Trung Hiếu, “Quân xử thần tử”, “Phụ xử tử vong”, những sự bức bách này làm sao tránh khỏi chiêu cảm thành oán thù truyền kiếp, làm cho lịch sử mãi mãi chìm trong chiến tranh chết chóc. Tần-Thủy-Hoàng đốt sách chôn Nho, họ cố quét sạch bóng dáng Nho gia trên ngay quê hương họ. Những cuộc cách mạng văn hóa đã đem đền đài, sách vở Thánh Hiền của họ đập phá, đốt hết. Những cuộc nội chiến tương tàn gây chết chóc cho biết bao nhiêu người, v.v… phải chăng là những quả báo truyền kiếp từ trong chính dân tộc họ!?

Phải tin Phật cha má ạ. Phật giáo là một nền giáo học cho ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai, bao trùm tất cả mọi phương diện, mọi khía cạnh chứ không phải chỉ là một thứ tôn giáo dị đoan mê tín như người ta thường hiểu lầm đâu. Hiểu được đạo Phật rồi ta có thể hiểu được tất cả mọi tôn giáo, ta thấy được mọi cảnh giới. Đây là sự thật. Ví dụ như, Hòa-Thượng Tịnh-Không, có những lần người ta bất chợt mời Ngài giảng Thánh kinh của Thiên-Chúa Giáo, Thánh kinh Hồi-Giáo, khai thị cho Thánh-Hỏa Giáo, v.v… Ngài cầm kinh lên lật tới đâu giảng tới đó, thâm sâu, uyên áo hơn cả chính giáo sĩ của họ nữa, mà những kinh điển này từ trước tới giờ Ngài chưa đọc qua. Rõ ràng khi một người hiểu ngộ kinh Phật thì tất cả mọi cảnh giới đều thông suốt, cho nên Ngài cầm quyển kinh nhìn vô là thấy ngay liền không cần phải chần chừ suy nghĩ.

Ở Việt-Nam ta có nhiều tôn giáo, ví dụ như Cao-Đài, Hòa-Hảo… chẳng hạn, nếu có duyên mời Ngài khai thị, chắc chắn Ngài cầm lên giảng liền, giảng thẳng đến cốt tủy luôn, đến nỗi chính những cảnh giới mà giới chức sắc tu nhiều năm trong đó chưa chắc đã ngộ ra. Đây là sự thật, chắc chắn như vậy. Chính như con đây mới bập bẹ nghe Phật pháp của Ngài thôi mà con đã nhìn thấy được nhiều cảnh giới của họ rồi, thì làm gì với bậc minh sư như vậy mà Ngài không thông đạt.

Trở lại chuyện tu hành, tất cả căn nguyên của đọa lạc là ba cái độc Tham, Sân, Si. Tham-Lam bị rơi vào ngạ quỷ, sân-giận rơi vào địa ngục, si-mê rơi vào súc sanh. Trong ba đường này, đường nào cũng khổ cả, trong đó địa ngục là cảnh giới dễ sợ nhất. Trong mấy thư liền con nhắc đến điểm này, xin cha má, anh chị em, bà con, có bác, nhứt thiết đừng sơ ý coi thường. Con vì lòng hiếu hạnh thành tâm muốn tất cả mọi người chớ nên sắp hàng vào đó xem thử mà ân hận ngàn đời, muôn kiếp chứ không phải như sự hiếu kỳ đi xem chiếu phim ma đâu! Mọi người, cả thân lẫn sơ, hãy chú ý mà tránh xa đi. Tin hay không thì tùy, con nói vẫn phải nói với tất cả lòng chân thành khuyên nhủ và con coi đây như là bổn phận làm con, làm bà con thân thuộc với nhau trong đời này.

Đức Phổ-Hiền Bồ-tát dạy “Khuyến-Tấn-Hành-Giả” và con đang làm đúng theo như vậy. Xin cha má nên nghe theo con, tu hành là tu bằng cái tâm chân thành để được giải thoát, chứ không ai bắt phải cạo đầu trọc đâu mà sợ, mà trốn tránh, và cũng xin khuyên anh chị em rằng, chớ đem cái trí nghĩ thô thiển của mình mà đánh giá lời Phật, đừng bao giờ ỷ mình có coi được vài ba quyển sách, nói chuyện trời đất trên vỉa hè mà cho mình là hàng trí thức! Cái nhìn, cái thấy của mình lẩn quẩn trong một xứ còn quá nghèo nàn lạc hậu, có thấm thía gì đâu so với vũ trụ bao la, với nhân sinh cảnh giới trùng điệp, thì làm sao dám để tâm cống cao, ngã mạn coi nhẹ Phật pháp.

Phật là đấng giác ngộ tối thượng trong thập pháp giới, đại từ, đại bi vạch đường cho mình thoát hiểm nạn, mình không chịu nghe theo, tự mình đâm đầu vào khổ hải thì ráng mà chịu. Đến lúc cùng rồi, phía trước là vực sâu thăm thẳm lửa cháy bừng bừng, phía sau hổ báo, nghiệp chướng tràn tới vồ chụp để phanh thây. Hết đường chạy thoát rồi, lúc đó mới ngộ đạo thì cũng thừa thôi!…

Cái cảnh giới địa-ngục này từ đâu mà có? Nó là sự chiêu cảm hằng ngày bằng cách sống, cách suy nghĩ, cách ăn ở, cách tiếp vật đối người… của mình chứ không đâu xa cả. Khi không biết, mình cứ tưởng nó là chuyện huyền hoặc, xa vời, phi thực… đâu ngờ nó là một thực thể núp sẵn sát bên cạnh mình, ở sâu trong tâm mình, ở ngay trước mặt mình mà mình không hay. Đó chính là đâu? Sân giận!

Phật dạy “Duy Tâm sở hiện”, tâm mình tạo ra cảnh giới nào mình đi về cảnh giới đó. Người hiền lành thấy cảnh thiện, người hung dữ thấy cảnh ác quỷ, người tham lam keo kiệt thấy cảnh ngạ-quỷ, người ngu si mê muội thì sống trong cảnh giới súc-sanh. Chuyện này ngay trong làng mình cũng có nhiều ví dụ cụ thể chứ đâu xa, như có nhiều người mới sinh ra bị điên điên dại dại, mê mê khờ khờ… thật sự có phải là họ đang sống trong cảnh giới loài vật, đôi khi còn thấp hơn một số con vật nữa không?! Tất cả hiện tượng đó cũng là cái nghiệp báo của họ, vì dại đường tu trong đời trước mà thành ra như vậy! Mình nên thương hại chứ đừng khinh khi họ.

Cho nên, tu hành cần phải hiểu pháp, không hiểu pháp mà cố chạy theo thế trí biện thông thì tạo thêm nghiệp. Mất chánh pháp thì càng tu càng lạc, càng tu càng xa chân lý, càng mất phần giải thoát mà mình không hay! Nên nhớ, người tu mà đi lạc đường thì có tội lớn hơn người không tu. Vì sao? Vì họ làm gương xấu cho người khác, họ làm cho người khác mất niềm tin, họ dẫn người khác đi lạc đường, họ có thể làm mất huệ mạng của người khác. Rõ ràng, họ gây tội cho chính họ và còn mang thêm tội của người khác… Do đó, tu đúng chánh pháp mới có công đức, có thiện căn, tu sai hướng thì nhất định phải nhanh chóng hồi đầu để kịp thời “đáo bỉ ngạn” trước khi gặp tử ma, cha má ạ.

Trở lại chuyện sân-giận, con cũng xin thưa rằng là con đang dựa theo Phật học nói chung về cái nguy hại của chữ “Sân”, rồi ứng dụng vào hoàn cảnh riêng của gia đình chứ con không phải nói riêng. Con biết chắc chắn ai cũng từng vướng phải lỗi này, thì bây giờ đọc thư này nhớ hồi đầu tỉnh ngộ. Hơn nữa, cái mục “Sân-Giận” rất dễ phạm phải trong nền văn hóa Á-Đông. Ở đó, nếu nói rằng cha mẹ nóng giận con cái là sai thì ít ai chấp nhận. Nhưng ở Âu Mỹ, thì đây là luật bị cấm. Các nước Xã-Hội Chủ-Nghĩa cùng một số nước Á châu khác cũng đã áp dụng luật này rồi. Đây cũng là một điều may, vô tình cứu được một số oán nghiệp cho người làm cha mẹ. Vì dù cho luật lệ quốc gia hay phong tục tập quán có cho phép độc tài hay không, thì mọi sự bức bách đều gây nên oán nghiệp. Nghĩa là nó sẽ trở thành mối hận thù truyền kiếp, đời này trả không được nó cũng chiêu cảm ở đời sau.

Ví dụ, như ai đã bức bách một người nào chết dù đúng luật thế gian hay không thì nghiệp sát sanh vẫn có và thần thức người bị hại vẫn ghi tâm trả thù. Chính vì thế mà thành ra oan oan tương báo, ngay cả con cái trong gia đình cũng vậy. Xin cha má nhớ rằng đời này là Cha-Con, Thân-Thuộc… nhưng khi chết rồi, thì thần thức phải qua cuộc cách ấm, tất cả ký ức đều bị xóa sạch. Thần thức nhập thai, trụ thai, xuất thai hoàn toàn mê mờ đi theo dòng nghiệp báo đầu sanh, ở đó chỉ còn nghiệp thức chiêu cảm và sẽ hành động theo “đền ân, báo oán, trả nợ, đòi nợ”, chứ không biết ai là cha, là mẹ, là anh, là em gì nữa cả. Cho nên, khi hiểu đạo thì ngay cả con cái mình cũng phải lấy lễ mà tiếp xử, chứ không thể ỷ quyền làm sai luật nhân quả mà gây thêm nghiệp báo.

Nói gọn lại, giận la rầy con cái nếu là vì lòng thương giáo dục thì không kết báo oán, còn vì tánh nóng nảy của mình, thì vẫn tạo nên nghiệp báo, thù hận, không tốt cho hậu kiếp!

Phật dạy rằng, con cái đến với ta là do những duyên nợ từ trước, có rất nhiều duyên nghiệp nhưng tựu trung có bốn diện, (1) “Báo-Ân”; (2) “Báo-Oán”; (3) “Đòi-Nợ”; (4) “Trả-Nợ”.

“Báo-Ân” là người trong đời trước đã thọ ân của ta, chiêu cảm đến đời này nó đến để trả ơn. Đây là những đứa con có hiếu có tình, biết thương cha kính mẹ, dù cho có bị đối xử tệ bạc như thế nào nó cũng thương cha mẹ, không thay đổi.

“Báo-Oán” là những đứa con trong những kiếp về trước đã bị ta la mắng, chửi bới, hành hạ, cưỡng bức, sát tử… bây giờ họ tới nhằm trả mối nợ này. Đây là những đứa con bất hiếu, vô lễ, vô nghĩa, vô đạo…! Nó sẽ tìm cách phá tan gia phong uy tín của dòng tộc, làm cho cha mẹ phải chịu nhục nhã, bị tù đày, thậm chí còn có thể sát cha hại mẹ nữa là khác.

“Đòi-nợ” là những đứa con phá sản, bao nhiêu sự nghiệp của cha mẹ nó đem phá hết, cờ bạc, rượu chè, đau bệnh… bằng mọi cách làm cho gia tài của cha mẹ phải tiêu tan. Đây là vì trong tiền kiếp, chính mình đã đoạt chiếm tài sản của nó, ăn cướp, ăn trộm, dùng quyền cưỡng chiếm… nên mới tạo ra đứa con như vậy. Nếu vừa cả “báo oán” và “đòi nợ” thì sự việc xấu ác sẽ xảy ra ngoài sức tưởng tượng của nhân luân, kinh khủng lắm! Riêng cha má không có những người con thuộc dạng xấu này, đây cũng là sự may mắn do bởi cái nhân ăn ở hiền lành từ trong đời kiếp trước của cha má, chứ giả sử nếu có, thì cha má cũng đành nuốt hận chịu thua chứ không cách nào cứu vãn được đâu!

“Trả-Nợ” thì ngược lại là nó nợ mình, đời này thường thấy những người con thường gửi tiền bạc cung dưỡng cha mẹ. Nếu chỉ để “trả nợ” thôi thì nó chỉ ý thức trách nhiệm hoặc sợ xấu mặt với bạn bè, bà con, mà giúp chứ chưa chắc đã thương cha mẹ. Nếu có cả “trả nợ” lẫn “đền ơn” thì trở thành đứa con đại hiếu, đại hiền, đại nghĩa, đại từ, đối với cha mẹ, vừa lo chu toàn cả vật chất lẫn tinh thần và chí thành thương tưởng, trung thành với song thân.

Nuôi dưỡng ăn uống là trả tiểu hiếu nhân sinh. Cứu độ cha mẹ vãng sanh Tây-phương là trả Đại hiếu xuất thế. Như con đây đang tận lực làm tròn đại hiếu đó, con đã làm hết bổn phận thì dù cha má có đi hay không con cũng đã trả trọn vẹn. Nếu cha má sơ ý lọt lại trong tam đồ lục đạo, thì đó là duyên phần của cha má chứ con không biết làm cách nào khác hơn…

Hiểu được điều này, thì trong đời bất cứ chuyện gì xảy ra, xin cha má cũng nên an nhiên tự tại. Tất cả đều do nhân quả nghiệp báo từ nhiều đời nhiều kiếp kết tụ về để thanh toán ơn nghĩa nợ nần cũ mà thôi. Hễ có nhân thì có quả, có nghiệp thì có chướng. Người khéo tu hành hiểu đạo thì phải tìm cách chặt đứt nguồn nhân quả nghiệp báo này để thoát ly giòng sinh tử. Muốn chấm dứt thì bây giờ ta sẵn sàng trả nợ và đừng gieo nghiệp mới nữa. Thế thôi! Chuyện này phải cố gắng làm thì mới được. Nhiều người tu hành suốt bảy tám mươi năm nghiệp chướng vẫn còn tràn trề và cơ hội giải thoát vẫn còn mù mịt. Do đó, giải thoát được không hẳn tu lâu hay mau mà là biết cách tu. Có câu nói, “Tu trọn kiếp, ngộ nhứt thời”, tu một kiếp có cả triệu đời nhưng chưa chắc đã ngộ, nhưng khi ngộ đạo chỉ cần một tích tắc thời gian thôi. Cho nên tu có đúng cách, chọn đúng pháp môn, hợp căn cơ, hợp lý đạo, người đó sẽ thành công. Tu không hợp lý hợp cơ dù tu trọn đời trọn kiếp cũng khó có phần giải thoát.

Trong tất cả pháp tu hành, Pháp môn niệm Phật được chư Phật, chư Tổ sư đều xưng tán là “Đốn-Siêu trong Đốn-Siêu, Phương-Tiện trong Phương-Tiện, Cứu-Cánh trong Cứu-Cánh, Liễu-Pháp trong Liễu-Pháp”. Đây không phải là lời nói đưa đẩy mà là lời trực ngôn, chân ngữ, thực ngữ. Vì sao? Vì với tám mươi bốn ngàn pháp môn tu tập của Phật để lại, thì pháp của Phật bao trùm tất cả mọi phương diện. Trong rừng kinh sách Phật ấy, lại có kinh nói rằng dù cho có vô lượng pháp môn tu thì cũng chỉ có pháp Niệm-Phật là duy nhất được mười phương chư Phật hộ niệm và được bốn mươi tám lời đại nguyện của đức A-di-đà Phật gia trì. Là pháp độc nhứt nói lên sự bình đẳng thành Phật viên mãn cho đều cả cửu pháp giới. Một pháp tu hành chỉ cần một đời này thôi được vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc, kết thúc sanh tử, một đời thành Phật. Chính nhờ lực gia trì này mà có người đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh, có người hẹn lại ngày vãng sanh, có người niệm Phật chỉ vỏn vẹn ba ngày đã được vãng sanh, trút bỏ bao nhiêu khổ nạn nghiệp chướng.

Thư tới, con sẽ kể cho cha má nghe những chuyện “thần kỳ” ngay mới gần đây thôi. Tất cả đều là sự thật. Trong khi đó có nhiều pháp môn rất cao siêu, nhưng không trọn vẹn gọi là bất liễu giáo. Ví dụ, như pháp tu Đốn-Siêu có thể cấp kỳ thành Phật nhưng đòi hỏi căn cơ, tâm trí quá cao không hợp với đại chúng; Phương tiện dễ nhưng không có cứu cánh; Cứu cánh dễ nhưng không đủ phương tiện… Chỉ có pháp niệm Phật hợp với tất cả mọi căn cơ. Đốn siêu vì một đời thành công, cứu cánh thì chắc chắn, phương tiện thì quá dễ, nhân là niệm Phật, quả là thành Phật. Niệm Phật thành Phật. Tất cả mật tạng bí tủy nhất của chư Phật để lại cho chúng sanh đều ở ngay trong Thánh Hiệu “Nam-mô A-di-đà Phật”. Quyết định dứt khoát rốt ráo. Kinh Phật dạy, “Ức Phật niệm Phật hiện tiền đương lai tất định kiến Phật”. Nhất hướng chuyện niệm A-di-đà Phật, nhất định cha má sẽ được vãng sanh, sẽ thành vị Bất thối Bồ-tát, chỉ còn một đời này thôi sẽ thành vị Phật ở cõi nhất chân Pháp giới Tây-phương Cực-lạc.

Hãy buông bỏ tất cả những đường đi vô định hướng. Hãy quyết tâm theo đúng pháp môn tối thượng này để thành đạt. Xin cha má quyết tâm đừng vì cảm tình, hay tiếc nuối những điều gì khác mà mất cơ hội vãng sanh, oan uổng lắm! Hãy buông bỏ tất cả để ra đi trong quang minh, an lành, thanh tịnh. Hãy buông bỏ tất cả đi, để cha má thoát khỏi cái chết của kiếp người ở tuổi đời đã gần mãn. Nếu tới tuổi này rồi mà không nhận rõ số mạng, không vạch đường đi rõ ràng, thì còn đợi đến chừng nào nữa đây, thưa cha thưa má? Buông bỏ đâu có nghĩa là bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ ăn, bỏ uống đâu, những cái bỏ này là hành động tự tử, sẽ bị sa đọa rắc rối và có hại cho huệ mạng.

Buông bỏ là dứt khoát liệng tất cả những gì không ích lợi cho việc vãng sanh. Giận hờn con cháu, tức giận người thân, chửi bới kẻ bất hiếu… là những hành động có hại cho tâm linh của mình. Nuối tiếc nhà cửa, luyến tiếc gia đình, bàn chuyện thị phi, đam mê danh vọng, thích nhân nghĩa hão huyền, ưa tiếng khen chê vô ích của thiên hạ… là tự trói mình trở lại trong đường luân hồi, có sướng ích gì đâu. Thế gian này, càng ngày càng tiến gần đến chỗ nguy kịch mà tình cảm không dứt, dây dưa những con đường tu hành vô định hướng, cầu xin những phước lợi nhỏ nhoi cho thế đời mộng huyễn này… là tự mình không muốn vãng sanh Tây-phương, là tự mình bỏ mất cơ duyên thành Phật, tự mình tìm chỗ hiểm nạn mà đi.

Tịnh-Không có nói, “Có người tu hành lâu năm, họ thường niệm Bồ-tát nên sinh ra cảm tình sâu đậm. Bây giờ gặp Phật, họ không chịu niệm Phật mà cứ niệm Bồ-tát, họ sợ niệm Phật thì có lỗi với Bồ-tát! Đây là vô minh, vọng tưởng! Bồ-tát còn ngày đêm phải niệm Phật để cầu vãng sanh, còn mình thì không chịu hồi đầu tỉnh giác. Đây thật là tình chấp thâm trọng thành ra mê mờ?! Chẳng lẽ học lớp một đến kỳ phải lên lớp lại nói, “Tôi học lớp một lâu rồi, tôi mến cái lớp này, không muốn lên”. Có cái đạo lý như vậy sao?”. Ngài nói tiếp, “Niệm Phật để thành Phật là sự thăng cấp cao nhứt, là cơ duyên tối thắng dễ tìm ra lắm sao? Hàng tỉ người may ra mới có một người gặp được, tin được để thành Phật”. Vì sao vậy? Vì hầu hết không ai có đủ thiện tín để y giáo phụng hành, thực hiện trọn vẹn pháp môn. Nghĩa là họ tin chút chút, niệm thử coi, còn thời giờ chính là họ lo cầu xin phước báu, không dám bỏ thói quen xưa, vẫn chạy theo con đường tu hành tạp nhạp. Tiếc thay!

Thưa cha má, hằng ngày con tranh thủ từng phút để viết thư khuyên cha má tu hành. Vì đây không phải là phép tu bình thường, mà tu đắc được giải thoát, một đời thành Phật. Vì con đã thấy rõ ràng hiển nhiên, cho nên con phải nói cạn tình, cạn lý để cha má quyết đắc được thiện lợi. Nếu lỡ cha má có bị mất phần thì con cũng không còn ân hận nữa. Trong linh cảm con vẫn thấy rằng cha má vẫn chưa tin tưởng vững chắc, vẫn còn hồ nghi: “Làm gì có chuyện tu một đời mà vãng sanh bất-thối thành Phật dễ dàng như vậy?”. Nhưng thưa cha má đây là sự thật. Thư tới con sẽ cố gắng giải thích rõ ràng chuyện này, con nêu đích danh những người vừa mới vãng sanh gần đây, không những thế trong đời họ còn giúp hàng trăm người khác vãng sanh. Đây là sự thực. Xin cha má vững lòng tin tưởng mà đóng kín tất cả lục căn lại, nhứt tâm niệm Phật cầu về Tây-phương Cực-lạc, phải về đó cho được trước đã, mọi chuyện khác sẽ tự biết sau. Nhất thiết đừng phân vân, phải quyết lòng đi thì phần an vui cực lạc đang chờ sẵn cho cha má đó.

Nam-mô A-di-đà Phật.
Kính thư .
(Viết xong, Brisbane ngày 7/4/02). 

Pháp môn niệm Phật thật là Tâm Tông của các đức Phật, là con đường tu tắt mau của hàng chúng sanh đi đến quả vị giải thoát sanh tử. Nếu bền chí nhất tâm niệm Phật, thì không phải đợi mãi đến đời sau mới được gần Phật, mà ngay đời này cũng đã thấy Phật.

(Bồ-tát Giác Minh Diệu Hạnh).

(Còn tiếp)