Daiju đến thăm thiền sư Baso ở Trung Quốc. Baso hỏi: “Anh tìm gì?”

“Giác ngộ,” Daiju trả lời.
“Anh có kho tàng riêng của anh. Tại sao tìm bên ngoài?” Baso hỏi.

Daiju thắc mắc: “Kho tàng của tôi ở đâu?”
Baso trả lời: ‘Cái anh đang tìm là kho tàng của anh.”

Daiju mừng rỡ! Kể từ đó Daiju luôn luôn nói với bạn bè: “Mở kho tàng của anh và dùng nó.”

Bình:
• Baso dōitsu (Mã Tổ Đạo Nhất, 馬祖道一, 709-788), là một Thiền sư Trung Quốc đời nhà Đường, và là môn đệ và người đắc pháp duy nhất của Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng. Sư có rất nhiều môn đệ đắc đạo và thường được xem như người thứ ba có ảnh hưởng lớn đến Thiền tông, sau Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma và lục tổ Huệ Năng.

• Bản tiếng Anh này nói “Daiju was delighted”, tức là mừng rỡ hớn hở, khi nghe Mã Tổ Đạo Nhất trả lời. Vài bản khác dùng từ “enlightened”, tức là “giác ngộ.”

• Giác ngộ, Niết Bàn, Phật… ở trong ta. Không nằm ở ngoài ta đâu mà tìm.

Trần Nhân Tông, tức Trúc Lâm Đầu Đà, thủy tổ của Thiền phái Trúc Lâm, nói trong bài Cư trần lạc đạo:

Gia trung hữu báo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền

(Trong nhà có của đừng tìm nữa
Nhìn cảnh vô tâm hỏi chi thiền)

Khi tâm không chạy theo vật—không bị điều gì bên ngoài hay cả bên trong tâm làm vướng bận, dính mắc—thì đó là Thiền, tâm tĩnh lặng, giác ngộ.

(Trần Đình Hoành)