“Người đời luôn yêu thích bốn thứ: tuổi trẻ, không ốm đau, sống lâu và những người thân yêu vẫn còn ở bên cạnh.

Hạnh phúc của người đời được xây dựng trên bốn điều này, nên khổ đau của người đời cũng bắt đầu từ đó, khi chúng mất đi.

Họ khổ đến cùng cực khi không níu kéo được tuổi trẻ đừng đi, buồn đến rã rời khi mãi ốm đau bệnh tật, hoang mang đến kiệt cùng trước những cuộc chia li tử sinh dài cả kiếp người, và đau đến nát lòng khi những người thân yêu bỏ mình mà đi”.(1)

loi kinh trong long ban tay 3

Người nói đã đọc biết bao nhiêu câu kinh nhưng vẫn bị phiền não đánh gục khi phải chứng kiến cảnh người thân bị bệnh rồi mất.

Thực ra, những câu kinh không phải biến con người thành sỏi thành đá, để vô cảm không còn vui buồn trước những ấm lạnh của nhân gian.
“Chẳng có sỏi đá nào thành Phật được”.(2)

Khi đối diện với cuộc chia ly sinh tử, phía sau nỗi đau chia ly, nhiều khi người đời phải gặp phải một nỗi đau còn lớn hơn, đó là những hối hận tiếc nuối cho những ngày đã sống không hết lòng với nhau; do còn nhiều sân si, do còn lắm hẹp hòi, do còn đầy toan tính, nên ngày trước còn đay nghiến làm khổ tâm nhau. Cuối cùng, tài sản chung còn lại là những ngày dài dằn vặt làm khổ nhau.

Cuộc chia ly sinh tử lâu lâu lại tràn qua ai đó, như một ngày mùa đông thật lạnh, ùa về, tràn qua hiên nhà, kẻ không có nhiều kí ức thật đẹp, cất vào lòng người đã đi, cất vào lòng người còn ở lại, để ủ ấm cho mình, nên phải co ro lạnh.

Người thân sẽ mất, tuổi trẻ sẽ không còn, khi chúng ta cảm thấy rất đau, là khi cuộc sống đang muốn dạy một điều gì đó, nhưng chúng ta vẫn còn chưa thuộc, nên lòng còn thấy nhói đau.

Vô Thường

_______________
[1] Viết lại từ một đoạn kinh, từ dòng 8 khung thứ 3, trang 637 đến dòng thứ 29 khung thứ 3, trang 637, bộ kinh mang mã số 125, 增壹阿含經, tập 2 大正新脩大藏經.
[2] Một câu trong Thương Nhớ Hoàng Lan (Trần Thùy Mai).