Phật nói một dụ ngôn trong kinh:
Một người đàn ông đi ngang cánh đồng và gặp con cọp. Anh ta chạy, cọp đuổi theo. Chạy đến một vực sâu, anh nắm rễ của một dây leo và nhảy xuống vực. Con cọp đứng trên vực đợi anh. Run rẩy, anh ta nhìn xuống đáy vực, một con cọp khác đang đợi dưới đáy để ăn anh. Chỉ có sợi dây leo đang giữ anh lại.
Hai con chuột, một trắng một đen, đang gặm sợi dây leo. Anh thấy một quả dâu chín mọng gần anh. Một tay nắm sợi dây leo, tay kia anh hái trái dâu. Ngọt ơi là ngọt!
Bình:
• Cọp trên vực và cọp ở dưới vực, tượng trưng cho hai giới hạn của đời người: Cọp sau lưng (trên vực) là quá khứ, hay là sinh ; cọp trước mặt (dưới vực) là tương lai, hay là tử.
Đời người nằm giữa quá khứ và tương lai. Sơi dây leo tượng trưng cho đời người.
Chuột trắng chuột đen là biểu tượng của ngày và đêm, đưa con người dần đến sự chết.
Cuộc sống chỉ tạm thời, và ta nhất định sẽ có ngày chết.
• Thế trái dâu là tượng trưng cho điều gì?
— Khoái lạc tạm thời làm cho ta si mê mà quên mất cái nguy đang gặp? Nếu bạn nghĩ vậy thì cư nhịn ăn chờ chết.
— Cái tươi đẹp thi vị đang hiện ra trước mắt mình? Vậy thì hãy tận hưởng những phút giây hiện tại.
Hãy thưởng thức trái dâu mà cuộc đời cho bạn. Hãy sống “ở đây lúc này” thật tròn đầy.
Đừng lo chuyện không lo được. Trước cọp sau cọp, nếu đến lúc phải chết là ta sẽ phải chết, không cưỡng được, không thể chọn lựa được.
Nhưng trái dâu trước mặt, ta có cơ hội chọn lựa. Một là hưởng mật ngọt của nó, hai là để sợ hãi làm ta không thấy được trái dâu, không hưởng được nó.
Thiền là không lo sợ. An lạc vui sướng với “lúc này ở đây”.
(Trần Đình Hoành)