“Trái Kim-bả-ca (1) lúc chín có màu đỏ tươi, vị ngọt thanh, nhưng khi ăn vào cơ thể sẽ bị tổn hại.Những thứ phù hoa trong thế gian, từ muôn đời nay, luôn như trái Kim-bả-ca chín mọng, sẽ mang đến tổn thương cho những người dốc lòng mải miết đuổi theo để sở hữu nó”.(2)

Người về ngồi trước Phật, sau khi mang hơn nửa đời người đi qua hết những hội chợ phù hoa để tìm kiếm thứ hạnh phúc bền vững cho mình, nhưng không thấy.

Cuối cùng, thứ còn lại từ những tháng năm đó là vài vết thương, năm ba tiếng thở dài, và đôi mắt đầy khói sương.

Người đến chùa khi còn là một đứa bé trong veo, ướp lòng mình bằng những câu kinh, biết thế gian là vô thường, biết con người là vô ngã, biết mọi thứ đều là duyên sinh, nhưng một lần động niệm, để đôi chân phải đuổi theo trăm nghìn thứ, rồi một ngày nhìn mọi thứ mất đi.

Người về ngồi dưới hiên, nhìn những cánh chim chiều về núi, mỉm cười: “sao bao năm con không thấy?”, “thấy gì?” “những cánh chim chiều về núi”.

Phải phiêu bạt hết một ngày, lũ chim mới giật mình nhận ra có một nơi còn quan trọng hơn bầu trời rộng lớn ngoài kia, nên vội vã ngược gió trở về.

Lũ chim chỉ mất một chiều để nhận ra, con người có khi phải mất cả một đời.

Vô Thường


_______________
[1] Trái Kim-bả-ca, H: 金播歌果,không biết Việt Nam có trái này không.
[1] Nguyên Hán văn: 如金播歌果,紅色味甘美,食則生損惱,著欲亦如是。Dòng 9, 10, khung thứ ba, trang 474, bộ kinh mang mã số 0728, 諸法集要經, tập 17 大正新脩大藏經。