“Do yêu thương và mong muốn mãi mãi sở hữu một điều gì đó (con người, vật chất) nên người đời mới bị nỗi khổ ‘chia ly’. Khi nỗi buồn còn chưa hết, khi nỗi đau còn chưa qua, tử thần đã đến và mang họ đi khi chưa kịp sống được một ngày thật an”.(1)

loi kinh trong long ban tay 58

Có một sự thật, chúng ta chỉ cảm thấy “mất” với những thứ chưa đặt xuống được, chỉ cảm thấy mất với những điều vẫn còn muốn giữ lại cho mình. Và có một sự thật nữa, chỉ trong chớp mắt, chúng ta có thể mất tất cả mọi thứ.

“Mất mát”, “chia ly” được nhắc đến trong câu kinh trên là nhìn vào những vật ngoại thân, vì người đời luôn đau đến nát lòng với những mất mát đến từ đó: danh vọng, vật chất, quyền lực, hay một con người nào đó rất thương; mà quên đi mất mát thật sự phải là những mất mát đến ngay từ chính bản thân mình. Tâm mất đi sự hiền từ khi bị tổn thương, ánh mắt mất đi sự hiền hậu khi nhìn thấy những điều không thiện lành, tay mất đi hơi ấm khi cầm phải một bàn tay rất lạnh, đôi chân mất đi niềm tin khi đứng trước biển rộng núi cao.
Và chỉ trong một hơi thở, chúng ta có thể mất cả kiếp người.

Khi càng ít quan tâm tới những được mất của vật ngoại thân, chúng ta càng dễ bình yên.


Vô Thường