“Như kẻ nông phu cất giữ cẩn thận từng hạt giống. Như khách qua sông tìm cách bảo vệ con thuyền. Như kẻ lữ hành chăm lo cho chú ngựa. Như người bệnh trân trọng từng cây cỏ thuốc. Như kẻ đứng giữa mùa đông gìn giữ ngọn lửa ấm cho mình”.…kẻ trí gìn giữ tâm từ của mình cũng như vậy. (1)
Với người nông phu, trong hạt giống có vạt mạ non thơm thơm rất hiền, có cánh đồng trĩu hạt, có mùa gặt tất bật tiếng cười, có bữa cơm lúa mới đầu mùa quây quần đầm ấm. Hạt giống mang đến những ngày mai no đủ.
Với người trí, trong tâm từ có những buổi sớm mai bình yên, có nụ cười rất ấm nhìn cuộc đời gió bụi, có đôi chân đủ bình thản đi mãi về phía cuộc đời, có vết thương lành lại, có nỗi buồn phai đi. Tâm từ mang đến những ngày mai bình yên.
Với người khách qua sông, chiếc thuyền là mạng sống, đưa họ vượt qua dòng nước sâu.
Với người trí, tâm từ giúp họ bình yên đi qua hết những nông sâu trong nhân gian; có sóng, có gió, có những bất trắc ẩn sau ánh mắt, lời nói, tiếng cười nơi đường trần gió bụi, nhưng khi còn giữ được tâm từ, kẻ đó vẫn sẽ luôn bình yên.
Với những lữ khách, chú ngựa là người bạn đồng hành tốt, giúp họ không lạc đường.
Với kẻ trí, tâm từ là tri kỷ, cho họ một nơi để tựa vào đi tiếp sau mỗi vết thương chí mạng từ cuộc sống. Chỉ khi nào có tâm từ làm bạn đồng hành, mới có thể đi qua hết những ngày buồn. Chỉ khi nào có tâm từ làm bạn đồng hành, mới có thể bình yên.
Ai cũng từng ngã bệnh bởi gió mưa ngoài kia, bởi giá lạnh của lòng người, và bởi chính sân si hẹp hòi trong lòng mình. Có bao giờ người nghĩ tâm từ là một thuốc hay?
Rồi sẽ có ngày, một người dù hôm qua từng động niệm sân si đến đâu, cũng sẽ tự biết cách gìn giữ tâm từ trong lòng mình, như cách một người đứng giữa mùa đông gìn giữ cẩn thận ngọn lửa ấm.
Người có bao giờ thấy lòng mình lạnh, thấy cuộc đời ngoài kia cũng lạnh, như đang đứng giữa một ngày lạnh nhất của mùa đông?
Tâm từ luôn ấm như ngọn lửa.
Vô Thường
_____________________________
[1] Viết lại từ một đoạn kinh, từ dòng 13 đến dòng 13, khung thứ 3, trang 497, bộ kinh mang mã số 0374, 大般涅槃經, tập 12 大正新脩大藏經。