1. Khác với phần đông các danh nhân dưới thời phong kiến, Nguyễn Công Trứ (1778-1859) thành danh khá muộn màng. Vốn là người thông minh, hiếu học song sau nhiều lần thi trượt, phải đến năm Kỷ Mão (1819), khi đã ngoài bốn mươi tuổi, lứa tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” đã từng trải trường đời và định hình chí hướng, ông mới thi đậu Giải nguyên và được bổ đi làm quan. Điều đó cũng có nghĩa qua suốt bốn chục năm sống ở quê nhà, ông đã nghiệm sinh sâu sắc đời sống thôn dã, hấp thụ đầy đủ truyền thống văn hoá, bản chất và cốt cách người dân đất cổ Giang Đình.
Trong cuộc đời, ông quả là con người lắm tài mà cũng nhiều tật. Cái tài của ông bộc lộ qua việc ông được thăng thưởng, trọng dụng, từng trị nhậm khắp vùng Hải Dương – Quảng Yên, Sơn – Hưng – Tuyên cho đến xứ An Giang – Hà Tiên, từng góp công khai khẩn đất hoang hoá ở các vùng Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Yên…; hoặc có khi làm việc ở Quốc sử quán và chủ khảo trường thi, có khi lại làm việc ở Bộ Binh, Bộ Hình và trực tiếp tham gia chiến trận. Còn cái “tật” thực chất chính là tài năng, bản lĩnh và cốt cách con người ông có nhiều mặt không chịu dung hoà với qui phạm lễ giáo phong kiến, thường xuyên tiềm tàng vượt lên “vòng cương toả”, “vòng danh lợi”… Cái việc từng được thăng thưởng đến chức Tổng đốc, Tham tri, rồi có lúc lại bị “trảm giam hậu” và bị cách chức, bắt làm lính thú lên trấn ở biên thùy Quảng Ngãi; qua hai mươi tám năm làm quan bị giáng chức và cách chức tới năm lần đủ thấy bản lĩnh con người cá nhânNguyễn Công Trứ cao cường đến như thế nào(1)!
Vốn là nhà nho – một nhà nho hành đạo điển hình – nói chung Nguyễn Công Trứ không mặn mà với giáo lý và tư tưởng Phật giáo. Những cảm nhận của ông về Phật giáo nằm trong qui luật “dĩ Nho nhập Thích” của số đông các nhà nho, thể hiện một cách hình dung về cuộc đời có phần tương đồng với Nho giáo và chủ yếu diễn ra ở chặng cuối cuộc đời.
2. Vốn là nhà nho hành đạo thuần thành, trước sau Nguyễn Công Trứ vẫn trung thành với lý tưởng Nho giáo, với khuôn thước và vốn tri thức nơi cửa Khổng sân Trình đã cung cấpvà qui định cho ông:
– Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung(2).
(Bài ca ngất ngưởng)
– Nặng nề thay đôi chữ quân thân,
Đạo vi tử vi thần đâu có nhẹ…
(Nợ nam nhi)
Ngay cả khi gián cách, ly tâm với chính thống, ông chỉ có thể phản tỉnh thoáng qua chứ không đặt vấn đề nghi ngờ, chỉnh sửa, đối lập và càng không nghĩ đến một cuộc đổi thay. Lăn lộn và vật lộn trong chốn quan trường, công danh, hưởng lạc, Nguyễn Công Trứ thức nhận ra mặt trái của Tình cảnh làm quan gắn với những Vinh nhục, Ích kỷ hại nhân, Cảnh ở đời, Trách người đời, Thói đời, Thế tình bạc bẽo… Đối diện với công danh và cường quyền, có lúc Nguyễn Công Trứ cảm thấy bất lực, buông xuôi và tìm lấy một trong ba sáu chước – “chước chuồn là hơn”:
Gớm chết nhân tình thế thái,
Lạt nồng coi chiếc túi đầy vơi.
Trông tốt màu lựa ý theo hơi,
Giọng thù phụng ngọt ngào đủ mực.
Khi giở quẻ sa mày nặng mặt,
Thói đảo điên khủng khỉnh không dời.
Nghe ra thời cũng buồn cười,
Nghĩ lại từ đây phải chạy…
(Nhân tình thế thái)
Nghiệm sinh trong trường đời và rồi chính thực tế cuộc đời đã đưa ông đến gần hơn với Phật giáo, chấp nhận và xác định những giá trị nhân văn của Phật giáo. Đó là cả một quá trình nhận thức lâu dài, không thể coi là dễ dàng với một nhà nho gạo cội như Nguyễn Công Trứ.
Trong nhiều bài thơ viết về một thời “hoạn hải ba đào”, Nguyễn Công Trứ sử dụng nhiều từ ngữ biểu cảm nhận thức, suy tư, suy xét, xét đoán trước lý tưởng hành đạo và chí hướnglập công danh, trước những sự đời – thói đời – người đời – cảnh ở đời – nghĩa ở đời – thế tình – nhân tình thế thái – danh lợi – tạo hóa – tạo vật… Gián cách với quá khứ, có lúc Nguyễn Công Trứ cũng bàng hoàng như Nguyễn Gia Thiều một thủa: Mồi phú quý dử làng xa mã/ Bả vinh hoa lừa gã công khanh… Bừng con mắt dậy thấy mình tay không (Cung oán ngâm khúc). Đo nhìn lại cuộc đời, ông thấy mình phạm nhiều lầm lạc, lỡ bước, lựa chọn sai lý tưởng hành đạo:
– Đám phồn hoa trót bước chân vào…
(Thoát vòng danh lợi)
– Trót đa mang một tiếng anh hào…
(Người và tạo vật)
– Cũng rắp điền viên vui thú vị,
Trót đem thân thế hẹn tang bồng.
(Nợ tang bồng)
– Thôi cũng muốn Nam vô Di đà Phật,
Trót dở đem thân thế hẹn tang bồng.
(Nhàn nhân với quý nhân)
Trong từng đoạn đời, từng cảnh đời, nhà nho hành đạo Nguyễn Công Trứ cũng có lúc nhìn lại, ngoái lại, trông ngang, liếc xéo và chiêm nghiệm đã hay, cho hay, mới hay; dám nghĩ, nghĩ mình, nghĩ lại, nghĩ đâu, nghĩ xa gần, nghĩ trong thế cục; hãy xem, những xem, thử xem, đã xem từng; nghe ra, thấy, Mới hay thiên địa đa tình… Cách nhìn đó giúp Nguyễn Công Trứ tự phản tỉnh, giác ngộ được mặt trái và cả những hệ lụy phiền toái của chữ tình:
– Thôi thôi chơi cũng là chơi vậy!…
Nợ nhà tình vay một trả mười.
Duyên hội ngộ cũng lừa ba lọc bảy…
Đem ngàn vàng mua lấy tiếng cười…
(Trong trần mấy mặt làng chơi)
– Khéo quấy người một cái tinh ma,
Trói buộc kẻ hào hoa biết mấy…
Càng tài tình càng ngốc càng si…
(Vịnh chữ tình)
– Càng tài tử càng nhiều tính ái,
Cái sầu kia theo hình ấy mà ra.
Mua sầu tại kẻ hào hoa…
(Vịnh sầu tình)
Trên tất cả, có lúc ông phản tỉnh, thức nhận, soi nhìn lại con đường công danh, quan lộc:
– Cái vinh nhục nhục vinh là đắp đổi.
(Quân tử cố cùng – I)
– Đem thân thế nương miền toàn thạch,
Trốn đường danh mua lấy cuộc nhàn…
(Con tạo ghét ghen)
– Chen chúc lợi danh đà chán ngắt,
Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao.
Đám phồn hoa trót bước chân vào,
Sực nghĩ lại giật mình bao kể xiết!…
(Thoát vòng danh lợi)
Ông tự biết mình phải sống kiếp chim lồng và biết cách thích nghi, biết cách tìm tự do trong khuôn khổ, biết cách chịu trận trong vòng cương tỏa, biết cách thỏa hiệp với cường quyền, biết cách sống chung giữa chốn trần ai, biết cách làm xiếc giữa những thách đố, biết cách hót lên tiếng oanh vàng trong trói buộc, biết cách mở rộng đường biên trong những ghét ghen, biết cách tìm vui trong danh lợi, biết cách chủ động tìm ra niềm hoan lạc trong cõi đời nhiều hiểm họa, bon chen… Trong chừng mực nhất định, ông tỉnh táo trong cuộc say, đứng cao hơn các chữ Xuất – Xử – Hành – Tàng – Danh – Lợi – Thành – Bại – Vinh – Nhục – Cùng – Thông – Được – Mất – Ân – Oán – Khen – Chê, gián cách mình với thói thường và cao đạo bảo toàn khí tiết:
Vào vòng cương tỏa chân không vướng,
Tới cuộc trần ai áo chẳng hoen.
(Uống rượu tự vịnh)
Đây chính hình mẫu con người tài cao, đạt tới độ thấu suốt lẽ đời, đạt tới diệu đạo đại ẩn, dấn thân nhập cuộc với chốn quan trường, thị thành, danh lợi mà vẫn gián cách, vượt lên, đứng trên mọi chốn quan trường, thị thành, danh lợi… Hơn nữa, Nguyễn Công Trứ cũng có phần đồng cảm với cách nhìn của Phật giáo về thời gian đời người vốn đong đầy bất trắc, mong manh và hữu hạn:
– Khi hỷ nộ, khi ai lạc, khi ái ố, lúc sầu bi,
Chứa chi lắm một bầu nhân dục…
(Chữ nhàn)
– Nhân sinh ba vạn sáu nghìn thôi…
(Đời người thấm thoát)
– Ba vạn sáu ngàn ngày thấm thoát…
(Nghĩa người đời)
– Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy,
Cảnh phù du trông thấy cũng buồn cười.
(Vịnh nhàn)
Nguyễn Công Trứ thử gián cách, đặt mình vào cõi hư vô và đốn ngộ ra mối tệ hại, mê lầmcủa “nhân dục” và những giới hạn của kiếp người “sắc sắc không không”, “sinh ký tử qui”… Trong từng thời đỉểm, từng đoạn đời, Nguyễn Công Trứ chợt tỉnh và thực sự gặp gỡ cách thức quan niệm, hình dung của Phật giáo về kiếp sống đời người.
3. Nguyễn Công Trứ tự ý thức được phận vị con người cá nhân nhà nho trong giới hạn”Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng” nhưng vẫn trổ tài, thị tài và tự khẳng định mình là con người “gồm thao lược”, “nên tay ngất ngưởng”, “dương dương người tái thượng”, “phơi phới ngọn đông phong”, “Trong triều ai ngất ngưởng như ông” và chỉ chịu trách nhiệm với chính mình, nhập cuộc và chịu trận với cuộc đời, vượt qua khuôn thước lễ giáo:
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng,
Không Phật, không Tiên, không vướng tục.
(Bài ca ngất ngưởng)
Tự tôn phong mình là “tay ngất ngưởng” nhưng Nguyễn Công Trứ lại muốn dung hòa, đi về giữa hai thái cực “tay kiếm cung” với “dạng từ bi”, giữa phong cách một đạo sĩ nhẹ bước “gót tiên” với “một đôi dì”, cố gắng tạo nên sự hòa hợp, thỏa hiệp, thỏa thuận giữa Bụt với “ông ngất ngưởng”:
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi!
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì,
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng…
Đặt trong tương quan Nho – Phật – Đạo, nhà nghiên cứu Trương Tửu xác định thái độ cầu nhàn và thoát tục của Nguyễn Công Trứ:
“Đã đi tới chỗ chủ trì quan niệm hư ảo về nhân sinh thì tất nhiên phải có thái độ tiêu cựctrong cuộc sống. Các nhà Nho, khi muốn theo thái độ tiêu cực này, thường vin vào hai hệ thống tín ngưỡng đồng thời với Khổng thị: Phật giáo và Lão giáo.
Phật thì chủ trương xuất thế (tu hành) để diệt dục, lấy khổ hạnh và trầm tư mặc tưởng làm phương tiện. Lão thì chủ trương phóng nhiệm để phiêu dật trong cõi thiên nhiên, lấy nhàn tản vô vi làm kế hoạch. Cái chỗ mà Phật và Lão giống nhau là cả hai đều khởi thuyết ở quan niệm nhân sinh hư ảo.
Các nhà Nho, trong những thời kỳ sa đọa của đẳng cấp đều phải bước vào thế giới Phật, Lão để tìm sự an ủi. Nhưng họ có nhiều khuynh hướng thiên về Lão hơn là Phật, vì nhà Nho đã đến lúc thoát lui thì ưa nhàn tản vô vi và hiếu lạc hơn là khổ hạnh diệt dục. Nhà Nho cầu nhàn không phải để suy nghĩ về đạo lý mà là để hưởng thụ cuộc đời lạc thú. Họ thoát tục không phải bằng tu hành mà là bằng rượu, thơ, cờ, đàn, ả đào, giăng gió, núi sông. Họ có cốt cách giang hồ, cốt cách tài tử hơn là cốt cách khổ hạnh.
Nguyễn Công Trứ cũng cầu nhàn và thoát tục theo lối ấy”(3)…
Nhận xét về mấy câu thơ trong Bài ca ngất ngưởng trên đây, nhà nghiên cứu Trương Chính mở rộng liên hệ và nhận định: Có nhiều người nghiên cứu thơ Nguyễn Công Trứ thấy nội dung khá phức tạp, vừa lạc quan tin tưởng lại vừa bi quan thất vọng, vừa ca tụngcon người hoạt động lại vừa cầu nhàn, vừa đề cao Nho giáo lại vừa ca tụng Đạo giáo, vừa chê những người theo đạo Phật là “không quân thần phụ tử” lại vừa ca tụng đạo Phật là trên trời dưới đất không gì bằng, vừa tự khẳng định mình lại vừa tự phủ định mình… thì cho Nguyễn Công Trứ là một “khối mâu thuẫn lớn” (…). Còn như bản thân Nguyễn Công Trứ thì càng về sau càng đi vào con đường bế tắc. Ông không theo Tiên mà cũng không theo Phật; không dám phủ nhận những nguyên lý của Nho giáo nhưng đã trở thành ngất ngưởng ngông cuồng; ghê tởm cái xã hội phong kiến đầy gian dối, lọc lừa, đổi trắng thay đen, biết mình đi nhầm đường mà không tìm được lối thoát, đành tỏ ra bằng một thái độ khinh bạc ngạo mạn, thách thức công nhiên mọi thứ dư luận(4)…
Nhưng rồi cái điều phải đến sẽ đến. Đã tới lúc Nguyễn Công Trứ không chỉ bất chợt thức tỉnh, đo đếm từng chặng đường đời nữa mà ông tự cảm thấy cần tổng kết lại cả một cuộc đời, đánh giá lại cả một kiếp người. Bây giờ ông có dịp soát xét lại toàn bộ tháng năm quá khứ và chỉ thấy những là “làm con rối mua cười cho thiên hạ”, thấm thía nhận ra cả khoảng trống cũng như những giới hạn và phần nào sự vô nghĩa của kiếp đời khi vừa chạm cõi hư vô. Điều quan trọng hơn, Nguyễn Công Trứ nhìn ra những biến chuyển của dòng thời gianvà tỏ bày tinh thần hòa nhập, hòa giải với thế giới tự nhiên. Cách nhìn này xa gần có phần tương đồng với cảm quan nhà Phật:
Nhật đối nhi tào tự giải di,
Kim ngô bất tự cố ngô thì.
Tùy cơ khối lỗi cung nhân tiếu,
Trực ký niên hoa giới cổ hy.
Lão thực bất kham trang diện mục,
Anh hoa an dụng nhiếm tu tì.
Tự tàm tiên liệt hào vô trạng,
Quái sát Hồng Sơn hữu thị phi.
(Thất thập tự thọ)
(Hàng ngày ta sẽ cùng chơi đùa với trẻ con,
Ta hôm nay không còn giống ta ngày xưa nữa.
Ta theo thời mà làm con rối mua cười cho thiên hạ,
Thấm thoắt nay đã đến tuổi cổ lai hy.
Cái già chân chất không cần phải trau truốt mặt mày nữa,
Vẻ tốt tươi đem nhuộm cho râu tóc để làm gì?
Ta tự lấy làm thẹn chẳng có chút công trạng gì,
Thôi hãy phó mặc cho núi Hồng nói lời khen chê!)
(Bảy mươi tuổi tự thọ)
Thay cho tiếng nói của non Hồng, những người cùng thời đã tỏ ra thấu hiểu, cảm thông với cuộc đời và tính cách Nguyễn Công Trứ. Đại học sĩ Trương Đăng Quế (1794-1865) thấy họ Nguyễn đã tìm đọc sách nhà Phật và giọng thơ thì “giống khóc giống cười” khiến ông trạnh lòng:
Học Thiền chung nhật tọa chi di,
Đồng khế tương phùng thoại cựu thì…
Thế sự nan tòng tâm sở dục,
Hưu vân tạc thị tiếu kim phi.
(Ông lão bảy mươi đọc kinh Phật suốt ngày rồi chống cằm suy nghĩ,
Khi gặp các bạn thân quen hay đem chuyện xưa nói với nhau…
Việc đời ít khi chiều theo ý muốn của ta,
Thôi đừng nên cho rằng trước kia phải và cười nay sai)
Riêng Cao Bá Quát (1808-1855) thì đồng cảm theo một cách khác. Ông từng làm thơ nói rằng từ ngày thoát khỏi tội chết vì chữa bài thi mới tính là ngày sinh ra một lần nữa và rồi lại đem ngay cái ý tưởng ấy chất chính bậc cha chú Nguyễn Công Trứ:
Văn đạo Hồng phong dục hồi thủ,
Khởi ưng lục thập cửu niên phi!
(Phụng họa Kinh doãn Nguyễn công thất thập thọ, thứ vận)
(Nghe nói người muốn quay về ngọn núi Hồng,
Lẽ nào sáu mươi chín năm qua đều là sai cả?)
(Họa bài thơ thọ bảy mươi của ông Kinh doãn họ Nguyễn)
Ở chặng cuối cuộc đời, dường như Nguyễn Công Trứ thực sự có đọc sách nhà Phật, mong tìm được niềm thích thảng nơi cửa chùa và thực sự có ý nguyện tôn tạo nhà chùa, gắn bó với sân chùa cảnh Phật. Nhà nghiên cứu Lê Thước xác định: “Năm Tự Đức thứ hai (1849), cụ vào ở một cái chùa trên núi Cảm Sơn, thuộc xã Đại Nại, gần tỉnh lỵ Hà Tĩnh bây giờ. Nguyên chùa ấy lập ra từ đời Lê nhưng trải qua bao phen gió dập mưa vùi nên đã tồi tàn cũ rích. Lúc cụ còn làm quan, mỗi khi ra Bắc kỳ đi qua đó thường lên núi du lãm, nhân có tự hẹn rằng: “Nếu ta được thỏa chí nguyện của ta thì quyết không phụ cái núi nầy”. Nên khi cụ vừa về hưu, đi qua chỗ ấy, dân xã Đại Nại nhớ lời, ra đón rước xin cụ lưu ở lại, vì thế nay cụ sửa sang chùa ấy lại mà lưu cư luôn. Thường khi các quan chức trong kinh ngoài quận đi qua về lại, ai cũng lên núi vào chùa, hỏi han thăm viếng, dấu xe chân ngựa lúc nào cũng tấp nập ở trước cửa ngoài… Năm thứ tư (1851), cụ ra chơi Bắc kỳ, lúc trở vềtu sửa chùa Viên Quang và chùa Trung Phu tại làng chính quán rồi nhân làm nhà bên cạnh chùa mà ở”(5)…
4. Trong sáng tác của nhà nho Nguyễn Công Trứ cũng thấy thấp thoáng một vài câu chữ ít nhiều liên quan đến Phật giáo
Phật, Di đà, Như Lai, kiếp, duyên, tiền duyên, chùa, tiếng chuông… Và cũng thấp thoángtrong thơ Nguyễn Công Trứ là những cảm nhận về cuộc đời qua nhanh, về nỗi “Đời người thấm thoát”, về những bâng khuâng “Lúc về già”, về tâm trạng khi “Thoát vòng danh lợi” và đến bản tổng kết “Bảy mươi tuổi tự thọ”, ông mới thực sự trải nghiệm qui luật cuộc sống và ngộ ra cái điều hữu lý “sắc sắc không không” trong cốt lõi tinh thần nhà Phật và bừng tỉnh như Nguyễn Gia Thiều: Bả vinh hoa lừa gã công khanh (Cung oán ngâm khúc)… Trên tất cả, nhà nho thuần thành Nguyễn Công Trứ đã có được bài thơ Vịnh Phật thực sự độc đáo.
Thuyền từ một lá vơi vơi,
Bể trần chở biết mấy người trầm luân.
Thiên thượng thiên hạ vô như Phật,
Nhỏ không trong mà lớn cũng không ngoài.
Chiếc thuyền từ một lá vơi vơi,
Vớt chìm đắm đưa lên cõi tĩnh.
Chữ “kiến tính” cũng là “suất tính”,
Trong ống dòm đổ tiếng hư vô.
Kẻ muốn đem nhân kỳ nhân, hỏa kỳ thư, lư kỳ cư,
Song đạo thống hỏi rành rành công cứ.
Bàng y thiên lý hành tương khứ,
Đô tự nhân tâm tố xuất lai.
Bát khang trang chẳng chút chông gai,
Cùng nghiêng ngả một dòng Hà Lạc.
Trong nhật dụng sao rằng đạo khác,
Cái luân hồi chẳng ở đâu xa.
Nghiệp duyên vốn tại mình ra,
Nơi vuông tấc đủ thiên đường địa ngục.
Vì chưa thoát lòng trần mắt tục,
Nên mơ màng một bước một khơi.
Khiến cho phiền muộn Như Lai!…
Bài thơ thể hiện rõ cách cảm, cách hiểu của Nguyễn Công Trứ về Phật giáo. Trước hết, đây là cách hiểu của một người có vốn kiến văn sâu rộng, bao quát nhiều phương diện nội dung tư tưởng văn hóa, kể từ Phật học đến Nho học, Đạo học và chính Phật giáo – xã hộisử. Nội dung bài thơ không chỉ biểu cảm tư tưởng Phật giáo mà luôn mở rộng so sánh, đối sánh với các hệ phái tư tưởng khác – chủ yếu với Nho học. Điều này khiến cho sắc thái chủ thể tác giả thiên về tiếng nói của người ngoài cuộc, ngoại đạo nhận xét về Phật giáo. Thông qua tác phẩm, Nguyễn Công Trứ trình bày những ý niệm cơ bản trong tư tưởng và giáo lý nhà Phật như thuyền từ (thuyền từ bi, ân đức), bể trần (bể khổ, trần cảnh, cõi trần), người trầm luân (người chìm đắm trong bể khổ), cõi tĩnh (Niết bàn), kiến tính (kiến tính thành Phật), hư vô (thực thể của vô vật, vô vi tự nhiên), bát khang trang (bát nhà chùa, nhà Phật), luân hồi (vòng sinh tử), nghiệp duyên (nhân duyên, duyên kiếp), Như Lai (chân thânNhư Lai, đức Phật)…
Trên cơ sở nhận thức khung cốt tư tưởng Phật giáo, nhà nho Nguyễn Công Trứ đem chiếu ứng chữ “kiến tính” với “suất tính” và cho rằng chúng có nội hàm tư tưởng, nội dung và ý nghĩa như nhau. Nói khác đi, chúng có tính tương đồng, nghĩa là “kiến tính” của Phật giáocũng giống như “suất tính” trong Nho giáo!? Trên thực tế, “kiến tính” có nghĩa là thấy rõ được Phật tính trong mình. Sách Ngộ tính luận chép lời Bồ – đề Đạt – ma (?-528): “Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật, giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự”(6). Còn “suất tính” lại có nghĩa: “Cứ theo tính tự nhiên mà không cần uốn nắn, sửa đổi. Quản lĩnh được tính mình, khiến cho nguyên tính phải theo ý chí của mình”(7). Trong thực chất, “kiến tính” và “suất tính” có vẻ tương đồng về phương thức coi trọng sự hồn toàn của bản ngã nhưng lại rất khác nhau về tính mục đích: một bên hướng đến khả năng chuyển hóa về chất, hướng đến hòa đồng với tính Phật, một bên dừng lại ở tính khắc kỷ, vị kỷ, hoàn thiện chính mình. Rõ ràng hai khái niệm này có những điểm khác biệt, không thể tương đồng như nhau, khó có thể qui về một mối.
Trong tư cách nhà nho, Nguyễn Công Trứ tiếp tục đo đếm Phật giáo theo quan điểm Nho giáo, qui theo cách hiểu của Nho giáo, coi Phật cũng dựa theo Nho, đều có nguồn gốc từ “thiên lý” (lẽ trời):
Bàng y thiên lý hành tương khứ,
Đô tự nhân tâm tố xuất lai.
(Nương dựa theo lẽ trời mà có,
Đều từ trong lòng người mà ra)
Không dừng lại ở việc xác định cội nguồn và bản chất Phật giáo theo cách nhìn, cách đánh giá, cách hình dung và thước đo của nhà nho, Nguyễn Công Trứ còn tiếp tục suy diễn về giá trị nhân văn của đạo Phật “bát khang trang” và định danh, bình giá, xếp loại cũng ngang ngửa với việc bói toán của… Hà Lạc (Hà đồ Lạc thư):
Bát khang trang chẳng chút chông gai,
Cùng nghiêng ngả một dòng Hà Lạc.
Cách giải thích về Phật giáo qua Nho giáo như thế có phần khá giống với định hướng/ tình trạng “nhìn Phật giáo qua khoa học” ở không ít công trình nghiên cứu Phật giáo thời hiện đại – đặc biệt rõ ở phái Tây học.
Từ điểm nhìn và thước đo Nho giáo, Nguyễn Công Trứ duy lý quan sát thấy sức mạnhtrường tồn của Phật giáo bất chấp thể chế xã hội, bất chấp việc có người như Hàn Dũ(768-824) từng dâng biểu xin vua nhà Đường bỏ đạo Phật, buộc thầy chùa về làm dân, đốt sách Phật và lấy chùa làm nhà ở:
Kẻ muốn đem nhân kỳ nhân, hỏa kỳ thư, lư kỳ cư,
Song đạo thống hỏi rành rành công cứ.
Vậy mà đạo thống này vẫn được muôn người “công cứ”, tin cậy noi theo. Nguyễn Công Trứ tỉnh táo thừa nhận và ghi nhận sự thật ấy. Tuy nhiên, với cái thước đo “Trong nhật dụngsao rằng đạo khác”, ông vẫn trở lại so sánh, tính đếm giá trị bằng sự tiện ích, nhật dụngthường ngày. Hơn nữa, ngay cái cách ông nhận thức, phát hiện, khám phá, khâm phục, thán phục, đề cao khi diễn giải về “luân hồi”, “nghiệp duyên” và chữ “tâm” – “nơi vuông tấc” lòng người… dường như vẫn có khoảng cách và một sự gián cách nhất định trước cõi Không:
Cái luân hồi chẳng ở đâu xa.
Nghiệp duyên vốn tại mình ra,
Nơi vuông tấc đủ thiên đường địa ngục.
Rút cuộc, Nguyễn Công Trứ thừa nhận căn trần còn nặng, còn mơ hồ, còn nhiều lầm lạc và đích đến cõi Phật Như Lai còn xa vời phía trước:
Vì chưa thoát lòng trần mắt tục,
Nên mơ màng một bước một khơi.
Khiến cho phiền muộn Như Lai!…
Với một nhà nho hành đạo ngang tàng như Nguyễn Công Trứ, chỉ nội một việc hồi thú, hồi đầu, hồi hướng “đáo bỉ ngạn” cũng chứng tỏ sức hấp dẫn của tư tưởng Phật giáo. Nguyễn Công Trứ đã gắn bó gần trọn cuộc đời với cửa Khổng sân Trình và con đường quan chức, ông chỉ có thể đến với nguồn sáng Phật giáo bằng tất cả vốn tri thức và những giới hạnthực có của mình.
5. Lời kết
Cuộc đời nhà nho Nguyễn Công Trứ là cả một sự nối tiếp những tháng năm dấn thân, nhập cuộc không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, trên từng chặng đường đời và đến cuối cuộc đời, ông vẫn phải nhìn lại, tính đếm lại, tổng kết lại tháng năm quá khứ. Chính những thời khắc đó đã cho phép ông có được cách đánh giá, hình dung về cõi đời và kiếp người thông kênh với quan niệm Phật giáo. Nguyễn Công Trứ căn bản là nhà nho hành đạo nhưng hiện tượng “dĩ Nho nhập Thích” ở ông càng soi sáng thêm giá trị nhân văn và chiều sâu minh triết Phật giáo, khả năng hòa giải, dung nạp của Phật giáo đối với các nguồn sáng tư tưởng khác. Đặt trong thế ứng xử với Phật giáo, hiện tượng nhà nho Nguyễn Công Trứ tiếp tục khẳng định tính qui luật của đời sống tinh thần trong thế kỷ XIX, xu thế vừa phân hóa vừa đan xen, giao hòa giữa các hệ phái tư tưởng, đặc biệt giữa Nho giáo và Phật giáo…
PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn (Điểm nhìn)
(1) Tham khảo Nguyễn Hữu Sơn: Nguyễn Công Trứ – “Phải có danh gì với núi sông”. Văn hóa nghệ thuật, số 10-2000. In lại trong Văn học trung đại Việt Nam – Quan niệm con ngườivà tiến trình phát triển. Nxb. Khoa học xã hội, H, 2005, tr.345-360. (2) Thơ văn Nguyễn Công Trứ (Trương Chính biên soạn và giới thiệu). Nxb. Văn học, H, 1983, 168 trang. Các trích dẫn thơ văn trong bài đều theo sách này. (3) Trương Tửu: Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ. Nxb. Hàn Thuyên, H, 1943. Tuyển in trong Trương Tửu – Tuyển tập nghiên cứu, phê bình (Nguyễn Hữu Sơn – Trịnh Bá Đĩnh sưu tầm, biên soạn). Nxb. Lao động, H, 2007, tr.676. (4) Trương Chính: Lời giới thiệu, trong sách Thơ văn Nguyễn Công Trứ. Nxb. Văn học, H, 1983, tr.39. (5) Lê Thước: Sự nghiệp và thi văn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ. Nhà sách Mạc Đình Tư Xb, H, 1928, tr.22-23. (6) Dẫn theo Từ điển Phật họcHán Việt, Tập I (Kim Cương Tử chủ biên). Phân viện Nghiên cứu Phật học Xb, H, 1992, tr.683. (7) Đào Duy Anh: Hán – Việt từ điển giản yếu. In lần thứ ba. Trường Thi Xb, Sài Gòn, 1957, tr.206. (Theo Tạp chí Nghiên cứu Văn học/2009)
(PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn)