Visakha là một nữ đệ tử tục gia của Phật. Một hôm bà đến thăm Phật tại tịnh xá Kỳ viên với nước mắt ràn rụa. Ðức Phật hỏi:
– Này Visakha! Sao hôn nay con có vẻ buồn thảm thế?
– Bạch Thế Tôn, con mới vừa mất đi một cháu trai dễ thương, không ai trông thấy cháu mà không mến yêu cho được.
– Này Visakha! Nếu như toàn thể cư dân thành Xá Vệ này là thân quyến của con…thì con cảm thấy thế nào?
– Bạch Thế Tôn, ước mong sao được như thế, con vẫn thầm mong rằng bất cứ người nào cũng đều là thân bằng quyến thuộc của mình.
– Nhưng này Visakha! Ở thành Xá Vệ này mỗi ngày có khoảng bao nhiêu người chết?
– Bạch Thế Tôn có lẽ khoảng hàng chục người…
– Nếu vậy thì… có ngày nào con được ráo nước mắt đâu?
– Bạch Thế Tôn! Thật là vừa đủ cho con với ngần ấy cô cháu, con dì, chú bác nội ngoại… để mà sầu lo buồn khóc…
– Này Visakha! Những ai có 100 người thân, kẻ ấy có 100 mối sầu, những ai có 50 người thân, kẻ ấy có 50 nỗi lo buồn.. những ai không chấp thủ rằng đây là ta, đây là người thân của ta, kẻ ấy không có sự khổ. Ta xác nhận rằng đó là người không sầu, không tham đắm, không có ưu não.
Và đức Thế Tôn liền đọc kệ:
“Sầu than với đau khổ
Sai biệt có ở đời
Do thân ái chúng có
Không thân ái chúng không
Do vậy người an lạc
Ðược không sầu không than
Chớ làm thân làm ái
Với một ai ở đời.”
Trích “Hư Hư Lục” / Thích Nữ Như Thủy