Dagpo Rimpoché là vị Lạt-ma đầu tiên đến Pháp và lưu ngụ từ năm 1960.
Hiện nay Ngài đang quản lý một trung tâm Phật giáo trong vùng Paris.
Theo Ngài thì nếu muốn đến gần hơn với Niết bàn và xa lánh cõi Ta bà
thì cần phải dựa vào sự tu tập thiền định lâu dài để vượt lên trên ảo giác của cái ngã.
Vài lời giới thiệu của người dịch:
Nguyệt san “Le Monde des Religions” chuyên đề về tôn giáo, thuộc một tổ hợp báo chí uy tín của nước Pháp, trong số 41 (tháng 5 và 6, 2010) đã mang chủ đề “Hạnh Phúc thật sự” ra bàn thảo. Những quan điểm về hạnh phúc của các vị sáng lập ra các tôn giáo lớn cũng như của các triết gia từ đông sang tây, từ nhiều ngàn năm trước cho đến gần đây hơn gồm có : Đức Phật, Lão tử, Socrate, Platon, Aristote, Epicure, Qohelet, Jésus, Epictète, Mohammed, Montaigne, Spinosa, Schopenhauer đều đã được nêu lên. Hình của Đức Phật được trình nơi trang bìa và theo thứ tự thì Đức Phật cũng được nêu lên trước các vị kia, nhưng bài báo phỏng vấn Ngài Dagpo Rimpoché về hạnh phúc theo quan điểm Phật giáo thì lại được xếp vào những trang cuối cùng. Tất cả những bài viết đều do các học giả lỗi lạc phụ trách. Càng đọc càng say mê trước trí thông minh đa dạng thúc đẩy bởi ít nhiều xung động trong lòng của từng vị. Các xung động ấy được hiển lộ qua những cách nhìn khác nhau, từ thực tế, khôn ngoan, khéo léo, sâu xa, lạc quan, yếm thế, hoặc mang ít nhiều mê tín hay đôi khi cũng phảng phất một chút từ tâm nào đó về nhân loại trong thế giới này. Tuy nhiên khi đọc đến những dòng đàm thoại với Ngài Dagpo Rimpoché thì dường như chúng ta đi lạc vào một thế giới khác của tôn giáo, của triết học và khoa học, người ta có cảm giác dường như các bài viết trình bày trong các trang trước là có dụng ý làm nổi bật hơn bài đàm thoại với Ngài Dagpo Rimpoché (?).
Khi bước vào thế kỷ XXI này, chúng ta đều phải công nhận là các hệ tư tưởng lớn, các chủ thuyết chính trị không tưởng, kể cả các hệ thống kinh tế toàn cầu đều sụp đổ. Tư bản chủ nghĩa cứng rắn cũng như Cộng sản chủ nghĩa dưới hình thức tập thể đều bị lỗi thời. Như vậy thì những gì sẽ còn lại cho chúng ta hôm nay ? Có phải chăng là một sự giải thoát cá nhân? Có phải là một thứ hạnh phúc mà chính chúng ta phải tự tạo lấy cho mình hay không ?
Nếu đúng như thế thì mỗi người phải biết quan tâm đến cái Hạnh phúc của chính mình. Có nhiều loại hạnh phúc : có những thứ hạnh phúc ở những nơi rất cao xa và còn phải chờ đợi, có những thứ hạnh phúc dựa vào sự khôn ngoan và khéo léo, và cũng có những thứ hạnh phúc phải bịt mắt lại mới thấy… Vậy thì cái Hạnh phúc nào sẽ được Ngài Dagpo Rimpoché trình bày qua bài chuyển ngữ dưới đây ?
Dagpo Rimpoché sinh vào tháng 2 năm 1932 tại tỉnh Kongpo thuộc vùng đông-nam Tây tạng. Khi Ngài chưa đầy một tuổi thì vị Đạt-lai Lạt-ma thứ XIII là Thoupten Gyatso (1875-1933) đã xác nhận Ngài là hóa thân của đại sư Bamtcheu Rimpoché sống vào hậu bán thế kỷ XIX. Khi được sáu tuổi thì Ngài xuất gia. Đến hai mươi bốn tuổi thì Ngài được đưa đi tu học tại một tu viện đại học rất lớn là Drépoung thuộc miền trung Tây tạng. Tại đây Ngài đã được thụ giáo với nhiều vị thầy thuộc học phái Cách-lỗ (Guelougpa) và đã lưu lại nơi này cho đến ngày người dân Tây tạng nổi lên khởi nghĩa vào năm 1959. Sau tám năm sống dưới ách cai trị của Trung quốc, Ngài tìm cách vượt Hy-mã Lạp-sơn và đã may mắn đến được đất Ấn.
Tại Ấn độ Ngài gặp được một số giáo sư đại học người Pháp đã sang đây và những vị này đã mời Ngài hợp tác trong các công cuộc nghiên cứu và dịch thuật mà họ đang thực hiện. Nhờ thế Ngài đã sang Pháp từ năm 1960 và là vị Lạt-ma Tây tạng đầu tiên lưu lại xứ sở này. Ngài dạy ngôn ngữ và văn minh Tây tạng tại Viện ngôn ngữ học và văn minh Đông phương tại Paris. Hiện nay thì Ngài quản lý viện Ganden Ling tại Veneux-les-Sablon thuộc vùng Paris một nơi gần với tỉnh Fontainebleau, và tại đây Ngài phụ trách nhiều khóa giảng dạy về Phật giáo. Ngoài ra Ngài còn thiết lập được nhiều trung tâm Phật giáo khác tại Pháp, Hòa lan, và cả ở vùng Đông nam Á, nhất là tại Ấn độ, nơi mà Ngài thường xuyên quay về để giảng dạy tại tu viện do Ngài thành lập trước đây.
Hạnh phúc đối với Phật giáo là gì ?
Trong tư tưởng Phật giáo thì màu sắc của hạnh phúc gồm nhiều sắc thái đậm nhạt khác nhau, từ những thể dạng tạm bợ cho đến tối hậu. Dầu sao đối với ý nghĩa trọn vẹn của nó thì hạnh phúc “đích thực” phải được hiểu như là một thứ hạnh phúc hiện hữu trong một tư thế thăng bằng và bền vững. Vì thế “hạnh phúc thực sự” rất khác biệt với các thứ “hạnh phúc thông thường” chỉ gồm có những cảm nhận mang tính cách thích thú hay hân hoan và đó chỉ là những gì thật biến động và phù du. Chu kỳ hiện hữu của chúng ta lệ thuộc vào vô số điều kiện và cái chu kỳ ấy cũng chính là thế giới Ta bà. Trong cái thế giới đó thì sự sinh và cái chết đều thoát ra ngoài tầm chủ động của chúng ta và do đó chúng ta không thể nào tìm ra được hạnh phúc tối thượng – tức là một thứ hạnh phúc vĩnh cữu.
Ý thức được điều đó sẽ khiến phát sinh trong chúng ta niềm ước vọng vượt thoát ra khỏi vòng ràng buộc của thế giới Ta bà. Đó là giải pháp hữu hiệu duy nhất vì hễ còn tiếp tục hiện hữu dựa vào một cơ sở do những thứ “cấu hợp bằng điều kiện mà có”, tức là một thân xác và một tâm thức còn khiếm khuyết, thì bất cứ thứ hạnh phúc nào dù lớn lao cách mấy đi nữa thì đến một lúc nào đó cũng sẽ làm phát sinh ra khổ đau, tức là đưa đến mất mát và thất vọng.
Vậy những thăng trầm và biến động là gì ?
Sống trong thế giới Ta bà có nghĩa là phải gánh chịu sự chi phối của các thứ nghiệp ô nhiễm và cả những xúc cảm bấn loạn (klesha) : tức là những yếu tố gây ra rối loạn tâm thần, chẳng hạn như thù ghét hoặc bám víu, là những thứ luôn tìm cách để hành hạ ta. Hãy nhìn thẳng vào thực tế : có phải vì chúng mà ta đã bị lệ thuộc và mất hết tự do hay không ? Hãy lấy một thí dụ, có phải lúc nào ta cũng muốn tạo ra một ấn tượng tốt đẹp với kẻ khác hay không. Và cũng chính vì thế mà chỉ cần một chút gì đó thật nhỏ nhoi : một ánh mắt, một lời nói là cũng đủ làm cho ta nổi giận. Một con người vừa mới đây thật khả ái bỗng vụt mất hết tự chủ và trở nên hung bạo, có thể nói là đáng kinh sợ nữa. Con người ấy có thể không kìm hãm được những lời phát ngôn mà chính họ cũng phải hiểu là không nên thốt ra.
Trên thực tế, khi nào ta vẫn còn bị chi phối bởi những yếu tố bấn loạn thì khi đó ta vẫn chưa có thể nào tạo ra được cho mình một thể dạng hạnh phúc. Các yếu tố bấn loạn sẽ xô đẩy ta vào những hành động mà đáng lý ra ta không nên làm, kể cả trên phương diện thể xác, ngôn từ và tâm thức. Những hành động đó sẽ mang lại cho ta những nghiệp “ô nhiễm” tức là những nghiệp sẽ đưa tới sự tái sinh trong thế giới Ta bà, rơi vào những thể dạng bất hạnh mà ta khó tránh khỏi. Sự xô đẩy ấy hết sức là nghiệt ngã. Phật giáo xác định một cách rõ rệt là ngoài những đau đớn đơn thuần còn có hai thứ khổ đau khác nữa rất tinh tế. Trước hết là sự kiện phải “khổ đau vì sự đổi thay”, nó ẩn nấp phía sau những cảm giác thật thích thú để sau đó đưa ta vào những khổ đau phát sinh từ sự bất toại nguyện và mọi sự mất mát. Kế tiếp là sự “khổ đau tự tại nơi sự hiện hữu trói buộc” của chính mình, nó phát sinh từ những cảm giác trung hòa. Vì loại khổ đau này vượt ra khỏi ý nghĩa thông thường cho nên khó để gọi nó là một thứ khổ đau. Lý do vì chúng là những thể dạng tâm thần thấm đượm những nghiệp thích hợp để làm phát sinh ra những cảm giác thú vị hay khó chịu. Chính vì thế mà các giác cảm trung hòa hiện ra như một cơ sở tiếp nhận hai thứ khổ đau tinh tế trên đây phải được xem đúng thực là một thứ “khổ đau”.
Dầu sao thì cũng phải công nhận một cách minh bạch rằng Phật giáo không phủ nhận cũng không hề gạt bỏ những thứ hạnh phúc thuộc vào thế giới Ta bà. Hơn thế nữa Phật giáo còn chỉ dạy phải làm thế nào để có thể tạo ra những thứ hạnh phúc đó. Phật giáo cho rằng những thứ hạnh phúc này vẫn còn tốt hơn là phải chọn những thứ khổ đau thô thiển, tuy nhiên Phật giáo cũng nhận thấy rằng những thứ hạnh phúc đó còn thiếu sót, không phải là những thứ hạnh phúc trọn vẹn. Một cách vắn tắt, không phải vì chúng là những thứ hạnh phúc thiếu sót mà ta phải chối bỏ chúng. Đó chỉ là cách để nhắc nhở chúng ta không nên đòi hỏi quá đáng những gì mà chúng không thể nào mang lại cho ta được. Sự nhắc nhở đó kêu gọi chúng ta nên thực tế, khách quan : những thứ hạnh phúc thông thường có những mục tiêu hạn hẹp và phù du.
Vậy phải sử dụng phương tiện nào đây để thoát ra khỏi thế giới Ta bà, để tìm thấy hạnh phúc của sự giải thoát nơi cõi Niết bàn ?
Phải quay ngược về những nguyên nhận đã tác tạo ra thế giới Ta bà và tất cả những gì bất lợi do nó sinh ra : đó là những yếu tố bấn loạn trong tâm thức của mỉnh. Bấn loạn này làm phát sinh ra bấn loạn kia : đấy chính là vô minh làm cho ta không hiểu được chính mình là gì. Đó là sự cảm nhận tuy rất tự nhiên nhưng lại rất sai lầm của chính mình : “nắm bắt lấy cái ngã” và nhận thức một cách sai lầm để xem đấy chính là “ta”, chính là “cái tôi”. Cách nắm bắt một cá thể như thế là một khả năng đặc thù của vô minh, ta phải hủy diệt sự nắm bắt đó để tự giải thoát mình ra khỏi thế giới Ta bà. Bởi vì chính từ sự nắm bắt đó đã làm phát sinh ra tất cả mọi thứ khác.
Muốn thực hiện được điều đó không phải chỉ cần lập đi lập lại như một con két rằng “cái tôi không hề hiện hữu, cái tôi không hề hiện hữu,…”. Phương tiện duy nhất theo chúng tôi là phải đẩy sự suy luận ngày càng sâu sắc hơn để tìm hiểu cái ta, cái tôi được cấu tạo như thế nào, để dần dần nhận thức được phương cách hiển hiện của một cá thể. Tất nhiên là một cá thể hiện hữu, nhưng chỉ hiện hữu một cách tương đối, lệ thuộc vào đủ mọi hiện tượng khác. Khi sự nhận thức về hiện tượng tương liên ngày càng minh bạch hơn thì đồng thời nó cũng sẽ làm yếu dần đi sự nắm bắt sai lầm về một cái ngã, và từ đó sự cả tin vào một cái ngã cũng sẽ giảm đi. Rồi đến một lúc nào đó, mọi sự sẽ trở nên thật hiển nhiên, vâng quả đúng như thế, một cá thể hiện hữu nhưng mà nó lệ thuộc. Đến khi đó, vô minh tức là sự nắm bắt sai lầm về một cái ngã sẽ không còn tác hại được nữa. Nó sẽ bị sự hiểu biết về cái mà người ta gọi là tánh không hủy diệt nó – nên hiểu “tánh không” không phải là hư vô, mà chỉ có nghĩa là không có một thực thể tuyệt đối.
Sự hiểu biết đó có cần nhờ vào sự tu tập thiền định hay không ?
Vô minh làm cho ta tin rằng cá thể đang tạo ra ta hàm chứa những đặc tính riêng biệt, tự nó tác tạo ra cho nó một cách tự tại. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng. Thật rõ ràng không thể nào thay đổi từ căn nguyên phương cách suy nghĩ của ta một cách đột ngột được. Không phải chỉ cần đạt được một sự hiểu biết duy lý mang tính cách trí thức về tánh không là đủ để quét sạch sự nắm bắt của cái tôi. Chuyện đó phải thực hiện tuần tự từng bước một.
Trong giai đoạn đầu, sự hiểu biết duy lý sẽ làm suy yếu đi sự nắm bắt cái ngã ; nói một cách khác là làm cho cái ngã bị ốm đau. Vô minh khi đã yếu đuối sẽ mất đi khả năng thúc đẩy ta tích lũy những nghiệp hướng ta vào thế giới Ta bà, tuy nhiên không phải làm được như thế là đã thắng cuộc. Chính vì vậy mà phải cần đến thiền định. Tóm lại thiền định là tập cho tâm thức cảm nhận mọi sự dưới một góc cạnh mới ; trong trường hợp trên đây là sự vắng mặt của một thực thể cá biệt. Điều đó sẽ phá bỏ thói quen của ta về sự quán thấy sai lầm một cái tôi mang tính cách thực thể.
Vây thì từ khởi điểm, sự hiểu biết nhất định còn mang tính cách duy lý, nhưng đến một lúc nào đó nó sẽ trở nên thật hiển nhiên. Và tình trạng ấy có nghĩa là đạt được vô ngã một cách trực tiếp. Cái trí tuệ đó là một công cụ vô cùng quý giá, một phương tiện duy nhất đủ khả năng làm bật gốc và hủy diệt sự nắm bắt cái tôi, sự nắm bắt đó mặc dù là một cảm nhận sai lầm nhưng trên thực tế nó bám rất chặt vào ta. Tuy nhiên, nếu muốn cho sự hiểu biết về tánh không có đủ sức mạnh cần thiết thì nó phải được phát sinh từ một tâm thức thật thăng bằng. Do đó cần phải tập luyện về sự chú tâm để đạt được sự “tĩnh lặng tâm thần” (shamatha) : tức là một mức độ chú tâm giúp vượt lên trên và hóa giải mọi sự xao lãng tinh tế nhất.
Nếu muốn đạt đến cấp bậc tĩnh lặng tâm thần, thì trước đó ít nhất phải khắc phục được sự xao lãng dưới mọi hình thức thô thiển nhất, nếu chưa thực hiện được việc đó thì đừng mong gì có thể bước vào giai đoạn chú tâm. Vì thế nhu cầu cấp bách và tiên khởi nhất là phải tuân thủ một mức độ tối thiểu về đạo đức : khi nào tâm thức còn “xao lãng” có nghĩa là dao động, gây ra bởi sự ham muốn sát sinh, cướp của, nói dối,… hoặc còn thích ba hoa, thì khi đó ta vẫn chưa hội đủ khả năng để chú tâm.
Tóm lại, đạo đức trước hết là giúp ta giữ kỷ cương để tránh không hành động sai lầm và sau đó là để tạo ra một nền móng không thể thiếu sót giúp cho sự chú tâm vượt lên trên mọi hình thức tinh tế nhất của sự xao lãng. Sự thăng bằng phát sinh từ sự chú tâm sẽ làm gia tăng thêm sức mạnh cho trí tuệ để có thể thực hiện mọi sự suy luận. Từ đó sẽ phát sinh sự hiểu biết trực tiếp về tánh không và sự hiểu biết ấy sẽ xóa bỏ vô minh liên quan đến sự nắm bắt một cái tôi.
Đức Phật dạy rằng nếu muốn tự giải thoát ra khỏi thế giới Ta bà thì phải tuân theo ba lời giáo huấn tối thượng như sau : đạo đức, chú tâm và trí tuệ. Khi nào biết noi theo ba lời giáo huấn ấy thì ta sẽ đạt được sự giải thoát cá nhân mà ta hằng mong đợi, có nghĩa là trở thành một vi a-la-hán (arhat) – tức là một chúng sinh tự do không còn bị trói buộc. Trong trường hợp khác nếu ta áp dụng phương pháp ba lời giáo huấn ấy trong mục đích giúp cho tất cả chúng sinh đạt được giải thoát, thì kết quả đạt được sẽ là thể dạng của một vị Phật.
Khi đã đạt được thể dạng giải thoát thì sẽ không còn tái sinh nữa. Nhưng mà nếu không quay lại Địa cầu này nữa và không còn sự nhận biết một cái ngã nữa, thì “ai” sẽ hạnh phúc và ở nơi nào ?
Trong cả hai trường hợp giải thoát, dù là sự giải thoát cá nhân hay là bằng thể dạng Giác ngộ tối thượng của một vị Phật, thì trong cả hai trường hợp, nhận thức cho rằng ta bị hủy diệt là hoàn toàn sai lầm. Không phải một cá thể bị hủy diệt mà là cách nhìn sai lầm về một cá thể bị hủy diệt. Một cá thể thì vẫn hiện hữu sờ sờ ra đó đấy chứ. Chỉ có một sự khác biệt duy nhất là hắn đã lột bỏ được cái vô minh của hắn và những hậu quả liên hệ của nó mà thôi. Hắn sẽ không còn phải gánh chịu khổ đau nữa dù là dưới bất cứ hình thức nào. Hắn được giải thoát có nghĩa là hắn không còn bị bắt buộc phải tái sinh vào cái thế giới thấp này nữa tức là cái thế giới Ta bà này để phải chịu đựng mọi thứ nghiệp và những xúc cảm bấn loạn.
Tuy nhiên còn tùy vào hắn, nếu hắn mong muốn và nếu hắn nhận thấy đấy sẽ là một điều hữu ích, thì hắn cứ tái sinh trở lại với những con người chưa được giải thoát, nhưng riêng phần hắn thì hắn vẫn cứ tiếp tục hưởng thụ cái hạnh phúc lâu dài phát sinh từ sự giải thoát của hắn. Tuy là nói như thế, nhưng khi Đức Phật thuyết giảng thì Ngài luôn luôn chọn lựa những lời giảng huấn thích nghi với người nghe. Do đó mà sinh ra đến bốn hệ thống triết học Phật giáo khác nhau. Theo hệ thống Tỳ bà sa luận (Vaibhashika) thì Niết bàn đơn thuần và giản dị chỉ là một sự tắt nghỉ, tuy nhiên các hệ thống khác không hoàn toàn đồng ý với cách giải thích như thế. Vậy thì trong các trường hợp đó Niết bàn ở đâu ?
Chẳng có ở đâu cả bên ngoài một cá thể. Niết bàn chỉ là một thể dạng cảm nhận của tâm thức mà thôi. Bên ngoài thì chuyện đó [Niết bàn] nhất định là không có. Niết bàn không phải là một thế giới thật xa, hay là một thế giới siêu nhiên, nơi đó có các vị siêu phàm đã được giải thoát sống quay quần với nhau và hoàn hoàn toàn cách biệt với con người thường tình. Thật ra khi một người đã đạt được Giác ngộ thì sẽ tự tạo ra cho mình và trong lòng mình một mảnh đất tinh khiết [Tịnh độ], cũng có thể gọi đấy là một “thiên đường” của riêng mình và chính mình đang an trú trong đó. Tuy nhiên hắn [người đó] vẫn tiếp tục giữ một đặc tính cá thể nào đó. Sự “hòa nhập” ấy [tức là giữa cá thể và cõi Tịnh độ] mang ý nghĩa bình đẳng – trên phương diện phẩm tính, sự hiểu biết, v.v… – nhưng không phải là một sự “thẩm thấu” [tức là không phải “nhập” vào cõi Tịnh độ mà chính mình là cõi Tịnh độ].
Vậy thì chính Ngài, Ngài đã từng tập luyện tâm thức thì Ngài đã tìm thấy một thứ hạnh phúc bền vững hay chưa ?
Trong kiếp sống này, tôi may mắn gặp nhiều cơ hội thuận lợi để học hỏi về Phật giáo và tôi cũng có một cái may mắn thật đặc biệt là được hội ngộ với nhiều vị thầy thật vĩ đại đã ban cho tôi những lời giảng dạy quý giá. Cũng như tất cả những người trong chúng ta đây, tôi cũng phải gặp nhiều khó khăn. Còn lâu thì tôi mới đạt được cái hạnh phúc vững bền, tuy nhiên cho đến nay tôi chưa bao giờ bị khổ đau nghiền nát tôi cả. Có thể biết đâu cũng là vì tôi chưa bao giờ gặp hoàn cảnh phải gánh chịu những khổ đau thật sự ? Tuy nhiên cũng có thể đấy chính là kết quả của một sự hình thành nào đó mà tôi được thụ hưởng.
Trên phương diện thể xác, khi một sự đau đớn phát sinh, tôi vẫn nhận thấy sự đau đớn đó, tuy nhiên tôi vẫn ý thức được rằng đấy là hậu quả của những nghiệp xấu của chính tôi và tôi không để cho nó nghiền nát tôi. Tôi vẫn giữ được trầm tĩnh để suy nghĩ. Trên phương diện tinh thần, đôi khi tôi vẫn có những mối lo lắng, chẳng hạn như có những sự việc không xảy ra như ý tôi muốn, tuy nhiên và đồng thời tôi lại nghĩ rằng đấy chẳng qua là hậu quả của những nghiệp không tốt. Tôi không nghĩ rằng đấy là một sự dửng dưng vô tình, mà đúng hơn là một thái độ sáng suốt trước những gì đang xảy ra. Vì thế tại sao phải bất mãn ? Những gì đang xảy ra đâu phải là một sự “bất công”, đấy chỉ là một thứ gì thật bình thường : khi mọi nguyên nhân hội đủ, hậu quả sẽ phát sinh. Ít ra thì tôi cũng không phải là một kẻ ích kỷ từ bản chất để không cảm thấy liên hệ đến những biến cố đang xảy ra ?…
Để kết luận, thiết nghĩ cũng nên nhấn mạnh đến một điều là tất cả mọi người không phải ai cũng sẵn sàng hướng về những thứ hạnh phúc tối thượng của sự giải thoát. Những phương pháp giúp đạt được các thứ hạnh phúc trong cõi Ta bà cũng có nêu lên trong Phật giáo. Tốt hơn là số đông mọi người nên khởi sự bằng những thứ hạnh phúc này. Những thứ hạnh phúc đó sẽ giúp cho họ thăng tiến dần dần, theo nhịp độ thích nghi của từng người, rồi đến một ngày nào đó ai mà biết được thì người ấy sẽ trở nên tinh tấn hơn để đạt đến mức độ mà họ biết thích nghe đàm luận về sự giác ngộ.
Hoang Phong chuyển ngữ
(Bures-Suy-Yvette, 10.07.10)
(*) Trích trong: Hoang Phong (2010), Một cõi Tịnh Độ trong mỗi chúng ta,
NXB Tôn giáo, Hà Nội, tr 5 – tr 18.
(Theo Phật Pháp Ứng Dụng)