Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích đến Mân Nam tham vấn, giữa đường gặp tuyết rơi, sư tạm tá túc trong viện Địa Tạng. Vì tuyết rơi nhiều ngày nên sư ở đó đàm luận với thiền sư Quế Sâm rất khế hợp.
 Sau khi tuyết dừng, Văn Ích từ giã thiền sư Quế Sâm tiếp tục hành cước. Quế Sâm tiễn đưa Pháp Nhãn một đoạn đường. Đến sơn môn, thiền sư Quế Sâm chỉ tảng đá to bên đường, hỏi:

– Đại đức thường nói tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức, chẳng hay tảng đá này trong tâm hay ngoài tâm ông?

Pháp Nhãn không cần suy nghĩ, đáp:

– Theo Duy thức học nói, ngoài tâm không có pháp, đương nhiên là ở trong tâm.

Thiền sư Quế Sâm nói:

– Ông là tăng hành cước, cớ sao để tảng đá trong tâm?

Pháp Nhãn trố mắt đớ lưỡi chẳng biết đáp thế nào. Do đó, nhất định ở lại để giải quyết vấn đề ấy.

Ở trong viện Địa Tạng, mỗi ngày Pháp Nhãn đến trình kiến giải với thiền sư Quế Sâm, nhưng thiền sư Quế Sâm cho rằng kiến giải của Pháp Nhãn chưa thấu triệt.

Một hôm, thiền sư Quế Sâm bảo:

– Phật pháp không phải là những thứ ấy!

Bất đắc dĩ, Pháp Nhãn lại trình một phần tâm đắc của mình, Quế Sâm vẫn không chấp nhận, nói:

– Phật pháp không phải là những thứ ấy!

Pháp Nhãn trình nhiều lần, nhưng không lần nào Quế Sâm ấn khả. Cuối cùng than rằng : “Con đã cùng lời hết ý rồi!”

Thiền Sư Quế Sâm liền bổ sung một câu: 

– Nếu luận bàn về Phật pháp, thì mọi người đều có sẵn.

Ngay câu nói ấy, Pháp Nhãn đại ngộ. Sau, khai tông Pháp Nhãn, đệ tử có hơn một ngàn người, được tám mươi ba người đắc pháp.

ST