“Có người nổi trôi trên dòng nước lớn nhưng lại bị chết khát.
Có người ngày ngày vẫn thường nói nhiều lời kinh, nhưng chưa đủ năng lực đoạn trừ cơn khát tham sân si trong lòng, cầm thật nhiều câu kinh trong tay nhưng lại bị phiền não đánh gục, ngày mai phải chịu nhiều khổ đau”.(1)
Do câu kinh chỉ để nói, nên mới có người còn phải mang đôi mắt thật buồn về ngồi trước Phật, có kẻ còn phải mang trong lòng nhiều vết thương về khép cửa học lại câu kinh xưa.
Do câu kinh chỉ để nói, nên mới có người nói mãi những câu kinh nhưng lòng vẫn chưa thuộc, đọc mãi những lời kinh trong lòng vẫn cứ quên; nói mãi câu kinh “vô thường” nhưng lòng vẫn còn sân si rất nhiều trước những chuyện được mất, còn cố níu giữ những điều hư ảo, còn đuổi theo những điều mong manh; nói mãi câu kinh “vô ngã” nhưng lòng vẫn còn phiền não rất nhiều trước những chuyện hợp tan.
Do câu kinh chỉ để nói, nên mới có kẻ còn phải bận rộn loay hoay mãi với những tổn thương của mình mà quên mất nụ cười, quên hỏi người bên cạnh mình: “người có an không?”.
Biết bao nhiêu người đến ngồi dưới hiên chùa, tiếc nuối, giá mà biết được những câu kinh sớm hơn, để không phải oằn vai gánh mãi nỗi buồn.
Thật ra, tiếc nuối lớn nhất không phải là chưa biết được những câu kinh, mà biết được rồi nhưng lại không cất được câu kinh vào lòng.
Tiếc nuối lớn nhất là cầm thật nhiều câu kinh trong tay nhưng lại bị phiền não đánh gục.
Vô Thường
______________
[1] Nguyên Hán văn: 譬若有人泛大水中為渴而死。迦葉波!此沙門婆羅門亦復如是,然於多法受持讀誦,而不能斷貪瞋癡渴,遊大法海為諸煩惱渴愛而死,後墮惡道。Từ dòng thứ 4 đến dòng thứ 7, khung thứ 2, trang 114, bộ kinh mang mã số 1636, 大乘集菩薩學論, tập 32 大正新脩大藏經。